Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Điển tích Truyện Kiều - TRƯỚC HÀM SƯ TỬ GỞI NGƯỜI ĐẰNG LA


 Kiều cũng mong được làm vợ lẽ Thúc Sinh để thoát cảnh ô trược của lầu xanh, nhưng nàng còn lo ngại không biết Sinh có đủ quyền lực che chở cho nàng hay Sinh sợ sự ghen tuông của vợ, thì thân phận của nàng phải chịu đoạ đày đến thế nào. Kiều tha thiết nhưng thẳng thắn nói với Thúc Sinh, có câu:
Như chàng có vững tay co
Mười phần cũng đắp điếm cho một vài
Thế trong dù lớn hơn ngoài
Trước hàm sư tử gởi người đằng la
Cúi đầu luồn xuống mái nhà
Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng
(câu 1347 đến 1352)


        "Hàm sư tử", nguyên Trần Tạo tự Quý Thường, người đời nhà Tống, có vợ họ Liễu vốn tính ghen dữ- Quý Thường rất tôn sùng đạo Phật và cũng rất sợ vợ. Hằng ngày, ngồi đọc kinh, vợ lấy làm bực, hét la đay nghiến nhưng Trần vẫn điềm nhiên, không dám một tiếng cự.
        Tính của Trần cũng hào hoa, bằng hữu nhiều nên ở nhà thường bày yến tiệc. Ðể tăng phần hứng thú cho bữa tiệc, Trần chiều khách, mời kỹ nữ xướng ca. Liễu thị ở trong phòng ghen tức, mượn điều này điều nọ quát tháo ầm ĩ. Trần có lúc hoảng hốt, cầm gậy đánh rơi. Bạn thân của Trần là Tô Ðông Pha, một nhà thơ danh tiếng, nhân đó làm một bài thơ đùa cợt Trần:
Thuỳ tự Long Khâu cư sĩ hiền
Ðàm không thuyết pháp dạ bất miên
Hốt văn Hà Ðông sư tử hống
Trụ tượng lạc thủ tâm mang nhiên
    Tạm dịch:
Ai hiền bằng thầy tu Long Khâu
Ðọc kinh thuyết pháp suốt đêm thâu
Bỗng nghe sư tử Hà Ðông rống
Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu
        Có người cho rằng: Liễu thị quê ở tỉnh Hà Ðông. Nhưng Tô Ðông Pha dùng hai tiếng "Hà Ðông" là mượn câu thơ của Ðỗ Phủ: "Hà Ðông nữ nhi thân tính Liễu" (cô gái Hà Ðông người họ Liễu), vì vợ của Quý Thường cùng họ Liễu; và mượn lấy tên quyển kinh nhà Phật là "Sư tử hống liễu nghĩa kinh" nói riêng về việc tu tỉnh của phụ nữ, để chỉ những lời nhiếc móc của Liễu thị. Và, tiếng "sư tử" do lời trong kinh Phật: sư tử là chúa loài thú, mỗi khi rống lên thì các thú vật đều khiếp đảm... như vậy để vừa chỉ tính ghen dữ của Liễu thị, vừa chỉ Quý Thường là một tín đồ đạo Phật.
        Tú Xương (Trần Tế Xương), nhà thơ trào phúng Việt Nam, trong bài thơ vịnh cảnh lấy lẽ, có câu:
Hậu hạ đã cam phần cát luỹ
Nhặt khoan còn ỏi tiếng Hà Ðông
        "Hàm sư tử" tức sư tử Hà Ðông vừa chỉ người đàn bà ghen tuông dữ tợn, vừa chỉ người vợ hung hăng lấn áp cả quyền chồng.
           "Giấm chua" cũng để chỉ sự ghen tuông dữ tợn của người vợ lớn. Trong "Lư phu nhân truyện" có chép:
            Ðời nhà Ðường, Phòng Huyền Linh làm đến chức Tể tướng, có vợ là Lư thị. Ông vẫn một niềm yêu mến vợ, không lấy một tỳ thiếp nào. Người ngoài cho ông sợ vợ ghen. Vua Ðường Thái Tông muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho Hoàng hậu gọi nàng vào và bảo:
- Theo phép thường, các quan to đều có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một mỹ nhân.
    Lư thị nhất quyết không bằng lòng. Vua cả giận, gắt:
- Nhà người không ghen thì sống, ghen thì chết.
    Ðoạn sai người đưa cho một chén giấm giả làm thuốc độc, phán:
- Nếu vậy thì phải uống ngay chén thuốc độc này.
    Lư thị không ngần ngại, cầm lấy chén uống hết.
    Nhà vua thấy thế, cười nói:
- Ta cũng phải sợ, huống chi Huyền Linh.
        Lại còn thêm một điển tích khác:
        Vua nước Kim rất sủng ái hai nàng cung phi là Lệ Cẩm ở Tây Cung và ái phi Ngọc Sương. Hoàng hậu lấy làm ghen tức, nhưng thấy nhà vua quá say mê hai nàng nên đành phải im lặng.
        Khi nhà vua lâm bệnh nặng, trước khi chết trối với Hoàng hậu cùng quần thần là phải chôn sống cả hai nàng theo vua. Vài hôm sau, nhà vua chết, Hoàng hậu tuân theo lời trối của nhà vua, nhưng bà lại nghĩ rằng: nếu chôn hai phi tần tuyệt sắc nguyên vẹn này thì khi xuống âm cung, nhà vua lại vẫn âu yếm say mê hai nàng như trước. Cái cảnh giao hoan này như diễn ra trước mắt khiến máu ghen của bà càng sục sôi hơn nữa. Bà quát tháo ầm ĩ, truyền cung phi thị vệ đem hai nàng ra khoét mắt, xẻo mũi, cắt tai cốt để xuống âm cung làm nhà vua ghê tởm, không dám nhìn.
        Nhưng mụ ghen độc ác này vẫn thấy hai nàng còn đẹp. Mất mắt, mất mũi, mất tai nhưng nước da vẫn trắng nõn nà, thân mình cân đối diễm tuyệt... làm mụ vẫn còn ghen. Mụ mới nghĩ ra một cách làm huỷ hoại tiêu mòn nhan sắc của hai nàng mới vừa lòng. Thế nàng mụ đem hai nàng ngâm vào chum giấm chua, rồi mới cho chôn theo xác của nhà vua. Bấy giờ mụ mới thấy yên lòng!.
Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng
        "Lửa nồng" là lửa đương cháy, dịch ý chữ "hoả khanh" tức hang lửa. Trong "Diệu pháp liên hoa kinh" của nhà Phật có câu: "Giả sử hưng hại ý suy lạc đại hoả khanh" (nếu cái ý làm hại người nổi dậy thì phải xô xuống hang lửa lớn). Về sau, để nói cái cảnh khốn khổ cùng cực, người ta thường dùng hai chữ "hoả khanh", cả cái cảnh truỵ lạc của phụ nữ ở lầu xanh cũng gọi thế. Do đó, "lửa nồng" ở đây chỉ cảnh khổ ở lầu xanh.
        Cả hai câu:
Trước hàm sư tử gởi người đằng la...
... Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng
        Thế người vợ lớn mạnh hơn chồng thì Thúc Sinh lấy Kiều chẳng khác nào đưa Kiều (người vợ lẽ) vào miệng một con sư tử cái. Như vậy đem thân làm vợ lẽ cho người đàn ông sợ vợ, có người vợ cả ghen tuông ác độc (giấm chua) thì còn khốn khổ gấp ba lần hơn cảnh lầu xanh (lửa nồng).
        Kiều đã khéo kéo chuyển từ ý muốn của mình bằng lòng làm vợ lẽ Thúc Sinh, nhưng thách thức Thúc Sinh có phải sợ vợ cả ghen tuông không?
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét