Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Điển tích Truyện Kiều - Duyên đằng thuận nẻo gió đưa


 Vợ của Thúc Sinh là Hoạn Thư (tức cô họ Hoạn hoặc tiểu thư họ Hoạn) vốn dòng danh giá, con của một quan Thượng thư bộ Lại. Ðoạn giới thiệu Hoạn Thư, "Truyện Kiều" có câu:
Vốn dòng họ Hoạn danh gia
Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
Duyên Ðằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
 ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già
(câu 1529 đến 1534)


"Duyên Ðằng" có nghĩa là duyên may mắn, do câu thơ cổ: "Thời lai phong tống Ðằng Vương các", nghĩa là lúc thời vận đến thì gió đưa đến gác Ðằng Vương.
        Ðời nhà Ðường, Vương Bột tự Tử An, người đất Long Môn, sáu tuổi đã biết làm văn; lên mười lăm mười sáu, nổi danh hạ bút nên vần. Vương có thói quen, mỗi khi làm văn, mài mực sửa soạn nghiên bút rồi nằm đắp chăn ngủ. Khi thức dậy, cầm ngay lấy bút viết một loạt. Vương nổi tiếng là một nhà thơ cao danh thời Sơ Ðường (618- 712).
        Con của vua Can Tông nhà Ðường bấy giờ làm Thứ sử Hồng đô, được phong là Ðằng Vương, có dựng một cái lầu (gác) bên sông Tầm Dương gọi là "Ðằng Vương các". Khi Diêm Bá Dư ra giữ chức Ðô đốc Hàng Châu, bày tiệc ở gác Ðằng Vương để thết đãi tân khách. Muốn khoe tài thêm danh chàng rể, họ Diêm bảo làm trước một bài thơ rồi mời tất cả nhà quyền quý, các mặc khách tao nhân gần xa đến dự, và yêu cầu mỗi người làm cho một bài tại ngay bữa tiệc.
        Vương Bột lúc bấy giờ tuổi khoảng mười lăm mười sáu. Hay được tin ấy, nhưng vì đường xá xa xôi có hàng mấy trăm dặm, không đến được, lấy làm tiếc. Có một cụ già khuyên chàng cứ sửa soạn thuyền buồm, tự nhiên sẽ có gió thổi. Quả nhiên, đêm đó có gió lớn, Vương cho thuyền khởi hành; và hôm sau tới Ðằng Vương các vừa kịp lúc vào tiệc. Có tích chép: Vương Bột đi thuyền thăm cha làm Thứ sử ở Giao Châu, nửa đường bị một trận gió thổi lạc đến Ðằng Vương các, được dự tiệc và làm thơ.
        Thấy Vương Bột, viên Ðô đốc họ Diêm khinh là trẻ con, miễn cưỡng cấp giấy bút. Nhưng cho người đứng bên cạnh Vương, hễ Vương viết được câu nào thì lén chép lại cho ông xem.
        Mới đọc hàng đầu, họ Diêm đã ngạc nhiên vì lời già dặn. Ðến câu:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng tràng thiên nhất sắc
    Tạm dịch:
Ráng chiều với cò lẻ cùng bay
Nước thu cùng trời dài một sắc
thì Ðô đốc họ Diêm vô cùng khâm phục.
        Bài phú "Ðằng Vương các" viết theo thể biền ngẫu, dùng nhiều chữ cầu kỳ, nhiều điển khó hiểu nhưng lời thì cực đẹp nên rất khó dịch. Hình như từ trước đến nay chưa ai dịch ra quốc văn. Trong bài, Vương Bột nhắc qua địa lý và nhân vật Quận Hồng đô, nơi xây gác Ðằng Vương rồi tả chủ khách trong tiệc, phong cảnh chung quanh khi ngồi trong gác trông ra; sau cùng kể cảm tưởng của chính mình.
        Tả cảnh thu thì có câu:
Lạo thuỷ tận nhi hàn đàm thanh
Yên quang ngưng nhi mộ sư tử
(Nước lụt đã cạn mà đầm lạnh trong veo
ánh khói ngưng kết mà núi chiều sắc tía)
        Cảnh trời nước thì:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng tràng thiên nhất sắc
(Ráng chiều với cò lẻ cùng bay
Nước thu cùng trời dài một sắc)
        Cảnh vật, nhà cửa, ghe thuyền thì:
Lư diêm phác địa chung minh đỉnh thực chi gia
Kha hạm mê tân thanh trước hoàng long chi trục
(Xóm làng đầy đất nhà nào cũng vào hàng chung đỉnh
Ghe thuyền chật bến đều vẽ tước xanh rồng vàng)
        Tác giả nhìn cảnh sinh tình:
Thiên cao địa quýnh giác vũ trụ chỉ vô cùng
Hứng tận bi lai thức doanh hư chi hữu số
(Trời cao đất xa thấy vũ trụ là vô cùng
Vui hết buồn lại biết đầy vơi là có số)
        Rồi cảm khoái triền miên:
Quan san nan việt thuỳ bi thất lộ chi nhân
Bình thuỷ tương phùng tận thị tha hương chi khách
........
Quân tử an bần đạt nhân tri mạng
Lão đương ích tráng ninh tri bạch thủ chi tâm
Cùng thả ích kiên bất truỵ thanh vân chi chi
(Quan san khó vượt ai thương người lỡ bước
Bèo nước gặp nhau đều là khách tha hương
........
Quân tử an phận nghèo hiểu rõ số mạng
Già càng nên mạnh lòng không biết bạc đầu.
Khổ càng nên kiên tâm đừng mất chí khí mây xanh)
        Cuối bài có 8 câu thơ tuyệt diệu, đặc biệt 4 câu cuối:
.......
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di không độ thu
Các trung đế sử kim hà tại
Hạm ngoại trường giang không tự lưu

(Ðầm chiếu mây bay trời lửng lơ
Sao dời vật đổi mấy thu rồi
Con vua trong gác nào đâu nhỉ
Dòng nước ngoài hiên vẫn tự trôi
        Bài phú "Ðằng Vương các" của Vương hay hơn tất cả. Từ đó danh tiếng càng vang dậy khắp nơi.
        Nhưng thảm thay, người có tài như thế mà mạng yểu. Nhân đi thăm cha làm quan ở Giao Châu, Vương bị đắm thuyền chết ở giữa biển trong lúc 29 xuân xanh.
        Do câu chuyện gió đưa thuyền Vương Bột đến Ðằng Vương các, tạo dịp cho Vương trổ tài danh nên cổ thi có câu: "Thời lai phong tống Ðằng Vương các" để chỉ sự may mắn của kẻ gặp thời. "Duyên Ðằng thuận nẻo gió đưa" chỉ Thúc Sinh may mắn làm rể danh gia họ Hoạn, một cha vợ quan Thượng thư bộ Lại, để rồi thương buôn với quan lại cấu kết nhau làm giàu hơn nữa. Tác giả "Truyện Kiều" chỉ mượn nửa ý của điển tích về sự may mắn gặp thời làm ăn giàu sang thêm có tiền có thế tất càng thêm có tiền của Thúc Sinh; chớ không phải áp dụng toàn bộ gặp thời để trổ tài danh của một thi hào trẻ tuổi như Vương Bột.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét