Ðêm ở trú phường, tả nỗi đau đớn tinh thần lẫn thể xác của Kiều, và sự hành động cục súc, thô bỉ của Mã Giám Sinh đối với Kiều trong đêm ân ái, "Truyện Kiều" có câu:
Tiếc thay một đoá trà mi
Con ong đã mở đường đi lối về
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương
Ðêm xuân một giấc mơ màng
Ðuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ(câu 845 đến 850)
Con ong đã mở đường đi lối về
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương
Ðêm xuân một giấc mơ màng
Ðuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ(câu 845 đến 850)
"Ðuốc hoa" danh từ Hán Việt là "hoa chúc" tức là đèn nến thắp trong phòng của đôi vợ chồng đêm làm lễ thành hôn.
"Chúc" nguyên nghĩa đầu tiên là cây đuốc hay bó đuốc, thời cổ Trung Quốc, người ta dùng nứa hay cỏ khô kết lại thành bó để đốt sáng. Cũng như ở nông thôn nước ta dùng lá dừa khô hay rơm khô bó lại thành bó đốt lên để đi đêm. Lý Bạch, thi hào đời nhà Ðường có câu "Cổ nhân bỉnh chúc dạ du" (người xưa đốt đuốc đi chơi đêm).
Bó đuốc chưa đốt gọi là "tiêu". Ðuốc đốt lên cầm tay gọi là "chúc". Ðuốc lớn đóng cọc xuống đất mà đốt gọi là "đình liệu". Lệ nhà Châu, khi đầu canh năm, vua sắp ra triều thì ở trước điện đình bày hai hàng đèn bằng đuốc hoặc bằng sáp, để rọi đường cho các quan vào triều.
Sách "Mộng lương lục" đời Tống chép: cô dâu xuống xe, mấy con hát cầm đuốc làm hình cánh hoa sen đi trước đưa đường. Như vậy, bó đuốc để đi đưa dâu hay rước dâu có kết hoa bên ngoài cho đẹp. Vì tục Trung Hoa rước dâu vào chập tối. "Truyện Kiều", đoạn tả quan Phủ truyền tổ chức lễ thành hôn cho Kiều và Thúc Sinh, có câu:
Kíp truyền sắm sửa lễ công
Kiệu hoa cất gió đuốc hồng ruổi sao(Câu 1465 và 1466)
Kiệu hoa cất gió đuốc hồng ruổi sao(Câu 1465 và 1466)
tức là đốt đuốc để đi (đi mau) đêm dưới trời đầy sao.
Sách "Quy điền lục" của Âu Dương Tu đời Tống có chép: ở Ðặng Châu có thứ hoa lạp chúc (nến làm bằng sáp hoa) nổi tiếng trong nước, ngay kinh đô cũng không chế nổi.
Như vậy, đến thời cận kim, người Trung Hoa đều hiểu "chúc" là nến, chớ không hiểu "đuốc" như thời cổ. Và, "đuốc hoa" (hoa chúc) chỉ ngọn nến đốt trong phòng của đôi vợ chồng mới cưới. Ðể chỉ hạnh phúc sung sướng của đời người con trai là thi đỗ (đại đăng khoa) và cưới vợ (tiểu đăng khoa) nên có câu:
Ðộng phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì
Nhân nói thêm về từ "động phòng" thường đi đôi với từ "hoa chúc", sở dĩ có nghĩa là đêm tân hôn, do câu thơ của Dũ Tín thời Nam Bắc triều
Ðộng phòng hoa chúc minh
Vũ như ong yến khinh
Nghĩa là:
Phòng sâu đuốc hoa sáng
Ðôi én múa dịu dàng
Như vậy, "đuốc hoa" (hoa chúc) đã được phổ thông để chỉ ngọn đèn nến trong phòng đặc biệt của đôi vợ chồng mới (tân lang và tân nương) đêm tân hôn.
Nhưng ở đây, sao "đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ"?
Ðiều dễ hiểu. Vì mặc dầu muốn hay không, Kiều phải nhận Mã Giám Sinh là chồng, nhưng ngược lại tên này không coi Kiều là vợ. Lẽ thường, theo tư cách của đôi vợ chồng trong đêm tân hôn, vì tự trọng, nghĩ đến duyên nợ trăm năm, coi đây là bạn đường đời để cắp tay nhau đi trót cuộc đời, tất chuyện trò đằm thắm, vui vẻ... Giá phỏng Kim Trọng cùng Kiều trong đêm tân hôn này thì cả hai trao đổi biết bao tâm sự mặn nồng với bao vẻ âu yếm, nên thơ. Nhưng khốn nạn, Mã Giám Sinh không phải là Kim Trọng!
Ðã không phải là vợ. Cũng không phải là người yêu. Gã họ Mã đối với mụ Tú Bà là một kẻ trộm, một kẻ cắp... Cái trinh của Kiều chính là cái vốn quý để Tú Bà làm giàu, làm thịnh vượng cho cái lầu xanh của mụ. Huống chi hắn "vẫn là một đứa phong tình đã quen", nay lại vừa đóng vai chồng hờ để trở thành một tên ăn trộm, ăn cắp... Vậy trong cuộc ái ân tất phải có hành động như một kẻ trộm, kẻ cắp. "Một cơn mưa gió nặng nề" có khác nào cảnh "vin cành quít"... như một điển tích đã nói. Và cũng do đó, qua sự cuồng nhiệt ái ân coi như vụng trộm nên cuối cùng để mặc Kiều nằm trơ trước đuốc hoa còn để đó.
Bằng lời thơ bóng bẩy nhẹ nhàng, tác giả vừa tả được cái tủi nhục đau đớn về tinh thần lẫn thể xác của Kiều; đồng thời tả được tâm lý, tư cách, hành động thô bỉ, cục súc của gã Mã Giám Sinh chỉ ngắn có mấy câu thơ.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét