"Văn tế
nghĩa sĩ Cần Giuộc” là đỉnh cao sáng tác của nhà thơ
mù Nguyễn Đình Chiểu bởi nó biểu hiện cao độ nhất, sâu sắc nhất tư tưởng yêu nước
thương dân của ông. Với lòng cảm thương và khâm phục chân thành, nhà thơ đã xây
dựng nên một tượng đài nghệ thuật bất hủ về người anh hùng nghĩa sĩ nông dân
trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Có thể nói bài Văn tế là khúc ca bi
tráng ca ngợi người nghĩa sĩ nông dân đã xả thân vì sự tồn vong của đất nước.
Vẻ đẹp đầu tiên ở họ là tinh thần tự
nguyện đánh giặc, vốn là những người “dân
ấp dân lân”, quanh năm “cui cút làm
ăn”, “toan lo nghèo khó” nên họ biết thân phận nhỏ bé, hèn mọn của mình
trong xã hội. Việc lớn nhất mà họ phải lo là làm sao đóng thuế đóng sưu cho đủ.
Việc nước non là của vua chúa và triều đình phong kiến ở tận trên cao. Nay quân
xâm lược gieo rắc tanh hôi đã ba năm mà mặt mũi quan quân chẳng thấy đâu. Triều
đình chia rẽ năm bè bảy mối chỉ có vài người chủ chiến, còn phần lớn là hèn
nhát chạy dài trước tàu to súng lớn của thực dân Pháp.
Cảnh tượng ấy khiến tầng lớp dân đen con đỏ
không thể bịt mắt làm ngơ. Lòng yêu nước hun đúc từ nghìn xưa sôi sục trong huyết
quản, thôi thúc họ tự nguyện đứng lên đánh giặc:
“Nào đợi
ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi,
chuyến này dốc ra tay bộ hổ.”
Không cần đợi lệnh trên, họ xung phong
làm công việc cực kì trọng đại, cực kì khó khăn nguy hiểm là “đoạn kình”, “bộ hổ” (chém cá kình, bắt
hổ), tức là đánh lại quân giặc hung dữ và mạnh hơn mình gấp trăm lần.
Vẻ đẹp thứ hai của họ là tinh thần dũng
cảm, dù biết trước là sẽ hi sinh nhưng không hề nao núng, vẫn một lòng ra sức,
ra tay, dâng sinh mạng của mình cho đất nước. Tinh thần quyết chiến ấy đẹp biết
bao nhiêu, cao cả biết bao nhiêu khi họ chỉ là những nông dân lam lũ, nghèo khổ
nơi xóm ấp, tự ghép mình vào đội ngũ để xông ra chiến trường đánh giặc:
“Vốn
chẳng phải quân cơ quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân
ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.
Mười tám
ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, không chờ bày bố.
Ngoài
cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn
tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.”
Có nghĩa là người nông dân từ mái tranh nghèo
xông thẳng ra chiến trường mà không hề được luyện tập mảy may. Tinh thần sẵn
sàng ấy lại càng thêm lớn lao và đáng khâm phục khi ta nhìn vào vũ khí trong
tay họ.
Trang bị lớn nhất, đầy đủ nhất của họ
chính là nhiệt thành yêu nước và tinh thần trượng nghĩa đặc biệt của người dân
Nam Bộ; chứ rơm con cúi, lưỡi dao phay, ngọn tầm vông… toàn những vật dụng vơ vội
ở xó bếp, góc vườn mà đem đối chọi với vũ khí hiện đại của quân thù thì cái sắc
bén, cái sức giết giặc của nó chỉ là ở trái tim, ở dũng khí của người nghĩa sĩ.
Chao ôi vẻ đẹp của họ ở đây thật hào hùng, nhưng bên cạnh sự hào hùng là nỗi
đau, nỗi thương đến rơi nước mắt!
Chúng ta hãy đọc kĩ những dòng nhà thơ
Nguyễn Đình Chiểu miêu tả người nghĩa sĩ nông dân vào trận. Bao nhiêu lời văn
là bấy nhiêu chất hùng ca hừng hực khí phách, rực lửa chiến đấu của một trận
đánh oanh liệt và dữ dội:
“Hỏa
mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi
dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Chi
nhọc quan quản gióng trống kì trồng giục, đạp rào lướt tới coi giặc cũng như
không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng
có,
Kẻ đâm
ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau,
trối kệ tậu sắt tàu đồng súng nổ.”
Vẻ đẹp thứ ba này quả là tuyệt vời! Người
nghĩa sĩ nông dân cực nhọc, nghèo khó, hèn mọn đã hiện lên thành một hình tượng
anh hùng kì vĩ, lồng lộng giữa chiến trường. Hình tượng lớn lao, mãnh liệt ấy
làm chủ trận chiến, áp đảo tất cả. Lưỡi dao phay, ngọn tầm vông của họ đâm
ngang, chém ngược, tung hoành, hiên ngang nơi trận địa, khiến quân giặc hồn
kinh phách lạc. Tiếng thét căm thù vang trời của họ át cả tiếng tàu thiếc tàu đồng
súng nổ. Sức mạnh diệu kì của lòng yêu nước đã biến những vũ khí thô sơ thành sắc
bén và lợi hại không ngờ. Rơm con cúi, lưỡi dao phay cũng đốt xong nhà dạy đạo,
cũng chém rớt đầu quan hai giặc. Trong một đoạn văn mà tác giả sử dụng rất nhiều
động từ, cụm động từ miêu tả hành động mãnh liệt, hào khí bừng bừng của nghĩa
sĩ. Trước khí thế dũng mãnh ấy, quân giặc hung dữ với súng lớn, tàu thiếc tàu đồng
phải hoảng sợ, kinh hoàng và trở nên nhỏ bé đến thảm hại. Có thể nói hình tượng
người nghĩa sĩ nông dân sừng sững nổi bật trên nền trời đầy khói lửa của chiến
trường giống như một tượng đài kì vĩ, để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong
lòng người kính phục và hâm mộ.
Cảm xúc chủ đạo của bài Văn tế là cảm
xúc bi tráng. Lời văn rắn rỏi, nhịp điệu mạnh mẽ, sục sôi, dồn dập, âm hưởng
hào hùng. Nghệ thuật đối đã phát huy tối đa hiệu quả của nó… Tất cả hợp thành một
thiên anh hùng ca hào hùng, phấn khích, tuyệt diệu, có giá trị muôn đời. Ngòi
bút tả thực sắc sảo của tác giả hoàn toàn xứng đáng với hành động vì nước quên
thân, với tư tưởng yêu nước cực kì lớn lao trong hành động tự nguyện đứng lên
giết giặc cứu nước, bảo vệ giang sơn tổ tiên để lại của các nghĩa sĩ nông dân.
Gần ba chục nghĩa sĩ hi sinh trong cuộc
chiến đấu ác liệt và không cân sức. Cái chết bi tráng của họ khiến cho trời đất,
con người, cây cỏ thảy đều thương tiếc:
“Những
lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ.
Một
chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây; trăm năm âm phủ ấy chữ
quy, nào đợi gươm hùm treo mộ.
Đoái
sông cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai
hàng lụy nhỏ.”
Người hi sinh vì non nước, đồng bào; hỏi
làm sao không xúc động tới đồng bào, non nước?!
Bằng lòng mến yêu, cảm phục chân thành, bằng
nước mắt và tiếng khóc thống thiết của bản thân nói riêng và của nhân dân nói
chung, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết nên tác phẩm có một không hai trong nền
văn học của nước nhà. Bài “Văn tế nghĩa
sĩ cần Giuộc” được đánh giá như một tấm bia, một cái mốc, một tượng đài
vinh quang về người nông dân Nam Bộ yêu nước, muôn thuở sáng ngời.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét