Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Điển tích Truyện Kiều - Bây giờ gương vỡ lại lành


  Sau 15 năm lưu lạc, Kiều được sum họp gia đình. Thuý Vân trước đã nhận lời thay Kiều làm vợ Kim Trọng và cũng được cha mẹ chấp nhận. Nhưng trong buổi tiệc đoàn viên, Vân đứng lên khuyên Kiều và Kim Trọng nối lại duyên xưa. Có câu:
Những là ràng ước mai ao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
Bây giờ gương vỡ lại lành
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi
Còn duyên nay lại còn người
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa
(câu 3069 đến 3074)


        "Tình sử" Trung Hoa chép:
        Nước Trần đời Xuân Thu có chàng nho sĩ tên Từ Ðức Ngôn theo hầu cận Thái tử có tình với công chúa Nhạc Xương. Cả hai tha thiết yêu nhau vừa được kết duyên chồng vợ.
        Gặp lúc nước Tần có loạn, giặc đánh vào kinh thành, tình thế nguy ngập. Công chúa bảo Từ:
- Thế ta yếu, chạy loạn có thể vợ chồng ta có lúc phải xa nhau. Nếu tình duyên chưa dứt tất có ngày tái hợp. Ðể lấy làm tin, chàng giữ một mảnh gương này. Cứ ngày rằm tháng giêng, chàng sẽ đem ra chợ Trường An bán để làm tin gặp nhau.
        Ðoạn, công chúa cầm lấy chiếc gương của vợ chồng hằng ngày thường soi mặt, đập vỡ làm hai, chia nhau mỗi người giữ một mảnh.
        Giặc đột nhập kinh thành. Từ chạy thoát. Công chúa thất lạc, bị tướng giặc là Việt Công cưỡng bách làm vợ. Công chúa đau khổ vô cùng, muốn tự tử. Nhưng Việt Công cho người canh giữ nghiêm nhặt. Vả lại, Công chúa còn đặt hy vọng tìm cách báo tin cho chồng biết, hay chờ tin chồng sống chết thế nào trước khi nàng chết.
        Từ Ðức Ngôn từ khi chạy loạn, lưu lạc khắp nơi, không biết vợ ở chốn nào, nhưng nhớ lại lời dặn của vợ, nên đến rằm tháng giêng, đem mảnh gương ra chợ Trường An bán để tìm nhau. Người đi chợ thấy Từ bán mảnh gương vỡ thì ai cũng bật cười, cho là người mất trí.
        Ở TRONG CUNG CẤM, CÔNG CHÚA NHỚ LỜI DẶN TRƯỚC NÊN ĐẾN NGÀY RẰM tháng Giêng, nhờ đứa hầu thân tín đem nửa mảnh ra chợ, xem người nào có bán nửa mảnh gương, đem so vào hợp thành một cái gương lành thì bảo người ấy cho nàng biết tin tức ra sao.
        Thế là Từ biết vợ còn sống, hiện giờ làm vợ tướng giặc nên vô cùng đau đớn. Từ liền viết vào hai mảnh gương một bài thơ, nhờ đứa hầu trở về trao lại cho vợ:
Người đi gương cũng đi
Gương về người chưa về
Hằng Nga đâu chẳng thấy
Chỉ thấy trăng sáng thôi!
    Nguyên văn:
Cảnh dữ nhân câu khứ
Cảnh quy nhân vị quy
Vô phục Hằng Nga ảnh
Không lưu minh nguyệt luỵ!
        Tiếp được gương và thơ, Công chúa biết chồng còn sống, lòng đau như cắt, úp mặt vào gương khóc lóc bi thiết. Việt Công lấy làm lạ hỏi. Công chúa kể lại sự tình, và quyết chết để trọn tình chồng vợ mà thôi. Việt Công xem bài thơ, biết mình không giữ được Công chúa nên thả Công chúa trở lại cùng chồng.
        "Gương vỡ lại lành" (phá cảnh trùng viên) có ý nghĩa là sau khi ly tán được sum họp lại.
        Dùng điển cố rất sát ý.
        Lời nói thực chân tình của một con người trung thực, mộc mạc. "Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi", trời đã chọn lọc, quyết định cho cả hai (tức Kiều và Kim Trọng) kết thành chồng vợ với nhau rồi; vả lại hai người trước đã có lời thề nguyền với nhau thì cần phải giữ, cần phải thực hiện khi được gặp nhau, vì trước "gương kia đã vỡ nay gắn lại cho lành" là lẽ tất nhiên.
        Vân nói gọn gàng, vắn tắt.
        Vâng lời chị chung thân với Kim Trọng, Vân có buồn tủi thân phận chăng? Nay chị trở về, trả chồng lại cho chị tất chịu thân phận mình làm thứ thiếp, Vân có ganh tị, ghen tuông, hờn mát mà nói "lẫy" không?
        Vân, con người trầm lặng, khô khan, khó hiểu.
        Bút pháp của tác giả "Truyện Kiều" diễn tả tâm lý, tình cảm của nhân vật trong truyện rất điêu luyện, nhưng đối với Thuý Vân- được coi là nhân vật phụ nên tác giả diễn tả ở phần đầu đơn sơ quá. Phải chăng vì Vân là nhân vật phụ với bản tính mộc mạc, trầm lặng, một nhân vật tầm thường, không cần thiết nên không cần phải lưu ý?
        Ca dao ta có câu:
T NÀO LÀ ỚT CHẲNG CAY
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng
Vôi nào là vôi không nồng
Gái nào là gái có chồng không ghen
        Hay là:
Có thương nên mới có ghen
Không thương ai ở bạc đen mặc lòng
        Hoạn Thư, nhân vật của truyện qua bút pháp của tác giả- đã trở thành một nhân vật điển hình của một người vợ ghen sâu hiểm, có tri thức, có "tầm cở". Nàng bảo thẳng trước mặt Kiều:
Lòng riêng riêng những kính yêu
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai
(câu 2369 và 2370)
        Cho nên đối với tình địch:
Làm cho nhìn chẳng được nhau
Làm cho đày đoạ cất đầu chẳng lên
Làm cho trông thấy nhãn tiền
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay
(câu 1549 đến 1552)
    và:
Làm cho cho mệt cho mê
Làm cho đau đớn ê chề cho coi
Trước cho bõ ghét những người
Sau cho để một trò cười về sau
(câu 1617 đến 1620)
        Dùng một loạt điệp từ "cho", ta có thể tưởng tượng một người đàn bà ghen đương đưa tay xỉa xói, vừa nghiến răng trèo trẹo hét vào mặt tình địch với một giọng đanh đá "cho mày chết, cho mày chết"!
        Tâm lý, tình cảm chung của đàn bà. Tất cả đều có máu ghen. Nhiều hay ít. Có trí thức hay vụng về. Có nghệ thuật ghen hay không mà thôi.
        Ngược lại- cũng qua bút pháp của tác giả- Vân với Hoạn Thư là hai thái cực. Vân không biết ghen là gì chăng? Vân biết an phận tuỳ duyên "hồng nhan bạc phận" hay Vân là một người đần độn?
        "Trai năm thê bảy thiếp..." là một lẽ thường. Có chồng chung với chị hay chị chết thay chị làm vợ... cũng chả có sao. Phong kiến Trung Hoa đã chấp nhận, khuyến khích. Nhưng chế độ tàn khốc đối với nữ giới đó làm sao thống trị được tình cảm, tâm lý hay tiếng đập của con tim. Một nhà văn lãng mạn Pháp cũng đã bảo: "Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được" (Le coeur a ses raisons que la raison ne conait pas)
        Nếu đi sâu vào bản chất con người và sự việc, ta có thể nhận thấy Vân là một vai trò phụ, nhưng có lúc nàng trở nên một nhân vật chính yếu có tính cách quan trọng trong cuộc đời tình ái giữa Kim Trọng và Thuý Kiều.
        Kiều đã tuyệt vọng vì lỡ làng duyên tơ tóc với Kim Trọng nên xin Vân thay mình làm vợ Kim Trọng "gọi là trả chút nghĩa người", nhưng dẫu sao người đọc có thể nghĩ rằng: Kiều cũng có ý không muốn để mất Kim Trọng vào tay của một phụ nữ xa lạ nào khác. Vân đã làm tròn được vai trò này. Ví phỏng không có Vân thì tình tiết dẫn đến đoạn Kiều được sum họp với gia đình và đối với Kim Trọng sẽ ra sao một khi hoàn cảnh đã thay đổi khác: Kim Trọng kết hôn với một người phụ nữ không phải là Vân.
        Tuy ở một chế độ gia trưởng, nhưng kẻ làm cha mẹ có ai dám can đảm đứng ra tuyên bố rứt Kim Trọng trong tay Vân để trả lại cho Kiều? Tự Kim Trọng đương nhiên dám mở lời xin Kiều tái hợp duyên xưa với câu hết sức tán tụng Kiều "hoa tàn mà lại thêm tươi; trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa", để rồi "hai thân thì cũng quyết theo một bài"?
        Ai? Chỉ có Vân.
        "Gương vỡ lại lành", Vân là một nhân vật "mở gút" tuyệt đẹp, một nhân vật cần thiết, hy sinh tình cảm uẩn khúc của mình, thà mang tiếng mà nhà thơ nữ Hồ Xuân Hương đã nguyền rủa một cách căm hờn cay đắng:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
    Và:
Thân này ví biết dường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong!
        Chửi cái kiếp lấy chồng chung, phải chăng nữ sĩ họ Hồ có ngụ ý chửi cả chế độ.
        Vân đem lại cho người đọc nhiều cảm tình. Tác giả Truyện Kiều diễn tả đơn giản quá, chỉ cho người một khái niệm: Vân mộc mạc, chất phác, con người chỉ sống bình lặng, hưởng thụ... đến độ xem như ngô nghê, ngốc nghếch không xa lắm... nhưng đó chỉ là ở giai đoạn đầu. Nay đến giai đoạn cuối, vai trò này lại nổi bật lên một cách bất ngờ, không giống các nhân vật khác mà tác giả đã diễn tả.
        Ðể nhân vật (Vân) dùng lời nói rất văn chương bóng bẩy theo ý định cương quyết (chịu làm phận lẻ mọn) được cho là nhiều nhất trong đoạn đời nàng, có thể để người đọc nhận xét, đánh giá một con người chất phác gần như ngô nghê đó vẫn chan chứa một tâm lý uẩn khúc, một trí thức biết người biết mình và một tình cảm rất đẹp... dành cho gia đình: cho cha mẹ, cho chị, cho chồng.
        Trong "Tam quốc diễn nghĩa", tác giả La Quán Trung diễn tả hành động của Ðiêu Thuyền, thực hiện "Liên hoàn kê" thành công, giết được tên ác bạo khát máu Ðổng Trác, về ở với Lữ Bố. Nhưng sau thất bại trận Hạ Bì, Lữ Bố bị Tào Tháo bắt giết chết đâu còn thấy bóng dáng Ðiêu Thuyền ở chỗ nào? Nhà phê bình Thánh Thán có lời cho rằng: "Nàng chính là con Rồng thiêng, chỉ lộ cái đầu, cái mình với đời mà không cho đời sau biết cái đuôi mình ẩn ở đâu hết. Có thể danh tiếng mới không bị tổn thương".
        Ở ĐÂY, TÁC GIẢ TRUYỆN KIỀU CÓ KHÁC. BẰNG VÀI NÉT CHẤM PHÁ ĐƠN giản cái đầu Rồng dẫn đến thân Rồng, cuối cùng cái đuôi Rồng rất sung mãn, làm tăng vẻ uy nghiêm cho toàn bộ con Rồng.
        Thuý Vân tất nhiên không phải là Ðiêu Thuyền đóng vai trò "con Rồng" đời Tam quốc, nhưng muốn nói đến tính cách diễn tả vai trò Vân qua bút pháp của tác giả Truyện Kiều. Vì giấu đuôi để "có thể danh tiếng mới không bị tổn thương" là một điều hay. Nhưng để lộ đuôi mà làm tăng danh tiếng mới là tuyệt diệu?
        Tất cả 14 câu. Trong truyện, đến bây giờ mới được nghe Vân nói nhiều nhất.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét