Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Điển tích Truyện Kiều - Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này

Kiều đến phòng văn của Kim Trọng. Thuý Kiều chú ý đến bức tranh, Kim Trọng cho biết là chàng mới vẽ xong, và xin Kiều đề cho mấy câu thơ vào tranh cho tăng giá trị. Kiều liền nhanh nhẹn cầm bút "tay tiên gió táp mưa sa; khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu". Kim Trọng thấy ý thơ đã nhanh, văn hay chữ đẹp, chàng tán dương hết lời:
Khen tài nhả ngọc phun châu
Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này
Kiếp tu xưa ví chẳng dày
Phúc nào nhắc được giá này cho ngang
(Câu 405 đến 408)


Nàng Ban tức là nàng Ban Chiêu, con gái của Ban Bưu, em gái của Ban Cố và Ban Siêu, một danh tướng đời Ðông Hán (25- 196)
            Sinh trong gia đình Nho học, cha anh đều là bậc tài danh, Ban Chiêu rất thông minh, 13 tuổi đã giỏi thi phú. Ðến tuổi cài trâm, Ban Chiêu sáng duyên cùng Tào Thế Thức, cũng là một nhà Nho lỗi lạc. Nhưng phận đẹp duyên ưa của đôi vợ chồng trẻ tuổi tài hoa này lại quá phũ phàng. Chỉ vòng 10 năm, Ban Chiêu trở thành goá bụa, thủ tiết chờ chồng.
            Vua Hoà đế nghe danh nàng Ban học rộng tài cao nên cho dời vào cung để dạy các hoàng tử, cung phi. Ai cũng tôn trọng xứng đáng là bậc thầy.
            Lúc bấy giờ, Ban Bưu đương làm quan tại triều, được nhà vua cử soạn thảo bộ Hán thư. Nhưng làm chưa xong , Ban Bưu chết. Anh của nàng là Ban Cố được lệnh kế nghiệp cha, nhưng sự nghiệp chưa xong lại bị lao tù bạo bịnh rồi mất! Thấy cha và anh chẳng may bỏ dỡ công việc, Ban Chiêu tâu xin nhà Vua cho nàng được nối tiếp công việc dở dang của cha anh. Nhà Vua bằng lòng. Thế là nàng được vào Ðăng quan tàng thư để tiếp tục công việc biên soạn. Trong thời gian này, Ban Chiêu còn trứ tác tập "Nữ giới" gồm có 7 thiên. Danh tiếng của nàng càng lẫy lừng.
            Cũng nàng Ban, lại có một điển tích khác.
            Nàng họ Ban, không biết tên, vốn là một cung phi của vua Thành đế (32- 08 trước DL) đời nhà Hán. Nàng làm nữ quan Tiệp Dư nên thường gọi là Ban Tiệp Dư.
            Nàng đẹp, duyên dáng có tài văn học được vua sủng ái.
            Một hôm vua Thành đế đi du ngoạn ngoài thành, gọi Ban Tiệp Dư cùng ngồi chung xe. Nàng vốn tính khiêm tốn với thân phận và chức vụ của mình, sợ bên ngoài dị nghị, trong cung nội ghét ghen nên từ chối. Không ngờ thái độ khiêm tốn này bị một thứ phi là Triệu Phi Yến gièm pha, tâu với vua khép nàng vào tội khi quân.
            Vua Thành đế nghe lời Triệu Phi Yến liền phế Ban Tiệp Dư ra cung Trường Tín chầu bà Thái hậu, không được ở trong cung hầu hạ nhà Vua. Bấy giờ, nhà vua say mê Triệu Phi Yến. Sự sủng hạnh của nhà vua đối với Ban Tiệp Dư ngày càng phai dần.
            Tủi cho thân phận lâm cảnh phủ phàng, nàng buồn bã, lấy một thứ lụa trắng gọi là Tề hoàn (lụa nước Tề) do nàng tự dệt lấy làm thành một cây quạt tròn, gọi là quạt Hợp hoan. Trên quạt đề một bài thơ để tự ví thân phận mình:
Tân chế Tề hoàn tố
Hạo khiết như sương tuyết
Tái thành Hợp hoan phiến
Ðoàn đoàn tự minh nguyệt
Xuất nhập quân hoài tụ
Ðông dao vi phong phát
Thường thủng thu tiết chí
Lương viêm đoạt viêm nhiệt
Khí nguyên giáp tư trung
Ân tình trung đạo tuyệt
        Phỏng dịch:
Mới chế lụa Tề trắng
Trong sạch như tuyết sương
Làm thành quạt Hợp hoan
Tròn như vành trăng sáng
Ra vào trong tay vua
Phe phẩy sinh gió mát
Thường sợ tiết thu sang
Khí mát đoạt nồng nhiệt
Ném bỏ vào xó rương
Ân tình nửa đường tuyệt
             Tạ tức là nàng Tạ Ðạo Uẩn, con của Tạ Dịch, người đất Dương Hạ đời nhà Tấn (265- 419). Nàng lúc nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học rộng lại có thêm tài biện luận. Cha mẹ mất sớm, ở với chú. Nhân một hôm về mùa đông, tuyết rơi lả tả, chú của Tạ Ðạo Uẩn là Tạ An ngồi uống rượu nóng có cả hai cháu là Ðạo Uẩn và Tạ Lãng hầu bên. Tạ An liền chỉ tuyết hỏi:
- Tuyết rơi giống cái gì nhỉ?
Tạ Lãng đáp:
- Muối trắng ném giữa trời
Tạ Ðạo Uẩn bảo:
- Chưa bằng gió tung tơ liễu
            Tạ An khen nàng thông minh có nhiều ý hay, tư tưởng đẹp. Ông thường chỉ Tạ Ðạo Uẩn bảo con cháu: "Nếu là trai, Tạ Ðạo Uẩn sẽ vào hàng công khanh".
            Tạ Ðạo Uẩn sau kết duyên với Vương Ngưng Chi, cũng là một nhà Nho lỗi lạc đương thời. Làm vợ Vương, nàng thường thay chồng tiếp khách văn chương, luận bàn thi phú. Nàng còn là người hoạt bát, thông suốt nhiều vấn đề, lập luận vững chắc làm nhiều tay danh sĩ đương thời phải phục. Em chồng của nàng là Vương Thiếu Chi, học giỏi nhưng lập luận kém, thiếu hoạt bát nên khi lập luận thường bị khách áp đảo. Tạ Ðạo Uẩn sợ em chồng bị mất giá trị nên bảo thị tì thưa với Thiếu Chi, trong khi biện luận với khách cho nàng ngồi sau màn để nhắc. Thiếu Chi vui lòng; nhờ đó mà khuất phục được khách và nổi danh.
            Nàng Ban, ả Tạ là hai người phụ nữ (kể như ba: hai nàng Ban) có tài danh về văn chương thi phú. Về sau các nhà văn học thường dùng tiếng "Nàng Ban, ả Tạ" để chỉ người phụ nữ có tài danh về văn chương.
            Ngày xưa, chế độ phong kiến, giới nữ bị kiềm chế đủ mặt. Trường học, trường thi tức phương diện văn chương, khoa cử ... để mở mang trí thức, để làm quan "dân chi phụ mẫu" đều dành riêng cho nam giới. Tức quá, phải giả trai đi đến trường học (như Chúc Anh Ðài), phải giả trai đi thi (như Mạnh Lệ Quân)... nhưng quá hiếm. Thành thử phải học ở nhà, học lóm, học mót... thế mà đã xuất hiện nhiều bực tài danh lỗi lạc trên địa hạt văn chương như ở nước ta có bà Ðoàn thị Ðiểm, bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương... Như Nàng Ban, ả Tạ; và cũng như nàng Kiều mà Kim Trọng đã hết mực tán dương cái tài "nhả ngọc phun châu" của nàng. Tự học, chịu khổ công tự rèn luyện mình cộng với "thông minh vốn sẵn tư trời" thì so sánh với Kiều chỉ trên địa hạt văn chương, tài năng của Nàng Ban, ả Tạ có kiệt xuất cũng chỉ đến thế mà thôi.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét