Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

CẤU TRÚC ĐỐI LẬP TRONG "HAI ĐỨA TRẺ" (THẠCH LAM) VÀ "CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ" (NGUYỄN TUÂN) (Nguyễn Thị Hồng Khánh- Lớp Cao học Văn học Việt Nam K19, ĐHQN)





1. Cấu trúc đối lập trong tác phẩm văn học
Chúng ta có nhiều quan niệm khác nhau về tác phẩm văn học. Thứ nhất, tác phẩm văn học là một kí hiệu. Theo đó, tác phẩm văn học là tập hợp của những kí hiệu ngôn ngữ, kí hiệu thẩm mĩ. Theo Mukarôpxki (trường phái cấu trúc Praha), “đặc trưng quan trọng nhất của văn học đó là tính chất kí hiệu. Tác phẩm như là kí hiệu tự trị chỉ quan hệ được với người tiếp nhận bằng toàn bộ kí hiệu và chỉnh thể nghĩa của nó”. Thứ hai, tác phẩm văn học được xem như một cấu trúc chỉnh thể vô cùng phức tạp, sinh động với nhiều yếu tố (đề tài, chủ đề, tư tưởng, nhân vật, kết cấu, ngôn ngữ, thể loại,…) và nhiều cấp độ khác nhau (ngôn từ, hình tượng, kết cấu,…). Thứ ba, tác phẩm văn học là một quá trình. Sự ra đời và tồn tại của tác phẩm gắn liền với quá trình sáng tạo của nhà văn và quá trình tiếp nhận của bạn đọc. Thứ tư, tác phẩm văn học là một quan hệ xã hội- thẩm mĩ (quan hệ với hiện thực đời sống, quan hệ với truyền thống văn hóa- lịch sử, quan hệ với nhà văn, quan hệ với người đọc). Vì có những quan niệm khác nhau về tác phẩm văn học nên việc nghiên cứu tác phẩm cần phải tiếp cận ở nhiều góc độ, nhiều bình diện. Trong số đó, chúng ta có nghiên cứu tác phẩm trên bình diện cấu trúc văn bản nghệ thuật.
Tác phẩm văn học tồn tại cụ thể qua văn bản ngôn từ- một cấu trúc vô cùng chặt chẽ, sinh động gồm nhiều yếu tố với nhiều cấp độ và nhiều quan hệ khác nhau. Theo Roman Ingarden: “Đặc trưng cấu trúc cơ bản của tác phẩm văn học là nó được xây dựng từ nhiều lớp không thuần nhất (lớp ngôn ngữ, lớp nghĩa, lớp các sự kiện được mô tả, lớp cảnh tượng sơ lược). Giữa các lớp có quan hệ gắn bó với nhau, mỗi lớp mang những chất lượng giá trị đặc biệt theo cách của nó, và trong tổng thể của chúng hình thành chất lượng thẩm mĩ chung cho tác phẩm. Đó là sự đa thanh hài hòa”.  Ở phương diện này, người ta chú ý nghiên cứu các mối quan hệ: giữa yếu tố với chỉnh thể, giữa lựa chọn và kết hợp, giữa bổ sung và đối lập, giữa nội dung và hình thức. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến quan hệ bổ sung và đối lập. Bởi vì, đây là quan hệ phản ánh rõ nhất bản chất của đời sống nên cũng rất phổ biến trong tác phẩm văn học. Quan hệ bổ sung và đối lập được biểu hiện rất đa dạng. Bổ sung có hai dạng cơ bản là song hành và trùng điệp. Còn quan hệ đối lập thì thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau: đối lập trong hình tượng toàn tác phẩm; đối lập trong hình tượng nhân vật; đối lập trong câu, trong cách dùng từ ngữ,…
Trong bản chất của cuộc sống, mọi thứ đều tồn tại trong mối quan hệ đối lập và bổ sung. Đó là quy luật của triết học. Vận dụng triết học vào nghiên cứu văn học, dựa vào lý thuyết mô hình hóa, người ta xem văn học như là một loại mô hình về hiện thực, có những quy luật trong cấu trúc hình tượng. Trong đó, cấu trúc đối lập trở nên rất phổ biến. Trong thơ, đối lập trở thành cấu trúc cơ bản của toàn bài thơ, của tứ thơ: Sóng (Xuân Quỳnh), Qua nhà (Nguyễn Bính), Vi mô và vĩ mô (Trần Mạnh Hảo), Có gì đâu (Trần Ninh Hồ), Thời gian (Văn Cao),… Trong truyện, đối lập cũng là cấu trúc cơ bản tạo nên mâu thuẫn, xung đột ở mọi phạm vi của tác phẩm, từ cốt truyện đến nhân vật, tính cách,… Chẳng hạn như trong Chí Phèo (Nam Cao) có sự đối lập giữa khát vọng chính đáng với thực tế xã hội vô nhân đạo, giữa nhân tính với thú tính, giữa ý thức và vô thức, giữa say và tỉnh. Trong Dưới bóng hoàng lan (Thạch Lam) có sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa bên trong và bên ngoài cánh cổng gỗ của khu vườn êm ả. Phía ngoài cánh cổng là một thế giới ồn ào, phồn tạp, nắng nôi; bên trong là bầu không khí mát rượi thoảng mùi hương để ta lắng nghe những rung động tinh vi của tâm hồn và sự sống. Trong Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh) có sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa hận thù và tình yêu, giữa lí trí và tình cảm,… Đặc biệt, chúng tôi muốn đi sâu nghiên cứu về cấu trúc đối lập trong hai tác phẩm: Hai đứa trẻ (Thạch Lam) và Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).
2. Cấu trúc đối lập trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam)
2.1. Sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối
Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn miêu tả cuộc sống phố huyện trong Hai đứa trẻ gắn với ba thời điểm nối tiếp: chiều buông- đêm xuống- khuya về. Có thể thấy rõ ở đây có sự xung đột giữa bóng tối và ánh sáng: bóng tối hay nghèo nàn và cô đơn- ánh sáng chỉ là ước mơ thoáng qua. Mở đầu truyện, ánh sáng tắt dần; kết thúc truyện, bóng tối tràn ngập phố huyện, hay tràn ngập thế giới. Thế giới Hai đứa trẻ là thế giới “yên tĩnh”, “tịch mịch”, hai chị em ngủ “một giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối”. Ở cái phố huyện nhỏ này, đến cả tiếng trống cầm canh khô, ngắn cũng chìm ngay vào bóng tối; ga im lặng và tối đen; đêm của đất quê, mênh mang và yên lặng.
Bóng tối càng dày đặc bao nhiêu thì khát vọng hướng về ánh sáng càng khắc khoải bấy nhiêu. Ánh đỏ rực của buổi hoàng hôn “Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn” dẫu đẹp nhưng lại gieo vào lòng cô bé Liên nỗi buồn man mác vì cuộc sống của hai đứa trẻ trong một gia đình sa sút đã mang sẵn dư vị của bóng tối. Trong không gian “bóng tối ngập đầy dần”, Liên đã chứng kiến những con người “đi lần vào bóng tối”, “từ từ đi vào bóng đêm”. Và rồi từ bóng tối mênh mông lại hiện lên những bóng đời chập chờn ánh sáng lay lắt với ngọn đèn, bếp lửa.
Đêm xuống, cả phố huyện chìm trong bóng tối: “đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”. Càng về khuya, bóng tối càng đậm đặc hơn: “Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối càng dày đặc, cảnh sống của con người càng thê lương, gợi cho ta hình dung bóng tối đang đổ ập về phía số phận những con người bé bỏng đang hắt hiu như ngọn đèn trước gió. Cái nhìn lo âu của Thạch Lam luôn xoáy sâu vào những khía cạnh còn khuất lấp của hiện thực. Không gian sinh hoạt của đời sống phố huyện tù đọng, giam hãm con người. Bóng tối trải dài trên quãng đường mấp mô chân trâu, trên đường phố huyện le lói ánh đèn dầu.
Trong bóng tối tràn lan, dày đặc ấy, ánh sáng thật nhỏ nhoi, leo lét. Đó là cái ánh sáng yếu ớt hắt ra từ khe cửa; đó là cái quầng sáng từ chiếc đèn con của chị Tí và lò lửa của bác Siêu; đó là “ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa”; đó là cái ánh sáng nhợt nhạt của “những con đom đóm bay là là trên mặt đất”; đó là ánh sáng xa vời vợi của các vì sao trên giải ngân hà. Ánh sáng được miêu tả bằng những danh từ định lượng rất nhỏ: khe sáng, hột sáng, vệt sáng, quầng sáng, chấm lửa nhỏ. Bấy nhiêu thứ ánh sáng ít ỏi ấy như đối lập với bóng tối mênh mông, dày đặc. Chính trên cái nền tối ấy, tồn tại chông chênh những thân phận con người. Sự đối lập giữa bóng tối mênh mông và ánh sáng leo lét, ít ỏi đã làm nổi bật lên hiện thực cuộc sống nơi phố huyện: lay lắt, lụi tàn, tối tăm, tù đọng.
Bóng tối và ánh sáng ở đây vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Phải chăng cuộc sống nghèo nàn, tù túng ở phố huyện cũng là một thứ bóng tối. Những đứa trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh bất cứ thứ gì còn dùng được trong ngôi chợ vãn. Hai mẹ con chị Tí ban ngày mò cua bắt ốc, ban đêm dọn hàng nước dưới gốc cây bàng, buôn bán ế ẩm. Bóng bác Siêu bán phở mênh mang ngả xuống đất, kéo dài đến tận hàng rào; món hàng của bác là một thứ quà xa xỉ nên cũng chẳng mấy người mua. Bà cụ Thi điên với tiếng cười khanh khách đi lần vào bóng tối. Gia đình bác xẩm trên manh chiếu rách với mấy tiếng đàn bầu bật trong yên lặng, thằng con bò ra đất nhặt rác bẩn. Và hai đứa trẻ với cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, lời lãi chẳng là bao, ngồi nhìn cảnh chiều xuống, đêm về với những nỗi buồn mơ hồ, thấm thía. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh ngọn đèn con của chị Tí cứ trở đi trở lại như một biểu tượng cho những kiếp sống mù tối, lay lắt trong bóng đêm mênh mang của cuộc đời.
Con người luôn hướng về phía ánh sáng nhưng vẫn không xua tan được những ám ảnh bóng tối. Đó là thực tế đáng buồn mà Thạch Lam đã nhận ra từ cuộc sống của những người dân nghèo. Nhưng dường như ông không muốn để cho những cảm giác bi kịch đè nặng lên số phận những con người nghèo khổ. Bằng thái độ trân trọng, ông đã nâng đỡ cho các nhân vật của mình, vực dậy những khát khao đổi đời ngay trong những khoảnh khắc mong manh nhất: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Dù đấy là niềm mong đợi hết sức mơ hồ và cũng không biết bao giờ mới trở thành hiện thực.
Không gian chứa đầy bóng tối xuất hiện hầu hết trong các truyện của Thạch Lam. Nhưng đối lập với bóng tối là ánh sáng, không chỉ là ánh sáng le lói của những ngọn đèn mà quan trọng hơn là ánh sáng của những tâm hồn luôn muốn vươn tới một thế giới tinh thần lành mạnh, giàu tính thiện.
2.2. Sự đối lập giữa hình ảnh đoàn tàu với cuộc sống phố huyện; giữa tĩnh và động; giữa quá khứ với hiện tại; giữa thực tại và ước mơ
Hình ảnh đoàn tàu với “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường…những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”. “Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Hình ảnh rực rỡ của đoàn tàu đối lập với cuộc sống lặng lẽ, tối tăm nơi phố huyện.
Đoàn tàu mang đến một thứ ánh sáng khác lạ, rực rỡ và cuộc sống sôi động nhưng chỉ vụt qua trong thoáng chốc, chỉ đủ sức khuấy động không gian yên tĩnh của phố huyện trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Con tàu như mang đến một thế giới khác, thế giới của hồi ức tuổi thơ đẹp đẽ, thế giới của lí tưởng và ước mơ đối lập với cái thế giới hắt hiu, tĩnh lặng của phố huyện, khơi dậy những nỗi niềm mơ tưởng của chị em Liên. Kỉ niệm là “một vùng sáng rực và lấp lánh. Hà Nội nhiều đèn quá…Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”. Nó đánh thức tuổi thơ hạnh phúc khi gia đình Liên còn sống ở Hà Nội, hai đứa trẻ được đi chơi bờ hồ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ, được hưởng những thức quà ngon lạ. Hà Nội sáng rực và lấp lánh trong kỉ niệm càng tương phản với cuộc sống hiện tại nơi phố huyện khiến hai đứa trẻ cứ nôn nao, thấp thỏm một niềm mong đợi mơ hồ.
Như vậy,  hai đứa trẻ chờ tàu vừa để sống lại thế giới tuổi thơ đã mất, vừa để thoát khỏi cuộc sống tối tăm, vắng lặng, xơ xác, nhàm chán của phố huyện nghèo, hướng đến một cuộc sống tươi đẹp hơn. Thế giới mà Liên mơ tưởng là một thế giới vừa đã qua, lại vừa chưa tới. Đã qua vì nó gợi nhớ đến tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc; nhưng chưa tới vì nó gợi mở, hướng đến một cái gì tươi đẹp hơn ở tương lại. Nguyễn Tuân có nhận xét: “Truyện Hai đứa trẻ có hương vị man mác. Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng dóng lên một cái gì còn ở tương lai”.
Sự đối lập đó đã cho người đọc thấy được tâm hồn trong sáng, chan chứa ước mơ, đau đáu khát vọng nhưng đang chìm trong những kiếp sống mòn. Ở trên, ta nói ánh sáng và bóng tối vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa tượng trưng. Nếu cuộc sống tối tăm, lay lắt, tù đọng nơi phố huyện cũng là một thứ bóng tối thì những ước mơ, khát vọng trong tâm hồn con người lại là một thứ ánh sáng. Ánh sáng đó dẫu nhỏ bé, mong manh nhưng nó lại là nguồn sáng đẹp nhất, bền bỉ nhất. Hy vọng của những kiếp người nghèo dẫu mong manh, mơ hồ nhưng nó sống mãi. Phố huyện tối tăm, đêm tối đậm đặc, ánh sáng le lói, hy vọng mơ hồ nhưng vẫn gieo vào lòng người đọc một niềm tin về tình thương, ước mơ và sức sống bất diệt của con người.
Với nghệ thuật đối lập, Thạch Lam đã khắc họa đậm nét cuộc sống tối tăm, lay lắt, tàn lụi của những con người nơi phố huyện; cho ta cảm nhận về ước mơ, khát vọng của những con người bé nhỏ. Dù chỉ là niềm hi vọng mong manh, mơ hồ nhưng rất đáng nâng niu, trân trọng. Đó chính là tấm lòng thương cảm sâu xa của Thạch Lam đối với những kiếp sống mỏi mòn. Cấu trúc đối lập còn tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo cho câu chuyện.
3. Cấu trúc đối lập trong Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
3.1. Sự đối lập giữa tính cách với hoàn cảnh
Huấn Cao là một con người tài hoa nghệ sĩ, khí phách hiên ngang, thiên lương trong sáng lại bị đày ải vào chốn ngục tù. Nhưng ông luôn đứng cao hơn hoàn cảnh, không chịu sự chi phối của hoàn cảnh. Với ông, không có ngục tù, không có pháp trường, ông luôn ung dung, đường hoàng, lẫm liệt trong bất kì tình huống nào. Lúc làm thủ tục nhận tù, dù bọn lính có quát nạt, đe dọa, ông vẫn thản nhiên dỗ gông. Ở trong tù, ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. Khi quản ngục vào buồng giam hỏi ông có cần gì xin chu tất, thì ông xua đuổi, cố ý làm ra khinh bạc đến điều. Đến cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân. Huấn Cao là một người chọc trời khuấy nước, trên đầu chẳng biết có ai, nhất sinh chưa không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Ông không sợ quyền uy, không sợ cái chết, chỉ sợ phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.
 Nhân vật Huấn Cao kết tinh lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân. Qua Huấn Cao, nhà văn ngợi ca sự chiến thắng của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương trước cái xấu xa phàm tục; của khí phách ngang tang đối với thói quen nô lệ đồng thời gửi gắm tình cảm yêu nước thầm kín và tinh thần dân tộc của mình.
Bên cạnh Huấn Cao, viên quản ngục cũng là một nhân vật được Nguyễn Tuân xây dựng rất thành công khi sử dụng nghệ thuật đối lập. Quản ngục “là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Ngục tù là nơi ngự trị của cái ác nhưng quản ngục lại là người say mê cái đẹp, biết kính trọng tài năng và nhân cách. Cuộc gặp gỡ với người tù Huấn Cao đã làm ánh lên tấm lòng nâng niu, trân trọng người tài, kính trọng người có khí phách của quản ngục.
Khi nhận được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, bề ngoài quản ngục ra những mệnh lệnh cần thiết để giam giữ Huấn Cao nhưng trong lòng lại muốn biệt đãi để ông Huấn đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại. Những lời độc thoại về thầy thơ lại, về ý muốn biệt đãi Huấn Cao cho thấy động cơ biệt đãi ông Huấn của quản ngục không chỉ là niềm khao khát chơi chữ mà còn xuất phát từ tấm lòng mến mộ tài năng, kính trọng khí phách. Tác giả còn miêu tả cuộc đấu tranh nội tâm của quản ngục để đi đến quyết định biệt đãi ông Huấn. Đối diện với ngọn đèn khuya, ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương. Thời gian dần trôi, đĩa dầu sở vơi dần mực dầu, những đường nét nhăn nheo của một bộ mặt tư lự dần biết mất. Ở đấy, giờ chỉ còn mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ. Với hình ảnh này, con người say mê cái đẹp, mến mộ kính trọng tài năng, khí phách đã chiến thắng con người công cụ của chế độ ngục tù và quản ngục đã đối xử với Huấn Cao bằng tấm lòng biệt nhỡn liên tài, bât chấp cường quyền bạo lực.
Trong những ngày giam giữ Huấn Cao, quản ngục đã làm trái với phong tục nhận tù thường ngày là không trở những trò hành hạ thường lệ mà hằng ngày còn cho thầy thơ lại dâng rượu, đồ nhắm với lời lẽ cung kính. Một hôm, đích thân quản ngục tới tận buồng giam xem Huấn Cao cần gì xin cung cấp. Bị ông Huấn đuổi khỏi buồng giam, quản ngục không giận mà còn lễ phép “xin lĩnh ý”. Chi tiết này đã làm sáng lên nhân cách cao đẹp của quản ngục.
Niềm khát khao chơi chữ nói lên tấm lòng quý mến trân trọng cái đẹp và nhân cách của người quản ngục. Nhưng quản ngục cũng hiểu rằng tính ông Huấn Cao vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỷ, ông không cho chữ ai bao giờ. Vì thế, sau khi bị ông Huấn đuổi ra khỏi buồng giam, quản ngục không có can đảm gặp mặt Huấn Cao lần nữa mà chỉ mong mỏi một ngày gần đây ông Huấn chịu bớt tính nết mà viết cho mấy chữ. Khi nhận được công văn giải Huấn Cao về kinh chịu án chém thì nỗi hốt hoảng khiến quản ngục tái nhợt người. Chi tiết này đã nói lên tấm lòng quý mến cái đẹp và ý thức lưu giữ cái đẹp cho đời.
Quản ngục là người có thiên lương trong sáng, có sở thích cao qúy bất chấp hoàn cảnh éo le, là bông sen giữa chốn bùn nhơ “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nhân vật quản ngục đã góp phần bộc lộ chủ đề về cái đẹp, cái cao cả chiến thắng cái xấu, cái thấp hèn, nô lệ. 
3.2. Sự đối lập giữa ánh sáng với bóng tối; giữa cái đẹp, cái thiện với cái xấu, cái ác
Sự đối lập giữa “ánh sáng đỏ rực của bó đuốc” với bóng tối của buồng giam “chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”.
Sự đối lập giữa hoàn cảnh cho chữ với việc cho chữ. Vốn dĩ cho chữ là một hành động mang vẻ đẹp văn hóa, phải được diễn ra ở một nơi trang trọng, trong một tư thế ung dung, đường hoàng, thoải mái. Nhưng ở đây, “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”. Hoàn cảnh lao tù hoàn toàn đối lập với phong thái ung dung cho chữ của Huấn Cao. Điều đó càng khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao cả trước cái tầm thường, xấu xa; sự chiến thắng của khí phách, thiên lương trước cảnh ngục tù.
Sự đối lập giữa phong thái người cho chữ với kẻ nhận chữ. Huấn Cao thì hiên ngang “dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”, viên quản ngục thì “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”. Sau khi cho chữ, người tù thì ân cần khuyên răn “thầy Quản nên thay chốn ở đi…Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”, ngục quan thì “cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.” Qua sự đối lập đó, ta thấy có một sự thay bậc đổi ngôi diễn ra trong chốn ngục tù, không phải những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị mà chính tử tù mới là người làm chủ. Đó là sự lên ngôi của cái đẹp, cái thiện.
Nghệ thuật đối lập đã giúp Nguyễn Tuân khắc họa rõ nét tính cách nhân vật. Đồng thời phản ánh hiện thực xã hội đen tối, bất công, đày ải con người. Nhà văn đã khẳng định, ngợi ca sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối; của cái đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn; của cái thiện đối với cái ác; của thiên lương trong sáng với cái cặn bã, thấp hèn. Đó chính là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người trong mọi hoàn cảnh. Qua đó thể hiện quan niệm, tư tưởng của tác giả- một con người suốt đời đi tìm cái đẹp, luôn ngưỡng mộ, trân trọng, nâng niu cái đẹp, cái thiện.
4. Kết luận
Sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập để mô tả bức tranh đời sống là một đặc trưng của văn học lãng mạn. Nguyễn Tuân và Thạch Lam đều là những nhà văn thuộc khuynh hướng văn học lãng mạn nên có sự gặp nhau trong việc sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập để phản ánh hiện thực cuộc sống; khắc họa tính cách nhân vật; thể hiện chủ đề của tác phẩm và tư tưởng, tình cảm của tác giả. Nghệ thuật đối lập đều được hai nhà văn sử dụng thành công tạo nên nét hấp dẫn, độc đáo và gây ấn tượng sâu sắc đối với người đọc.












TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Tuấn Anh- Lê Dục Tú (tuyển chọn và giới thiệu), Thạch Lam- Về tác gia và tác phẩm, NXB GD, Hà Nội, 2003.
2. Tân Chi (tuyển soạn), Thạch Lam- văn và đời, NXB Hà Nội, 1999.
3. Lê Bá Hán- Trần Đình Sử- Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994.
4. Đỗ Đức Hiểu, Thi pháp hiện đại, NXB Hội nhà văn 2000.
5. Nguyễn Thị Dư Khánh, Phân tích tác phẩm văn học từ góc độ thi pháp, NXB GD, Hà Nội, 1995.
6. Phong Lê, Lời giới thiệu “Tuyển tập Thạch Lam”, NXB Văn học, Hà Nội, 1988.
7. Phương Lựu (chủ biên), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004.
8. Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995.
9. Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn Việt Nam hiện đại- Chân dung và phong cách, NXB Trẻ, Tp. HCM, 2000.
10. Tôn Thảo Miên, Nguyễn Tuân- Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
11. Tôn Thảo Miên, Nguyễn Tuân- Tác phẩm và dư luận, NXB Văn học, Hà Nội, 2002.
12. Lữ Huy Nguyên, Tuyển tập Nguyễn Tuân, (Tập I, II, III), NXB Văn học, Hà Nội, 1981, 1982)
13. Trần Đình Sử, Lý luận và phê bình văn học, NXB Hội nhà văn, Hà Nội 1996.
14. Trần Đình Sử, Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Vụ giáo viên- Bộ GD- ĐT, 1993

15. Nguyễn Thành Thi, Đặc trưng truyện ngắn Thạch Lam, NXB GD, Hà Nội, 1998.


* Nguồn: Dự thảo Kỷ yếu Hội nghị NCKH Ngữ văn năm 2017,  Khoa Ngữ văn, trường Đại học Quy Nhơn
Bình Định, tháng 5 năm 2017
Google Account Video Purchases Tp. Qui Nhơn, Bình Định, Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét