
Tóm
tắt:
Sương Nguyệt Minh là một nhà văn quân đội, có nhiều đóng góp vào sự đổi mới văn
xuôi sau năm 1975. Ông là tác giả của bảy tập truyện ngắn, hai tập bút kí – tản
văn và mới đây nhất là tiểu thuyết Miền
hoang. Sáng tác của nhà văn được khơi nguồn cảm hứng từ chính cuộc sống. Gần
đây, các vấn đề về môi trường ngày càng được quan tâm: lũ lụt, hạn hán, biến đổi
khí hậu… Cùng với các ngành khoa học khác, văn học cũng góp phần thay đổi nhận
thức của con người về cách ứng xử đối với thiên nhiên – người bạn đồng hành
không thể thiếu cho sự tồn tại và phát triển của con người. Truyện ngắn của nhà
văn Sương Nguyệt Minh bên cạnh những bức tranh cuộc sống với muôn nẻo số phận
con người còn thể hiện nỗi niềm của thiên nhiên bị tàn phá và những bi kịch
phía sau ấy. Đồng thời, trong các truyện ngắn của nhà văn, ta có thể nhận thấy
sự gắn bó, hòa điệu giữa con người và tự nhiên. Những trang viết của Sương Nguyệt
Minh đã chạm sâu đến những vấn đề cốt lõi của phê bình sinh thái.
Từ khóa:
Sương Nguyệt Minh, thiên nhiên và con người
1.
Dẫn
nhập
Từ
xa xưa, con người và thiên nhiên có mối quan hệ gắn bó với nhau. Trong quá
trình lao động, sinh sống, con người nhận thấy thiên nhiên có sức mạnh, có tiếng
nói riêng. Điều này thể hiện rất rõ thông qua hệ thống các truyện kể dân gian: Thần trụ trời, Ông trời, thần mưa, thần gió…
Trải qua bao thế kỷ, con người vừa cải tạo, vừa tàn phá thiên nhiên và có những
lúc phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Hẳn ta còn nhớ truyện dân gian Thần lúa, vị thần này đã nổi giận vì sự
phũ phàng của con người nên đã trừng phạt bằng cách bắt con người phải lao động
khổ nhọc mới có được hạt lúa. Và đôi khi cay nghiệt hơn nữa, nữ thần không cho
các bông lúa nảy bông. Phải chăng ngay từ thời xa xưa, con người đã nhận thấy
cách ứng xử giữa thiên nhiên và con người? Đó là điều con người hiện đại cần
suy nghĩ lại, khi mỗi năm môi trường sống lại càng bị tàn phá nặng nề hơn! Văn
học nghệ thuật không tách rời mà luôn song hành cùng các ngành khoa học khác
trong hành trình bảo vệ màu xanh của Trái Đất.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
đặc biệt thành công với thể loại truyện
ngắn và trở thành một phong cách độc đáo trong nền văn xuôi Việt Nam sau
năm 1975. Truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh khắc khoải những nỗi niềm của một
người lính bước ra từ chiến trường, về những điều chưa làm được cho đồng đội của
mình và cả những suy tư, trăn trở về cuộc sống hiện đại, luyến tiếc vẻ đẹp yên
bình của nông thôn đang dần thay đổi. Không chỉ vậy truyện ngắn của nhà văn
Sương Nguyệt Minh còn chứa đựng những thông điệp sinh thái đầy ý nghĩa như Sâm cầm Hồ Tây, Nơi hoang dã đồng vọng, Chuyến
đi săn cuối cùng… Đọc truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh, người đọc
sẽ nhận thấy những cảnh báo về nguy cơ sinh thái và nỗi bất an của con người thời
hiện đại. Thiên nhiên bị đối xử một cách tàn bạo, con người phá vỡ môi trường
sinh thái vì lợi ích của mình. Chính vì vậy, truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt
Minh đã chạm sâu vào những vấn đề của văn học sinh thái.
2.
Sơ
lược về phê bình sinh thái
Thuật
ngữ sinh thái học (ecology) có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp: oikos (nhà, nơi ở) và
logos (khoa học, học thuật). Hiểu đơn giản, sinh thái học là khoa học nghiên cứu
về “nhà”, “nơi ở” của sinh vật. Hiểu rộng hơn, sinh thái học là khoa học nghiên
cứu mối quan hệ giữa sinh vật với môi trường xung quanh.
Khuynh
hướng phê bình sinh thái (ecocriticism) được hình thành ở Mĩ vào giữa những năm
90 của thế kỉ XX. Có rất nhiều định nghĩa về phê bình sinh thái, trong đó định
nghĩa của Glotfelty được xem là ngắn gọn và dễ hiểu hơn cả. Phê bình sinh thái
là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên. Trong bài giới
thiệu “Nghiên cứu văn học trong thời kì khủng hoảng môi trường” của Tuyển tập
Phê bình sinh thái, các mốc quan trọng trong sinh thái học, Glotfelty đã thể hiện
tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm (earth-centered
approach) để nghiên cứu văn học. “Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng chủng tộc,
giai cấp, và giới tính trở thành những vấn đề nóng bỏng vào những năm cuối thế
kỉ XX. Thế nhưng, bạn cũng sẽ không bao giờ biết được rằng sự sống của Trái đất
– cái nền tảng đang làm nhiệm vụ chống đỡ tất cả những hệ thống ấy – là cái
đang nằm sâu bên dưới tất cả những giao tranh căng thẳng đó. Thật vậy, có thể bạn
sẽ không bao giờ biết được rằng, dù thế nào, trên tất cả những điều ấy, là
chúng ta chỉ có duy nhất một Trái đất mà thôi” 1.
Trong
tiểu luận Một số nguyên tắc của phê bình sinh thái (Some Principles of Ecocriticism),
từ góc độ của từ nguyên, William Howarth đã định nghĩa phê bình sinh thái thành
“phán quyết việc nhà”. “Eco (sinh thái) và Critic (nhà phê bình) đều có nguồn gốc
từ tiếng Hy Lạp, xuất phát từ oikos và kritis. Ý nghĩa của hai từ này ghép lại
chính là “phán quyết việc nhà” (house judge). Điều này sẽ khiến rất nhiều người
yêu thích lối viết xanh và đề tài hướng về thế giới bên ngoài lấy làm kinh ngạc.
Cụm từ “phán quyết việc nhà” có thể được giải thích dài dòng và quanh co như
sau: Nhà phê bình sinh thái là “người đánh giá những ưu nhược tốt xấu trong các
tác phẩm miêu tả ảnh hưởng của văn hóa đến tự nhiên, chủ trương ca ngợi tự
nhiên, lên án kẻ tàn phá tự nhiên và thông qua hành động chính trị để làm giảm
bớt sự thương tổn của tự nhiên”2.
1
Glotfetly C. (1996), “Introduction: Literary Studies in an Age of
Enviromental Crisis”, The Ecocritiicism Reader. Landmarks in Literary
Ecology edited by Cheryll Glotfelty and Harold Fromm, University of Georgia Pressxv – xxxvi, p.xxi.
2 Nguyễn
Thị Tịnh Thy, Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương, nhà xuất bản
khoa học xã hội, trang 148
|
3.
Truyện
ngắn – khởi đầu làm nên sự thành công
trong sự nghiệp của nhà văn Sương Nguyệt Minh
Nhà
văn Sương Nguyệt Minh,sinh ngày 15-9-1958, tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, quê ở
Yên Mỹ, Yên Mô, Ninh Bình. Lúc đầu, nhà văn lấy bút danh là Sơn Nguyệt Minh (Lấy
tên Sơn của nhà văn, tên vợ là Nguyệt và tên con trai là Minh, ghép lại thành
Sơn Nguyệt Minh). Dạo mới viết, nhà văn hay in ở báo Quân đội nhân dân, bài gửi
đi đến khi báo ra cứ thành Sương Nguyệt Minh. Từ đó, nhà văn đành lấy bút danh là Sương Nguyệt Minh, và
bút danh ấy tồn tại đến bây giờ.
Ông
là nhà văn quân đội, đến với nghiệp văn chương khá muộn màng, năm 1992, lần đầu
tiên có truyện ngắn (Nỗi đau dòng họ)
đăng trên Tạp chí văn nghệ quân đội. Nhưng Sương Nguyệt Minh đã chứng tỏ khả
năng của mình sau đó, góp mặt vào những nhà văn tiêu biểu sau năm 1975 với những
đổi mới, sáng tạo.
Các
nhà phê bình văn học tìm ra con đường vận động trong văn chương của Sương Nguyệt
Minh đi từ “hiện thực – lãng mạn” đến “hiện thực – lãng mạn và kỳ ảo” gắn với
nhiều mảng đề tài sinh động: chiến tranh, lịch sử, thiên nhiên, thế sự… Ở mảng
đề tài nào, chúng ta cũng nhận thấy sự lao động công phu của một nhà văn luôn
trăn trở với những vấn đề của xã hội, con người. Những trang văn chính là sự trải
nghiệm sâu sắc về cuộc đời, về những gì mà nhà văn đã chứng kiến. Khuất Quang
Thụy trong lời mở đầu tập truyện ngắn Mười
ba bến nước của Sương Nguyệt Minh đã viết rằng “Vì có may mắn được cùng làm
việc với anh nhiều năm nên tôi cũng được chứng kiến và can dự vào những trăn trở,
những cuộc vật lộn chống chọi để thoát ra khỏi những cái thông thường mòn nhẵn
trong quá trình sáng tác của Sương Nguyệt Minh”.
Đó
là khi nhà văn viết và cho in truyện ngắn Người ở bến sông Châu. Ông cứ trăn trở
bởi đây là một hiện thực rất lạ ở chiến tranh Việt Nam mà ít người chú ý đến:
người trở về từ chiến trường lại là một người con gái chứ không phải một anh
lính, và người kết hôn không phải là một người phụ nữ chờ đợi quá lâu mà không
thấy người ra đi trở về. Người kết hôn lại là người đàn ông “Ngày dì Mây khoác
ba lô trở về làng, chú San đi lấy vợ…”. Đó là trăn trở khi in truyện ngắn Mười ba bến nước. Không phải là mườihai
bến nước thông thường trong cách nói dân gian. Cái đau khổ của con người là khi
cứ lênh đênh mãi, không biết đâu là bờ bến, không biết đâu là điểm dừng. Điều ấy
mới thật là bất hạnh.
Tâp
truyện ngắn Dị Hương của nhà văn ngay
từ khi phát hành đã gây sự chú ý đối với bạn đọc. Một cuộc tranh luận sôi nổi
trên các tờ báo, các website với các ý kiến khen, chê khác nhau. Rõ ràng, điều ấy
chứng tỏ được sự quan tâm của dư luận, sự yêu mến của công chúng đối với những
tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, chứa đựng tư tưởng sâu sắc. Đến với Dị
Hương, nhà phê bình Ngô Văn Gía đã tặng cho nhà văn ba chữ “Hoạt – Phiêu –
Thõa” (Hoạt là sự linh hoạt trong trần thuật, Phiêu là sự chuyển đổi bút pháp từ
tâm linh đến siêu thực, Thõa là “chất liệu sex được viết một cách rất cao
tay”). Tập truyện đã thể hiện sự vượt thoát ra khỏi những điều thông thường và
thể hiện sự đổi mới trong những trang văn của Sương Nguyệt Minh.
Nhiều
truyện ngắn của ông đã được dựng thành phim như: Người ở bến sông Châu, Mười ba bến nước… và đã tạo được tiếng vang
lớn. Có thể nói rằng, truyện ngắn là bước
khởi đầu đầy thành công của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Để sau đó, tiểu thuyết
Miền hoang như một bước ngoặt trong sự
nghiệp sáng tác của ông, dẫn dắt người đọc vào thế giới nghệ thuật phong phú của
nhà văn.
Đặc
biệt, trong truyện ngắn của nhà văn, ta có thể nhận thấy sự đồng cảm đặc biệt với
thiên nhiên. Khung cảnh thiên nhiên của quê hương là bối cảnh cho những truyện
ngắn của ông. Thiên nhiên hiện lên thật nhẹ nhàng, giản dị, đậm đà phong vị quê
hương trên khắp mọi miền quê của đất nước. Có lẽ vì vậy, Sương Nguyệt Minh được
nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức mệnh danh là “nhà văn của những cảnh sắc
đồng quê lung linh”. Đọc truyện ngắn của nhà văn, ta cảm nhận được thế giới
thiên nhiên, cảm nhận được tâm hồn của chính mình. Cái tài của nhà văn là khơi
dậy những rung động thẩm mĩ, những tình cảm tốt đẹp trong mỗi con người chúng
ta.
1.
Mối
quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt
Minh
4.1.
Sự hủy diệt thiên nhiên
Cùng
với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự bùng nổ dân số… thì nhu cầu cuộc sống
của con người càng gia tăng. Con người vừa cải tạo thiên nhiên theo hướng tích
cực vừa tàn phá thiên nhiên một cách vô tội vạ. Hẳn mỗi người chúng ta phải giật
mình trước những con số thống kê về diện tích đất rừng bị phá, lũ lụt, sạt lỡ,
hạn hán… hằng năm? Phải chăng mẹ thiên nhiên cũng đang phẫn nộ với những hành
vi ngang ngược, cố chấp của con người? Thế nhưng con người dường như vẫn chưa
nhận thức hết hành vi hủy hoại môi trường sống của mình. Đây đó trong cuộc sống
vẫn có những người bất chấp tất cả vì lợi ích riêng của cá nhân.Cùng với các
ngành khoa học khác, văn học cũng góp phần thay đổi nhận thức của con người về
cách ứng xử đối với thiên nhiên – người bạn đồng hành không thể thiếu cho sự tồn
tại và phát triển của con người. Truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh bên
cạnh những bức tranh cuộc sống với muôn nẻo số phận con người còn thể hiện nỗi
niềm của thiên nhiên bị tàn phá và những bi kịch phía sau ấy.
Cụ
thể, trong sáng tác của mình, nhà văn đã chỉ ra rằng con người xem tự nhiên là
đối tượng để khai thác. Khát vọng làm giàu khiến con người như bị mờ mắt, tận
diệt các khu rừng, săn bắn tràn lan, tách động vật khỏi môi trường sống hoang
dã. Truyện ngắn Sâm cầm Hồ Tây là một
minh chứng rõ ràng cho hành động tàn bạo của con người. Từ bao đời nay, chim
sâm cầm hiền lành và luôn gắn bó với người dân làng quê, chim và người sống
thân tình, gần gũi. Thế rồi đời sống khấm khá lên, người ta đổ xô đi tìm đặc sản.
“Người giàu thường hay sợ chết. Người giàu tuổi còn trẻ chết thì tiếc lắm, chết
để vợ đẹp cho ai, tiền bạc của nả cho ai và chơi bời chưa được là bao. Người
giàu càng nhiều tuổi chết lại càng tiếc hơn, tiếc vì thời gian hưởng thụ quá ngắn.
Vậy nên bồi bổ và kéo dài tuổi thọ là mục tiêu hàng đầu của các ông chủ mới phất”3.
Ta có thể nhận thấy giọng triết lí của nhà văn Sương Nguyệt Minh, đời sống càng
khá giả, nhu cầu con người càng tăng cao, con người càng sợ chết và tìm mọi
cách để kéo dài tuổi thọ của mình. Các nhà hàng đặc sản mọc lên như nấm, khách
kéo về càng đông, dân làng lại càng ham bắt chim sâm cầm để bán lấy tiền. Họ bất
chấp tất cả, kể cả việc ngày càng vắng những cánh chim sâm cầm trên cánh đồng
quê, cả việc chim sâm cầm sợ hãi không về nơi quen thuộc nữa.
Truyện
ngắn Nơi hoang dã đồng vọng cũng góp
thêm tiếng nói lên án hành vi tàn bạo của con người với thiên nhiên. Cuộc sống
càng hiện đại, con người lại càng có cách tận hưởng cuộc sống về đủ mọi mặt.
Đôi khi, chính cách tận hưởng của họ khiến ta nghi ngờ về lối sống hiện đại ấy.
“Chát. Dùi đục phang mạnh. Miếng chỏm đầu con mèo trắng bay khỏi lưỡi tràng bạt
sáng loáng. Eo. Mèo trắng vẫn kịp gào lên một tiếng. Rồi nước đái nó tức thì bắn
vọt vào mặt ông chủ. Thân mèo co rút, giật giật. Cả bốn thực khách cười hô hố. Ộc.
Ộc. Rượu tràn ly. Bốn vị cầm bốn thìa múc. Mỗi lần thìa thọc vào óc con mèo,
chân nó lại co lên”4. Con người tự cho mình quyền hạn làm chủ và tận
diệt tự nhiên. Hành vi của các vị thực khách qua cách viết của Sương Nguyệt
Minh hiện lên thật thản nhiên và tàn nhẫn.
Không
chỉ săn bắt vô tội vạ mà hành vi tách động vật ra khỏi môi trường hoang dã cũng
là tội ác. Trong truyện ngắn Chuyến đi
săn cuối cùng, Mại là con của thợ săn chuyên nghiệp, tường nhà anh treo nhiều
loại móng vuốt, sừng, da thú… Mỗi lưu vật là cuộc đời một con thú. Anh được thừa
hưởng cái nỏ săn cha để lại và chỉ khi truy đuổi đến cùng những con khỉ phá rẫy
ngô của mình, Mại đã nhận ra hành vi ấy là vô nhân đạo. Mại đã chứng kiến một cảnh
tượng khiến anh thay đổi nhận thức.Khi mũi tên anhbắn ra làm khỉ đực bị thương,
khỉ cái đã rút mũi tên ra và nhai lá thuốc đắp vào bả vaikhỉ đực, nó còn biết nặn
sữa cho khỉ đực uống. Dù là động vật hoang dã, chúng vẫn có cuộc sống của mình,
có tình cảm, có tiếng nói riêng. Đó cũng là một gia đình nhỏ trong bầy khỉ rừng.
Và con người cần phải tôn trọng điều ấy.
3 Sương
Nguyệt Minh, Đi qua đồng chiều (2005), Nhà xuất bản Thanh Niên, trang 142
4 Sương
Nguyệt Minh, Đi qua đồng chiều (2005), Nhà xuất bản Thanh Niên, trang 115
|
Sương Nguyệt Minh sinh
ra và lớn lên ở vùng đất Ninh Bình, nơi núi non trùng điệp và có nhiều danh lam
thắng cảnh nổi tiếng như Tràng An, Tam Cốc, Bích Động… Ninh Bình còn được biết
đến bởi nơi đây chính là kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam. Khung cảnh thiên
nhiên và văn hóa của quê hương đi vào trong những câu văn của ông một cách tự
nhiên như máu thịt. Nhà văn Tạ Duy Anh đã viết trong lời tựa Người ở bến sông Châu: “May mắn lớn nhất
cho Sương Nguyệt Minh, đúng hơn cho chức phận nhà văn của ông, là ông có cho riêng
mình một mảnh đất của văn chương để trụ vững lại. Cái mảnh đất đó chính là vùng
bán sơn địa Yên Mô – Ninh Bình với đầy đủ những yếu tố để làm nên một vũ trụ,
đi vào thế giới tinh thần của ông như những gì vừa thực, vừa bí ẩn, vừa có sức
cám dỗ ma mị như sau này ông vẽ lên, tái tạo ở hầu hết những tác phẩm”. Đọc
truyện ngắn của ông, ta còn nhận ra nỗi niềm luyến tiếc về vẻ đẹp yên bình, thơ
mộng của làng quê đang dần bị biến đổi dưới sự tác động tiêu cực của con người.
Đó chính là tấm lòng của một người con luôn hướng về quê hương và nhận thấy những
đổi thay hằng ngày, trong đó, có những điều mãi mãi mất đi không bao giờ tìm lại
được.
4.2.
Con người nạn nhân trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên
Phê bình sinh thái đã thể hiện rằng tự nhiên
cũng có địa vị của nó: “Mặc dù con ngườiđã bỏ ra bao nhiêu nỗ lực để giữ cho
mình cái địa vị thống trị, thì có phải tự nhiên chỉ mang một thân phận lệ thuộc
hay không khi thực sự chúng ta đã và đang tiếp tục được nó nhắc nhở lại về
một thứ địa vị thực sự thông qua mỗi trận động đất, mỗi lần núi lửa phun trào,
những ngôi sao chổi vụt qua, cũng như việc không ai có thể dự đoán được một
cách chính xác sự thay đổi thất thường của thời tiết”6.
5 Sương
Nguyệt Minh, Đi qua đồng chiều (2005), Nhà xuất bản Thanh Niên, trang 89
6 Rigby
K. (2014), Chapter 7 : “Ecocritisim”, Introducing Critism at the twenty –
First Century, Edinburgh UP, Đặng Thị Thái Hà dịch, Phụ lục luận văn Cái tự nhiên từ điểm nhìn phê bình sinh
thái (Qua tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc
Tư), Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội
|
Việt Nam là một nước
nông nghiệp và bởi vậy, tự nhiên có vai trò quan trọng đối với cư dân nông nghiệp.
Con người vừa cải tạo tự nhiên theo hướng có lợi nhưng con người cũng âu lo trước
những biến đổi của tự nhiên. Ngày trước, bước chân ra, con người phải “trông trời
trông đất trông mây”, phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Ngày nay cùng với sự
phát triển của khoa học kĩ thuật, con người chủ động hơn trong canh tác, thu hoạch…
Nhưng con người cũng đang đối mặt với những
vấn đề về sự khắc nghiệt của tự nhiên như: hiệu ứng nhà kính, ngập mặn, khô hạn,
động đất… Con người tồn tại và phát triển trong, cùng và với môi
trường tự nhiên. Khi chỉnh thể sinh thái của tạo hóa bị hủy hoại thì sự sống của
bản thân con người tất sẽ bị đe dọa cả thể chất lẫn tinh thần7.
Lũ lụt vẫn là thảm họa
kinh hoàng của con người ở khắp nơi trên thế giới. Điều này đã được thể hiện
trong các tác phẩm văn học từ xưa đến nay. Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh trong kho tàng văn học dân tộc không chỉ là một
câu chuyện về tình yêu mà còn phản ánh quy luật dâng nước lũ hằng năm. Ngay từ
thời xưa, con người đã ý thức được sức mạnh và nỗi vất vả của con người khi đối
mặt với sự khắc nghiệt của tự nhiên. Về sau này, truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn cũng
thể hiện nỗi khốn
khổ của con người trước hiện tượng lũ lụt, đê vỡ.
Giai cấp thống trị bóc lột về mọi mặt, cộng với đê vỡ, nước lũ dâng cao, cuộc sống
của người dân đang bị đẩy vào bước đường cùng.
Truyện ngắn Tiếng
lục lạc trong đêm của Sương Nguyệt Minhvẽ ra khung cảnh hỗn loạn của con
người trong cơn lũ. “Nước ngập mênh mông, củi khô, cành cây tươi,rều rác, gà chết
trôi lều bều trên sông Đáy. Rồi vỡ đê nước tràn vào làng Yên Hạ, làngchìm sâu
dưới nước”8. Sau khi cơn lũ đi qua, mọi người vẫn chưa thể khắc phục
ngay hậu quả được, họ kể cho nhau nghe những câu chuyện kinh hoàng trong cơn lũ
“Nhà nọ ở xóm trên, nước lụt mấp mép mái bằng, phải đưa cả người cả con trâu
nái lên sân thượng. Bây giờ, nước rút không tài nào đưa trâu xuống được, suốt
ngày nó đóng móng cồng cộc, ỉa đái
trên mái bằng… Người lại nói: Buổi sáng hôm bão tan, ở xã dưới, ông lão kéo vó
bè kéo phải một người đàn bà chết ngồi”9.
7 Nguyễn
Thị Ánh Nguyệt, Con người và tự nhiên trong văn xuôi VN sau năm 1975 từ góc
nhìn phê bình sinh thái, trang 117
8 Sương
Nguyệt Minh, Mười ba bến nước (2003), Nhà xuất bản Thanh Niên, trang 45
9 Sương
Nguyệt Minh, Mười ba bến nước (2003), Nhà xuất bản Thanh Niên, trang 49
|
Những gì đang diễn ra
khiến tự nhiên dường như bị tổn thương và tự nhiên cũng đang phản ứng lại với
những hành vi của con người. Đó có thể là sự rời bỏ những nơi quen thuộc, chứa
chan tình cảm giữa tự nhiên và con người như trong truyện ngắn Chim sâm cầm lại về. Khi con người cố
tình tận diệt, săn bắt vô tội vạ chim sâm cầm để bán cho các nhà hàng đặc sản
thì những mùa đông sau đó, chim sâm cầm không về. Động vật cũng có tình cảm, có
cách nghĩ của mình, nhận ra nơi nguy hiểm, chúng không về nữa là lẽ tất
nhiên.
Con người đã tự tay phá vỡ mối quan hệ gắn bó yêu thương với
tự nhiên để trở thành những kẻ hủy hoại môi trường sống của nhiều loại động thực
vật. Truyện ngắn Chuyến đi săn cuối cùng của nhà văn Sương Nguyệt Minh đã phản ánh một
hiện thực rằng con người đang đào núi, phá rừng kết hợp săn bắn theo kiểu tận
diệt đã gieo rắc những nguy hiểm lên đời sống của động vật. Ngôi nhà xanh của
chúng không còn, thức ăn ngày càng khan hiếm thì việc quay lại phá làng cũng là
một hệ quả tất yếu kéo theo. “Nương ngô xanh đang độ bắp đọng sữa, có bắp trổ sớm,
râu bắt đầu heo héo cũng bị vặt tóac bẹ, đạp gẫy rạp cây, bắp non bị gặm nham
nhở rơi lỏng chỏng” 11.
|
Con
người rơi vào những bi kịch thê thảm trong hành trình săn bắt động vật hoang dã.
Truyện ngắn Chim sâm cầm lại về thể
hiện rất bi kịch của nhân vật khi bất chấp tất cả để dồn đuổi muông thú. Mải bắt
chim sâm cầm đầu đỏ để bán cho nhà hàng đặc sản mà hắn đã bỏ thằng Cò, đứa con
bị thọt chân từ bé, lại không biết nói trên thuyền giữa sông nước. Giữa sương
mù dày đặc, hắn mất phương hướng hoàn toàn, hắn không biết chiếc thuyền chỗ
nào, đầu óc hắn mụ mẫm và tối tăm lại. Gần tối, hắn dạt vào bờ, trên tay vẫn cầm
chim sâm cầm đầu đỏ. Còn thằng Cò, đứa con trai của hắn thì biến mất hoàn toàn.
Bóng tối đã phủ lên cuộc đời hắn với những nỗi đau day dứt đến hết cả cuộc đời.
Làm thế nào để tìm lại đứa con tội nghiệp của hắn, làm thế nào để quên đi những
nỗi đau này? Vì cái lợi trước mắt mà hắn đã trả giá quá đắt.
|
Chàng thạc sĩ tương lai
cũng vì mưu sinh mà vào lò mổ làm thêm. Ngày gà gật, tối đến lại phụ mổ trâu,
sáng hôm sau đến lớp máu me vẫn còn dính đầy trên áo. Kết cục chàng phải về quê
trong đau buồn, tổn thất về sức khỏe và tinh thần. Vì có men rượu, không làm chủ
được hành động, anh xin dùng búa bổ vào đầu con trâu, nhưng búa bị trượt xuống
trán, con trâu lồng lộn theo phản ứng tự vệ vặc đầu húc, cái sừng đánh đúng vào
hạ bộ và bụng dưới. Những người thợ mổ trâu ấy đang trả gía cho hành động giết
mổ trâu của mình.
Những trang viết của
Sương Nguyệt Minh khắc sâu những bi kịch của con người khi trực tiếp hủy hoại
môi trường sinh thái. Con người trở thành nạn nhân trước những thảm họa thiên
nhiên. Động vật hoang dã có không gian sống riêng của mình, khi con người tàn phá
ngôi nhà của chúng, tận diệt chúng, phản ứng của mỗi loài vật là khác nhau, điều
này thể hiện trong bi kịch của nhân vật. Điều ấy cảnh báo con người về cách
hành xử đối với tự nhiên.Con người cần phải tôn trọng tự nhiên, hài hòa với tự
nhiên. Lão tử có lẽ là triết gia đầu tiên, cố gắng đi tìm nguyên nhân sâu xa sự
xa đọa của con người. Ông chủ trương vô vi. Chữ vô không có nghĩa là hoàn toàn
không, vô vi không phải là hoàn toàn không làm gì cả mà là đừng làm gì trái với
luật của tự nhiên và vũ trụ. Ngày nay, đứng trước những nguy cơ sinh thái, con
người cần cảnh tỉnh và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.
4.3.
Sự hòa điệu giữa con người và tự nhiên
Từ xa xưa, mối quan hệ
giữa con người và thiên nhiên rất gần gũi. Với đời sống nông nghiệp, thiên nhiên
gắn liền cuộc sống sinh hoạt và tâm hồn của con người. Điều này được thể hiện rất
rõ trong cả văn học dân gian và văn học viết.
Truyện ngắn của Sương
Nguyệt Minh đã biểu hiện những cung bậc hòa điệu giữa thiên nhiên và con người.
Đó là sự tìm về thiên nhiên để cảm nhận sự bình yên trong tâm hồn. Người họa sĩ
trong Hoàng hôn màu cỏ biếc cảm nhận
được bấy lâu nay, giữa phố xá ồn ào, anh chưa cảm nhận trọn vẹn hết vẻ đẹp của
cuộc sống cũng như những nốt huyền giữa cuộc đời:
“Bỏ
lại sau lưng những đèn xanh đỏ
những
nhà sáng loáng kiêu sa
những bụi
bặm ồn ào phố xá
những
chen chúc cuồn cuộn dòng đời
Ta trở về
hoàng hôn
lặng
im nghe chiều gọi
lặng
im nghe mùa đi.
Ta
trở về hoàng hôn…”
(Những câu thơ trong
truyện ngắn này, tác giả trích trong tập Mười
nghìn khát vọng và tập Làng đảo của
nhà thơ Nguyễn Hữu Qúy)
Có những giây phút con
người phải ngỡ ngàng trước cảnh sắc của thiên nhiên. “ Bên ngoài đám lá trang,
lá súng là một cái gò nổi nhỏ mọc đầy tre ngà. Chao ôi! Cò trắng là cò trắng. Một
màu trắng phau phau đến nhức mắt. Con đứng dưới đất, con đậu ngọn cây, con đung
đưa trên cành. Đẹp thật! Đẹp hơn cả bức tranh thủy mặc treo trên tường nhà tôi”15.
Thiên nhiên với những vẻ đẹp riêng giúp nhân vật quên hết những day dứt, bâng
khuâng, khắc khoải của cuộc sống. Nhân vật Gấm cảm nhận được hơi thở của mình
đượm mùi hoa sen, hoa súng. Tuổi thơ cô đắm chìm trong hương bưởi, hương chanh,
mùi thơm lá sả ở làng, ở đồng cỏ, cảm nhận được mình mang dáng hình của núi Ngọc
Mỹ Nhân. Vậy mà có những lúc, nhân vật vẫn cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của
thiên nhiên quê nhà. “Ngỡ ngàng quá, tôi thấy một bông hoa súng rất đẹp đặt
ngay trên mũi thuyền. Cọng hoa dài, cánh màu trắng như ngà hơi bung ra, nhìn đã
thấy nhụy hoa vàng lấm tấm phấn ở trong. Nước đầm Vực lúc sớm mai trong xanh,
trông rõ cả ngó sen trắng dưới nước. Mặt trời nhô lên, nắng sớm tràn đến tận đường
chân trời”16.
Con người tìm về thiên
nhiên như một cố nhân. Bởi thiên nhiên lưu giữ những kỉ niệm tươi đẹp vẹn
nguyên dẫu thời gian cứ cuốn trôi đi năm tháng.Truyện ngắn Ngày xưa nơi đây là cửa rừng, thiên nhiên như người bạn lâu năm mà
mỗi lần trở về con người cảm thấy thổn thức và như sống lại quá khứ. Thiên
nhiên chứng kiến những thay đổi trong cuộc đời con người “Cây sồi già đã chứng
kiến khoảnh khắc bồng bột, cuồng nhiệt của tôi và Sinh từ ngày xưa ấy, chứng kiến
mọi đổi thay ở cửa rừng”17. Lần
nào đi ngang qua cây sồi già, nhân vật cũng rưng rung dòng cảm xúc “Ngày xưa lại
dưng dưng hiện về. Ngày xưa ơi! Ngày xưa nơi đây là cửa rừng. Cửa rừng hun hút
gió. Gió thổi. Gió thổi hoài. Tôi ngước nhìn lên. Cây sồi già đang trở mình
rung lá”18. Thiên nhiên chứng kiến, lưu giữ và như vỗ về con người để
họ tìm lại bình yên.
Ta có thể nhận ra những dãy núi mờ xa trong khói
lam chiều gợi nỗi nhớ da diết đối với những người xa quê trong truyện ngắn của
Sương Nguyệt Minh. Hình ảnh núi đồi trong hoàng hôn gợi vẻ đẹp mê đắm lòng người.
“Hoàng hôn đã màu cỏ úa trùm lên đỉnh núi con Rùa và dãy Tam Điệp. Xa xa nữa là
núi Ngọc Mỹ Nhân mờ nhòa trong hoàng hôn đang lụi dần” 19. Cuộc sống
của người dân quê gắn bó với núi đồi, sinh hoạt theo dòng chảy của thiên nhiên.
Họ cảm nhận được gió núi thổi rười rượi trên mặt đầm đang thẫm dần. Âm thanh của
tiếng mõ trâu lốc cốc lẫn tiếng
sáo réo rắt từ chân núi vọng đến. Đứng trước khung cảnh thiên nhiên này vào buổi
hoàng hôn, tâm trạng nhân vật trôi miên man vào nhiều dòng hồi ức.
Thiên nhiên còn gợi lại khoảnh khắc lãng mạn,
những phút giây nồng ấm trong tình cảm đôi lứa. Nhân vật người chồng trong truyện
ngắn Đêm thánh vô cùng sau chuỗi ngày
mỏi mệt với cuộc sống hiện tại đã hồi tưởng về những ngày yêu nhau, cùng nhau
lang thang trên những con phố đêm đến nhà thờ xứ đạo. Đặc biệt là đêm giáng
sinh ở Sa Pa mù sương “những ngọn núi hình răng cưa và thứa ruộng bậc thang
chìm vào đêm đông lạnh lẽo. Khi sương mù như tấm voan mỏng nhẹ trắng đục trùm
lên nhà thờ đá cổ Sa Pa rêu phong, tôi vẫn nhận ra màu xám bạc và vẻ trầm tư đến
cô độc”20. Thiên nhiên hiện lên với vẻ đẹp của một cô gái kiêu sa có
dáng vẻ trầm tư, khiến người đọc vừa muốn chiêm ngưỡng, vừa muốn lại gần.
Có thể nhận thấy, dòng
sông, bến nước xuất hiện nhiều trong truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Sông chứng kiến và chia sẻ những yêu thương, cả những mất mát, đau thương trong
cuộc đời nhân vật. Trong Dòng sông Trinh
Nữ, những thay đổi trong tâm hồn Liên, cô gái mới lớn được phản chiếu dưới
dòng sông. “Cô đứng nhìn đồng
quê, bờ bãi, dòng sông và nhìn mình. Vẫn như hôm qua? Không! Dòng sông đầy hơn,
còn đồng quê trắng nước. Và cô? Trời ơi! Cô đã thành thiếu nữ”21.
Sông cũng nhìn thấy những nỗi đau dai dẳng và thầm lặng của những người như Mây
trong Người ở bến sông Châu. Trở về từ
chiến trường với đôi chân không còn lành lặn, ngày trở về cũng là ngày người
yêu lấy vợ. Bi kịch ấy, Mây nuốt nước mắt vào trong. Dòng sông cũng hiểu những
tâm tư trong lòng người y sĩ Trường Sơn ấy nên cũng thao thức cùng “Đất trời như giao hòa một màu bang bạc. Muôn
triệu vì sao chi chít, nhấp nháy, rắc đầy xuống bến sông… Mùi hương cỏ mật lẫn
vào mùi hương nồng nàn của đất phù sa dậy lên. Sông Châu thao thức. Sóng vỗ về,
rì rầm bài ca ngàn xưa của đất trời”22. Sông cũng chứng kiến những
tháng ngày chiến đấu trong quân ngũ, cả sự sinh ly tử biệt đau đớn của đời người.
Trong truyện ngắn Bên dòng Tonle Sap, khi
đứng bên dòng sông, Kiên nhớ lại những ngày tháng gian lao cùng đồng đội. Bọn
Kiên đã từng chèo thuyền, thả lưới đánh cá, ngụp lặn, đùa giỡn với dòng sông.
Và con sông xưa ôm ấp vỗ về những thằng trai đánh giặc quanh năm khô hạn ở
trong lòng. Dòng sông đã ôm ấp trong lòng nó bao kỉ niệm xanh mãi với thời gian.
Để khi gặp lại Sa Ly, người con gái luôn ngự trị trong trái tim Kiên qua bao
năm tháng, “cái bến nước ngày xưa lại vang vọng trong lòng Kiên”23.
Lòng Kiên lại nôn nao những nỗi vui buồn khó tả, ký ức ngủ quên lại lần nữa thức
giấc…
20 Sương
Nguyệt Minh, Dị hương, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, trang 77
21 Sương
Nguyệt Minh, Người ở bến sông Châu,Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, trang 245
22 Sương
Nguyệt Minh, Người ở bến sông Châu,Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, trang45
23 Sương
Nguyệt Minh, Dị Hương , Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, trang 178
|
1.
Kết
luận:
Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người được
thể hiện khá rõ trong truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Con người vừa
cải tạo lại vừa tàn phá thiên nhiên một cách vô tội vạ, không chỉ ở các đô thị
mà cả ở nông thôn vốn yên bình xưa nay. Những trang viết của nhà văn đã thể hiện
sự cảnh báo về hiểm họa hủy diệt môi trường sống của chính con người. Chúng ta
cần thay đổi nhận thức về mối quan hệ và cách ứng xử giữa con người với thiên
nhiên. Con người cần tôn trọng sự tồn tại và những quy luật riêng của tự nhiên.
Bên cạnh đó, truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh cònthể hiện sự hòa điệu,
gắn bó giữa thiên nhiên và con người. Thiên nhiên như một cố nhân, một người bạn
không thể tách rời trong cuộc đời mỗi nhân vật. Con người tìm về thiên nhiên
như được sống lại những khoảnh khắc tươi đẹp của đời người, ở đó có những dấu
yêu, những kỉ niệm tưởng đã bị phủ bụi thời gian trở nên lung linh, ngời sang.
Phải chăng, đó chính là thông điệp tác giả muốn gửi đến chúng ta: tìm về thiên
nhiên để xanh hóa cuộc đời, để bớt những bon chen, xô bồ của cuộc sống hiện đại.
Bởi vậy, những trang viết của nhà văn đã chạm sâu vào những vấn đề sinh thái. “Nếu
một tác giả không có lối đi riêng của mình thì người đó sẽ không bao giờ là nhà
văn được” (Tsê khôp). Điều ấy đã thể hiện được tiếng nói riêng trong những
trang viết về mối quan hệ giữa tự nhiên và con người của nhà văn Sương Nguyệt
Minh.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
[1]. Glotfetly C.
(1996), “Introduction: Literary Studies in an Age of Enviromental Crisis”, The
Ecocritiicism Reader. Landmarks in Literary Ecology edited by Cheryll Glotfelty
and Harold Fromm, University of Georgia
Press xv – xxxvi, p.xxi.
[2]. Nguyễn Thị Tịnh
Thy, Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương, nhà xuất bản khoa học xã hội,
trang 148
[3]. Cao Minh (2014),
Nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh: Văn xuôi sẽ có vụ mùa bội thu, Địa chỉ: http://www.tin247.com
[4]. Hà Chi (2015), Nhà
văn Sương Nguyệt Minh: Văn chương phải chạm tới thân phận con người, Báo Phụ nữ,
Địa chỉ: http://phunuonline.com.vn
Thông
tin tác giả
Họ
và tên: Đỗ Thị Ngọc Thanh
Đơn
vị: Lớp Cao học Văn học Việt Nam k18,
Khoa Ngữ Văn,
Trường
Đại học Quy Nhơn
Địa
chỉ: 628, Võ Nguyên Giáp,Phường Trương Quang Trọng, Thành phố Quảng Ngãi, Tỉnh
Quảng Ngãi
Mail:
ngocthanh@htkqng.edu.vn
Số điện thoại: 0978676017
* Nguồn: Dự thảo Kỷ yếu Hội nghị NCKH Ngữ văn năm 2017, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Quy Nhơn
Bình Định, tháng 5 năm 2017
0 nhận xét:
Đăng nhận xét