Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan(Câu 709 và 710)
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan(Câu 709 và 710)
Nói về tình, người ta thường dùng "tơ tình" (tơ tình đứt ruột lửa phiền cháy gan), "mối tình" (nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây)... Những tơ, mối này kết tụ lại làm một, cô đọng thành khối tức "khối tình", thường để chỉ tình chung thuỷ giữa trai gái. Dùng tơ, mối có thể hình dung được cái tính chất của ái tình có sức mạnh giăng mắc, vướng víu.... như một ngó sen đã gãy mà tơ còn dính (ngẫu đoạn ty liên), và khi chúng kết tụ, cô đọng thành khối thì chất lượng càng cao, càng cứng càng nặng.
Người xưa lấy vật gì làm hình dung cho "khối tình" này?
Tại vùng Trúc Giang xưa ở Trung Hoa có một chàng lái buôn tên Quan Diệp Nhược yêu một thôn nữ tên Tần Thuý Hải. Cả hai yêu nhau tha thiết. Họ chờ ngày làm lễ thành hôn.
Quan Nhiệp Nhược phải đi buôn xa... Mỗi chuyến đi có cả hàng tháng. Và, mỗi chuyến đi như thế, chàng đều có hẹn ngày về. Ðúng ngày, nàng ra bến đón người yêu, thì lần nào chàng cũng đúng hẹn cả.
Thời gian xa nhau không lâu nhưng cả hai cảm thấy dài dằng dẳng, nỗi nhớ mong vẫn canh cánh bên lòng. Nhưng vì sự nghiệp để xây dựng gia đình được hạnh phúc, họ đành chịu đựng và cầu mong ngày sum họp nên duyên chồng vợ.
Mùa thu năm ấy, ngô đồng vừa rụng lá, Quan Diệp Nhược lại phải từ giã tạm chia tay cùng người yêu, lên đường sang Hồ Bắc buôn châu bán hợp với mấy người bạn. Cũng như thường lệ, nàng Tần ra tiễn. Chàng hẹn ngày này tháng sau trở về. Và, lần trở về này sẽ làm lễ thành hôn, đã có chút vốn liếng làm ăn ở địa phương, không phải đi xa nữa.
Nhưng chuyến này lại khác.
Ðến ngày hẹn, nàng Tần trang điểm, lòng hớn hở như nở hoa ra đón người yêu. Nàng mỏi mắt trông chờ suốt ngày đêm mà không thấy dạng chiếc thuyền buôn cũ đưa chàng trở về. Rồi ngày này sang ngày khác, mấy lần thu qua đông đến, nàng mỏi mòn mong ngóng đợi chờ nhưng bóng người yêu xưa chẳng thấy, tin tức cũng vắng bặt. Hay là chàng đã bỏ thân nơi đất khách quê người? Nàng đau đớn sống trong nỗi sầu thương mong nhớ. Rồi một ngày đông lạnh lẽo, tuyết rơi phủ trắng đầy trời, nàng Tần trút hơi thở trên giường bệnh.
Theo tục ở địa phương, những gái tiết trinh chết được hoả táng thi hài. Lửa đã đốt cháy thân xác nàng Tần thành tro, nhưng khi người ta bới đống tro tàn lạnh lẽo ấy, bắt gặp một quả tim đóng thành một khối long lanh như ngọc. Mọi người đều lấy làm lạ, cho nàng có một mối tình ẩn ức chi đây nên mới kết đọng thành khối.
Nhưng rồi, một hôm Quan Nhiệp Dược trở về. Sở dĩ chàng sai lời hẹn ước vì gặp phải tai nạn bất ngờ. Ngày về giữa đường, chàng bị bọn cướp chận đón cướp cả tiền bạc, thuyền bè. Một người bạn bị chúng giết, mấy gã chèo thuyền bỏ chạy tán loạn. Thế là chàng phải lênh đênh phiêu bạt, lại lâm trọng bệnh phải nương náu ở một ngôi chùa, tưởng phải bỏ xương nơi đất khách.
Cảm thương người yêu vì quá thương nhớ, lo sợ cho anh mà chết, Quan Diệp Nhược lấy làm đau đớn vô cùng. Chàng cầm lấy quả tim thành ngọc của người yêu mà khóc nức nở. Lạ thay, nước mắt của chàng rỏ xuống trên viên ngọc thì ngọc lại dần dần tan ra hoà theo giọt nước mắt của chàng.
Cổ tích Việt Nam cũng có chuyện:
Trương Chi là một chàng chèo đò.
Trương có giọng hát hay, có lúc thâm trầm, có lúc lảnh lót... với một tâm hồn nghệ sĩ. Những khi hoàng hôn vừa tắt sau dãy đồi xa, bóng đêm bao phủ không gian, lửa chài le lói trên mặt nước sông, thì trên con đò bồng bềnh trôi xuôi theo dòng, Trương lơi mái chèo, mơ màng cất tiếng hát. Giọng chàng trong trẻo, thánh thót... như giọng hót của chim sơn ca vào buổi bình minh.
Tiếng hát của Trương Chi đồng vọng rót vào lầu tây của một quan Tể tướng, làm động lòng của nàng trinh nữ Mỵ Nương. Rồi, mỗi đêm, nàng đứng tựa bên song cửa lầu, lắng nghe tiếng hát của chàng từ xa vẳng lại. Tiếng hát có mãnh lực quyến rũ, làm say sưa lòng xuân phơi phới của nàng. Một mối tình thầm kín, sâu xa bắt đầu nảy nở của một tiểu thư đài các đối với chàng chèo đò nghệ sĩ ngày càng thắm thiết.
Có đêm vắng tiếng hát của Trương Chi, Mỵ Nương bàng hoàng, cảm thấy một nỗi nhớ nhung đè nặng trong tâm tư. Nàng mang một mối tình câm lặng. Nàng mắc phải bệnh, ngày càng trầm trọng, thuốc thang không chữa được. Chỉ mỗi lần có tiếng hát ngoài sông văng vẳng vọng vào thì bệnh nàng đỡ được đôi phần.
Biết con gái cưng say mê tiếng hát của chàng chèo đò, quan Tể tướng bất đắc dĩ phải dời Trương Chi đến, vì chỉ có chàng mới chữa được bệnh của con.
Trước, với giọng hát trong trẻo, thánh thót làm rung động lòng người, Mỵ Nương tưởng tượng người hát phải là một trang tuấn tú. Vì chỉ có người như thế mới có giọng hát như thế. Nhưng khốn thay tạo vật đố toàn, cho được cái này thì rút mất cái khác, Trương Chi không phải là một con người như Mỵ Nương tưởng tượng qua giọng hát thánh thót, trong trẻo, thâm trầm.
Chàng nghệ sĩ chèo đò Trương Chi vai u thịt bắp, nước da đen đúa... Chàng xấu người quá. Mỵ Nương trông thấy chán nản, thất vọng nhưng bệnh dần lại khỏi hẳn.
Tưởng rằng đòi đến sẽ được thành duyên cùng người ngọc, lòng như mở cờ, không ngờ chán chường nỗi tủi nhục, Trương cực kỳ đau đớn, uất ức thành bịnh nặng. Cuối cùng, Trương chết.
Ba năm cải táng, da thịt của Trương đều tan rã. Chỉ còn quả tim đọng cứng lại thành viên ngọc rất đẹp. Có người đem dâng viên ngọc quả tim đó cho quan Tể tướng. Thấy viên ngọc to và đẹp, Tể tướng cho tiện thành chén uống trà.
Mỵ Nương lấy chén ngọc rót nước uống. Vừa nâng chén lên thì trong nước thấp thoáng có bóng hình người, vả lại có tiếng hát văng vẳng đâu đây. Mỵ Nương nhìn kỹ quả là hình bóng của Trương Chi, chàng chèo đò giàu tính nghệ sĩ, nàng đau đớn quá, ôm chén ngọc, nức nở. Nước mắt của nàng rỏ xuống chén ngọc làm chén ngọc dần dần vỡ tan theo giọt nước mắt của nàng.
"Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan" vì khi còn sống, "nợ tình chưa trả" được thì khi đến chết, tình kia vẫn còn canh cánh bên lòng (tình đã đặc thành khối) không tan mất được. Kiều đã cùng Kim Trọng thề nguyền "tóc mây một món dao vàng chia đôi", coi như một món nợ giữa nhau; nay Kiều vì gia biến, nàng không giữ vẹn được lời thề để thành nên đôi vợ chồng tức là nàng chưa trả được nợ. Như vậy thân dầu có chết đi, nhưng món nợ tình ấy vẫn còn đeo đẳng, không bao giờ tan.
Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu cũng có câu:
Hay là thuở trước bậc tài danh
Ðôi đôi, lứa lứa cũng linh tinh
Giận duyên tủi phận, hờn ân ái
Ðất khách nhờ chôn một khối tình(Thăm mả cũ bên đường)
(theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét