“Truyền kỳ mạn lục” là
tập truyện có nhiều thành tựu nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dựng truyện, dựng
hình tượng nhân vật. Nó vượt xa những truyện ký lịch sử vốn ít chú trọng đến
tính các và cuộc sống riêng của nhân vật, và cũng vượt xa những truyện cổ dân
gian thường ít đi sâu vào nội tâm nhân vật. Tác phẩm kết hợp một cách nhuần
nhuyễn, tài tình những phương thức tự sự, trữ tình và cả kịch, giữa ngôn ngữ
nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca. Lời văn
cô động, súc tích chặt chẽ, hài hòa và sinh động. “Truyền kỳ mạn lục” là mẫu mực của thể truyền kỳ, là thiên cổ kỳ bút, là áng văn hay của bậc đại gia, tiêu biểu cho những thành tựu của văn
học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của sáng tác dân gian.
Tác
phẩm đã thể hiện sự chuyển tiếp, giao thoa giữa nhiều vấn đề khác nhau trong sự
phát triển của truyện ngắn trung đại giữa truyền thống văn học khác nhau và khả
năng sáng tạo độc lập của nhà văn, giữa thói quen ảnh hưởng một cách thụ động của
“Truyền kỳ mạn lục” tạo ra một giai đoạn mới trong quan hệ
giữa thể loại truyện ngắn với văn học dân gian và văn xuôi trong lịch sử, cũng
như đã mở ra một thời kỳ mới trong sự phát triển ý thức văn học dân gian và quá
trình dần dần thoát khỏi ảnh hưởng đó.
Không
những thế, “Truyền kỳ mạn lục” còn xây
dựng nên một hình tượng nho sĩ vừa cũ vừa mới mẻ trong cách hành đạo và ẩn dật.
Trong cách xây dựng này, một mặt Nguyễn Dữ kế thừa từ các đặc điểm của nho sĩ
thời trước, một mặt ông sáng tạo nên những nét mới trong cách hành xử, đặc biệt
là nội tâm để làm nên hình tượng nho sĩ mới mẻ. Về phần này, chúng ta sẽ được
minh chứng rõ hơn trong giới hạn bài viết về thái độ nhân vật nho sĩ trước những
vấn đề chính trị - xã hội của đất nước.
1.
Một
số vấn đề của tình hình chính trị - xã hội Việt Nam thế kỷ XVI
Đây là thời kỳ mở đầu quá trình khủng hoảng trong sự
phát triển chế độ phong kiến Việt Nam. Nếu như từ thế kỷ XV trở về trước, vấn đề
cơ bản của lịch sử là khẳng định quốc gia dân tộc, mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn
dân tộc, thì từ thế kỷ XVI mâu thuẫn giai cấp trở thành những vấn đề trung tâm
của sự phát triển lịch sử Việt Nam.
Vào những năm cuối triều Lê Thánh Tông, chế độ phong
kiến tập quyền đã phát triển mạnh mẽ và đạt tới một thời kỳ thịnh vượng chưa từng
có. Nhưng chỉ tám năm, sau khi Lê Thánh Tông mất (1497) kể từ khi vua Lê Uy Mục
(1505), chế độ phong kiến Đại Việt đã nhanh chóng bước vào thời kỳ suy thoái.
Quan hệ sản xuất phong kiến, với quyền sở hữu ruộng đất
tối cao của nhà vua và quyền chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến,
sau một thời kỳ phát triển, đã dần dần bộc lộ tính chất tiêu cực, lạc hậu trước
yêu cầu phát triển mới của nền sản xuất xã hội. Giai cấp phong kiến sau khi đã ổn
định địa vị thống trị của mình, thì xa hoa hưởng lạc, tìm mọi cách bóc lột tô,
thuế và cướp đoạt ruộng đất của nông dân. Lực lượng sản xuất chủ yếu là nông
dân này càng bị áp bức bóc lột nặng nề, đời sống của họ ngày càng bần cùng, kiệt
quệ, điêu đứng. Mâu thuẫn giữa nhân dân và giai cấp phong kiến là mâu thuẫn cơ
bản và nổi lên hàng đầu của hiện thực lịch sử. Cho nên ngày từ đầu thế kỷ XVI
đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân. Cũng từ đầu thế kỷ XVI, nội bộ giai cấp
phong kiến lại có sự tranh giành, thoán đoạt và xung đột giữa các phe phái; hoặc
là nội bộ hoàng tộc, hoặc giữa hoàng tộc với ngoại thích, hoặc giữa hoàng tộc với
triều thần, hoặc giữa triều thần với nhau. Mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến
hoặc ngay trong nội bộ từng tập đoàn phong kiến nhiều khi đã bùng nổ thành những
cuộc xung đột vũ trang ác liệt và kéo dài. Hai tập đoàn Trịnh và Nguyễn đã rạch
đôi sơn hà, phá hoại sự sông đất nước, sau khi xô đẩy nhân dân vào những cuộc
chém giết đau thương, thảm khốc.
Sự tranh chấp giữa các tập đoàn phong kiến, nạn cát cứ
và nội chiến phản dân tộc, đã có tác hại đối với sự phát triển của dân tộc và đời
sống nhân dân. Nội chiến phi nghĩa làm cho hao người, tốn của, sưu cao, thuế nặng;
rồi cướp bóc, chém giết, đốt phá…Nhân dân phải chịu bao cảnh lầm than, bần
cùng, chết chóc. Kinh tế bị kìm hãm, lệ thuộc, tàn phá, và việc xây dựng đất nước
do đó gặp những khó khăn nghiêm trọng.
Vua chúa, quan lại trong các thế kỷ này, có nhiều kẻ đồi
trụy về mặt văn hóa. Tiêu biểu như Lê Uy Mục là kẻ chè rượu, đa sát, hoang dâm
vô độ, say mê cung phi, thả sức làm điều bạo ngược, tàn khốc. Còn Lê Tương Dực
nổi tiếng là kẻ ăn chơi xa xỉ và nổi tiếng dâm dật. Lối sống xa xỉ, việc tu bổ
chùa chiền, xây dựng đài các, phủ đệ nguy nga, tráng lệ và sự chi phí trong các
cuộc chiến tranh làm cho các tập đoàn phong kiến phải tăng cường vơ vét tiền bạc
nhân dân bằng sưu cao, thuế nặng.
Trong bối cảnh xã hội – chính trị như thế, tình hình
tư tưởng văn hóa trong các thế kỷ này có những chuyển biến rõ rệt và sâu sắc.
Nho giáo vẫn được các tập đoàn phong kiến sử dụng để củng cố trật tự phong kiến,
ràng buộc hành vi, tình cảm và lý trí con người. Việc học hành, thi cử vẫn được
các tập đoàn phong kiến coi trọng. Nho giáo vẫn được đề cao nghĩa là tầng lớp
nho sĩ – những người vốn đắc lực cho nhà nước phong kiến vẫn được trọng dụng.
Nhưng “dần dần theo thói phù hoa chắp nhặt…,
tập tục kẻ sĩ mỗi ngày một kém” [4,12-13]. Nội dung học tập ngày càng sơ
sài, nông cạn, lối học phù phiếm, chú trọng đến từ chương sáo rỗng hơn là “giảng cứu về nghĩa lớn của chính văn” [3,6],
đã thấy từ đời Lê sơ thì đến nay ngày càng có cơ hội phát triển. Tệ nạn gian lận, phép thi không nghiêm túc và
về sau, lệ nộp tiền thông kinh, ở chốn trường ốc, khiến cho số đông nho sĩ thái
hóa. “Những kẻ… may mà đỗ đạt, phải đương
đến đại sự, bàn đến đại lễ, thì cẩu thả vơ vào làm cho xong việc”, “những kẻ ra ứng dụng cho đời phần nhiều là
phường hủ lậu, ít tài giỏi” [5,412], “tập
tục sĩ phu thối nát… tệ hại không sao kể xiết”[2,662]. Tuy rằng khi Mạc
Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, khi Mạc Đăng Dung thất thế, khi họ Trịnh chuyên quyền,
lấn át vua Lê, cũng có những sĩ phu vì nghĩa mà tuẫn tiết, người thì chết theo
vua, người thì ném nghiên mực, nhổ vào mặt kẻ nghịch thần, người thì nắm cương
ngựa kẻ loạn thần để cho chúa chạy thoát… nhưng phần lớn thì xu thời, chạy theo
kẻ mạnh để mưu cầu quyền uy bổng lộc. Đạo đức và trật tự phong kiến bị phá hoại
ngay từ trong hàng ngũ nho sĩ quan liêu. Chúa lấn át vua, triều thần lũng đoạn,
anh em nhà vua, nhà chúa bức hại lẫn nhau. Bên cạnh vương triều nhà Lê “hữu danh vô thực”, phủ chúa nắm hết quyền
lực, tự tiện phế lập ngôi vua. Kẻ sĩ ra làm quan vừa thờ vua, vừa thờ chúa, vứt
bỏ khí tiết “tôi trung không thờ hai chủ”…
Tất cả những việc ấy đã phá vỡ nghĩa quân thần, đạo cương thường mà thế kỷ XV cố
gắng dựng xây. Câu trả lời của Phạm Công Thế: “Đã lâu nay danh phận không rõ, lấy gì mà phân thuận nghịch”, khi bị
chúa Trịnh vặn hỏi về nghĩa cương thường, vừa bộc lộ trạng thái tinh thần của
phần lớn sĩ phu, vừa gián tiếp tố cáo chúa Trịnh, kẻ vi phạm lớn nhất giáo hóa “chính danh định phận” của Khổng Mạnh. Tầng
lớp nho sĩ bị phân hóa, một số khá đông không chịu tham gia chính quyền hoặc bất
đắt dĩ thì chỉ tham gia trong một thời gian ngắn rồi rút lui về ở ẩn trong thôn
dã. Nho sĩ ẩn dật là lực lượng đứng ngoài những cuộc tranh chấp, có thái độ đối
lập với từng tập đoàn phong kiến. Nhưng vì họ có uy tín trong xã hội nên các tập
đoàn phong kiến thường tìm cách tranh thù, mong sử dụng họ trong những mục đích
riêng của mình. Một số nho sĩ mở trường dạy học, hoặc làm thầy thuốc, một số
đông hơn học hành kém cỏi, trụy lạc, đi làm các nghề thầy tướng, thầy cúng, lang
băm…
Tóm lại, trong thế kỷ XVI tình hình xã hội không còn ổn
định như ở thế kỷ XVI, mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt, quan hệ xã hội bắt đầu
phức tạp, các tầng lớp xã hội phân hóa mạnh mẽ, trật tự phong kiến lung lay,
chiến tranh phong kiến ác liệt kéo dài, đất nước bị các tập đoàn phong kiến
chia cắt, cuộc sống không yên ổn, nhân dân điêu đứng, cơ cực. Vấn đề con người
– nhất là người bị áp bức – trở thành mối quan tâm lớn nhất của xã hội. Xung đột
gay gắt giữa các lực lượng phong kiến thống trị ngày càng bảo thủ và phản động
với các lực lượng, xã hội tiến bộ, các tầng lớp bị trị đau khổ là xung đột cơ bản
của gần bốn thế kỷ (từ thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XIX).
2. Hình tượng nho sĩ qua việc giải quyết
những vấn đề chính trị - xã hội đất nước:
2.1 Những kẻ sĩ lánh đời nhưng vẫn quan
tâm đến thế sự
Nổi
lên trong bức tranh xã hội phức tạp, hỗn độn đương thời là hình tượng nho sĩ ẩn
dật với lối sống cao khiết trong sáng. Đó là người tiều phu núi Na, tự xưng là “kẻ dật dân trốn đời, ông lão già lánh bụi”,
sống trong một cái động quạnh hiu nơi núi cao chót vót, quanh năm không dấu
chân người, lấy hươu, nai, tôm, cá, tuyết , nguyệt, phong, hoa làm bạn, bới núi
mà ăn, múc khe mà uống, chân chưa bao giờ bước đến thị thành. Hằng ngày lão tiều
gánh củi đổi lấy cá và rượu để được no say thỏa thích. Chí hướng lão tiều được
gửi gắm trong hai bài ca “Thích ngủ” và
“Thích cờ” đề trên bức vách. Lão
thích ngủ bởi vì:
“Bưng tai chuyện thế eo sèo
Khoanh
tay ngất ngưởng nằm khoèo bên mây.”
Lão
thích cở bởi vì:
“Giang sơn vật lộn tay đôi
Công
danh quên bẵng chuyện đời hơn thua.”
Thế
nhưng con người lánh đời ấy cũng là con người rất gắn bó với đời. Những khi xuống
núi lão lại trò chuyện với mọi người về việc trồng dâu, trồng gai một cách vui
vẻ. Khi viên quan họ Trương đến dụ lão tiều ra làm quan, lão không chỉ từ chối
mà còn tố cáo triều đình vô đạo. Những lời lão nói ra biểu lộ sự quan tâm sâu sắc
đến thế sự, nỗi đau đời và sự phẫn nộ đối với bọn vua quan. Trong “Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang”, nhân vật
tú tài họ Viên và xử sĩ họ Hồ khi bị Quý Ly dụ ra làm quan đã thẳng thừng từ chối
mà rằng: “Chúng tôi nương mình trên cành
khói, náu vết chốn hàng mây, ngủ thì lấy cỏ làm đệm êm, khát thì lấy nước suối
làm rượu ngọt, vương chân có hoa lá, kết bạn có hươu nai, chỉ biết ăn bánh nhai
tùng, ngâm trăng vịnh gió, ngõ hầu mới khỏi vướng lưới trần. Ai hơi đâu mà đi
lo việc giúp đời dù chỉ nhổ một sợi lông” [1,379]. Có thể thấy, thái độ
lánh đời của kẻ sĩ là biểu hiện sự bất hợp tác đối với vương triều hiện tại, là
giữ lấy sự trong sạch cho riêng mình trong thời buổi bao kẻ mũ cao, áo dài nổi
chìm, ngụp lặn trong tiền của, lợi danh, trong mồ hôi, nước mắt, xương máu của
nhân dân. Bảo rằng đó là sự bất lực trước thực tại cũng không sai nhưng cần thấy
rằng việc lựa chọn một lối sống để giữ gìn những phẩm chất cao đẹp của mình
trong một xã hội thối nát là sự lựa chọn đáng trân trọng.
2.2 Những kẻ sĩ lánh đời tìm lối sống cho
riêng mình
Là
những người được đào tạo theo khuôn mẫu đạo đức Nho giáo, kẻ sĩ thấm nhuần tinh
thần sau khi học hành đỗ đạt phải ra làm quan để thờ vua giúp nước, thực hiện
cái nghĩa vụ trí quân trạch dân mà giáo lí đạo Nho đã quy định. Thế nhưng trong
thời buổi mà vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan, chỉ toàn là một lũ “phi là đồ tham tiền thì là tuồng nát rượu,
phi là đồ chỉ thấy yên vui làm thích thì là tuồng lấy thế vị mà khinh loát
nhau, chứ chưa thấy ai biết những kế lạ, mưu sâu để lo tính cho dân chúng cả” [1,347-348]
thì kẻ sĩ không tìm thấy lý tưởng để thờ. Có những kẻ đắm mình vào trong cuộc sống
trụy lạc để thỏa mãn những khát vọng, nhu cầu cá nhân như Hà Nhân trong “Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây”. Là người đọc
sách thánh hiền, theo đòi nghiên bút nhưng kể từ khi gặp hai nàng Đào, Liễu
chàng đã quên hết lời dạy của thánh nhân để “bút
nghiên chí nản, son phấn tình nồng” [1,260]. Có những kẻ vứt bỏ sự ràng buộc
của áng lợi danh, tìm ý nghĩa cuộc đời trong ngao du sơn thủy như Từ Thức trong
“Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên”. Từ Thức
là quan tri huyện nhưng ham thơ, mến cảnh, hay rượu, thích đàn nên việc quan bê
trễ, bị quan trên quở trách. Chàng đã treo ấn từ quan, mang theo bầu rượu, cây
đàn và mấy quyển thơ của Đào Uyên Minh mà rong chơi khắp chốn. Từ Thức là hình
bóng của Đào Tiềm tái thế, “ta không thể
vì số lương năm đấu gạo đó mà buộc mình trong áng lợi danh”. Nhưng khác với
Đào Tiềm, chàng may mắn lạc vào núi Phù Lai, động tiên thứ sáu trong ba mươi
sáu động, cưới người tiên làm vợ. Nơi cõi tiên, mọi dục vọng của Từ Thức được
thỏa mãn một cách đầy đủ nhất: sống với người đẹp, được dạo chơi thăm thú cảnh
đẹp của ba mươi sáu động tiên, không phải lo ăn lo mặc, lúc nào cũng có sẵn rượu
nồng, hoa thắm, cũng không còn phải chịu sự sỉ nhục, ràng buộc chốn quan trường.
Khi con người bản năng được thỏa mãn thì nỗi nhớ trần gian trỗi dậy nhất là “những đêm sương sa gió thổi, bóng trăng
sáng dòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh
lòng, một mối buồn bâng khuâng quấy nhiễu không sao ngủ được” [1,314]. Khi
trông thấy chiếc tàu buôn đi về phương Nam thì Từ Thức không giấu lòng mình được
mà phải nói thật với Giáng Hương: “Tôi bước
khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon, dám xin thể
tình cho được tạm về, chẳng hay ý nàng nghĩ thế nào” [1,315]. Như vậy sự
sung nướng nơi cõi tiên rốt cuộc không thắng nổi tiếng gọi của cõi trần. Chỉ có
điều khi Từ Thức trở về quê cũ thì vật đổi sao dời, thành quách nhân gian không
như trước nữa. Chàng trở thành kẻ xa lạ trên chính quê hương mình. Từ thức là
hiện thân cho bi kịch kẻ sĩ không chốn nương thân. Chàng không tìm thấy lý tưởng
của mình dù đã đi qua cả hai cõi.
Hình
tượng kẻ sĩ quay lưng với xã hội, đi tìm lối sống cho riêng mình, xa rời giáo
lý đạo Nho thể hiện sự rạn nứt của thế giới quan phong kiến, báo hiệu sự xuất
hiện con người cá nhân.
Tài liệu tham khảo chính:
1.
Cù Hựu,
Nguyễn Dữ (1999), Tiễn đăng tân thoại –
Truyền kỳ mạn lục.
2.
Lê Quý Đôn
(1994) , Kiến văn tiểu lục, NXB Văn học,
Hà Nội
3.
Bùi Huy
Bích (2001), Lữ Trung tùy bút, NXB
văn học Hà Nội.
4.
Bùi Huy
Bích (2001), Lữ Trung tạp thuyết, NXB
Văn học, Hà Nội.
5.
Phạm Đình
Hổ (1996) , Vũ Trung tùy bút, NXB Viện
văn học, Hà Nội
Tác giả: Nguyễn Hùng Vĩ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét