Hiển thức dậy lần này là lần thứ tư
rồi. Suốt mấy ngày liền, ông cứ mơ màng rồi vật vã trong những cơn đau lưng và
đau phổi...
Hiển vốn là một ông giáo dạy ở một
trường đại học lớn ở miền Trung. Khao khát lớn nhất của thầy là được dạy một tiết
học theo những kiến thức của mình, truyền hồn mình cho học sinh nhưng đến cái
lúc gần đất xa trời này điều ấy vẫn chẳng thực hiện nổi. Những tiết lên lớp,
ông luôn dạy một cách máy móc theo những kiến thức mà nhà trường áp từ trên xuống
để rồi bao tiết học mà hứng thú học sinh vơi chứ không có đầy. Có lẽ vì thế nên
khi bước ra khỏi lớp, thầy luôn rít những hơi thuốc dài ngoài hành lang rồi
nhìn ra cái rặng bằng lăng tim tím mà mắt mị đi như ngấn lệ. Đầu ông cứ quay cuồng
với biết bao suy nghĩ, lo âu cho những đứa trò nhỏ kia rồi sẽ đi về đâu với đống
kiến thức quá hàn lâm thế này. Văn chương không thể đi vào trái tim từng con
người bằng sự ép buộc mà phải bằng những cảm xúc chân thành. Giáo Hiển nhớ lại
lời của Nam Cao: “văn chương không cần đến
những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung
nạp những ai biết tìm tòi, biết đào sâu, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng
tạo những gì chưa có”; để rồi ông cười dài bằng cái miệng méo một bên vì
bên ấy đã rụng gần hết răng. Dạy không sáng tạo thì sao học nảy sinh ra sự sáng
tạo được chứ! Nghiệp làm thầy đồng lương có phần bạc bẽo nhưng nó chẳng cay đắng
như khi nhìn những lứa học trò của mình cứ nhồi nhét những thứ khô khan cho qua
môn, ra trường và thất nghiệp. Nghĩ đến đây, thầy Hiển nghe cả vành tai mình tê
tái vì bất lực. Thời sinh viên của ông đã qua đi với cả đống sách được chính
ông chắt chiu học hỏi. Lúc nào, ông cũng muốn dùng cái kiến thức tổng hợp hay ấy
trao cho đôi tay học sinh. Nhưng bước
vào đường dạy rồi, thầy vỡ lẽ ra rằng mình phải theo giáo trình, phải đúng giờ
đúng tiết. Cảm xúc của người giáo viên đã không còn nữa huống hồ gì học sinh.
Thế rồi, thầy vẫn cứ dạy. Mọi thứ của
thầy Hiển vẫn cứ theo khuôn khổ đã định, duy chỉ đôi mắt là thoát li được khỏi
ràng buộc kia. Đôi mắt đó cứ nhìn sâu vào từng cửa sổ tâm hồn mà soi rọi những
chân trời tri thức. Không truyền được bằng lời nói, ta sẽ truyền bằng tình cảm,
tình thương. Và dường như nó thắng bởi kiến thức có khó nhưng các em không hề nản,
vẫn đi học đủ đầy, vẫn phát biểu, vẫn thi cử. Nhưng ngày mai kia ai biết chúng
có dùng được kiến thức đó không?
Gần bốn mươi năm đứng bục giảng,
hít bụi phấn trắng bay, quay lên quay xuống giảng cộng với những hơi thuốc dài
mà thầy hay hút nên giờ giáo Hiển đã yếu hẳn. Bốn lần mơ màng rồi tỉnh giấc ấy
lần nào ông cũng thấy hình ảnh từng đứa học trò qua những lần ông dạy. Với tay
lấy chiếc điện thoại, ông gọi một vài học trò của mình để hỏi thăm. Chúng nó vẫn
có công việc tốt, có vật chất, có đời sống gia đình ổn định nhưng chẳng có em
nào làm đúng ngành sư phạm đã học. Miệng thầy nói mừng cho trò nhưng môi đã dần
mím lại cho khỏi bật khóc thành tiếng. Và mắt đã nhắm nghiền theo những tiếng nấc
nghẹn ngào...
Hương Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét