Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NHO SĨ QUA ỨNG XỬ ĐỜI THƯỜNG TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC CỦA NGUYỄN DỮ




Hình tượng nhân vật nho sĩ đã trở nên quá quen thuộc và phổ biến trong các tác phẩm văn chương Việt Nam qua các giai đoạn, đặc biệt là văn học trung đại. Mỗi tác giả có những đóng góp riêng cho nhân vật này tạo nên sự khác biệt trong các tác phẩm cùng thời. Nguyễn Dữ cũng vậy. Ông đã viết nên một áng “thiên cổ kỳ bút”Truyền kỳ mạn lục, đồng thời cũng là sáng tác duy nhất của Nguyễn Dữ, mở đầu cho nên văn xuôi tự sự Việt Nam. Đóng góp chính của nhà văn là ở hình tượng nhân vật nho sĩ.
Khi xây dựng hình tượng này, Nguyễn Dữ cũng có kế thừa những đặc điểm nho sĩ của các sáng tác trước đó. Tuy nhiên, văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có (“Đời thừa” – Nam Cao), nên bằng tất cả tấm lòng, tài năng và sáng tạo của bản thân, Nguyễn Dữ cũng cho người đọc thấy những đổi mới trong việc xây dựng hình tượng nhân vật nho sĩ. Chính vì vậy, trong giới hạn cho phép, người viết đề tài để chỉ ra những đặc điểm của hình tượng nho sĩ trong ứng xử đời thường trong “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Bên cạnh đó, người viết cũng muốn người đọc nhận thức được những đặc điểm của hình tượng nho sĩ trong thời kì suy thoái của chế độ phong kiến Việt Nam ở thế kỉ XVI.

1.     Hình tượng nho sĩ là nhân vật chính diện qua ứng xử đời thường
Lấy chất liệu xây dựng nhân vật văn học từ truyền thống tốt đẹp của người nho sĩ, những người có học thức, được dạy dỗ về đạo lý “tam cương ngũ thường”, có chí hướng tu thân, tề gia trị quốc bình thiên hạ. Nguyễn Dữ đã xây dựng nên những nho sĩ chính diện mang phẩm chất tốt đẹp rất đáng ca ngợi của những nhà sống có tình nghĩa, tôn trọng đề cao các mối quan hệ như tình thầy trò, tình bạn, tình yêu thủy chung sâu sắc… Thể hiện mong ước về sự tất thắng của chính nghĩa, là mục tiêu hướng tới cái chân – thiện – mỹ trước cuộc đời còn nhiều oan trái, tác giả đã giành cho những nhân vật nho sĩ chính diện những kết thúc tốt đẹp, có hậu.
Nhân vật Phạm Tử Hư và Dương Trạm trong “Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên tào” mang niềm tự hào theo kiểu Nho giáo. Phẩm chất Phạm Tử Hư “là người tuấn sảng hào mại, không ưa kiềm thúc. Theo học nhà xử sĩ Dương Trạm, Trạm thường răn Tử Hư về tính hay kiêu căng. Từ đấy chàng cố sức sửa đổi trở nên con người có đức tính tốt” [1,142]. Tử Hư là người học trò trung hậu, mang trong mình phẩm chất “tôn sư trọng đạo” luôn là học trò tình nghĩa, không quên ân tình, tôn trọng những điều răn dạy của người thầy đã tận tình dạy dỗ mình thành người tốt. Đức tính cao cả, trung hậu của Phạm Tử Hư được thể hiện ở chỗ sau khi thầy Dương Trạm mất thì các học trò khác tản đi hết còn Phạm Tử Hư thì “làm lều ở mả để chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về” [1,142]. Đó là người học trò có đức, luôn biết ơn người dạy dỗ, giữ đạo lý làm người, không nản chỉ quyết tâm đèn sách, kế nghiệp thầy. Vì tấm lòng trung hậu, tình nghĩa, một lòng thờ thầy nên cuối cùng chàng được đền đáp xứng đáng lên chơi Thiên tào và thi đỗ ra làm quan giúp dân, “rồi phàm những việc cát hung họa phúc nhà Tử Hư, thường được thầy báo cho biết” [1,150]. Qua nhân vật Phạm Tử Hư, tác giả khuyên con người sống giữ đạo lý làm người như lời khuyên cuối truyện:“Nay như việc Phạm Tử Hư lên chơi trời để dùng khuyên những người trung hiếu với thầy lại có thể răn những kẻ bất hiếu với thầy”[1,150]. Sống phải có nhân nghĩa trước sau như một, không quên người đã dạy dỗ mình. Còn Dương Trạm là người thầy tốt, phúc hậu, luôn dạy con người những điều hay lẽ phải, sống biết giữ đều tín nghĩa với thầy bạn “quý trọng những tờ giấy có chữ hễ thấy rơi vãi  liền nhặt mà đốt đi” [1,143]. Chính vì tấm lòng biết quý trọng cái nghĩa, cái đạo đó mà khi mất được lên Thiên tào giữ chức quan hiển hách trông coi việc văn chương thi cử.
Bên cạnh việc phản ánh những tình cảm tốt đẹp giữa Thầy và trò, Nguyễn Dữ còn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp khác của người nho sĩ chân chính. Đó là những con người tình nghĩa với anh em, bè bạn…
Phùng Lập Ngôn trong “Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu” là vị quan thẳng thắn, cương trực. Với láng giềng bạn bè, ông “lấy nghĩa mà chơi bời đi lại với nhau rất thân, coi nhau như anh em vậy”[1,20]. Dù gia đình ông và gia đình người láng giềng Từ Đạt lề thói không giống nhau: “Phùng giàu mà Từ nghèo, Phùng xa hoa mà Từ tiết kiệm; Phùng chuộng dễ dãi mà Từ thì giữ lễ”[1,20]. Ông có người con trai là Trọng Quỳ, Từ Đạt có người con gái là Nhị Khanh, trai tài gái sắc đôi trẻ có ý muốn kết duyên Châu Trần, ông cũng vui lòng ưng gả, không vì chê Từ nghèo chọn nàng dâu, không vì môn đăng hộ đối mà cốt ở con người Nhị Khanh “khéo biết cư xử với họ hàng rất hòa mục”[1,21]. Rõ ràng Phùng Lập Ngôn là người chuộng nghĩa, không vì tiền bạc mà chơi bời với bè bạn mà chỉ cốt về cái nghĩa khí ở con người. Đó là một phẩm chất rất đáng quý và hiếm thấy trong xã hội đương thời.
Đến thế kỷ XVI, nhà nho là khuôn mặt tiêu biểu của văn học bởi sự tự khẳng định và phát huy ảnh hưởng của nhà nho gắn bó chặt chẽ, có quan hệ nhân quả với sự củng cố từng bước, tiến dần tới trạng thái toàn thịnh cổ điển của mô hình thiết chế xã hội chuyên chế, có Nho giáo làm công cụ ý thức. Vì vậy hình tượng nho sĩ dù là ẩn dật hay hành đạo đều có nội dung giáo dục sâu sắc, khuyên con người sống phải có nhân nghĩa, có trước có sau không quên những người giúp mình khi hoạn nạn. Đó là quan niệm tiến bộ không chỉ trong xã hội đương thời mà còn có ý nghĩa lâu dài khuyên răn chúng ta sống sao cho phải đạo làm người. Cũng giống như cái tình nghĩa của gia đình Thạch Mang không quên ơn cứu giúp của Dương Đức Công khi gặp hoạn nạn và trả ơn bằng cách gả con gái là Hán Anh cho Thiên Tích trong “Chuyện gã trà đồng giáng sinh”.
Văn Dĩ Thành trong “Chuyện tướng Dạ Xoa” là ông quan vì dân lo cho số phận nhân dân, luôn làm việc đại nghĩa và còn là người thủy chung trong tình bạn. Khi Lê Ngộ gặp cảnh gia đình bị bệnh dịch rất nặng, Dĩ Thành đã ra tay giúp đỡ đưa lại hạnh phúc cho gia đình bạn. Lời bình của tác giả đã thể hiện lý tưởng đẹp đẽ: “Khi đã coi ai làm người bạn chân chính thì sống chết không đổi thay, hoạn nạn cùng cứu gỡ”[1,281]. Qua câu chuyện với nhân vật chính diện của Văn Dĩ Thành, Nguyễn Dữ muốn gửi gắm hoài bão lớn về quan niệm sống giữa con người với con người phải lấy cái tình nghĩa làm đầu. Đấy là vấn đề mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đặt ra với xã hội phong kiến đang trên đường rạn nứt, suy thoái.
Rồi đến “Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên”, Từ Thức làm tri huyện Tiên Du từng cởi áo chuộc tội cho người con gái bị bắt do lỡ tay làm gãy hoa quý nên được người đời khen là hiền nhân. Vì tình con người nhân hậu, bỏ áo quan để giúp người hoạn nạn, không vì danh lợi mà vì tấm lòng cao cả của người quân tử ra tay cứu giúp. Từ không ham danh lợi “không thể vì số lương năm đấu gạo mà buộc mình trong đám danh lợi” để rồi ông bỏ mũ quan đến nước non thắng cảnh nhằm giữ lòng trong sạch. Đó là khát vọng tự do. Sau đó, chàng được Ngụy phu nhân ở núi Nam Nhạc gả con gái Giáng Hương - người con gái làm gãy cành hoa quý ngày nào bởi ân tình không quên, thấy “chàng là người cao nghĩa, sẵn sàng giúp sự nguy khốn con người”[1,128-129]. Mối tình thơ mộng giữa Từ Thức và Giáng Hương mang nặng tình người ở nơi bồng lai tiên cảnh. Từ Thức phong lưu rất mực, hứng thú cảnh tiên mà vẫn nặng tình đời, vẫn nhớ về quê hương về cội nguồn “tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng một nỗi buồn bâng khuâng, quấy nhiễu không sao ngủ được… Lòng quê bịn rịn, lòng cỏ héo hon…”. Chàng không quên quê hương, không quên trách nhiệm của mình. Sự hợp rồi tan của Giáng Hương và Từ Thức là vấn đề Nguyễn Dữ đặt ra hạnh phúc chỉ tổn tại trên cõi trần thì mới bền lâu. Truyện toát lên tinh thần dân tộc. Nguyễn Dữ dùng nó để lý giải cuộc sống trong sự suy thoái xã hội phong kiến, trật tự đảo điên. Tác giả đặt ra vấn đề qua việc nghiệp duyên, quả báo, họa phúc của Phật giáo.
Ngoài những phẩm chất đẹp đẽ đó, hình tượng nho sĩ là nhân vật chính diện còn mang những biểu hiện cụ thể, cảm động sống tình nghĩa, thủy chung son sắt trong tình yêu. Nguyễn Dữ chú ý đến số phận cá nhân, tình yêu đôi lứa. “Chuyện Lệ Nương” viết về Phật Sinh và Lệ Nương, hai người gắn bó yêu thương nhau từ thuở bé, đã hứa hôn với nhau. Nhưng số phận rủi ro do xã hội gây nên chia cắt hạnh phúc, gặp lúc hoạn nạn Lệ Nương bị bắt vào cung nữ làm tì. Phật Sinh giữ tấm lòng thủy chung son sắt, quyết không lấy ai để giữ trọn nghĩa tình. Sau Lệ Nương lại bị tướng nhà Minh là Lã Nghi bắt đi, Phật Sinh quyết ra tìm và cứu Lệ Nương, tuy túi đầy đã cạn kiệt nhưng tình thủy chung luôn giữ. Số phận oái ăm hay Lệ Nương không chịu nhục đã tự vẫn để giữ trọn nghĩa với Phật Sinh, chàng đau đớn xót thương vô cùng. Vì căm thù giặc cướp đi người mình yêu thương, chia lìa hạnh phúc, Sinh đã đem quân giúp nhà vua đánh giặc vừa trả thù nhà, vừa trả nợ nước. Nguyễn Dữ ca ngợi phẩm chất thủy chung, son sắt, nghĩa tình, ngợi ca sự đấu tranh, lòng yêu nước của Sinh. “Chuyện Lệ Nương” kết thúc là một bi kịch đau đớn về một mối tình thủy chung trong cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm. Mối tình ấy đầy bi tráng và xúc động lòng người. Tác giả có phần tố cáo chiến tranh phi nghĩa chia rẽ, tan vỡ hạnh phúc đôi lứa, thông cả, và chia sẻ nỗi đau với họ. Đó là tấm lòng cao cả, bao dung.
Trong “Chuyện nàng Túy Tiêu”, Dư Nhuận Chi là người nổi tiếng hay thơ đất kinh kì, thương yêu người con gái xinh đẹp tên Túy Tiêu.  Đó là mối tình chung thủy thắm thiết của đôi gái sắc trai tài và cuộc đấu tranh giành lại hạnh phúc gia đình lứa đôi. Túy Tiêu bị quan Trụ quốc họ Thân bắt cướp đem về. Chi làm đơn kiện lên tận triều đình nhưng vì họ Thân ưu thế lớ nên các tòa án đều tránh không xét xử. “Chàng đau buồn lắm chẳng thiết gì thi cử nữa”[1,191] rồi chàng nhờ đôi chim đem đến cho Túy Tiêu một phong thư kể nỗi thương đau vì ly biệt. Sau chàng đến ở nhà quan Trụ quốc kiên nhẫn chờ ngày Túy Tiêu được trả về. Cuối cùng với sự giúp đỡ của người đầy tớ và tình yêu tha thiết, họ đã vượt qua những ngang trái của cuộc đời. Truyện ca ngợi lòng thủy chung son sắt của Dư Nhuận Chi và quyết đấu tranh chống lại quan Trụ quốc, chờ đợi tìm cách cứu Túy Tiêu. Biểu hiện ấy chính là sự đấu tranh giành lại hạnh phúc, quyền sống cho mình, chống lại trái ngang. Cốt truyện mang giá trị nhân bản hiện thực, hạnh phúc có được là phải biết chờ đợi, là phải có sự thủy chung son sắt. Tác phẩm mang tư tưởng đấu tranh chống lại bạn tàn rất mạnh mẽ để rồi cuối cùng chính nghĩa thắng gian tà, thiện thắng ác. Giá trị hiện thực mà tác phẩm mang lại là vấn đề mới mẻ đầy ý nghĩa đợi chờ “hạnh phúc là đấu tranh” mang tư tưởng tiến bộ của nhà văn Nguyễn Dữ.

2.1.1.1   Hình tượng nho sĩ là nhân vật phản diện qua ứng xử đời thường
Để làm nổi bật nhân vật nho sĩ chính diện, Nguyễn Dữ còn xây dựng khá thành công nhân vật phản diện để đối lập với nhân cách nhà nho chính diện, mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lý và lý tưởng. Đó là bộ phận tiêu cực trong tầng lớp trí thức phong kiến, tuy nhiên hình tượng nho sĩ hành đạo là nhân vật phản diện cũng phần nào phản ánh được tình hình Nho học, sự biến động của xã hội phong kiến.
Bên cạnh các truyện miêu tả những mối tình lành mạnh, chung thủy sắt son, thể hiện nhu cầu tình cảm con người thì nhiều truyện khác lại miêu tả những mối tình trái với đạo lý nho gia, phản ánh quan niệm sống đồi bại của nho sĩ trụy lạc. Trước hết đó là những kẻ sĩ ham mê sắc đẹp mà bỏ bê học hành tu dưỡng, thiếu chí hướng lập công danh chỉ say mê lao mình vào những niềm vui thực tế. Trong “Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây”, Hà Nhân, người học trò quê ở Thiên Trường đến ngụ ở kinh sư theo học cụ Ức Trai. Vậy mà tháng ngày chỉ lo trêu đào, ghẹo liễu, Hà say sa yêu dấu hai người con gái do hồn hoa biến ra. Trong những cuộc hoan lạc vụng trộm, Hà đã tán dương những bài thơ đầy khoái lạc vật chất của tình nhân, rồi để tỏ ra vốn con nhà “thi lễ”, chàng cũng làm thơ đáp lại sự “may mắn” trong cảnh “bướm giỡn, hoa phô” với hai cô gái “trai lơ, dâm đãng”  đó. Tuy mang tiếng du học nhưng “bút nghiêng chí nản, son phấn tình nồng”, không biết lo lắng đèn sách tu thân giúp đời, thật hổ danh kẻ sĩ trong thiên hạ.
Viên quan họ Hoàng trong “Chuyện yêu quái ở Xương Giang” tình cờ gặp một người con gái bên bờ sông, chưa rõ gốc tích ra sao đã vội vàng kết duyên vợ chồng. Đến nỗi yêu quái làm cho mê lịm đi không còn biết gì nữa thì thiệt thân may được kịp thời cứu thoát. Y thiếu ý chí, ham mê sắc đẹp nên bị trừng phạt một kỷ cũng xứng đáng.
Trong xã hội phong kiến, hầu như những người được rèn luyện nơi cửa Khổng, sân Trình, thấm nhuần lý tưởng của Nho giáo đều mang trong mình ước mơ, hoài bão cá nhân:
                     “Đã mang tiếng ở trong trời đất
                     Phải có danh gì với núi sông.”
                                                           (Nguyễn Công Trứ)
những người ấy đêm ngày ôm ấp hoài bão, chăm lo đèn sách tu thân để thực hiện ước mơ của mình. Nhưng cũng có những kẻ sĩ đọc sách Thánh hiền nhưng lại rời xa lý tưởng hành đạo, chỉ lo hưởng thụ, thỏa mãn cá nhân. Qua hình tượng nhân vật Hà Nhân và viên quan họ Hoàng, Nguyễn Dữ đã phê phán những kẻ sống không có lý tưởng, hoài bão xứng đáng với chí khí của người nam tử, chí làm trai mà không biết tu thân giúp đời, chỉ biết ham mê sắc dục. Miêu tả những mối tình trong sự biến động của xã hôi phong kiến nhất là khi tầng lớp thị dân đã xuất hiện đòi hỏi nhu cầu tình cảm cá nhân phải được thỏa mãn, Nguyễn Dữ thông cảm với những khát vọng hạnh phúc cá nhân chính đáng khi miêu tả những cặp trai gái công khai yêu nhau. Thể hiện nỗi buồn thương mong nhớ của cặp tình nhân phải xa cách nhau, không thông cảm thì không thể viết nổi những câu thơ thắm thiết như thế này:
                                     “Bon bon xe ruổi trời mai
                              Lòng em khô héo tiễn người đường xa
                                       Bến Nam cỏ áy bóng tà
                              Vườn Tây một rặng mai già khóc mưa
                                         Cỏ cây rầu rĩ liêu sơ
                              Chàng về thiếp luống ngẩn ngơ tâm hồn
                                      Vì chàng hát khúc nỉ non
                                Biệt ly để đặng đau buồn cho ai”
Nguyễn Dữ càng táo bạo và phóng túng hơn khi thể hiện quan hệ luyến ái không lành mạnh giữa Hà Nhân và hai nàng Đào, Liễu trong “Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây”. Đây là một đoạn trong truyện: “Sinh rủ rê hai ả đến chơi chỗ trọ của mình, chuyện trò đằm thắm. Chàng lả lơi cợt ghẹo, hai ả thẹn thò nói rằng: “Chúng em việc xuân chưa trải, nhụy thắm còn phong, chỉ e mưa gió nặng nề, hoặc không kham nổi cho những tấm thân hoa mềm yếu”. Sinh khuyên lơn dịu ngọt rồi cùng tắt đèn đi nằm. Lửa đượm hương nồng, ân ái mười phần thỏa nguyện”[1,60]. Những điều đó thật xa lạ với quan niệm lành mạnh về nhân sinh, về tình yêu nam nữ của đạo lý Nho giáo. Với những truyện này, Nguyễn Dữ đã phê phán những quan niệm đồi trụy và khẳng định lại những giáo điều về đức hạnh, tiết nghĩa. Sự phê phán và khẳng định đó xuất phát từ thái độ bảo thủ của Nho giáo, nhưng xét về mặt khách quan thì cũng hợp với cuộc đấu tranh để giữ gìn phẩm giá con người.
Tuy thông cảm với khát khao yêu đương của con người, nhưng quan điểm chủ đạo của Nguyễn Dữ vẫn là bảo vệ lễ giáo phong kiến. Điều đó phản ánh thái độ đầy mâu thuẫn trong tư tưởng và tình cảm của tác giả. Để phê phán những nho sĩ phản diện, “Truyền kỳ mạn lục”  còn viết về những kẻ sĩ có những hành động cậy uy thế để làm những điều bất nghĩa. Trọng Quỳ trong “Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu” có người vợ tên là Nhị Khanh. Nàng là người con gái xinh đẹp, nết na “khéo biết cư xử với họ hàng rất hòa mục, thờ chồng rất cung thuận, người ta đều khen là người nội trợ hiền”[1,21]. Chồng đi xa đến sáu năm trời mà không có tin tức, “mất còn chẳng rõ” nhưng nàng vẫn kiên trinh một lòng thủy  chung chờ chồng về, giữ tấm lòng trong sạch tiết nghĩa khi bà cô ép nàng cải giá. Thương nhớ Trọng Quỳ, nàng đã nhờ lão bộc lặn lội đi tìm, gia đình sum họp. Những tưởng hạnh phúc đó là mãi mãi, nào có ngờ đâu Trọng Quỳ vì quen thân phóng đãng thuộc tính chơi bời, tính nào tật nấy, nết cũ khó đổi thay, hàng ngày cùng tên lái buôn bê tha Đỗ Tam lêu lỗng. Cuối cùng Trọng Quỳ mê muội đến mức đưa cả vợ tào khang của mình ra đánh bạc để rồi thua cược gạt nợ cho tên lái buôn Đỗ Tam hiếu sắc. Mà Nhị Khanh từng khuyên chồng “những người lái buôn phần nhiều giảo quyệt, đừng nên chơi thân với họ” [1,28] nhưng Trọng Quỳ là người chồng nhu nhược, hèn nhátl, bê tha không nghe. Nhị Khanh thất vọng, đau buồn tự vẫn. Cái chết của Nhị Khanh là cái chết của sự bất lực với người chồng nhu nhược, bạc tình  bạc nghĩa của xã hội “nam tôn nữ ty”. Trọng Quỳ sau này hối cũng đã muộn rồi.
Thể hiện niềm tin vào phẩm chất đạo đức của con người, Nguyễn Dữ đã đặt hình tượng nho sĩ trong các mối quan hệ luân thường. Bởi chúng ta đều biết Nho giáo chú trọng đến con người, chú trọng đến đạo đức, nhìn nhận con người trong quan hệ luân thường: vua – tôi, cha – con, anh – em,vợ – chồng. Đạo đức trở thành tiêu chuẩn cơ bản để phân loại con người trong văn học Nho giáo. Qua hình tượng nhân vật nho sĩ, nhà văn đã đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa trong cuộc sống đời thường của con người. Đó là cách ứng xử trong tình yêu, tình bạn, tình thầy trò, chồng vợ. Khi mà chế độ phong kiến rơi vào thời kỳ rối ren, suy yếu các giá trị đạo đức “tam cương, ngũ thường” bị đảo lộn thì hình tượng người nho sĩ dù ẩn dật hay hành đạo  vẫn là hình tượng mẫu mực trong các mối quan hệ đời sống con người. Bên cạnh những hình tượng nho sĩ là nhân vật chính diện, tác giả còn dựng xây nên hình tượng nho sĩ là nhân vật phản diện để lên án những cái xấu xa và cổ vũ thuần phong mỹ tục, củng cố lại trật tự xã hội. Ông ca ngợi những người nho sĩ biết sống đúng với đạo lý, đúng với lời dạy của sách Thánh hiền mà họ đã được học. Họ là những tấm gương sáng cho người đời noi theo, họ mang trong mình những phẩm chất đáng quý của người Việt Nam ngàn đời nay “tôn sư trọng đạo”, nhân nghĩa thủy chung.
Nguyễn Dữ xây dựng hình tượng nho sĩ trong ứng xử đời thường không ngoài mục đích răn đe người xấu, khích lệ người tốt. Ở mỗi hình tượng, dù là nhân vật chính diện hay phản diện cũng đều là một bài học về đạo đức, cách ứng xử của con người trong cuộc sống đời thường. Với những nho sĩ không có nhân nghĩa, sống trái với đạo lý cương thường bao giờ cũng có những “phần thưởng” xứng đáng.
Tài liệu tham khảo chính:
1.     Nguyễn Dữ (Trúc Khê, Ngô Văn Triện dịch) (2002), Truyền kỳ mạn lục, NXB Văn Nghệ, thành phố Hồ Chí Minh.
2.     Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, NXB Văn học, Hà Nội.
3.     Phạm Tú Châu, Về mối quan hệ giữa Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Tạp chí Văn học, số 3/1987
4.     Dương Quảng Hàm (1996), Việt Nam văn học sử yếu, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.


Tác giả: Nguyễn Hùng Vĩ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét