Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Điển tích Truyện Kiều - Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần


Ðoạn diễn tả Kim Trọng thiu thiu ngủ, mơ màng có câu:
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng

(Câu 439 đến 440)


            Ðất Cao đường, bên cạnh đầm Vân Mộng có ngọn Vu Sơn của dãy núi Vu Giáp thuộc tỉnh Hồ Bắc ở Trung Hoa. Ðời Xuân Thu (772- 480 trước DL) vua Sở Tương vương thường đến du ngoạn. Một hôm nhà vua đến đấy, say sưa ngắm cảnh, một lúc mệt mỏi nằm ngủ dưới chân núi Vu Sơn.
            Trong lúc say ngủ, Vua Sở Công thấy một thiếu nữ tuyệt sắc, tha thướt đến bên mình, rồi cùng vua chung chăn chung gối. Sau khi cùng giai nhân thoả tình ân ái, nhà vua hỏi:
- Chẳng hay ái khanh ở đâu đến đây để quả nhân duyên may gặp gỡ?
                Nàng mỉm miệng cười duyên, thưa:
- Thiếp là thần nữ núi Vu Sơn, qua chơi đất Cao Ðường, vốn cùng nhà vua có tiền duyên, nay được gặp gỡ thật thoả lòng mong ước. Thiếp có nhiệm vụ buổi mai làm mây, chiều làm mưa ở Dương Ðài.
            Nói xong đoạn biến mất.
            Nhà vua chợt tỉnh dậy, cảm thấy mùi hương như còn thoang thoảng quanh mình. Mộng đẹp vơ vẩn trong trí não, nhà vua thấy luyến tiếc vô cùng. Nhưng rồi ngủ đi ngủ lại, cả đêm lẫn ngày, nhà vua mong được lại khách giai nhân trong mộng đẹp ái ân, nhưng con người đẹp đó không còn xuất hiện nữa. Nhà vua sai người lập miếu thờ gọi là miếu "Vu Sơn thần nữ". Cảm nhớ người đẹp trong mộng, vua Sở thuật lại cho quan Ðại phu là Tống Ngọc nghe. Vốn một danh sĩ đương thời, Tống Ngọc liền làm bài "Phú Cao đường" ghi lại sự gặp gỡ trong mộng của vua Sở cùng thần nữ Vu Sơn ở đỉnh Vu Giáp:
"Tiên vương du Cao đường
Ðái nhi trú tầm
Mộng kiến nhứt phu nhân viết:
"Thiếp Vu Sơn chỉ thần nữ dã
Vi Cao Ðường chỉ khách
Văn quân du Cao Ðường
Nguyện tiến chẫm tịch"
Vương nhận hạnh chi
Khứ nhi tử viết:
"Thiếp tại Vu Sơn chỉ dương
Cao khâu chi trở
Triệu vi hành vân
Mộ vi hành vũ"
    Tạm dịch:
"Tiên vương dạo Cao Ðường
Mỏi mệt ngủ ngày
Mộng gặp người đàn bà nói:
"Thiếp là thần nữ Vu Sơn
Ðến Cao Ðường làm khách
Tin vua dạo Cao Ðường
Nguyện dâng cùng chăn gối"
Vua nhận yêu nàng
Khi đi nàng nói
"Thiếp ở Vu Sơn chốn Ðương đài
Cao khâu hiểm trở
Sớm đi làm mây
Chiều đi làm mưa"
            Trong bài "Thanh bình điệu" của thi hào Lý Bạch đời nhà Ðường, có câu:
"Nhứt chi nùng diếm lộ ngưng hương
Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường"
    Ngô Tất Tố dịch:
"Một cành sương đọng ngát hương thơm
Mây mưa Vu Giáp nỗi đau lòng"
            Trong bài "Ðĩ già đi tu" của Tôn Thọ Tường, có câu:
"Chày Kình gióng tỉnh giấc Vu Sơn
Mái tóc Kim Sinh nửa trắng vàng"
            Cùng đầu đề trên, cụ Huỳnh Mẫn Ðạt có câu:
"Lầu xanh thảnh thót tiếng chuông chiều
Tỉnh giấc Cao Ðường lúc ngửa nghiêng"
            Những tiếng "giấc Vu Sơn", "giấc Cao Ðường", "Ðỉnh Giáp", "Vu Giáp", "Giấc mộng Dương Ðài"... đều chỉ việc trai gái chung chạ chung chăn gối, ấu yêu nhau. Dùng những tiếng này để tránh những tiếng tục. Nhưng vì thần nữ ở Vu Sơn của đỉnh Vu Giáp cho rằng "sớm đi làm mây, chiều đi làm mưa" nên nhân đó, người ta thường dùng "mây mưa" (vân vũ) cùng có ý nghĩa như trên.
            Khi Kim Trọng tỏ vẻ lả lơi, suồng sã, Kiều van lơn, lý luận khuyên ngăn, có câu:
"Mây mưa đánh đổ đá vàng
Qúa chiều nên đã chán chường yến oanh"
(Câu 513 và 514)
            Cũng có lúc để chỉ cơn giận như đoạn miêu tả mẹ của Hoạn Thư khi hai tên Khuyển, Ưng bắt Kiều đưa đến:
"Bất bình nổi trận mây mưa
Nhiếc rằng: những giống bơ thờ quen thân
Con nầy chẳng phải thiện nhân
Chẳng phường trốn chúa cũng quân lộn chồng"
(câu 1727 đến 1730)
            "Mây mưa" ở đây không có nghĩa như điển tích trên.
            Riêng về tiếng "mưa gió" cũng có hai nghĩa.
            Ðoạn miêu tả một trận cuồng dục, dâm bạo của Mã Giám Sinh đối với Kiều khi mua Kiều, trong đêm tạm ở trú phường trước khi đem về lầu xanh giao cho Tú Bà:
"Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương"
(Câu 847 và 848)
            Hoặc nhẹ nhàng hơn qua câu trả lời của Kiều khi mụ Tú Bà dặn dò:
"Nghề chơi cũng lắm công phu
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều
Nàng rằng: Mưa gió dập dìu
Liều thân thì cũng phải liều thế thôi" 
(Câu 1201 đến 1204)
            Lại cũng chỉ sự đánh đập tàn nhẫn, đoạn tả Kiều bị mẹ của Hoạn Thư ra lịnh cho bọn a hoàn dùng trúc côn đánh đập Kiều:
"Xót thay đào lý một cành
Một phen mưa gió tan tành một phen"
(câu 1741 và 1742)
            "Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần", ý chỉ Kim Trọng mơ nhớ say sưa mộng thấy Kiều... như Sở Tương vương mộng thấy thần nữ- người đẹp- cùng giao hoan, mà nhà tâm lý học cùng nhà y học cho là "mộng dâm". Qua cuộc án ân, người nằm mộng tỉnh dậy, khiến lòng càng say sưa mơ nhớ, bâng khuâng hơn:
"Vẩn vơ còn nhớ người trong mộng
Mộng đến tàn canh cũng não nùng!"
            Trong "Truyện Kiều", tác giả diễn tả liên tiếp bốn câu:
"Tiếng sen sẽ động giấc hoè
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng Ðỉnh Giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng"
            Dùng hai điển tích: Từ giấc ngủ chợt chiêm bao đến... liền đó để diễn tả sự say mê đắm đuối của chàng Kim, và mối tình của cả hai, nhất là đối với Kim Trọng vỡ tan như một giấc mộng hay chỉ là một giấc mộng, mãi đến 15 năm sau mới có thực khi Kiều được sum họp gia đình.
            Nghệ thuật diễn tả quá khéo.
(Theo Ðiển tích Văn học- NXB Ðồng Tháp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét