Chị vẫn thường than thở với
anh:
- Căn gác xép gì mà tối
om. Quanh năm suốt tháng chỉ với màu đỏ chót của chùm bóng đèn quả nhót. Đã thế
lại có tận năm trang thờ. Mỗi khi mùng một, ngày rằm là tốn một mớ tiền mua đồ
cúng. Mỗi lần lên thắp nhang là em lại thấy rợn cả người. Chị nói bằng cái giọng
khó chịu, khuôn mặt biểu cảm khiến anh bật cười. Rồi chị bàn với anh:
- Hay là mình mua tấm ván
về chắn cái cầu thang lên xuống. Như thế có phải tốt hơn không anh nhỉ? Anh
nhìn chị, thong thả đáp:
- Em đừng nên nghĩ thế.
Nhà mình thuê trọ thì cũng nên xem như nhà của mình. Chuyện hương khói cho ông
bà tổ tiên trong nhà mình ở là chuyện nên làm. Hồi mình mới chuyển đến, căn nhà
để lâu ngày lạnh ngắt. Vậy mà chỉ mấy bữa sau, nó trở nên ấm cúng trở lại vì
mình thường xuyên nhang khói. Anh còn nhớ thời gian đầu chuyển đến, em rất sợ
phải ở một mình nên buổi tối phải nhờ mấy cô bé hàng xóm đến ngủ cùng mỗi lần
anh đi công tác. Vậy mà bây giờ em có thể ở nhà một mình khi không có anh. Nghe
chồng nói, chị bần thần. Anh luôn là người gieo vào lòng chị niềm tin, những điều
tốt đẹp qua những câu chuyện thường ngày.
Anh ôm mớ quần áo ngoài phòng
tắm vào móc lên cái dây cột dọc theo đường luồng trong nhà. Chị lom khom cúi
vét từng ca nước từ nền nhà đổ vào chậu bưng đi đổ. Ngày mưa đến, nền nhà chị lại
được giàn trận bởi xoong, nồi, thùng, chậu hứng nước. Tiếng lộp bộp, tong tong,
keng keng đã trở nên quen thân với gia đình chị mỗi khi nước mưa dột xuống. Chị
nhìn qua cửa sổ, nơi những song sắt đã hoen ghỉ, mưa vẫn không ngừng xối xả. Đã
gần nửa tháng nay, chuyện mưa lũ vẫn là vấn đề được nói đến nhiều nhất trên các
phương tiện thông tin đại chúng cũng như lời bàn tán của mỗi người dân. Mưa lớn
kéo dài. Ven thị xã, nhiều nơi nước ngập lênh láng. Giao thông bị đứt đoạn. Có
những thôn xã bị cô lập hoàn toàn. Thiệt hại về người và vật chất không kể xiết.
Chợt nhớ ra điều gì, anh
liền bước ra gian nhà ngoài rồi lại bước xuống:
- Hôm nay là ngày rằm.
Mưa gió chẳng chợ búa gì được. Em sang cửa hàng tạp hóa mua lấy hộp bánh về thắp
hương cho ông bà nhé! Chị ngẩn người:
- Em quên mất. Để em sang
mua liền.
Vài người hàng xóm đứng
xúm xít trước cửa hàng tạp hóa. Họ bàn tán sôi nổi, nghe có vẻ nghiêm trọng về
tình hình mưa lũ. Thấy chị đến, họ xôn xao:
- Cô biết tin gì chưa? Nước
lũ có khả năng dâng cao gây ngập lụt. Chúng tôi mua đồ để đề phòng. Cô cũng nên
mua đi!
- Dạ. Chị tham gia vào
câu chuyện của họ một lúc, sau đó ai về nhà nấy. Trên tay chị lỉnh kỉnh nào
bánh, nào trứng vịt, nào muối mắm,... Đường trở nên vắng người. Thi thoảng, vài
cái xe máy hay xe tải vụt qua gấp gáp rồi nhường chỗ cho tiếng mưa ào ạt, tiếng
gió rít từng cơn lãnh lẽo.
Chị móc cái dù lên đinh
treo tường rồi lên gác xép bật điện, quét dọn, thay nước và thắp nhang cho từng
trang thờ. Chị khấn lẩm nhẩm trong miệng. Khói nghi ngút với những vòng xoáy cuốn
lấy nhau từ từ bay lên lởn vởn. Gian gác xép rộng khoảng ba tấm chiếu đôi, sàn
gỗ. Một phần ba diện tích dành để kê tủ thờ. Cạnh đó là cái giường đơn đặt sát
tường đầy bụi bặm. Nó là nơi ngủ của thằng con đầu của cô chủ nhà mỗi dịp về
thăm nhà hay ăn tết. Dưới gầm giường là bao nhiêu đồ đạc, nào cây phơi quần áo,
nào thùng, chậu, bát đũa,... của nhà chủ. Các góc tường là rương gỗ, va li đựng
quần áo, sách vở cũ của anh chị để lên đây từ ngày dọn đến. Những lần khác, chị
thắp nhang xong là sẽ xuống liền vì cảm thấy có một chút gì đó sờ sợ. Lần này,
chị nán lại quét, hốt bui bặm bám trên giường và đồ đạc xung quanh. Tự nhiên, chị
thấy mình như đang đứng trên gác xép của gia đình mình.
Bữa cơm của cả nhà cả tuần
nay nay di chuyển lên giường, nơi duy nhất không bị mưa dột tìm tới. Anh chị và
hai con gái vừa ăn cơm vừa xem thời sự. Lại là tin lũ. Mực nước dâng lên đến mức
báo động ba, nguy cơ vỡ hồ chứa nước rất cao. Việc sắp xếp đồ đạc như thế nào khi
nước lũ đến trở thành đề tài chính của cả nhà. Hai con gái, đứa lên sáu, đứa
lên ba có vẻ thích thú khi nghe ba mẹ chúng nói về việc nước lũ vào nhà. Chúng
tíu tít hỏi đủ thứ với vẻ mặt hồ hởi:
- Khi nào nước vào nhà
mình hả ba? Cô em còn ngây thơ cứ hỏi đi hỏi lại chị:
- Sao mãi mà chưa thấy nước
ngập vào nhà mình hả ba? Rồi hai đứa con của anh chị thi nhau bàn về chuyện sẽ
được lội nước, được bắt cá trong sự hào hứng của con trẻ.
Mười hai giờ đêm, anh chị
vẫn không thể chợp mắt. Bỗng tiếng loa phát thanh từ xa vọng lại. Chị bật dậy
khỏi màn ra mở cửa nghe ngóng. Đài truyền thanh phường cho xe phát thông báo giữa
đêm khuya, chắc là chuyện quan trọng. Ngó ra ngõ, chị thấy một số cánh cửa khác
cũng kèn kẹt mở toang. Tiếng của cô phát thanh viên mạnh mẽ, dứt khoát: Hiện
nay mưa lớn kèm với xả hồ có khả năng gây ngập lụt trên diện rộng, bà con gấp
rút lo giữ gìn tài sản, tính mạng và di chuyển đến nơi an toàn... Chị nhìn anh.
Anh nhìn một lượt ngôi nhà trọ, ngôi nhà có nền ngang mặt đường và thấp dần vào
trong.
- Làm thế nào đây? Anh
nghĩ đến mấy cái giá sách bằng gỗ ghép tổng cộng đến cả nghìn cuốn đặt ở gian đầu
nhà. Rồi máy lọc nước, tủ lạnh, giàn máy tính, cả hai cái bàn làm việc của anh chị
cũng bằng gỗ ép, và quần áo, đồ đạc khác nữa chứ…! Khuôn mặt anh biến sắc. Chị
nhìn ra bóng đêm mờ mịt. Nhà nhà sáng choang ánh điện. Tiếng người hối thúc, tiếng
đồ dạc di chuyển qua lại lạch cạch,... Thấy vậy, anh chị cũng hối hả dọn đồ.
- Giờ chỉ còn căn gác xép
thôi. Miệng anh nói, tay anh làm. Tất cả đồ đạc quan trọng được hai vợ chồng thức
trắng đêm để khuân vác.
Sáu giờ sáng, nước lũ bắt
đầu tràn lên mặt đường. Nước ồ ạt đến mức chỉ một tiếng sau, nó đã nhấn chìm
con đường chính của thị xã. Ngôi nhà trọ của anh chị, nước tràn vào rất nhanh.
Điện cúp. Hai đứa con của chị thích thú lội nước đùa nghịch. Anh ái ngại thở
dài nhìn ra con đường nhựa trước nhà đã biến thành sông. Bao nhiêu rác rưởi nối
nhau trôi theo dòng nước xiết. Những khuôn mặt u ám, ảm đạm đứng tựa cửa nhìn
ra lo lắng đến mức giường như chẳng ai nói với nhau một điều gì. Cái im lặng đáng
sợ. Chưa bao giờ nước lũ lớn như thế. Khi nước trong nhà đã lên đến giữa bụng
chân, anh bế hai con lên căn gác xép, nơi đống đồ đạc đang bày la liệt. Sắp xếp
cho con có chỗ ngồi, chị thắp lên cây nến cho sáng hơn rồi bật bình ga nấu mì
tôm cho cả nhà ăn trên gác.
Anh bần thần nghĩ đến những
người dân quê vùng trũng. Nhà bị cuốn trôi. Trâu bò, gà lợn bị chết. Ruộng đồng
mất trắng. Ngay cả một chỗ khô ráo cũng không có mà đứng. Rồi anh quay lại nhìn
chị và hai con:
- Mình có chỗ ăn chỗ ngủ thế
này là may mắn rồi! Thôi, cả nhà ăn đi! Chị dạ một tiếng, giọng trầm hẳn.
Nước ngập trong nhà gần một
mét. Ngoài đường, tiếng ô tô chở theo ca nô đi cứu trợ ồ ồ chạy qua khiến sóng
nước ập vào cánh cửa gỗ càng mạnh. Những xe ô tô tải chở hàng cứu trợ rồi xe chở
bộ đội đi giúp dân cứ thế qua lại liên tục. Thi thoảng, anh chị lại thay phiên
nhau xuống để theo dõi mực nước lũ.
Gần sáng, chị vẫn không
thể nào chợp mắt. Chẳng biết nước khi nào mới rút. Anh lò dò soi đèn pin bước
xuống cầu thang. Gọng anh vui vẻ:
- Nước đang rút em ạ. Chị
không tin nên cũng bước xuống, hướng mắt vào ánh đèn anh soi. Chị mừng quýnh:
- Lạy trời, đúng rồi. Mong
nước sẽ rút nhanh.
Sáng ra, nước trong nhà
đã rút hết. Cả khu phố rộn lên như một công trường đang xây dựng. Nhà nào nhà nấy,
người ra người vào, í ới, loay hoay dọn dẹp. Hướng cái nhìn lên căn gác xép nhỏ bé, nơi hai cô
con gái vẫn còn trong giấc say nồng, anh chị cảm thấy yêu căn gác xép, yêu ngôi
nhà mình đang ở biết chừng nào. Chị nhanh nhảu quét dọn, lau chùi lại nền nhà.
Anh vui vẻ sắp xếp lại đồ đạc như cũ. Những tia nắng ban mai đầu tiên sau cả tuần
mưa lũ đã bắt đầu lấp ló chiếu qua ô cửa sổ vào nhà như trêu đùa.
(Lê Thị Xuyên)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét