Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Điển tích Truyện Kiều - Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông


Kim Trọng về hộ tang chú ở Liêu Dương thì nửa năm sau, chàng trở về đến chốn cũ tìm Kiều, nhìn thấy cảnh đã khác xưa:
Ðầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ vách mưa rả rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày
(câu 2745 đến 2750)


        Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Ðường trẻ tuổi đẹp trai, nhân dự hội Ðạp Thanh đến một xóm trồng toàn hoa đào (Ðào hoa trang), gõ cửa một nhà xin giải khát. Bên cửa cổng, một thiếu nữ thập thò đưa nước cho chàng. Nàng đẹp, duyên dáng, e lệ. Chàng đưa tay tiếp lấy bát nước. Hai bàn tay trai gái chạm nhau. Nàng ngượng ngùng, cúi mặt xuống. Ðôi má hây hây đỏ như đoá hoa đào. Chàng rụt rè, ngượng nghịu đoạn từ giã ra đi.
        Nhưng rồi đèn sách và mộng công hầu không xoá mờ hình bóng giai nhân. Xóm hoa đào và con người đẹp vẫn gợi lên một hình ảnh đầm ấm trong trí não, khiến nhà thơ lãng mạn chan chứa biết bao tình cảm lưu luyến mặn nồng. Rồi năm sau, ngày hội du xuân đến, Thôi Hộ tìm đến xóm hoa đào. Cảnh cũ còn đó nhưng người xưa lại vắng bóng. Cửa đóng then cài. Chỉ có ngàn hoa đào rực rỡ, phe phẩy theo gió xuân như mỉm cười chào đón khách du xuân.
        Ngẩn ngơ, thờ thẩn trước cảnh cũ quạnh hiu, Thôi Hộ ngậm ngùi:
- Hay là nàng đã về nhà chồng?
        Từng bước một, chàng quay gót trở ra. Lòng cảm xúc vô hạn, rồi muốn ghi lại mấy dòng tâm tư của mình, Thôi Hộ lấy bút mực trong bị ra, đề mấy câu thơ trên cửa cổng.
        Chiều đến, nàng thiếu nữ họ Ðào cùng thân phụ viếng người thân trở về. Nàng theo sau cha, chợt nhìn trên cổng thấy bốn câu thơ:
Khứ niên kim nhựt thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong
    Nghĩa:
Năm ngoái ngày này vẫn cửa trong
Hoa đào mặt ngọc gợn ánh hồng
Mặt người nay biết đi đâu vắng
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông
        Nét chữ tinh xảo, ý tứ dồi dào chan chứa một tình cảm đậm đà khiến nàng thiếu nữ họ Ðào cảm thấy lòng xao xuyến và quả tim tình bắt đầu vỗ đập theo một nhịp yêu đương. Nàng ngậm ngùi thở dài, luyến tiếc duyên vừa gặp gỡ lại khéo bẽ bàng.
        Rồi ngày này sang ngày khác, nàng vẫn tựa mình bên cửa cổng mong đợi và hy vọng gặp lại người khách tài hoa xin nước năm xưa. Nhưng ngày lại ngày qua, mấy lần bóng chiều tắt lịm sau dãy đồi xa mà bóng người xưa chẳng thấy, chỉ thấy vài cánh chim chiều lẻ bạn, bạt gió từ ngàn phương kêu bạn đổ về với một giọng não nùng.
        Rồi từ đó, nàng bỏ ăn bỏ ngủ, thân hình tiều tuỵ, dung nhan võ vàng. Thân phụ nàng ngày đêm lo lắng, tìm thầy thuốc thang nhưng vô hiệu.
        Biết không sống được, nàng đành thuật lại tâm sự của mình cho cha già và xin tha tội bất hiếu. Nhìn đứa con thiêm thiếp trên giường bệnh như chờ đợi tử thần, ông lão thương con, nóng lòng  chạy tìm người đề thơ trên cổng. Nhưng hạc nội mây ngàn, tìm đâu cho thấy.
        Người cha đau khổ ấy bối rối, cứ chạy ra chạy vào, lòng mang một mong mỏi yếu đuối. Trong giờ phút cuối cùng, mong gặp chàng thi sĩ trẻ tuổi xa lạ đã gây sóng gió, bão tố trong gia đình ông, thì giờ phút này, ông cho là một vị cứu tinh của gia đình, nên ông lại chạy tìm nữa. Ông chạy tìm một cách cầu may!
        Vừa ra khỏi cổng nhà một quãng, bỗng chạm phải một người, ông ngẩng mặt nhìn. Ðó là một thư sinh tuấn tú. Thấy ông mặt mày ràn rụa nước mắt, cử chỉ hốt hoảng, chàng thư sinh lấy làm lạ hỏi. Ông vừa bươn bả đi vừa kể lể thành thực sự tình. Nghe kể chưa hết câu chuyện, chàng thư sinh bỗng bưng mặt khóc. Ông lão bấy giờ lấy làm ngạc nhiên, chưa kịp hỏi rõ thì chàng thư sinh nói:
- Tôi là Thôi Hộ, người đã đề thơ trên cổng...
        Ông lão mừng rú lên, rồi lôi xềnh xệch chàng vào nhà, đưa thẳng đến phòng.
        Nhưng người thiếu nữ vừa trút hơi thở cuối cùng.
        Nhìn người mang nặng tình yêu đã vì chàng mà phải vóc liễu tiều tuỵ, chết một cách đau đớn, chàng quá cảm động, quỳ bên giường, cầm lấy tay nàng. Chàng áp mặt chàng vào mặt nàng, khóc nức nở... không ngờ nước mắt và hơi ấm của chàng thi sĩ rỏ trên mặt và ủ ấp người nàng có mãnh lực kỳ diệu thế nào, khiến nàng từ từ mở mắt ra, đăm đăm tha thiết nhìn chàng. Nàng thiếu nữ Ðào Hoa trang sống lại, và kết duyên với chàng thi sĩ tài danh Thôi Hộ.
"Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông"
Năm năm trước có người có hoa đào
Năm nay vắng người chỉ còn có hoa đào
        Hoa đào còn đó phe phẩy trước gió như cười với gió. Cảnh cũ nhưng lại vắng người xưa, nhà thơ Thôi Hộ đã ghi lại xúc cảm của mình bằng bốn câu thơ. Liêu Dương cách trở nửa năm, Kim Trọng quay lại tìm người yêu thì người yêu vắng bóng, trước cảnh đìu hiu, quạnh quẽ, hoa đào vẫn mơn mởn tươi cười
Sao lại có hoa đào cười?
Sao lại có nụ cười ở đây?
        Nhìn người đương buồn bã đau khổ mà lại cười, phải chăng là nụ cười vô duyên đến quái dị!
        Trước cảnh bất công của xã hội, giữa lúc nơi lầu son gác tía lại rượu thịt ê hề, thừa thải đến hôi thối thì ngoài đường xương kẻ chết vì đói lạnh chất chồng phơi trắng ra, Ðỗ Phủ, một thi hào đời nhà Ðường cực tả bằng hai câu:
Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt
        Hai cảnh tượng tương phản.
        Tình cảm thương nhớ, hy vọng của Kim Trọng mong gặp lại Kiều ở một nơi mà ngày xưa được gọi là "thiên thai", "động Ðào"... thực hạnh phúc biết mấy; thế mà nay "vách mưa rã rời""rêu phong mặt đất"... thì cái tình cảm hy vọng đột nhiên trở thành tuyệt vọng. Cực tả trạng thái tình cảm tuyệt vọng này, tác giả dùng lối nhân hình hoá với thế tương phản "hoa đào cười" thì không còn gì tuyệt diệu hơn là làm tăng nỗi đau đớn, tuyệt vọng thêm lên.
        Tác giả Truyện Kiều dùng điển tích bằng hai câu thơ cuối của Thôi Hộ, nhưng không phải làm một việc "nhai lại" mà vốn chuyển hoá điển tích này một cách có khác hơn để phù hợp với hoàn cảnh, tâm tình của Kim Trọng có một ý tình khá sâu sắc.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong
(Mặt người nay biết đi đâu vắng
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông)
        Với Thôi Hộ, thì "người không biết đi đâu" tức tác giả nhận định tình trạng dĩ nhiên như thế một cách khách quan. Và, "hoa đào như cũ, cười với gió đông" tức tả cái cảnh thấy đó, chớ thiếu hẳn một ý tình chứa chan sâu sắc.
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
        Ðối với Nguyễn Du, qua những từ "trước, sau, nào" đã cho ta thấy một hình ảnh của một con người đương chăm chú, để ý nhìn trước nhìn sau tìm kiếm, cuối cùng hoàn toàn tuyệt vọng... nào thấy bóng người xưa. Và, những từ "năm ngoái", "còn" khiến cho người đọc có thể nhận thức được chàng Kim nhìn hoa đào cười mà chỉ thấy hoa đào năm ngoái là cái hoa đào có Kiều đứng ở bên còn đó, và nụ cười của người yêu xưa cùng với hoa đào xưa, sao nay chỉ còn có hoa phe phẩy nụ cười với gió... Trong một thời gian ngắn ngủi xa cách mà hoa vẫn còn đó nhưng người xưa lại đâu rồi!
        Có khác hơn nhà thơ Thôi Hộ, tác giả Truyện Kiều tả cảnh phối hợp tình, nhưng đi sâu vào tâm tình của đối tượng với tính chủ quan hơn. Tuy cùng mong nhớ một giai nhân, nhưng mối tình của nhà thơ Thôi Hộ đối với cô gái vườn đào không giống mối tình giữa chàng Kim và nàng Kiều. Tình cảm mong nhớ một giai nhân không giống được tình cảm mong nhớ một tình nhân. Mối tình đầu giữa chàng Kim và nàng Kiều đã gắn bó, đương gắn bó.... mà điều này Thôi Hộ chưa có- nên đã tạo được một tình cảm sâu sắc biến động trong tâm tư trước cảnh vật, tất nhiên chất liệu của thơ đã được phát huy- hay tiếng lòng của đương sự đã được rung động với một nhịp độ dồn dập lên cao. Tác giả cực tả cái trạng thái tình cảm và tâm lý chủ quan này.
        Bài thơ của Thôi Hộ cũng như của bao nhiêu bài thơ trữ tình khác. Nhưng sở dĩ còn được người đời nhắc nhở, truyền tụng phải chăng một phần lớn quyết định là do bút pháp điêu luyện, sáng tạo của tác giả Truyện Kiều tạo nên. Cũng như không có tác phẩm Ðoạn trường tân thanh hay Truyện Kiều của Nguyễn Du thì quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Hoa, hẳn không ai tìm biết làm gì?
        Mượn của người xưa mà không làm nô lệ của người xưa, trái lại làm sáng danh cho người xưa mới thực là tuyệt diệu.
        Tuy nhiên, ở đoạn miêu tả này có điểm đem lại nhiều thắc mắc. Tác giả Truyện Kiều đã xác định:
Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà
Vội sang vường Thuý dò la
Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa
(câu 2741 đến 2744)
        Như vậy, chỉ thời gian trong vòng nửa năm mà gia đình của Vương ông (đã vắng Kiều) lại tàn lụi đến thế sao? Phải chăng đây là một kẽ hở còn có thể phê bình được.
        "Ðiển tích Truyện Kiều" chỉ chú trọng về điển tích và chỉ phát triển hay giải thích ý nghĩa sự việc có liên hệ đến phần điển tích, chớ không phê phán đi sâu vào những sự kiện do tác giả Truyện Kiều sắp xếp trong truyện. Những điểm trên được trích lại, xin làm tư liệu cho phần tham khảo được phong phú, ngoài phạm vi của quyển biên khảo này. Hay nhà thơ giàu cảm nhìn cảnh vật bằng tâm hồn, và đây mới là cái thực chất đặc biệt của nhà thơ?
(theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét