Ðoạn miêu tả Thúc Sinh nhìn Kiều tắm trong bức trướng hồng, tò mò để nhìn thân hình tuyệt mỹ của Kiều "rõ ràng trong ngọc trắng ngà; dày dày sẵn đúc...", nên Thúc làm một bài thơ luật Ðường vịnh Kiều tắm, ngụ ý khen ngợi thân hình đẹp đẽ lộng lẫy toàn vẹn của Kiều. Kiều cũng muốn hoạ lại nhưng từ chối vì nỗi lòng nhớ quê hương, gia đình mà không có ý tình nào làm được nữa, nên:
"Nàng rằng: "Vâng biết ý chàng,
Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.
Hay hèn lẽ cũng nối điêu,
Nỗi quê còn một hai điều ngang ngang.
Lòng còn gởi áng mây vàng,
Hoạ vần xin hãy chịu chàng hôm nay."
(Câu 1315 đến 1320)
Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.
Hay hèn lẽ cũng nối điêu,
Nỗi quê còn một hai điều ngang ngang.
Lòng còn gởi áng mây vàng,
Hoạ vần xin hãy chịu chàng hôm nay."
(Câu 1315 đến 1320)
Và, đoạn nói về Từ Hải từ giã Kiều đi dựng nghiệp, để Kiều nương mình trong gian nhà lạnh lẽo ở Châu Thai, Kiều thui thủi trông chờ ngày tái hợp và nhớ đến gia đình, quê hương, có câu:
"Nàng từ chiếc bóng song mai,
Ðêm thâu đằng đẵng nhặt cài then mây.
Sân rêu chẳng vẽ dấu giày.
Cỏ cao hơn thước liễu gầy vài phân.
Ðoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa."(Câu 2231 đến 2236)
Ðêm thâu đằng đẵng nhặt cài then mây.
Sân rêu chẳng vẽ dấu giày.
Cỏ cao hơn thước liễu gầy vài phân.
Ðoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa."(Câu 2231 đến 2236)
"Mây vàng" nguyên có câu thơ cổ "Thiên thượng hoàng vân ảnh, du tử hà thời quy", nghĩa là: "Trên trời có bóng mây vàng, con đi xa nhà bao giờ về". "Mây vàng" có bản chép "Mây Hàng" là mây trên núi Thái Hàng. "Mây Tần" do câu "Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại", nghĩa là: "Mây phủ ngang núi Tần lĩnh, biết nhà ta ở đâu?"
Ðịch Nhơn Kiệt, người đời nhà Ðường, được bổ làm Pháp tào Tham quan ở Tĩnh Châu. Cha mẹ thì ở đất Hà Dương, xa Tĩnh Châu có mấy ngày đường. Một hôm, Ðịch lên núi Thái Hàng, nhìn đám mây trắng bay một mình (bạch vân cô nhi) bèn nói với kẻ tả hữu: "Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó" (ngô thân xá ư kỳ hạ). Ðịch ngậm ngùi giờ lâu, đợi đám mây bay khuất mới về.
Ðịch Nhơn Kiệt dùng tiếng "Mây trắng", nhưng vì đứng trên núi Thái Hàng nên người sau cũng gọi là "Mây Hàng".
"Truyện Kiều", đoạn Kiều bị Hoạn Thư bắt về làm nô tỳ, có câu:
"Lâm tri chút nghĩa đèo bòng,
Nước non để chữ tương phùng về sau.
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà."(Câu 1785 đến 1788)
Nước non để chữ tương phùng về sau.
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà."(Câu 1785 đến 1788)
"Mây trắng" cũng gọi là "Mây bạc". Trong bài "Tôn phu nhân quy Thục" của Tôn Thọ Tường cũng có câu:
"Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Thục trau tria mảnh má hồng".
Về Thục trau tria mảnh má hồng".
Hàn Dũ làm quan đến chức Hình bộ thị lang về triều Ðường Hiến Tông (806-820). Theo "Liệt tiên truyện", một hôm Hàn Dũ mở tiệc hạ thọ, có người cháu gọi Hàn là chú, tên Hàn Tương tu tiên trong núi về lạy mừng. Hàn Dũ thấy cháu không chịu học hành lập chí bèn ngỏ lời khuyên, Tương thưa:
- Cháu có học nhưng học theo lối xuất thế.
Hàn Dũ không bằng lòng cho là hoang đường. Tương lại thưa:
- Ðó là túc căn của cháu. Cháu phải theo.
Nhân đó, Tương tặng chú hai câu thơ:
"Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại,
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền."
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền."
Nghĩa:
"Mây ngang Tần lĩnh nhà đâu tá?
Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua."
Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua."
Xem qua, Hàn bảo:
- Hai câu thơ rất hay, nhưng không có ý nghĩa gì cả!
Tương thưa:
- Xin chú cứ nghiệm, về sau sẽ biết.
Hàn Dũ vốn tôn trọng Nho học, không ưa Phật giáo. Nhân ngày lễ rước xá lợi (di tích cốt Phật), Ðường Hiến Tông tổ chức trọng thể cho rước vào cung để thờ, Hàn dâng biểu can gián, lời lẽ cứng rắn đến gay gắt nặng nề. Vua Hiến Tông cả giận, ra lệnh đem Hàn xử tử. May nhờ Tể tướng Bùi Ðộ và các quan đồng liêu hết sức kêu xin, Hàn mới thoát khỏi tội chết. Nhà vua liền giáng chức Hàn làm Thứ sử Triều Châu (thuộc tỉnh Quảng Ðông); và hẹn trong 8 ngày phải có mặt tại sở nhậm. Nếu chậm sẽ bị chết chém.
Ðường từ Trường An (kinh đô nhà Ðường) ra đến Triều Châu có hàng 8 ngàn dặm, đường sá gập ghềnh hiểm trở, đèo núi cheo leo. Mặc dầu đi ngựa cả tháng chưa chắc đến nơi, thế mà lệnh vua chỉ có 8 ngày. Tuy vậy, Hàn không dám trái lệnh, lập tức cùng hai gia nhân lủi thủi lên đường. Bằng hữu sợ vạ lây, không ai dám đưa tiễn.
Ba thầy trò đi suốt ngày đêm, ngồi trên ngựa ăn cơm khô, uống nước bầu, không dám nghỉ ngơi quán dịch mà đã 8 ngày rồi chỉ mới đến Lam Quan. Lúc bấy giờ đương tiết đông, nơi cửa ải Lam Quan mưa dầm gió bấc, tuyết xuống phủ đường. Những tảng tuyết cao và trơn như mỡ, ngựa không thể nào đi được. Hàn và hai gia nhân phải xuống ngựa đi bộ. Chẳng may cả ba đi lạc vào rừng, bốn bề vắng ngắt, tìm mãi không thấy lối ra và cũng không gặp ai để hỏi.
Suốt bao nhiêu ngày gian khổ như thế làm cho người Hàn sút ốm quá nửa, tóc cơ hồ bạc. Lòng Hàn bàng hoàng chán nản, tự nghĩ vì công danh mà chịu nỗi lao đao. Hàn bây giờ có ý bỏ quan, vào rừng ẩn náu, thoát vòng cương toả.
ý đã quyết, Hàn định trở lại nhưng không biết đường nào ra. Bốn phía tuyết phủ mịt mù. Gió rít từng cơn. Trên đỉnh núi Tần Lĩnh, mây trắng cuồn cuộn bay, cố hương biết nơi đâu mà về.
Lúc ấy, Hàn mới sực nhớ hai câu thơ năm trước mà cháu là Hàn Tương đã nhắc Hàn suy nghiệm về sau sẽ biết. Thật là đúng với tình cảnh của Hàn lúc này. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, trời mịt mù sắp tối, tuyết đổ xuống càng đầy, gió thổi càng mạnh, mưa bay càng nặng, bỗng nghe như có tiếng người gọi văng vẳng sau lưng. Hàn quay lại nhìn thì ra là Hàn Tương.
Hàn mừng rỡ, đem đầu đuôi câu chuyện thuật lại cho Hàn Tương nghe. Tương liền bảo Hàn bỏ ngựa đi thuyền, đoạn đưa cả ba người ra khỏi rừng. Ðến bờ sông Chương thấy có sẵn một chiếc thuyền cắm sào trên băng tuyết. Nước sông Chương đóng thành băng một dãy liền như tấm lụa trắng. Tương bảo ba thầy trò Hàn lên thuyền ngồi rồi nhắm mắt lại, để Tương đưa đi.
Ba thầy trò nghe theo lời, bấy giờ bên tai chỉ nghe gió thổi vù vù, tiếng thuyền rẽ sóng nước ào ào. Ðộ một giờ sau, thuyền ngừnglại, tiếng gió tiếng nước vắng lặng. Thầy trò mở mắt ra. Bến Triều Châu ở ngay trước mặt.
Nhớ đến chuyện long đong lận đận, nhất là hai câu thơ ngày nọ đã tả đúng cảnh lạc loài, cô đơn và nỗi nhớ quê nhà ở rừng thẳm bên ải Lam Quan và núi Tần Lĩnh, Hàn Dũ liền làm một bài thơ nhan đề "Chí Lam Quan thị điệt Hàn Tương" (Ðến Lam Quan bảo cháu Hàn Tương). Lời thơ bi thiết:
"Nhất phong triêu tấu cửu hoàng thiên,
Tịch biếm Triều Châu lộ bát thiên.
Bản vị thánh triều trừ tệ sự,
Cảm tương suy hủ tích tàn niên.
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.
Tri nhữ viên lai ưng hữu ý,
Hảo thu ngô cốt Chương giang biên".
Tịch biếm Triều Châu lộ bát thiên.
Bản vị thánh triều trừ tệ sự,
Cảm tương suy hủ tích tàn niên.
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.
Tri nhữ viên lai ưng hữu ý,
Hảo thu ngô cốt Chương giang biên".
Bùi Khánh Ðản dịch:
"Sớm dâng biểu tấu vào cung khuyết,
Chiều đất Triều Châu bị biến ra.
Muốn bỏ dị đoan cho đất nước,
Quản chi suy hủ tiếc thân già.
Mây ngang Tần Lĩnh nhà đâu tá?
Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua.
Hẳn cháu đến đây lòng đã định,
Chương giang rồi nhặt nắm xương ta."
Chiều đất Triều Châu bị biến ra.
Muốn bỏ dị đoan cho đất nước,
Quản chi suy hủ tiếc thân già.
Mây ngang Tần Lĩnh nhà đâu tá?
Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua.
Hẳn cháu đến đây lòng đã định,
Chương giang rồi nhặt nắm xương ta."
Như vậy, Mây vàng, Mây Hàng, Mây trắng, Mây bạc, Mây Tần đều dùng để nói đến tình nhớ gia đình, nhớ cố hương.
"Ðoái trông muôn dặm tử phần".
"Tử phần" do hai từ "tử" và "phần" ghép lại, chỉ quê hương. Nguyên từ "tử" trong Kinh Thi có câu: "Duy tang dữ tử tất cung kính chỉ", nghĩa là: cây dâu và cây tử (cây thị) do cha mẹ trồng tất phải cung kính, nên sau hai từ "tang tử" để chỉ quê hương. "Tự tình khúc" của Cao Bá Nhạ có câu: "Cành mai chếch mác càng thương; câu thơ tang tử giữa đường càng đau".
"Phần" là do từ "phần du" là quê hương của Lưu Bang khi lên làm vua, lập nên nhà Hán tức Hán Cao Tổ hằng năm đều về quê cúng lễ. Người sau nhân đó dùng từ "phần" để chỉ quê hương.
Mỗi từ vốn một gốc, tự tác giả "Truyện Kiều" rất khéo chắp nhặt lại làm một nghe rất liền nhau, được coi như cái tài của tác giả khéo sắp xếp để bắt vần, nhất là đạt được ý thêm sâu.
Ðối cảnh sinh tình, tình phối hợp cảnh, Kiều càng nghĩ nhớ đến quê hương, và trông về phía quê hương thì xa cách muôn trùng. Thật là một tình cảnh bi thảm. Người đã xa quê hương, tấm thân cô độc chìm đắm trong cảnh đoạ đày, vậy chỉ còn lòng nhớ quê, nhìn đám mây bạc lững lờ trôi trên đỉnh núi xa như người xưa xa quê hương tưởng nhớ quê hương, ngậm ngùi than thở: "nhà ta ở đâu?" hay "nhà ta ở dưới đám mây trắng đó".
"Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà."
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà."
Và:
"Ðoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa."
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa."
Lòng người chua xót.
Lời thơ, âm điệu não nuột biết bao!
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét