Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Điển tích Truyện Kiều - Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai


Nhân lúc cha mẹ và hai em vắng nhà, Kiều đáng bạo sang phòng văn của Kim Trọng:
Lần theo núi giả đi vòng
Cuối tường dường có nẻo thông mới vào
Xắn tay mở khoá động Ðào
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên thai

(Câu 389 đến 392)

        Thiên thai là tên một hòn núi thuộc huyện Thiên thai, tỉnh Chiết Giang ở Trung Hoa.
        Sách "Thần tiên truyện" chép:
            Ðời Hán Minh đế, niên hiệu Vĩnh bình (58 sau DL) có hai chàng nho sĩ tên Lưu Thần và Nguyễn Triệu quê đất Diêm Khê. Gặp tiết Ðoan Ngọ cũng gọi Ðoan dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch), theo tục lệ, người ta thường vào núi Thiên thai hái thuốc chữa bệnh. Hai chàng Lưu, Nguyễn cùng đi. Nhưng chẳng may bị lạc, không tìm được lối về.
            Vơ vẩn trong núi gần tháng trời mà không tìm được lối ra. Lương thực mang theo đã hết đành phải hái những quả đào chín mọng hai bên bờ suối hay ven chân núi để ăn đỡ đói, rồi vốc nước khe mà uống.
            Nhìn dòng nước trong núi chảy ra, hai chàng Lưu, Nguyễn thấy có những hột cơm vừng và lá rau tươi lững lờ trôi, nên đoán chắc cách chỗ người ở không xa nữa. Cả hai bèn lần mò theo đường nước chảy, vượt qua mấy ngọn núi liền mới đến đầu ngọn khe thì thấy cây cỏ xinh tươi, phong cảnh cực kỳ đẹp đẽ. Ðương ngẩn ngơ đứng nhìn bỗng nghe tiếng gọi, giọng rất thanh tao:
- Lưu, Nguyễn hai chàng sao mà đến chậm thế!
            Nghe gọi đích danh mình, hai chàng cực kỳ ngạc nhiên, thì vừa lúc ấy hai cô gái rẽ hoa đi ra. Thực là đôi giai nhân tuyệt thế. Như quen biết nhau từ xưa, hai nàng ân cần mời hai chàng vào động, và xưng tên là Ngọc Kiều và Giáng Tiên. Lưu Thần và Nguyễn Triệu mừng rỡ vì được gặp người- lại người đẹp nữa, nên bằng lòng ngay.
            Ðến động bước vào nhìn thấy chung quanh toàn trang trí cực kỳ mỹ lệ, đâu đây thoang thoảng mùi hương. Ðến bữa cơm, hai nàng dọn cơm vừng và nem dê rừng mùi vị thơm phức, mời hai chàng dùng. Tối lại, một đoàn mỹ nữ đêm mâm đào chín và rượu ngọt đến, đoạn múa hát dưng đào và rượu, chúc tụng "Chúng em xin có lời mừng tân lang và tân giai nhân nên duyên cầm sắt". Nói xong, họ lại họp nhau vừa múa vừa hát. Xiêm y lộng lẫy, điệu múa uyển chuyển, giọng hát trong trẻo dưới ánh đèn rực rỡ kết tụi ngũ sắc, hai chàng Lưu, Nguyễn say sưa cho mình hạnh phúc lạc vào cảnh tiên.
            Ðến khuya, tiệc tàn khách về. Hai nàng Ngọc Kiều và Giáng Tiên mời hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu cùng nâng ly chúc tụng nhau đêm tân hôn mặn nồng giữa hai nàng và hai chàng bền duyên giai ngẫu.
            Say mê cảnh đẹp, đầm ấm trong tình vợ chồng, hai chàng Lưu, Nguyễn hầu như quên hẳn cảnh trần gian.
             ĐÂY, NGÀY NGÀY THÁNG THÁNG, TIẾT TRỜI ẤM ÁP HƠN XUÂN. KHÔNG Hạ, không Thu, không Ðông, đâu đâu cũng cỏ xanh hoa đẹp, bướm muôn màu nhởn nhơ bay lượn, chim hót véo von, trôi trong mây thanh gió mát đượm mùi hương phảng phất phảng phất quanh mình. Nhưng thời gian hai năm trôi qua, cảnh dầu đẹp, vợ dầu xinh, khí trời đầm ấm, cỏ có xanh, hoa có đẹp, bướm lượn, chim hót... cũng không sao xoá được nỗi nhớ quê nhà, nên hai chàng thỏ thẻ với vợ xin về thăm, hẹn thời gian ngắn sẽ quay trở lại. Hai nàng buồn bã ngăn hai chàng, không cho về. Nhưng lòng mơ nhớ cố hương ray rứt người lữ thứ, hai chàng cứ năn nỉ mãi. Biết không lưu chồng được, hai nàng ngậm ngùi, thở dài bảo:
- Nhờ hồng phúc tiền thân mà hai chàng được cùng chị em chúng tôi kết duyên chồng vợ, kẻ tiên người tục hoà hợp chốn Thiên thai. Tưởng rằng duyên ưa phận đẹp, trăm ngàn năm giữ một chữ đồng. Nào ngờ hai chàng căn trần chưa dứt nên mới luyến nhớ đòi về quê cũ. Cõi trần nhỏ nhen, kiếp trần ngắn ngủi đầy hệ luỵ, hai chàng có trở về chốn trần gian thì liễu cũ hoa xưa chắc không còn được như ngày trước nữa. Chia ly ai chẳng não lòng nhưng nghiệp chướng khó mà diệt nổi.
            Thế rồi hai nàng tiễn chân hai chàng ra khỏi động, bịn rịn đưa tận xuống núi. Nhìn xa xa khói lam phủ nóc nhà ai, quanh đi quẩn lại hai chàng ra khỏi núi Thiên thai, chẳng mấy chốc xuống về quê cũ.
            Cây đa cổ thụ đầu làng còn kia nhưng cảnh vật đã khác hẳn trước. Làng xóm toàn người xa lạ, không còn ai có thể nhận ra hai chàng Lưu, Nguyễn là người đồng hương nữa. Cả hai cực kỳ làm lạ. Mới cách chỉ có hai năm, sao cảnh vật lại đổi thay một cách lạ kỳ. Lối cũ không còn. Trừ cây cổ thụ đầu làng giờ đã già cỗi, cành lá úa vàng chứng tỏ đã xa lâu lắm rồi và bao lần biến đổi. Bỗng gặp một cụ già tuổi đã gần trăm, hai chàng Lưu, Nguyễn đến hỏi thăm. Cụ già bèn kể lại cách đây độ 400 năm, cụ có một ông tổ bảy đời tên Nguyễn Triệu. Nhân tiết Ðoan Ngọ cùng bạn là Lưu Thần vào núi hái thuốc rồi biệt tích.
            Bấy giời Lưu Thần, Nguyễn Triệu mới biết một ngày trên tiên giới bằng một năm ở trần gian. Cả hai bơ vơ, lấy làm hối tiếc bèn rủ nhau trở lại động Thiên thai. Nhưng thảm thay, đi vòng vo, quanh quẩn... cuối cùng lại lủi thủi TRỞ VỀ, VÌ LỐI XƯA ĐÃ LẠC MẤT RỒI.  QUÊ CŨ CHO ĐẾN đời Tấn Võ đế (265- 275), Lưu Thần và Nguyễn Triệu mới bỏ đi, không ai còn gặp nữa.
            Ðời nhà Ðường, Tào Ðường có làm 5 bài thơ thuộc loại thơ "du tiên" miêu tả phỏng chừng sự gặp gỡ và sự cách biệt giữa Lưu Thần, Nguyễn Triệu cùng hai nàng tiên ở núi Thiên thai!
Bài một: Lưu, Nguyễn du Thiên thai (Lưu, Nguyễn đi chơi núi Thiên thai)
Bài hai: Lưu, Nguyễn động trung ngộ tiên nhân (Lưu, Nguyễn trong động gặp nàng tiên)
Bài ba: Tiên tử tống Lưu, Nguyễn xuất động (Hai nàng tiên tiễn Lưu, Nguyễn ra động)
Bài bốn: Tiên tử động trung hữu hoài Lưu, Nguyễn (Nàng tiên trong động nhớ Lưu, Nguyễn)
Bài năm: Lưu, Nguyễn tái đáo Thiên thai bất phục Kiến chư tiên tử (Lưu, Nguyễn trở lại Thiên thai không gặp các nàng tiên)
            Nàng Kiều và chàng Kim gặp nhau thì cái phòng văn của chàng Kim đối với đôi bạn tình son trẻ- trai tài gái sắc này nào có khác gì các động Thiên thai.
(theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét