Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

GIỌNG ĐIỆU TẢN VĂN NGUYỄN NGỌC TƯ (Bùi Thị Tú Anh – Lớp Cao học Văn học Việt Nam K18 - Đại học Quy Nhơn)



Trên văn đàn văn học Việt Nam, Nguyễn Ngọc Tư được biết đến là một cây bút trẻ tài năng đầy phong cách của vùng quê sông nước Nam Bộ. Chị sớm khẳng định được vị thế của mình qua những sáng tác truyện ngắn với những câu chuyện rất tình về đất và người Nam Bộ. Vẫn tiếp tục khai thác đề tài về mảnh đất quê hương nhưng trên một trải nghiệm mới về thể loại – tản văn, với giọng điệu nghệ thuật riêng làm nên phong cách mang tên Nguyễn Ngọc Tư. Mọi tìm hiểu, nghiên cứu về giọng điệu nghệ thuật cũng phần nào định hình nên phong cách văn chương của tác giả nữ này.

Giọng điệu nghệ thuật là một yếu tố quan trọng của phương thức nghệ thuật, giọng điệu mang tính chất chủ quan của nhà văn. Chính vì vậy, nó góp phần tạo nên phong cách nhà văn. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca châm biếm.” [2,tr 122]. Cũng nói về giọng điệu, Trần Đình Sử trong Một số vấn đề về thi pháp học hiện đại cũng cho rằng: “Phân tích tác phẩm mà bỏ qua giọng điệu tức là tước đi cái phần quan trọng tạo nên bản sắc độc đáo của nhà văn”.[4, tr 27]. Giọng điệu với tư cách là một yếu tố thẩm mĩ, một phương tiện nghệ thuật để nhà văn truyền đi những tín hiệu thẩm mĩ để người đọc nắm bắt và giải mã đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm.
Như vậy, giọng điệu là yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm văn học. Người đọc có thể nhận thấy chiều sâu tư tưởng thái độ, phong cách, tài năng của nhà văn thông qua giọng điệu. Khảo sát ba tập tản văn Yêu người ngóng núi, Gáy người thì lạnh Đong tấm lòng của Nguyễn Ngọc Tư, ta thấy xuất hiện ba giọng điệu là: giọng dân dã mộc mạc, giọng hài hước, “tưng tửng” và giọng suy tư, chiêm nghiệm. Nguyễn Ngọc Tư không sử dụng đơn nhất một giọng điệu cho tác phẩm của mình mà luôn có sự đan xen, hoà quyện các giọng điệu tránh cảm giác nhàm chán cho người đọc và cũng từ đó ta thấy được tài năng của nhà văn trong sự vận công sáng tạo.
1. Giọng dân dã mộc mạc
Đây là kiểu giọng điệu chi phối hầu hết các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Chất giọng này ăn sâu vào máu thịt như chính cách sống của người dân nơi đây. Một Miền Tây dân dã mộc mạc nuôi dưỡng một tâm hồn giản dị mộc mạc cũng là lẽ đương nhiên. Chị nói ra giọng của quê hương, giọng của chính chị trong cách nhìn về thiên nhiên và con người quê hương mình.
Chất giọng dân dã, mộc mạc trước hết được biểu hiện trên các tản văn viết về thiên nhiên Nam Bộ. Đó là những trang viết về những miệt vườn trái cây “Tháng hai, vài thứ cây bên đường vào mùa lẫm liệt. Chôm chôm chín như thắm lửa suốt cành. Gòn đang ra trái, chỉ trái là trái, trụi nhánh. Mấy cây còng già trăm năm tuổi trước trường dòng vắt nhựa nuôi thêm mùa bông nữa. Và bàng đỏ loang trên từng tầng lá, thanh thản như người già biết trước thời khắc lìa đời, chậm rãi thay áo lụa điều chờ cơn gió nào tới đón đi.”( Xứ cây)[7; tr 123]. Câu văn nhẹ nhàng, mang theo làn gió dịu dàng tươi mát của miệt vườn. Những loài cây được trồng từ mảnh đất cha ông một thời lửa đạn giành lấy, được chăm sóc từ những đôi bàn tay của những người đã từng chống giặc cứu đất, từng ngã xuống vùi đống tro tàn vào đất. Cây và đất thấm thía tình người, niềm đau và nỗi buồn của những người đã từng ngã xuống. Dòng sông mang nặng phù sa nuôi đất và cây cỏ chứa phần máy thịt cha ông cứ mãi vọng về lời dặn dò con cháu về tình yêu đất mình sống, cây mình trồng. Tất cả được nói lên bằng cái giọng trong trẻo, ân tình đa âm đa sắc của nữ sĩ miệt vườn.
Cái giọng điệu dân dã, mộc mạc được nuôi dưỡng trong chị và được lan tỏa ra những câu văn nghe như là những câu hát, như điệu hò của vùng sông nước Nam Bộ bởi những câu văn được viết giàu nhạc điệu như là thơ, “Mảnh mai mình hạc, bông lau vươn cao óng mượt, trắng muốt giữa ngút ngàn bông sậy bạc đầu, nhảy thành dòng dập dờn trong gió. Trên cái nền dòng sông bông chín, ông trời mặc sức vẽ gió, vẽ nắng lên.”( Chập chờn lau sậy)[5; tr 15]. Thiên nhiên Nam Bộ như hút hồn bao du khách gần xa. Chất trữ tình còn thể hiện ở nhan đề các tản văn: “ Yêu người ngóng núi”, “Nước vẫn vờn quanh thắt lưng”, “Dột từ nước mắt…”, Nhớ ơi nguội bớt cho nhờ với”…. Thoạt đầu nghe ngợ ngợ là những câu thơ hoặc là nhan đề của một bài thơ. Đó là những hình ảnh thơ mộng, gợi lên ý thơ làm nao nao cảm xúc người đọc. Người đọc có thể chênh chao, sao động, đi theo dòng cảm xúc của chính mình.  Hay ở chính những câu văn kết hợp vừa kể vừa tả làm cho câu văn bớt đi tính khô khan và dễ dàng tiếp nhận hơn “Bỗng thấy thiên nhiên thật nhọc nhằn, đẹp để xoa dịu, bù đắp cho những vết xước do con người gây ra cho con người. Hoa dại tím nhằn ngặt. Một tán cây bỗng rực đỏ giữa biển màu xanh bên dưới vực. Rêu óng mượt trên mảng tường biệt thự bỏ hoang. Nắng trong trẻo dịu dàng, không gợi chút khói. Và mây mù nữa, chảy ròng ròng xuốt một buổi chiều và cả những hôm sau.”( Còn lại chỉ mây mù)[5; tr 60]. Tất cả sự kết hợp về câu chữ, ca từ, nhạc điệu làm nên khúc nhạc tình quê nhẹ nhàng và réo rắt chảy vào lòng người.
Nguyễn Ngọc Tư viết về thiên nhiên đầy giản dị, mộc mạc và viết về cảnh sinh hoạt của con người cũng vậy. Chất giọng mộc mạc ấy được khơi nguồn từ những con người nơi đây,  những số phận nhỏ bé vẫn luôn sống với những ước mơ bé nhỏ cùng với nó là những nếp sống văn hóa làm nên sự thảo thơm nghĩa tình của dân miệt vườn. Đó là người nông dân chân lấm tay bùn “Nông dân bận bụi ngó trời ngay ngáy lo mùa thất bát, buôn gánh bán bưng cùng với đánh giầy bạc mặt mòn chân cho cuộc mưu sinh,”(Trần thế)[6; tr 191].Hay chủ nhân của kháp nước ven đường chỉ thản nhiên cười bới lại mớ tóc sương bảo, “lớn lên đã thấy cha mẹ tui đặt khạp nước ở đây”, ”(Những chân trời khép)[6; tr 123]. Để sau tất cả, trong Diều băng cuối trời họ mong muốn có cuộc sống điền viên để buông bỏ, nghỉ ngơi, giũ sạch bon chen, toan tính về với thiên nhiên như cách diều bay về bầu trời vô định. Ông già nói ra tỉnh queo bằng chính cái giọng của quê hương với từ ngữ quê hương Nam Bộ không lẫn vào đâu được: “Tôi chỉ khoái dán con diều rồi xách ra ruộng thả chơi”[6; tr 21], “bứt” cánh diều cho về trời, để mấy ông bạn kêu trời “ thằng cha lãng nhách”. Đó chính là lời ăn tiếng nói hàng ngày của con người Nam Bộ đi trực tiếp vào văn chương. Chất văn chương của chị gần gũi với cuộc sống của người dân địa phương từ lời ăn tiếng nói đến nếp sống văn hóa. Chính điều này đã làm nên chất giọng gần gũi mộc mạc cho các sáng tác tản văn của chị.
Giọng văn dân dã, mộc mạc  là một đặc điểm riêng biệt của Nguyễn Ngọc Tư được xây dựng trở thành thương hiệu mang tên chị, được chị đưa vào những phong cảnh thiên nhiên, sông nước làm toát lên tình đất, tình người cũng như nét đẹp văn hóa của vùng đất Miền Tây Nam Bộ.
2. Giọng hài hước, “tưng tửng”
Đặc trưng của tản văn là viết về những cái mắt thấy, tai nghe lúc “trà dư tửu hậu”, những vẫn đề từ nhỏ bé cho đến lớn lao đều được chị viết sao cho dễ cảm nhận nhất. Cái thành công của chị là viết về những điều giản dị bằng một giọng văn giản dị được xây dựng từ chất liệu từ ngữ sinh hoạt bình dân của cư dân sông nước. Giọng điệu xề xòa chất phác, đầy cá tính của một cô gái mạnh mẽ, lém lỉnh. Khi viết về những vấn đề của cuộc sống, chị viết dưới cái nhìn hài hước và tự nhận là “tưng tửng”.
Giọng hài hước “ có mức độ phê phán nhẹ nhàng, chủ yếu gây cười, mua vui, trên cơ sở vạch ra sự mất hài hòa cân đối giữa nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, đặc biệt là giữa lý trí và thực tế” [2; tr 114].
Văn của chị không đơn giản là chỉ có hài hước mà có cả chất “ tưng tửng” theo cách nói của người “nhà quê Nam Bộ”, nói cho thẳng thắn, nói cho tới cùng, làm sao cho rõ ràng mọi chuyện mới thôi. Chính vì cái sự thật trần trụi đến đau lòng phải được xoa dịu hoặc làm cho dễ tiếp nhận nhất bằng cái hài hước cho đỡ “đau”. Ví dụ như trong Sốt ruột tháng giêng, tiếng cười được tạo ra trong sự đối lập xưa và nay. Ngày xưa, mâm ngũ quả là những loại trái cây của miệt vườn: mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài thể hiện sự thành kính với ước mơ khiếm tốn “cầu vừa đủ xài”. Ngày nay, ước mơ gói gọn trong hai chữ “cầu dư”, nên người ta trưng lên bàn thờ loại trái dư gần với cà độc dược. “Mâm trái cầu dư trên bàn thờ mờ nhạt lòng thành, lẩn khuất sự tham lam, sự bất kính với vong linh người khuất mặt. Hương hồn ông bà vốn bó miệng vì sung chát, đu đủ non, giờ chỉ biết ngó thứ trái lạ mà bọn người sống chết dại không dám rớ.”[7; tr 116]. Từ mâm ngũ quả trưng ngày tết dần mất đi giá tri đích thực của văn hóa thể hiện sự thành kính dâng lên tổ tiên thứ trái cây ngon ngọt là thành quả lao động được hái từ vườn nhà, thì giờ đây chỉ là hình thức thể hiện sự vụ lợi bất kính vì lòng tham của con người làm mất đi những giá trị văn hóa cha ông. Nói đến đây bằng sự thẳng thắn pha chút hài hước, nhưng đó chưa phải là tất cả câu chuyện, đúng với cất “tưng tửng” nói cho đến tận cùng câu truyện, biểu hiện ban đầu là mâm ngũ quả tiếp đến là những mong muốn sau nén nhang. Đến với lễ hội thay bằng long thành kính cầu an thì họ cầu danh lợi, sẵn sàng giẫm đạp lên nhau. Xưa đi chùa cầu “ gia đạo bình an”, nay “bốn chữ gia đạo bình an đứng sau cùng, làm một được hai, trồng một gặt mười”, “ Bây giờ, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng sinh bất bình an nhất.”[7; tr 116]. Tận cùng của câu truyện chị muốn nói là: “ Vỡ đê đạo đức, vỡ đê lòng tin”.
Nói tận cùng đến những dự án giải tỏa khu dân cư tới những khu tái định cư, Nguyễn Ngọc Tư đã nói bằng sự hài hước, tưng tửng như thế này: “ Bởi trong khu quy hoạch, có những con đường nhất thiết phải cất nhà cao ba, hay bốn tầng. nhiều chiều rủ thằng con đi dạo, chào hỏi người này người kia đôi ba câu, mới hay cả một con đường không có nhà nào đã từng sống ở đây, trước quy hoạch. Khu tái định cư này thực chất đã bỏ chữ “tái”ở lại quán phở bò.”. ( Người đi ngang cửa) Trong khi ý nghĩa thực của khu tái định cư không còn, người trong khu này lại là những người mới xa lạ. Tái định cư - làm nhà chắc chắn lần hai lại được chị đặt là “tái” trong tương quan tái chín. Tác giả đã cố tình cắt riêng chữ “tái” ra để chơi chữ tạo ý hài hước, châm điếm chuyển nghĩa sang từ tái- chín của quán phở bò. Phải chăng dự án của nhà nước còn chưa chín muồi ở sự tính toán và cũng chưa thực sự đáp ứng mong muốn của người dân. Dự án chưa “chín” chỉ làm khổ dân, khổ những mảnh đời nhỏ bé.
Nói đến tận góc ngách của con tim thì chị không thể không nói ra những tâm sự của chính chị cũng như tâm sự của bao nhiêu mà mẹ Việt. Những tâm sự đời thường tưởng như nhỏ nhưng sắc lẻm làm đau bao người mẹ. Làm mẹ là niềm hạnh phúc của người phụ nữ, nhưng trong hoàn cảnh xã hội đảo điên vì vụ lời, chạy mãi rồi ngã vào hố đen tội lỗi thì hạnh phúc luôn tồn tại song hành cùng những niềm lo lắng. Lo những mũi tiêm vắc xin thay vì bảo vệ con mình lại trở thành thứ giết con, lo con ốm lại bị bác sĩ tiêm thuốc quá liều, lo con đi nhà trẻ bị ngược đãi, bạo hành. Khi con lên tiểu học lại lo con bị chèn ép vì không đi học thêm thầy, lo hiểm họa của công nghệ hiện đại, lo ao nước sông hồ, lo đằng sau hũ sữa bột thơm tho là hàng chục chất hóa học, giết dần con mình. Nên chị đúc rút: “trót làm phụ nữ Việt, sẽ trở thành anh hùng ngay khi đứa con cất tiếng khóc chào đời”(Phía những người yêu), câu nói tưởng như đùa mà là thật, lúc này nghe hài mà lại cười ra nước mắt. Chị nói cho ra sự thật nói hết tấm lòng của chị, không e dè không kiêng nể. Chị không thể im lặng mãi để những thế hệ trẻ Việt Nam bị hãm hại, và những bậc cha mẹ mãi lo âu, khiếp sợ. Chị phản kháng, vung vẩy nhưng rồi cũng rơi tõm và vô vọng bởi cái quy luật khắc nghiệt của xã hội. Nhưng đây cũng là hồi chuông báo động về một xã hội đầy rãy những hiểm nguy để mỗi bà mẹ phải trở thành “anh hùng” để che chở cho con mình. Những tưởng hai tiếng anh hùng thiêng liêng và cao quý chỉ giành cho những người đã anh dũng ngã xuống vì mảnh đất cha ông, để con cháu có được cuộc sống bình yên. Những giờ đây, một đất nước đã hòa bình mấy chục năm vẫn cần những anh hùng để đủ mạnh sống giữa những hiểm nguy vô hình của lòng tham con người. Nguyễn Ngọc Tư đã dốc hết tâm lực nơi đầu ngọn bút mà chia sẻ với từng “hoàn cảnh” khác nhau trong cõi nhân sinh.
Những vấn đề được đề cập trong các tản văn đều là những vấn đề mà bất kì ai đều có thể bắt gặp hàng ngày trong cuộc sống, nhưng để có thể viết một cách thẳng thắn đầy trăn trở và đầy trách móc như vậy thì không phải là điều dễ dàng. Nhưng trách móc, oán giận cũng chẳng được gì, vì chẳng ai chịu trách nhiệm và cũng biết đổ lỗi cho ai, nên thôi thì: “ Kinh nghiệm cho thấy, khi không thấy ai chịu trách nhiệm thì mình lấy trời ra đổ lỗi, cho đỡ đau.”(Những Người chết bâng quơ) [7; tr 53]. Hay “Cuộc đời đúng là kinh ngạc hết sức, tưởng là thấu hiểu đến đáy của phi đạo đức rồi, mà đáy vẫn đầy những ngóc hang ngoắt ngoéo. Đành đổ lỗi cho củ gừng Tàu tẩm độc, ai ăn vào cũng phát điên”(Vực mở)[7; tr 105]. Người ta vẫn vẫn cố gắng tìm ra ra một ngươi để đổ lỗi cho những lỗi lầm cần người chịu trách nhiệm và cho đỡ đau, chỉ có “trời”, lòng người, và “đồ Tàu” – một cách đổ lỗi chung chung khiến người viết và cả người đọc phì cười với nụ cười méo mó khó coi. Cười như mếu.
Hài hước đấy nhưng không phải để cười hả hê, trước nỗi đau mà không thể khóc chỉ có thể cười thì đó chỉ có thể là nỗi đau sâu kín không thể loại bỏ. “Tưng tửng” không phải là biểu hiện điên khùng mà để nói ra mọi thứ một cách dễ dàng, chính xác những thói hư, tật xấu, những sự thật xấu xa được che đậy bằng bề ngoài hào nhoáng, đó cũng chính là cách phản kháng của chị, và cũng là sự cảnh tỉnh của chị đối với xã hội.
3. Giọng suy tư, chiêm nghiệm
Cùng song hành với giọng hài hước, “tưng tửng”, thì giọng điệu suy tư, chiêm nghiệm cũng chiếm vị trí chủ đạo làm nên giá trị nghệ thuật trong tản văn Nguyễn Ngọc Tư. Có nhiều ý kiến cho rằng văn của Nguyễn Ngọc Tư có độ rộng và sâu hơn so với lứa tuổi của chị. Chất trầm tư, ngẫm ngợi thể hiện rất rõ trong những sáng tác tản văn qua những điều có thật ở cuộc sống mà chị “nghiệm” ra. Nên trong những trang viết là chất lặng mà sâu của dòng chảy suy tư, chiêm nghiệm để nhận ra những triết lý sống.
Suy tư chiêm nghiệm là sự suy nghĩ, phán xét con người và cuộc sống nhờ sự trải nghiệm của cá nhân nhà văn và thường được thể hiện qua những đúc kết mang tính triết lý. Có thể nói, tản văn Nguyễn Ngọc Tư được viết từ những trải nghiệm và suy nghiệm rút ra từ cuộc sống.
Trong tản văn Sư tử không ăn cỏ, một câu truyện giữa hai hình ảnh trái ngược về con sư tử hiền lành “ăn chay” lý tưởng được xây dựng trong phim hoạt hình và hình ảnh một con sư tử “ăn mặn”đời thực. Chính điều này là cậu bé thất vọng và điều đó làm chị ngộ ra triết lý về cuộc sống “Nói về thành kiến thì ai cũng có một kho”, oán ghét chỉ nằm ở sự khác biệt, dưới cái nhìn của con người đầy rẫy những thành kiến khi nhìn nhận bất cứ vấn đề gì, thành kiến đôi khi làm cho cái nhìn về con người và cuộc đời quá khắt khe sẽ không thấy được muôn mặt của vấn đề, như vậy làm sao có thể cảm thông và chia sẻ. Bởi trong nhiều vấn đề chị nghiệm ra“Lúc cuộc sống khắc nghiệt buộc người đi chênh vênh lằn ranh tử tế và không tử tế, họ bước chệch choạc cũng là chuyện tự nhiên. Có ở dưới ao mới biết không cách nào không ướt áo.”[ 5; tr 129]. Đây phải chăng là triết lý về những thử thách của cuộc sống với nhân cách con người.
Ân tình là thứ không thể đo đếm, nên cha ông mình thường hay nói “của ít lòng nhiều” là vậy. Nhưng những thứ ân tình tốt đẹp chỉ còn là cái của ngày xưa, của cái thuở chia nhau từng của sắn, Ngày nay, mọi thứ đều có thể đo đếm được bằng tiền. Tiền - gọn, nhẹ, dễ đếm, dễ mua, dễ bán và cũng dễ dàng thấy được sự “thành tâm”, phong bì càng dày tức người đó càng “thành tâm” . Điều này được chị thể hiện rất rõ trong Đong tấm lòng, “Chung quanh người ta nhìn nhau, đo tấm lòng nhau bằng những mệnh giá của tờ giấy lạnh” [7; tr 77]. Những điều chị thấy tránh sao cho khỏi đau lòng, nếu ân tình, tình nghĩa được đo bằng những tờ giấy mang mệnh giá, thì chứng tỏ một điều những giá trị vật chất kia sẽ làm đảo lộn tình cảm con nguời kèm theo nó những những giá trị thuộc về văn hóa, những ứng xử đẹp mang tên “người” cũng sẽ bị đồng tiền đánh đổ. Từ đó, tác giả nghiệm ra “Như có những cơn sóng thực dụng vô hình cứ mãi vỗ vào bờ xóm Chiếc, làm long lở cái gọi là tình nghĩa.” [7; tr 77]
  Nhưng trước mọi vấn đề của cuộc sống, không ai hỏi, không ai dám nói lên tiếng nói của chính mình để chỉ thấy một cuộc đời chỉ dai dẳng  những dấu chấm, dấu chấm lửng, những câu chuyện thẫn thơ, những vấn đề nửa vời để đáp án chìm đắm trong yên lặng làm nên một thế giời ngờ vực, hèn nhát. Thương thay cho những người lớn càng lớn lên lại càng “nhỏ bé” lại. Chính tâm sự ấy được chị thổ lộ trong Những dấu hỏi phai…
Một cộng đồng im lặng. Và những người lớn cứ viết trang đời mình bằng vài dấu hỏi ít ỏi, chỉ dấu chấm, dấu phẩy, châm than và nhiều lắm những dấu chấm lửng thẩn thơ trên giấy. Nghe trẻ con hỏi chuyện sao trăng trên trời mà nửa sợ nửa thương. Trẻ con ơi, trước khi khôn lớn giùm ơn chia sẻ ban tặng tụi người lớn chúng tôi sự khao khát… hỏi.”[6; tr 76]
Trong tản văn Nguyễn Ngọc Tư luôn có những chiêm nghiệm, nhấp nháp từ cuộc sống, là lời văn vừa mang tính trữ tình để làm “mềm” đi, dễ tiếp nhận, dễ lắng nghe nhưng cũng không kém phần “nội lực” đủ sức công phá vào những vấn đề, đối tượng của cuộc sống. Cùng là kiểu giọng điệu suy tư, chiêm nghiệm, nhưng ở mỗi tác giả lại có sự khác nhau. Nếu Phan Thị Vàng Anh là một giọng điệu triết lý sắc sảo trong cách nhìn nhận, đôi khi là lạnh lùng, sắc lẻm vào từng vấn đề mang tính thời sự, thì Nguyễn Ngọc Tư lại là một tác giả nữ nhẹ nhàng, đằm thắm trong cách viết, dù là các vấn đề thời sự chị cũng viết rất điềm đạm. Nhưng tất cả đều được phơi bày ra trước công chúng độc giả bằng những triết lý nhẹ nhàng sâu sắc thông qua giọng văn hóm hỉnh, hài hước.
Giọng điệu nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm cũng như đối với nhà văn. Nó giúp tác giả trong việc truyền tải dụng ý nghệ thuật cũng như việc lựa chọn đề tài và phương thức thể hiện tối ưu nhất. Giọng điệu làm nên một không khí xúc cảm với tình cảm chân thật. Tản văn Nguyễn Ngọc Tư là sự kết hợp đan xen các giọng điệu văn chương. Nếu giọng dân dã, mộc mạc cho thấy nét đẹp thiên nhiên, con người Miền Tây, giọng điệu hài hước, “tưng tửng” trong cách viết một vấn đề xã hội tạo không khí thoải mãi, tự nhiên, thì giọng văn suy tư, chiêm nghiệm mang lại chiều sâu cho từng tác phẩm. Song song trong cách thể hiện các giọng điệu càng cho thấy sự độc đáo, tài năng của người nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tư. Với quan niệm sáng tác khá rõ ràng, Nguyễn Ngọc Tư đến với văn chương bằng một giọng văn chiêm nghiệm và cách giải quyết vấn đề nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc. Cùng với nó là những trang văn dạt dào cảm xúc, khiến người đọc phải lắng lòng. Như vậy, có thể khẳng định Nguyễn Ngọc Tư đã bước đầu thành công trong nỗ lực sáng tạo văn chương của mình có một chất giọng riêng sống mãi trong lòng độc giả.
















TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.                  Trần Hữu Dũng, Đặc sản miền Nam, Địa chỉ: www.viet.studies.info, [truy cập ngày 25/01/2004].
2.                 Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3.                 Lê Thị Hường, Tản văn nữ: Diện mạo và triển vọng, Địa chỉ: vannghequandoi.com.vn, [ truy cập ngày 13/07/2015].
4.                 Trần Đình Sử (1993), Một số vấn đề về thi pháp văn học Việt Nam, Bộ GD&ĐT. Vụ giáo viên, Hà Nội.
5.                 Nguyễn Ngọc Tư (2009), Yêu Người ngóng núi , Nxb Trẻ Tp. Hồ Chí Minh
6.                 Nguyễn Ngọc Tư (2012), Gáy người thì lạnh, Nxb Thời Đại Hà Nội

7.                 Nguyễn Ngọc Tư (2015), Đong tấm lòng, Nxb Trẻ Tp Hồ Chí Minh



* Nguồn: Kỷ yếu Hội nghị NCKH Ngữ văn năm 2017, tr 1, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Quy Nhơn
Bình Định, tháng 5 năm 2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét