Ẩn dụ nổi bật ở tính biểu
cảm, mở ra những khả năng vô tận cho việc nhìn ra nét gần nhau của những sự vật,
hiện tượng khác xa nhau. Về thực chất, ẩn dụ là một cách nghĩ mới về đối tượng;
nó có thể phát hiện bản chất ẩn giấu của đối tượng. Thơ ca phương Đông có vô số
những ẩn dụ được tạo ra và trở thành những điển cố, được nhập vào vốn thi liệu
chung. Không hiếm khi ẩn dụ là biểu hiện cái nhìn độc đáo cá nhân của nghệ sĩ;
khác với những ẩn dụ đã trở nên thông tục, những ẩn dụ mang tính độc đáo cá
nhân là một trình độ cao của thông tin nghệ thuật, bởi vì nó chuyển đối tượng
(và ngôn từ) thoát khỏi lối cảm thụ máy móc.
Cần phân biệt ẩn dụ với
tư cách một hiện tượng thường thấy ở phạm vi ngôn ngữ, với ẩn dụ theo nghĩa rộng,
như là kiểu hình tượng liên tưởng do trí tưởng tượng tạo ra những tình huống nhất
định và nhất là với mục đích biểu cảm thẩm mỹ. Nhiều nhà nghiên cứu gắn sự nảy
sinh hình tượng ẩn dụ với giai đoạn tự phát của sự tri giác thế giới - thời kỳ
nguyên thủy của mọi nền văn hóa và ngôn ngữ. Rất có thể ẩn dụ nảy sinh vào thời
đại tan rã của ý thức thần thoại (bởi vì không thể có ẩn dụ trong ý thức thần
thoại và ý thức vật linh luận, ở đó còn chưa chia tách được thế giới cần nhận
thức và con người nhận thức thế giới ấy). Sự nảy sinh ẩn dụ trở thành điểm khởi
đầu cho quá trình trừu tượng hóa các ý niệm cụ thể, điểm khởi đầu cho sự hình
thành hình tượng nghệ thuật. Vào thời mà đời người còn được lý giải như là do
Thượng đế an bài và mọi thứ ở đời (tự nhiên, lịch sử, đời người...) còn đầy rẫy
những hàm nghĩa tượng trưng bí ẩn, nghệ thuật và sách vở thời trung đại đã xây
dựng cả một hệ thống tượng trưng thuần nhất hoàn toàn mang tính ẩn dụ. Ý thức
dân gian - với các lối tính lịch, các dấu hiệu về “điềm”, “triệu”, các lời
tiên tri... - cũng tạo ra dạng thức các tượng trưng ẩn dụ của mình. Thời cận đại
- mà khâu trung tâm là việc con người trở thành chính mình chứ không phải con
người bị chiếm lĩnh bởi “thế giới bên kia” - thời con người tìm
kiếm sự cân bằng “tôi và thế giới”,
văn học phản ánh quá trình này trong cái gọi là “phong cách cổ điển” loại trừ lối ẩn dụ chủ thể khách quan. Ở thơ
ca thế kỷ XX, ẩn dụ trở thành phương thức tăng cường nỗ lực và tự do sáng tạo của
nghệ sĩ.
Một số nhà nghiên cứu
cho rằng ẩn dụ là cơ sở cấu trúc của hình tượng nghệ thuật. Ẩn dụ có vai trò
trong nhận thức của con người và trong nghệ thuật: nó đem lại sự sắc bén và
sáng rõ cho ý tưởng, nó làm mới lại đối tượng, tạo ra hình tượng cảm tính cụ thể
sắc nét, biểu hiện những xúc cảm sống động nhưng tiềm ẩn, làm tăng ấn tượng. Ở
hình tượng nghệ thuật ẩn dụ, việc chuyển các dấu hiệu từ một đối tượng này sang
dối tượng khác, việc trùng hợp chúng với những khác biệt mang tính ngụ ý - tạo
ra một sự hình dung mới. Ở ẩn dụ thể hiện bản chất đa nghĩa của hình tượng nghệ
thuật.
Ẩn dụ là đặc tính không
chỉ của nghệ thuật ngôn từ, mà còn của các loại hình nghệ thuật khác, ví dụ nhiếp
ảnh tư liệu nghệ thuật, nơi mà ẩn dụ bộc lộ bằng lắp ghép; hoặc nghệ thuật tạo
hình, ở đây ẩn dụ được dùng cùng phúng dụ và tượng trưng, nhất là ở thể loại
tranh cổ động. Ẩn dụ là thủ pháp của nhiều tranh, tượng hiện đại. Tư duy hình
tượng ẩn dụ còn là yếu tổ thẩm mỹ thường có trong các khoa học nhân văn, khoa học
tự nhiên và khoa học công nghệ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét