Truyện truyền
kỳ là một thể loại văn xuôi tự sự độc đáo của văn học Việt Nam trung đại. Với đặc
điểm dùng cái kỳ ảo làm phương thức chuyển tải nội dung, truyện truyền kỳ không
chỉ phản ánh hiện thực, gửi gắm những tâm tư, tình cảm của tác giả một cách
hình tượng mà ở đó còn có cả một thế giới tín ngưỡng tôn giáo và giá trị cũng
như số phận con người. Trong tiền trình phát triển từ thế kỉ X đến nửa đầu thế
kỉ XIX của mình, nó đã được tác các tác giả làm mới cả về nội dung lẫn hình thức.
Vì vậy, trong phạm vi giới hạn, bài viết không thể đi sâu vào từng tác phẩm
truyền kỳ mà chỉ nghiên cứu giá trị của truyện truyền kỳ theo tiến trình phát
triển gắn với tôn giáo và con người nói chung, số phận con người nói riêng . Đồng
thời, bài viết cũng sẽ chỉ ra sự thay đổi quan niệm tư duy con người qua các thời
kỳ.
1.
Truyện truyền kỳ - Nguồn gốc xa nhưng đời sống
gần…
Bị giặc phương Bắc đô hộ hơn một nghìn năm, đây
là một trong những lí do khiến văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc
của văn học cổ điển Trung Quốc từ chữ viết, thể loại văn học, đề tài, thi liệu,
điển tích điển cố cho đến cách thể hiện, nội dung ý nghĩa, tư tưởng tác gia và
các thể loại văn học cổ. Truyện truyền kỳ của Việt Nam cũng vậy, nó có nguồn gốc
từ thể truyền kỳ trong văn học cổ của Trung Quốc. Đây là một thể loại văn xuôi
tự sự phát triển từ thể loại truyện cổ dân gian nên trong thực đó còn có chất kỳ
ảo mà các tác gia văn học viết đã tiếp nhận và nâng cao thành một loại văn xuôi
tự sự ngắn.
Truyện truyền kỳ tồn tại trong một thời gian
dài nhưng phát triển mạnh mẽ nhất là ở thời Đường (618 – 907). Theo chân lịch sử,
truyện truyền kỳ đời Đường đã sử dụng nhiều chất liệu từ truyện chí quái thời Lục
nhưng đã được biến tấu về nhiều mặt. Truyện truyền kỳ sử dụng những mô tip kỳ
quái, hoang đường nhưng được lồng trong cố truyện sinh hoạt thế sự hoặc đời tư.
Bởi vậy, nó mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện những nhân tình thế thái của
đời sống, thái độ nhân sinh của nhà nghệ sĩ ẩn hiện trong cách hành đạp, ẩn dật,
tín ngưỡng tôn giáo. Ở thời này có những tác phẩm, tác giả tiêu biểu như Chẩm trung ký của Thẩm Ký Tế, Nam Kha thái thú truyện của Lý Công Tá,
Lý Oa truyện của Bạch Hành Giản, Oanh Oanh truyện của Nguyên Chẩn…, và đặc
biệt, hai chữ truyền kỳ chính thức được
đặt tên cho sáng tác của Bùi Hình. Các văn nhân Trung Hoa đã sáng tạo nghệ thuật
có ý thức với sự xuất hiện của thể loại truyền kỳ. Truyền kỳ đời Đường ảnh hưởng
rất lớn đến văn chương đời sau. Trong đó, hai tác phẩm nổi bật về thành tựu ở
thời Minh – Thanh phải kể đến Tiễn đăng
tân thoại của Cù Hựu (1341 – 1427), Liêu
trai chí dị của Bồ Tùng Linh (1640 – 1715) . Tiễn đăng tân thoại là tác phẩm có ảnh hưởng nhiều đến thể loại
truyền kỳ Việt Nam nói chung và Truyền kỳ
mạn lục của Nguyễn Dữ nói riêng (tác phẩm này sẽ được phân tích sau trong
quá trình phát triển).
Văn học trung đại Việt Nam có khá ít tác phẩm
mà tác giả gán tên truyền kỳ cho sáng tác của mình, nhưng nếu xét theo đặc
trưng của thể truyền kỳ là bao giờ cũng có một mô tip kỳ quái, hoang đường thì
lại rất phong phú. Có thể kể đến Việt điện
u linh của Lý Tế Xuyên, Thiền uyển tập anh (chưa rõ tác giả), Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế
Pháp, Thánh Tông di thảo (tương truyền
của Lê Thánh Tông), Truyền kỳ mạn lục của
Nguyễn Dữ, Truyền kỳ tân phả của
Đoàn Thị Điểm, Công dư tiệp ký củ Vũ
Phương Đề… Truyện truyền kỳ Việt Nam chịu ảnh hưởng truyện truyền kỳ Trung Quốc
về bút pháp và thể loại nhưng đậm đà tính dân tộc, giàu tính sáng tạo.
Như vậy, truyện truyền kỳ phản ánh hiện thực
qua cái kỳ lạ. Kết cấu của mỗi truyện đều có sự thống nhất hai yếu tố kỳ và thực
dù vai trò của mỗi yếu tố có sự đậm nhạt khác nhau trong mỗi tác phẩm, mỗi giai
đoạn cụ thể của sự phát triển thể loại. Chính sự thống nhất này làm cho truyện
truyền kỳ gần gũi với đời sống hiện thực, giàu giá trị nhân văn.
2.
Truyền kỳ - bóng dáng lịch sử, tôn giáo và con
người
Theo nhiều nhà nghiên cứu, mầm mống của truyện
truyền kỳ đã có ở Việt điện u linh của
Lý Tế Xuyên. Tác phẩm kể về công tích 27 vị thần được thờ trong các đền, miếu
thời Lý – Trần, có chức năng lễ nghi tôn giáo. Ở đây, không khí kỳ ảo bao trùm
lên cuộc đời nhân vật cả khi sống lẫn khi đã khuất. Chẳng hạn, truyện Bố cái Đại vương: Vương có sức khỏe, đánh được hổ, vật được trâu. Sau khi mất, Vương
hay hiển linh giúp Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Dân các làng thường nghe tiếng xe, ngựa đi ầm
ầm trên các nóc nhà hoặc trên các cây cổ thụ, trông lên thấy trong đám mây năm
sắc có cờ, kiệu rực rỡ, lại có tiếng đàn sáo văng vẳng trên không [1, 13-14].
Ở đây cái “kỳ” xuất hiện rõ rệt. Nó gần gũi với cái siêu nhiên, kỳ vĩ của thần
thoại, cổ tích và có quan hệ với tín ngưỡng dân gian, với niềm tin dân chúng về
chuyện linh hồn con người tiếp tục tồn tại sau khi chết và có thể trở về giúp
những người còn sống. Bút pháp xây dựng nhân vật là bút pháp kì vĩ của truyện
thần thoại.
Vào khoảng giữa thế kỉ XIV, Thiền uyển tập anh (chưa rõ tác giả) ra
đời, kế thừa chất “kỳ” của Việt điện u
linh để nói hành trang của 68 vị thiền sư. Tác giả đã xoáy ngòi bút của
mình vào việc lạ hóa quá trình sinh hạ, tụ họp và quy tịch của các thiền sư như
viết viết về nguồn gốc ra đời của thiền sư Ngô Ẩn. Mẹ ông là một thiếu nữ dệt vải
họ Cù, sống ở bìa rừng “một hôm bà đang
ngồi dệt vải có con khỉ lớn từ trong rừng chạy ra ôm lấy lưng bà suốt ngày mới
bỏ đi. Sau đó bà biết mình có mang[2,66]. Không những thế, Thiền uyển tập anh còn nhiều tình tiết
mang màu sắc kỳ ảo rằng sự ra đời của các vị thiền sư gắn với hiện tượng lạ, điềm
lạ, giấc mơ lạ; cuộc đời và sự viên tịch cũng đầy khác lạ sơ với người thường.
Đây là sự kế thừa lớn nhất từ truyện cổ tích Việt Nam. Cái lạ của nhân vật khiến
cho yếu tố truyền kỳ của Thiền uyển tập
anh nổi bật hơn so với Việt điện u
linh dù đây là những tác phẩm chức năng tôn giáo.
Việt
điện u linh, Thiền uyển tập anh cùng một số tác phẩm
đương thời đều là những tác phẩm chức năng tôn giáo. Một mặt, tác giả đã bám
sát lịch sử, lấy nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử làm đối tượng phản ánh nên
giá trị văn học chưa cao. Mặt khác, họ cũng thần thánh hóa nhân vật bằng mọi
cách để tôn vinh công đức và tài trí, sức mạnh và sự diệu kỳ của nhân vật. Sự
thần thánh hóa nhân vật đã làm nảy sinh các mô tip về cái kỳ lạ, cơ sở cho loại
hình truyện ở các giai đoạn tiếp theo nhất là truyện truyền kỳ. Như vậy, đến cuối
thế kỉ XIV những tiền đề văn học cho sự phát triển thể loại truyền kỳ đã xuất
hiện.
Thế kỷ XV – XVI được coi là thế kỷ của truyện
truyền kỳ với sự xuất hiện của Thánh
Tông di thảo (tương truyền của Lê Thánh Tông) và Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Nếu như Thánh Tông di thảo là bước đánh dấu sự chuyển biến đột khởi của văn
xuôi tự sự Việt Nam, con người trở thành đối tượng phản ánh, còn thánh thần,
tiên phật bị hạ xuống hàng thứ dưới con người; thì Truyền kỳ mạn lục được xem như đỉnh cao của truyện truyền kỳ Việt
Nam.
Đến với Thánh
Tông di thảo ngòi bút thực lục của thời trước đã không còn nữa mà
thay vào đó là sự sáng tạo của nhà văn được thể hiện rõ nét. Ở tập truyện này,
những câu chuyện dân gian được kế thừa, biến đổi chút ít, sắp xếp lại và những
cốt truyện lưu truyền trong dân gian chỉ còn là những chất liệu nhằm phục vụ
cho mục đích tư tưởng của tác giả. Truyện Ngọc
nữ về tay chân chủ vốn lấy cốt truyện từ Sơn Tinh, Thủy Tinh. Nhưng nếu Sơn
Tinh, Thủy Tinh chỉ giải thích hiện tượng lũ lụt thì Ngọc nữ về tay chân chủ khẳng định sức mạnh của con người, đề cao
nhân quyền. Chưa bao giờ con người hiện ra với uy quyền tuyệt đối như thế. “Núi có thể bạt đi, gò có thể san bằng, núi
lớn có thể bắt lui, sông to có thể cắt đứt [3,107]. Thời điểm này, chất liệu
cuộc sống cũng thâm nhập vào tác phẩm với đề tài từ cuộc kháng chiến cuống quân
Minh hoặc từ hiện thực cuộc sống đương thời. Cái mới của tác phẩm này là tác giả
trước đây chỉ viết về hành trạng của các nhân vật mà cuộc đời gắn với những sự
kiện lớn lao trong lịch sử thì Thánh Tông
di thảo còn chú ý đến những sự kiện và con người bình thường, đặc biệt là
người phụ nữ. Cái nhìn nhân văn len lỏi xuất hiện. Vì thế, có thể nói Lê Thánh
Tông đã đưa truyện ngắn truyền kỳ gần với đời thường hơn. Cái kỳ ảo chỉ sử dụng
như một phương tiện nghệ thuật để chuyển tải nội dung, trở thành ý thức nghệ
thuật chứ không còn mang tính tự phát, chịu ảnh hưởng của các siêu nhiên kỳ vĩ
của thần thoại cổ tích thời kỳ đầu. Đến đây, truyện truyền kỳ đã qua một chặng
đường dài. Nhà văn trở thành người sáng tạo chứ không còn đóng vai trò ghi
chép. Cái kỳ không còn là mục đích mà trở thành một phương tiện nghệ thuật để
chuyển tải nội dung.
Ra đời vào khoảng nửa thế kỳ XVI, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là đỉnh
cao của truyện trruyền kỳ Việt Nam. Lời đề tựa do Hà Thiện Hán viết có đoạn nhận
xét: “Xem văn từ thì không vượt ra ngoài
phên giậu của Tông Cát[4,204]. Dễ thấy rằng Truyền kỳ mạn lục chịu ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại nhưng
Nguyễn Dữ không sao chép một cách máy móc mà bằng vốn sống, tài nghệ của mình
dường như ông đã tháo rời toàn bộ hình
hài của Tân thoại rồi lắp ghép không chút đơn giản cho nó tái sinh khiến cho
truyện nào cũng thuộc về ông, thuộc về Việt Nam[5,359]. Trong hoàn cảnh đất
nước lâm vào thảm họa, loạn li, vấn đề số phận con người bước đầu được đặt ra.
Là một trí thức ưu thời mẫn thế, Nguyễn Dữ không thể làm ngơ trước nỗi đau, bất
hạnh của những kiếp người vô tội, nhất là người phụ nữ. Thời thế và nhu cầu phản
ánh của văn học đã hướng ngòi bút của Nguyễn Dữ vào những vấn đề xã hội đặt ra.
Theo khảo sát, Truyền kỳ mạn lục có 11/20 truyện viết về đề tài phụ nữ - nạn nhân
đau khổ trong xã hội. Về phương diện nghệ
thuật, Nguyễn Dữ sử dụng yếu tố kỳ so với
tác giả Lê Thánh Tông ở mức độ cao hơn, những vấn đề ông phản ánh gần gũi hơn với
con người[6,29]. Trong bài nghiên cứu Những
biến đổi của yếu tố kỳ và thực trong truyện ngắn truyền kỳ Việt Nam, Vũ
Thanh đã so sánh Duyên lạ xứ Hoa của
Lê Thánh Tông với Từ Thức lấy vợ tiên
của Nguyễn Dữ để rồi rút ra kết luận: cả hai đều sử dụng mô tip để nhân vật
chính lạc vào một thế giới khác và kết hôn với “người thần”, nhưng Lê Thánh
Tông còn giữ lại nhiều tình tiết huyền ảo của cốt truyện cổ tích thần kỳ và
hương vị tình yêu lãng mạn của các vị thần thì truyện của Nguyễn Dữ tràn đầy những
vấn đề xã hội với mâu thuẫn gay gắt. Không những thế, nhân vật của Lê Thánh
Tông dù sao vẫn còn xa lạ với cuộc sống đời thường còn nhân vật của Nguyễn Dữ
dù kết duyên với “người tiên” vẫn không nguôi nhớ dương gian.
Truyền
kỳ mạn lục là một bước tiến vượt bậc trong sự phát triển
của thể loại. Nguyễn Dữ chính là người đã hoàn tất quá trình đưa văn xuôi tự sự
thoát khỏi văn học mang tính chức năng nói chung và văn học chứng năng tôn giáo
thời kỳ trước nói riêng, đem nó lại gần với con người. Ông đưa văn học trở về với
hiện thực cuộc sống hiện thực để phản ánh những mâu thuẫn gay gắt của xã hội
đương thời. Khác với các nhà văn trước, Nguyễn Dữ sáng tạo nên nhân vật và cốt
truyện, sử dụng cái kỳ như một thủ pháp nghệ thuật để chuyển tải nội dung. Cái
kỳ đó có sự thống nhất với cái thực, cái thực đã trở thành đối tượng, mục tiêu
phản ánh của nhà văn và cái kỳ là hạt nhân tự sự được hư cấu bởi tác giả. Do đó, sẽ không quá nếu nói Truyền kỳ mạn lục đưa người đọc vào một
thế giới vừa thực, vừa hư, có thế giới thần tiên, ma quỷ nhưng cũng có cái hiện
thực thường ngày, xứng đáng là đỉnh cao của thể loại.
Đến thế kỷ XVII, văn xuôi tự sự nói chung và
truyện truyền kỳ nói riêng dường như vắng bóng trên văn đàn dân tộc. Thời điểm này
ra đời ba loại văn học mới: truyện Nôm, diễn ca lịch sử, khúc vịnh. Tuy nhiên,
chất truyền kỳ vẫn ẩn hiện đâu đó trong các tác phẩm sau này với lịch sử, tín
ngưỡng và con người.
3.
Giá trị hiện thực và giá trị nhân văn trong
truyện truyền kỳ
Giá trị hiện thực của truyện truyền kỳ thể hiện ở sự vận động,
phát triển của truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam gắn với xã hội phong kiến, nằm
trong khuôn khổ của ý thức hệ phong kiến. Sự hưng thịnh, suy vong của xã hội đã
phản chiếu vào tác phẩm, làm nên những giá trị hiện thực.
Việt điện u linh ra đời trong khung cảnh lớn của buổi đầu kỷ
nguyên Đại Việt với những định hướng tư tưởng của thực tiễn xây dựng và bảo vệ
quốc gia phong kiến đôc lập. Tác phẩm tập trung ngợi ca nhà nước phong kiến với
các bậc vua sáng tôi hiền, đặc biệt tập trung ca ngợi quyền lực vua chúa. Phần
lớn các vị thần trong Việt điện u linh vốn
xuất phát từ các bậc vua quan triều đình, được triều đình sắc phong và đưa vào
thờ tự các miếu. Các vị ấy thường trở về phù trợ cho người còn sống đánh giặc cứu
nước. Bằng cách đó, nó vừa đề cao quyền
lực của triều đình, vừa góp phần củng cố mối thống nhất của non sông đất nước.
Sang
Thánh Tông di thảo cũng dành nhiều
truyện để ca ngợi sự thịnh trị của triều đình phong kiến, sự anh minh sáng suốt
của vua Lê Thánh Tông. Trong Bài ký một
giấc mộng, nhà vua nói: Trẫm lên nhờ
oai linh của tổ tông, dưới dựa vào bầy tôi giúp sức, sinh, sát, thưởng, phạt đều
nắm trong tay. Ai uất ức đau khổ, ta có thể giải đi được. Ai công đức ngầm kín,
ta có thể nêu lên được[3,168].
Mãi
cho đến thời Nguyễn Dữ, cái nhìn của nhà văn đã chuyển sang một chiến tuyến mới.
Với tác phẩm của mình, Nguyễn Dữ đã vạch trần bộ mặt xấu xa của bọn vua chúa,
quan lại, thể hiện niềm thông cảm sâu sắc với nỗi khổ của nhân dân, đề cao thái
độ ẩn dật và khí tiết của kẻ sĩ. Đây là một tác phẩm giàu giá trị hiện thực. Với
dung lượng cho phép, bài viết không thể phân tích hết toàn bộ giá trị hiện thực
của nó.
Giá trị nhân văn của truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam
Bên
cạnh giá trị hiện thực, truyện truyền kỳ còn chứa đựng những giá trị nhân văn
sâu sắc gắn liền với lịch sử và con người. Ở thời kỳ chế độ phong kiến đang lên,
tác phẩm Việt điện u linh và một số
sự tích trong Thiền uyển tập anh đã
thể hiện niềm tự hào của nhân dân ta về tổ tiên, về anh hùng lịch sử, về non
sông đất nước; khẳng định truyền thống địa linh nhân kiệt cũng như những phong
tục tốt đẹp của cha ông xưa. Chẳng hạn, Vũ Quỳnh cũng tự hào về xứ sở của mình
mà viết: Quế Hải tuy ở cõi Lĩnh Nam nhưng
núi non kỳ lạ, đất đai thiêng liêng, nhân dân anh hào, truyện tích thần kỳ thường
vẫn có. Song song với niềm tự hào dân tộc là sự khẳng định vai trò, sức mạnh
của con người. Với Thánh Tông di thảo,
truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam đã đạt đến một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc.
Lần đâu tiên trong văn chương, thánh thần bị đẩy xuống hàng thứ yếu và mất
thiêng trước khả năng vô tận của con người.
Nguyễn Dữ cũng lấy
con người làm đối tượng khám phá, phản ánh nhưng Truyền kỳ mạn lục của ông lại đề cập đến những khát vọng của con
người cá nhân; khát vọng về tình yêu, hạnh phúc gia đình. Nhà văn đã miêu tả những
mối tình thơ mộng, thậm chí mang màu sắc nhục cảm như mối tình giữa Hà Nhân với
hai nàng Đào, Liễu (Chuyện kỳ ngộ ở trại
Tây), giữa Đào thị và sư Vô Kỷ (Chuyện
nghiệp oan của Đào thị)…
Nhìn
lại quá trình phát triển của truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam đã có những
thay đổi rõ rệt. Đến thời điểm này, có thể thấy rằng, nét độc đáo của chủ nghãi
nhân văn trong truyện truyền lỳ là đã đi sâu vào số phận con người của người phụ
nữ. Các nhân vật nữ trong Thánh Tông di
thảo, Truyền kỳ mạn lục và cả Truyền
kỳ tân phả sau này đều đẹp người đẹp
nết nhưng cuộc đời cay đắng bất hạnh. Những con người may mắn được hưởng hạnh
phúc vô cùng hiếm hoi. Viết về người phụ nữ, các nhà văn đã đặt ra vấn đề bức
thiết, đó là quyền được sống, được yêu, được hưởng hạnh phúc của người phụ nữ.
Điều này đã mở đầu cho khuynh hướng viết về người phụ nữ của văn học ở giai đoạn
sau với Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du…
Tài
liệu tham khảo chính:
1. Nguyễn Duy Hinh (1986), Vấn đề Từ Thức, tạp chí văn học trang 102-106.
2. Nguyễn Đăng Na (2001), Văn xuôi tự sự Việt Nam
trung đại, tập 2, ký, NXB Giáo dục Hà Nội.
3. Nguyễn Bích Ngô dịch (1993), Thánh Tông di thảo,
NXB Văn học Hà Nội.
4. Cù Hựu, Nguyễn Dữ (1999), Tiễn đăng tân thoại –
Truyền kỳ mạn lục.
5. Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn
đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, NXB Văn học Hà Nội.
6. Vũ Thanh (1994), Những biến đổi của yếu tố kỳ
và thực trong truyện ngắn truyền kỳ Việt Nam, tạp chí văn học trang 25 – 30.
* Bài đăng trên tạp chí Văn hóa văn nghệ phật giáo số 267 ngày 15-02-2017
* Bài đăng trên tạp chí Văn hóa văn nghệ phật giáo số 267 ngày 15-02-2017
0 nhận xét:
Đăng nhận xét