Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Điển tích Truyện Kiều - Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề


Bị mưu mẹo dối gạt quỷ quyệt của Tú Bà và Sở Khanh cùng toa rập nhau, Kiều đành phải làm một gái bán phấn buôn hương cho cái lầu xanh của Tú Bà. Mụ này ra tài truyền đạt lại cho Kiều một nghệ thuật tiếp đãi làm mê mệt si luỵ khách hàng:
Mụ rằng: "Ai cũng như ai,
Người ta ai mất tiền hoài đến đây?
ở trong còn lắm điều hay
Nỗi đêm khép hở nỗi ngày riêng chung
Này con thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề"
(Câu 1205 đến 1210)


        Vào ở lầu xanh tức là đã vào nghề rước khách. Ðã gọi là nghề tất phải được tinh luyện, tất phải có nghệ thuật cao của nghề. Muốn đắt khách hàng, lầu xanh đã có thờ tổ là thần Bạch Mi để thần phò hộ, đó là về mặt mê tín của họ. Nhưng họ không phải hoàn toàn tin tưởng về mặt này mà họ còn ĐI SÂU VỀ MẶT CỤ THỂ CỦA TÂM LÝ, TÍNH DỤC CỦA KHÁCH... đây (tức lầu xanh) kẻ bán dâm không phải chỉ... hiến thân theo nhục dục của khách mua dâm, thì như vậy mụ Tú Bà bảo: "Ai cũng như ai", và "người ta ai mất tiền hoài đến đây", tất nhiên, kẻ bán dâm cần có nhiều thủ đoạn, mánh khoé, nhiều kiểu cách, tức là phải có nghệ thuật làm cho khách say mê, hài lòng, thoả mãn nhưng vẫn quyến luyến vẫn còn thèm muốn... chặt không đứt, bứt không rời!
        Ðây là, nói tóm lại, chính là một nghệ thuật "câu khách". Vì chỉ có thế thì khách mới đeo đẳng, mới buông tay vung tiền đến sạt nghiệp... để còn luyến tiếc nhớ nhung những khoái cảm say sưa, và kẻ bán hoa (bán dâm) mới bền bĩ đẽo gọt rút túi của họ được. Kể ra cũng khá khó khăn và phức tạp thật. Cho nên mụ Tú Bà là tay "lão luyện giang hồ" mới dặn dò Kiều bắt đầu vào nghề:
Nghề chơi cũng lắm công phu
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều
(câu 1201 và 1202)
        Muốn "biết cho đủ điều... cũng lắm công phu", vậy là đủ điều gì?
       "Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề", mà Tú Bà bảo Kiều "thuộc lấy làm (nằm) lòng"; tức là "bảy chữ" và "tám nghề" ấy.
        "Vành ngoài" là bề ngoài, tức là cách đối xử bên ngoài với khách. "Bảy chữ" là bảy việc ghi bằng chữ để dễ nhớ. Bảy chữ là:
1. Khấp: khóc tỉ tê làm cho khách xúc động thương xót.
2. Tiễn: giả cắt tóc thề nguyền để khách tin.
3. Thích: viết tên khách vào tay mình giả ý thương yêu.
4. Thiêu: đốt hương thề nguyền với khách
5. Giá: hẹn hò lấy khách làm chồng, giả xin làm vợ lẽ
6. Tẩu: rủ khách đi trốn giả như giữ lòng chung thuỷ
7. Tử: giả liều chết để khách khuyên ngăn.
        "Vành trong" là bề trong, tức là cách đối xử bên trong với khách. "Tám nghề" là cách ân ái với khách, chung đụng nhau và tuỳ từng tính cách của mỗi đối tượng, để làm cho khách khoan khoái về nhục dục. "Tám nghề" là:
1. Tiếp người nhỏ bé thì dùng cách "kích cổ thôi hoa"
2. Tiếp người to béo thì dùng cách "Kim liên song toả"
3. Tiếp người nóng vội thì dùng cách "đại xiển kỳ cổ"
4. Tiếp người chậm chạp thì dùng cách "mạn đả khinh khao"
5. Tiếp người mới thì dùng cách "khẩn khuyên tam trật"
6. Tiếp người thạo đời thì dùng cách "tả trì hữu trì"
7. Tiếp người si tình thì dùng cách "toả tâm truy hồn"
8. Tiếp người lạnh lùng thì dùng cách "nhiếp thần nhiệm toả"
        Quả thực "nghề chơi cũng lắm công phu"!
        Không phải chỉ dùng hình thức bằng những nụ cười duyên, những cái liếc mắt tình tứ, bằng cách nũng nịu hay hờn dỗi làm dáng... ở bề ngoài, mà còn dùng nhiều kiểu cách để thoả mãn lòng dục của khách. "Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề", nói chung là những bí quyết nhà nghề của những ả bán dâm ở lầu xanh, để làm khách mua dâm si mê được coi là một... nghệ thuật cũng không quá đáng. Khó bàn cụ thể, đặc biệt là "vành trong tám nghề" này...
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét