Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Điển tích truyện kiều - Vả trong thềm quế cung trăng


Tại lầu xanh ở Lâm Tri, Thúc Sinh say mê Kiều, Kiều biết Sinh đã có vợ nhà, nhưng ngỏ ý với Sinh xem mối tình của Sinh đối với Kiều phỏng còn giữ được mãi không, hay vì tình chồng vợ đối với vợ nhà lại vì Kiều mà Sinh phải chia sẻ:
Bình Khang nấn ná bấy lây
Yêu hoa yêu được một màu điểm trang
Rồi ra lạt phấn phai hương
Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?
Vả trong thềm quế cung trăng
Chủ trương đành đã chị Hằng ở trong
Bây giờ khắng khít dải đồng
Thêm người người cũng chia lòng riêng tây
(Câu 1335 đến 1352)


        Và, khi Kiều bằng lòng làm vợ lẽ là Thúc Sinh, nàng giục Thúc Sinh về quê thăm vợ; nhân đó nàng bảo Thúc Sinh nên thú thực với vợ cả là Hoạn Thư xin cho nàng làm lẽ, nhưng nàng vẫn còn lo ngại:
Sắm bìm chút phận con con
Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?
Thân sao nhiều nỗi bất bằng
Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ nao!
(câu 1633 đến 1636)
        Xưa, người ta tin rằng trên cung trăng là chỗ Hằng Nga ở có cây quế. Và, cũng cho rằng ở trong mặt trăng có con cóc thần (thiềm thừ); do đó có những từ "thiềm cung" để chỉ mặt trăng, và "thiềm quế" để chỉ cái bóng đen (con cóc) ở trong mặt trăng. Lại vì có chữ "thiềm" nghĩa là "thềm" (thềm nhà) nên tác giả Truyện Kiều chuyển làm "thềm quế" đối với "cung trăng".
        Cung Quảng tức cung Quảng hàn là cung trăng quanh năm lạnh lẽo, chỗ Hằng Nga ở. Chị Hằng, ả Hằng tức là nàng Hằng Nga.
        Theo sách "Dậu dương tay trở", "Ngũ thông kinh nghĩa", "Sơn hải kinh", "Tả truyện" thì Hằng Nga là vợ của Hậu Nghệ. Nghệ, người đời nhà Hạ (2205- 2197 trước DL) có tài thiện xạ, bắn được chín con quạ vàng (kim ô tức mặt trời) lập nên công lớn vì cứu sinh linh thoát cảnh nước sôi lửa cháy, nên được suy tôn làm Hoàng Ðế.
        Hằng Nga nguyên là nhà nghèo nhưng có sắc đẹp lộng lẫy, sống ở cánh đồng hoang phương Bắc..
        Ngô Cương là học trò của Hậu Nghệ vâng lệnh Nghệ tìm người làm Hoàng hậu. Ðến phương Bắc, Ngô Cương bắt Hằng Nga về dâng cho Nghệ. Hằng Nga được Nghệ sủng ái, giao giữ cỏ Linh Chi, một thứ cỏ tiên uống vào sống mãi do tiên cho.
        Hằng Nga bị bắt phải lìa xa cha mẹ, quyết liệt đòi về. Nghệ sợ Hằng Nga trốn thoát khi Nghệ đi săn tìm thịt nên giữ Hằng Nga trong phòng và lệnh cho Ngô Cương canh giữ nghiêm ngặt, không cho rời bước khỏi cung. Hằng Nga buồn bã, hằng ngày chỉ làm bạn với con thỏ ngọc.
        Hậu Nghệ từ khi làm Hoàng Ðế ngày càng tàn bạo cùng Ngô Cương giết chóc sinh linh. Hằng Nga không khuyên ngăn được; và biết rằng chồng sống mãi thì càng gây nhiều tội ác, nhân dân càng thêm đau khổ nên nàng nuốt lấy cỏ Linh Chi, để Nghệ không còn cỏ tiên mà trường sinh nữa.
        Nuốt cỏ xong, Hằng Nga mặt mày xây xẩm một lúc, rồi thấy mình nhẹ bỗng như không. Một đám mây ngũ sắc hiện dưới chân nàng từ từ đưa nàng bay lên. Thỏ ngọc chồm nhảy theo. Hằng Nga đưa tay dắt lấy rồi cả hai bay như áng sương mờ ảo bay qua cửa sổ thẳng lên cung trăng. Từ đấy, nàng sống buồn bã, chỉ làm bạn với thỏ ngọc trong cung lạnh xa hẳn trần thế.
        Hậu Nghệ đi săn về, thấy mất Hằng Nga, tức giận Ngô Cương vì để Hằng Nga trốn thoát, nên dùng tay siết cổ Ngô Cương cho đến chết.
        Dân nghèo bấy giờ quật khởi, bao vây hoàng thành, đột nhập hoàng cung. Hậu Nghệ không chống nổi, tự tử.
        Trong cung trăng có cây quế cao hàng trăm trượng. Ngô Cương vốn mang nhiều tội ác đẫm máu nhân dân, nay lại bị Hậu Nghệ giết chết vì để Hằng Nga trốn thoát, nên hồn tìm lên cung trăng tìm giết Hằng Nga để báo thù. Nhưng hắn bị Tiên ông- Nguyệt lão- bắt và cho chặt cây quế, chừng nào cây quế đổ thì hắn mới được tha. Ngô Cương cầm búa chặt mãi, nhưng khi rút lưỡi búa ra thì vết đứt vẫn liền lại như cũ. Thế là Ngô Cương bị giam giữ mãi trên cung trăng.
Vả trong thềm quế cung trăng
Chủ trương đành đã chị Hằng ở trong
       Ý của Kiều cho rằng nơi nhà của Thúc Sinh đã có vợ là Hoạn Thư. Kiều dùng lối thậm xưng đề cao nhà của Thúc Sinh (thềm quế cung trăng), và vợ của Thúc Sinh là Hoạn Thư (chị Hằng).
Thân sao nhiều nỗi bất bằng
Liều như cung quảng ả Hằng nghĩ nao!
        Kiều lại lo nghĩ đến thân phận mình không biết có được làm vợ lẽ của Thúc Sinh chăng nữa (sắm bìm chút phận con con). Thôi thì liều sống cô độc như Hằng Nga (ả Hằng) trong cung lạnh (Quảng hàn)
        Thật là một điều tủi hận đau đớn. Người có sắc tài như Kiều mà còn phải lo lắng cho thân phận của mình có được làm thân lẽ mọn cho một tên thương buôn hay không!
        Qua bút pháp diễn tả cùng một điển tích, tác giả dùng cho hai đối tượng với hai số phận khác nhau. Cùng "nàng Hằng" nhưng sao kẻ sống ở "thềm quế cung trăng", người lại thui thủi sống trong cung lạnh (cung Quảng hàn).
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét