Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Điển tích Truyện Kiều - Ðêm thu khắc lậu canh tàn


Kiều ở lầu Ngưng Bích, gặp Sở Khanh. Tên họ Sở khoác lác hứa đưa Kiều đi trốn. Kiều không tin lắm, nhưng vì muốn thoát thân chốn lầu xanh ô trọc nên đành nghe theo.
Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu
Cùng nhau lẻn bước xuống lầu
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn
Ðêm thu khắc lậu canh tàn
Gió cây trút lá trăng tàn ngậm gương
Lối mòn cỏ lợt màu sương
Hồn quê đi một bước đường một đau

(câu 1115 đến 1122)


        "Ðêm thu khắc lậu canh tàn"
        "Khắc lậu" là đồng hồ nước ngày xưa dùng để đo thời gian (chỉ giờ), thân đồng hồ có khắc độ để tính.
        Ðoạn diễn tả cảnh Hoạn Thư đánh ghen Kiều bằng cách bắt Kiều đánh đàn hầu tiệc cho vợ chồng mụ, có câu:
Giọt rồng canh đã điểm ba
Tiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm
(câu 1865 và 1866)
       "Giọt rồng" tức giọt nước trong hồ chạm hình rồng.
        "Giọt rồng", "khắc lậu" đều là vật để đo lường thời gian (ấn định thì giờ) ngày xưa.
        Thời kỳ khoa học chưa phát minh, người ta chưa có cơ khí gì để đo lường thời gian mà chỉ có một ít dụng cụ thô sơ. Dụng cụ đó là "đồng hồ thái dương" (mặt trời) được coi như xuất hiện trước nhất do tinh thần sáng tạo mộc mạc của con người lúc bấy giờ.
        Vật này gồm có một cái trụ đứng thẳng giữa một cái khung bán nguyệt bằng phẳng gọi là nhựt quỹ, có chia từng gạch. Mỗi gạch là một giờ. Mặt trời chiếu xuống trụ và bóng trụ ấy rọi xuống nhựt quỹ, rồi người ta căn cứ vào đó mà định giờ. Cố nhiên, cái "đồng hồ thái dương" này chỉ có thể dùng ban ngày và khi trời tốt, có bóng mặt trời. Tuy nhiên, vì nhu cầu đời sống bắt buộc, con người vốn luôn luôn có óc sáng tạo nên phải tìm một vật khác- có tiến bộ hơn- để tiện lợi trong việc đo thời gian, phân định giờ lẫn ngày và đêm. Ðó là cái "khắc lậu"hay cũng gọi là "thuỷ lậu".
        "Thuỷ lậu" là nước rỏ xuống từng giọt. "Khắc lậu" là giọt nước rỏ thành khắc.
        Ðồng hồ là một cái hồ bằng đồng, trong đựng nước. Dưới có lỗ nhỏ để nước rỏ từng giọt ra ngoài. Mỗi khắc đồng hồ qua thì nước trong hồ vơi đi một ít. Muốn cho có vẻ mỹ thuật, người ta chạm hình đồng hồ này thành một con rồng, hoặc chạm chỗ vòi rỏ nước xuống. Do đó mới gọi là "giọt rồng" hay "giọt đồng" vì cái hồ bằng đồng.
        Cũng dựa trên cách làm này, người ta sáng chế thêm là làm một quả tròn và bộng bằng đồng có xoi một lỗ nhỏ. Qủa này được thả nổi trong một chậu nước. Nước chui vào quả tròn bộng này, và khi quả tròn đầy nước tất chìm xuống chậu. Khi nhìn thấy hoặc nghe tiếng kêu thì người ta vội vớt trút nước ra, rồi đặt lại trên mặt nước như cũ. Cứ mỗi lần như vậy là một giờ hay một thì.
        Ðồng hồ nước này (khắc lậu hay thuỷ lậu) cũng có nhiều bất tiện. Vì ở miền hàn đới, trời quá lạnh, nước đọng thành giá tất đồng hồ nước này mất hiệu lực. Do đó, người ta phải nghĩ tìm cách khác là không dùng nước mà dùng cát.
        Ðồng hồ này gọi là "sa lậu"
        "Sa lậu" hình giống như hai con vụ giao đầu nhọn lại nhau. Cát chảy từ phần trên xuống phần dưới thông qua một cái lỗ nhỏ. Mỗi khi hết thì có cách lật ngược trở lên. Tuy vậy cũng có điều bất tiện là không có tiếng kêu, phải có người tốn công trông chừng.
        Việt Nam ngày xưa, ban đêm đại khái phân làm 5 canh. Mỗi canh là 2 giờ, dựa theo tên 12 chi:
- Canh một từ 8 giờ đến 10 giờ đêm (giờ Tuất)
- Canh hai từ 10 giờ đến 12 giờ đêm (giờ Hợi)
- Canh ba từ 12 giờ đến 2 giờ khuya (giờ Tý)
- Canh từ từ 2 giờ khuya đến 4 giờ sáng (giờ Sửu)
- Canh năm từ 4 giờ đến 6 giờ sáng (giờ Dần)
        Ban ngày phân làm 6 khắc tức 1/6 của ngày. Một khắc là 1/4 giờ= 15 phút.
        Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, có câu:
Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng
Ðêm năm canh lắng tiếng chuông rền
Lạnh lùng thay giấc cô miên
Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u
        "Ðêm thu khắc lậu canh tàn" tức là thời giờ từ từ trôi qua, canh này sang canh khác, canh tàn dần, ý nói trời dần dần SÁNG.  ĐÂY CÓ THỂ CHO TA BIẾT KIỀU VÀ SỞ KHANH ĐI SUỐT đêm, con đường khá dài.
       "Giọt rồng canh đã điểm ba" tức là thời giờ trôi qua, tiệc kéo dài đến nửa đêm tức canh ba. Hoạn Thư kéo dài tiệc rượu tức là kéo dài cuộc hành phạt Kiều.
        "Truyện Kiều" lấy bối cảnh lịch sử đời nhà Minh (1368- 1628) năm Gia Tĩnh triều Minh Thế Tông (1522- 1567) về khoa học kỹ thuật ở Châu Âu đã có. Nhưng ở Trung Hoa về đời nhà Minh, đồng hồ bằng máy móc gần như ngày nay chưa có, nên còn dùng "khắc lậu" để ấn định thời giờ chăng?.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét