Bước vào tháng Giêng sau những ngày mưa hối hả,
bà con quê tôi nô nức gieo mùa lúa mới. Năm nào cũng vậy, hợp tác xã hay mời
đoàn tuồng Đào Tấn về hát ba ngày ba đêm như một lễ cúng trời đất, thần linh
phù hộ cho vụ mùa tươi tốt. Nhà tôi ở
sát sân đình. Ngày thường nơi đây là sân bóng chuyền cho đám thanh niên trong
xóm. Đến mùa, người ta thay phiên nhau phơi lúa ở đó rồi làm sạch đem về nhà.
Và tới tháng Giêng, nó lại là nơi để dàn sân khấu hát tuồng mỗi đêm.
Ngày đó, tôi chưa biết xem hát tuồng nhưng cũng
theo bà. Chiều xuống, mẹ cho tôi tắm rửa cơm nước đầy đủ rồi leo lên lưng bà
cõng qua sân đình. Ngồi trên lưng, tôi tha hồ với tay bắt những con đom đóm vướng
nhánh cây bên hàng rào, chỉ lên trời cao mà hỏi tên các vì sao xa xôi ấy. Có lần,
vì với hụt tay, tôi suýt tụt tay bà mà rơi xuống. Bà hoảng hốt quàng tay xuống
dưới mà kịp đón tôi nên chỉ bị trầy nhẹ ở chân. Sau lần ấy, bà luôn dặn kĩ tôi
phải ngồi im trên lưng nếu không bà không cho đi nữa. Thế là từ đó tôi ngoan
ngoãn như cục đất trên lưng bà.
Bà luôn đến sớm để được ngồi gần xem cho rõ mặt
nhân vật. Tôi hay sợ những ông lớn mặt vẽ đủ các đường ma quái nên thường lấy
tay bà che mắt lại để rồi lâu lâu ghé mắt nhìn rồi lại thụt xuống. Do vậy, từ chập tối đến khuya tôi chẳng xem được
tí nào. Trên đường về bà thường kể lại nội dung của vở tuồng đêm ấy. Vị cay của
trầu len lỏi trong từng khóe miệng móm mém của bà làm cho giọng run run của bà ấm
áp. Trong câu chuyện của bà có nàng Cúc Hoa bạc mệnh, đoản số; Chàng Phạm Công học
giỏi, đỗ đạt, thương vợ nên mang theo hài cốt vợ bên mình trong khi đánh giặc.
Cảm thương tấm lòng đó, tướng giặc đã tự chặt đầu mình tặng cho chàng Phạm đem
về lập công. Nàng Tào Thị là vợ thứ của chàng. Ở nhà, mụ bạc đãi với hai con của
Cúc Hoa đến mức chúng phải bỏ nhà ra biên cương tìm cha… Và còn biết bao chuyện
tuồng khác nữa nhưng tôi nhớ nhất là câu chuyện đó. Có lẽ, vì nó mang một kết
thúc có hậu phù hợp với tâm lí trẻ thơ hay hai đứa trẻ kia luôn khao khát được
bên mẹ giống như tôi chẳng xa rời.
Năm tháng vội qua, tôi bỏ quên ký ức thầm lặng
với những năm tháng bên bà. Bà đã về thế giới có Phạm Công, Cúc Hoa,… Nơi ấy chắc
là thiên đàng, là nơi vui và hạnh phúc nhất. Giờ đây, mỗi lần có đoàn hát về
sân đình tôi lại ngùi ngùi thương nhớ. Sống mũi cay cay khi nhìn “ông lớn mặt
ghê sợ” kia. Tôi đâu còn được núp dưới tay bà nữa, không còn được ngồi trên
lưng nghe bà kể tối nay hát gì và cũng chẳng thấy được hình bóng của bà. Có
chăng chỉ còn chút hình hài sâu trong tiềm thức. Bà ơi, gánh hát tuồng về ai sẽ
kể cháu nghe…
HƯƠNG
NAM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét