“Tâm
thức” là một từ mới xuất hiện và được sử dụng ngày một nhiều trong cuộc sống hiện
đại. Thuật ngữ “tâm thức” có một diện phổ khá rộng, được sử dụng không chỉ
trong ngành nghiên cứu về Nhân học, Tôn giáo học, Tâm lý học, Văn học mà còn xuất hiện
trong các nghiên cứu Phật học, Thiền học. Thậm chí, trên các phương tiện thông
tin đại chúng, “tâm thức” được sử dụng phổ biến như một từ cửa miệng có tính
bình dân.
Cụm
từ này đôi khi được gọi tắt là tâm, là từ chỉ chung cho các khía cạnh của trí
tuệ (intellect) và ý thức (consciousness), thể hiện trong các kết hợp của tư
duy, tri giác, trí nhớ, cảm xúc, ý muốn và tưởng tượng hay nói một cách ngắn gọn
“tâm thức” là dòng ý thức. Nó bao gồm tất cả các quá trình có ý thức của bộ
não. Đôi khi, trong một số ngữ cảnh, nghĩa của từ “tâm thức” còn bao hàm hoạt động
của tiềm thức con người.
Về vấn đề “tâm thức thời hậu chiến”,
có thể hiểu đó là những dòng ý thức của con người về chiến tranh trong cuộc sống
hiện tại. Sau mỗi cuộc chiến dù là chính nghĩa hay phi nghĩa đều khó tránh khỏi
những mất mác, đau thương. Thế giới đã trải qua hai cuộc chiến tranh với quy mô
toàn cầu: chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và chiến tranh thế giới
thứ hai (1939 - 1945), bên cạnh đó là hàng loạt cuộc chiến lớn nhỏ tranh giành
lãnh thổ, tài nguyên. Cho nên đề tài chiến tranh vẫn luôn là đề tài lớn của văn
học mỗi dân tộc nhưng tùy vào mỗi quốc gia và đặc trưng văn hóa mà mỗi nhà văn
có những cách tiếp cận khác nhau. Việt Nam và Đức đều là những quốc gia chịu
nhiều tổn thất từ chiến tranh. Vì vậy, nền văn học hậu chiến tự nó đã sản sinh
ra những cây bút thiên tài. Sau kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, Việt Nam
chúng ta có cả một tiểu thuyết mang tên Nỗi
buồn chiến tranh. Còn ở châu Âu - trung tâm điểm của chiến tranh thế giới
thứ hai, chắc chắn nhân loại không bao giờ quên được nước Đức - đất nước của những
cỗ xe tăng được xem là một trong những chiến trường tàn khốc nhất của Đại chiến
thế giới lần thứ hai. Nhắc đến sự thảm khốc của chiến tranh, phải chăng người
ta chỉ nhắc đến máu, bom đạn và mùi thuốc súng? Đó có phải là nỗi đau duy nhất
mà chiến tranh mang lại? Bằng một cái nhìn sâu sắc và trái tim đầy nhân đạo,
nhà văn Đức tài ba Heinrich Böll – chủ nhân của
Giải Nobel văn chương danh giá năm 1972 đã đề cập đến nỗi đau khủng khiếp của
chiến tranh, một nỗi đau “không vương mùi thuốc súng” – nỗi đau thời hậu chiến.
Cùng một đề tài nhưng với cách tiếp cận không giống nhau, hai nhà văn đã mang đến cho người đọc những cảm nhận
riêng biệt, đặc trưng khi đọc tác phẩm, gấp trang sách của Bảo Ninh là một cái gì đó vô cùng ám ảnh còn những con chữ
lạnh lùng của Heinrich Böll lại như chứa chất vô vàn phức cảm riêng tư mà nếu
không đắm mình vào cái thế giới xanh xao, hoang tàn, người ta khó mà hiểu hết
được.
1.Bảo Ninh với tâm lý ám ảnh
Lâu nay, nhắc đến truyện ngắn Bảo Ninh, nhiều người mặc nhiên coi
đó là những truyện ngắn chiến tranh. Với họ, chiến tranh là một đối tượng phản
ánh chuyên biệt và ổn định trong mạch cảm hứng sáng tạo của ông. Bởi vì từ tiểu
thuyết cho đến truyện ngắn, chiến tranh vẫn luôn là đề tài xuyên suốt và nhất
quán. Như vậy, vô hình chung người đọc cũng bị ám ảnh. Về hình thức, điều này
có thể đúng. Nhưng dường như không chỉ có người đọc mà Bảo Ninh cũng bị ám ảnh,
ám ảnh bởi chính thế giới mà ông tạo dựng nên.
Nhìn lại
chặng đường sáng tác của Bảo Ninh từ “Trại bảy chú lùn” (1987) đến “Truyện ngắn
Bảo Ninh” (2002), rồi “Chuyện xưa, kết lại được chưa?”, dễ thấy ông viết không nhiều, khoảng hơn bốn
mươi truyện ngắn. Trong đó, số lượng những tác phẩm chỉ thuần viết về chiến
tranh còn khiêm tốn, nhưng số lượng tác phẩm có yếu tố liên quan đến chiến
tranh hoặc hậu chiến thì lại chiếm số lượng áp đảo. Ví như trong tập “Truyện ngắn
Bảo Ninh” gồm 16 truyện ngắn thì có đến 13 truyện viết về đề tài chiến tranh chống
Mỹ. Trong 13 truyện ngắn đó, chỉ có một truyện mô tả cuộc chiến ở thời điểm nó
diễn ra (Bên lề cuộc tấn công) còn lại
là truyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Trong các truyện ngắn chiến tranh ấy
có đến 9 nhân vật chính là người lính, thì đã có đến 8 nhân vật là người lính
trở về. Trong tập “Chuyện xưa, kết đi, được chưa?” có 14 truyện, thì 12 truyện
có yếu tố liên quan đến chiến tranh, nhưng không có truyện nào kể về chiến
tranh ở thời điểm quá khứ… Thống kê như vậy để thấy rằng, dường như tác giả
đang đặt lại nghi vấn: phải chăng sự tàn bạo nhất của chiến tranh đâu phải chỉ
là sinh mệnh con người? “Chuyện xưa, kết đi, được chưa?” là một tập truyện đặc
biệt. Nó chỉ đơn giản là những kỉ niệm thời đi học – cái thời đẹp nhất, trong
trẻo và hồn nhiên nhất của mỗi con người, nó vừa thực vừa mơ hồ: những quyển
sách giấu nhẹm dưới hộc bạn, cái nắm tay đầu đời, cái nhìn lướt vội, cả cái lần
hoảng loạn chen chúc nhau dưới một nắp hầm khi chỉ mình “tôi” với chín đứa con
gái... Những kỉ niệm này không phải là nguyên nhân của những chấn thương tâm lý
nhưng lại không thể phủ nhận những ký ức đó được hình thành từ trong chiến
tranh, như một hệ lụy nảy sinh từ việc nếm trải chiến tranh, ám ảnh nhân vật đến
suốt cuộc đời, đúng là: Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Nghìn năm hồ dễ mấy ai
quên.
Với tâm lý tình yêu bị ám ảnh bởi chiến
tranh, thấp thoáng đâu đó trong tác phẩm là những cuộc gặp gỡ tình cờ, mơ hồ
như một cái chợp mắt: Người đàn bà trong Khắc
dấu mạn thuyền; cô thiếu nữ tên Giang trong truyện ngắn cùng tên, Hiền
trong Cái búng, Thủy trong Sách cấm, Duyên trong Thách đấu, Hiền trong Tình thư… Đó là những cuộc gặp gỡ duy nhất
rồi vĩnh viễn lùi xa vào vùng sương mù kí ức. Mảnh đất cọc cằn, bỏng rát vì bom
đạn của chiến tranh không cho phép những hạt giống non nớt của tình yêu, cái đẹp
được đâm chồi. Tình yêu mang thông điệp của cái thẩm mĩ hòng có thể cứu vãn thực
tại tàn khốc song ác nỗi, nó lại mỏng mảnh dễ vỡ vô cùng. Bảo Ninh có cách diễn
tả thật ấn tượng, “cái búng”, Vâng! Chỉ một cái búng nhẹ, là cái đẹp đã vỡ tan
như bọt nước.
Viết về chiến tranh với tâm lý ám ảnh đâu chỉ
có tình yêu mà còn là tình anh em, tình đồng chí. Thời còn chiến đấu trên chiến
trường, Bảo Ninh từng lội qua thung lũng máu tìm xác đồng đội, có lẽ hơn ai hết,
ông trải nghiệm nhiều lần cảm giác đau đớn và sợ hãi khi sinh mạng bị hăm dọa.
Nhưng hình như vượt qua cảm giác này, nhà văn muốn nhắc nhở mọi người về những
di hại hậu chiến còn kinh hãi hơn nhiều. Đó là một thứ độc chất ngấm thẳng vào
thùy não, rồi trở đi, trở lại giày vò, hành hạ nạn nhân mãi không thôi. Khảo
sát trường hợp những người lính trở về trong truyện ngắn Bảo Ninh cho thấy, họ
đều là những con người cô đơn, hụt hẫng vô cùng. Đó có thể là những người đàn
ông tình nguyện ở lại núi rừng, lập trại mưu sinh chứ không trở lại với cộng đồng
(Trại bảy chú lùn) hoặc có thể họ vẫn
trở về, vẫn hòa nhập. Nhưng trong muôn mặt đời thường của những cựu binh ấy,
các vết thương tâm lý vĩnh viễn không thể liền sẹo. Họ bị giày vò bởi ký ức
thương đau, đầy ám ảnh, chua xót thay cho những phận người đến giấc ngủ vẫn mơ
thấy tiếng bom. Chọn điểm nhìn của nhân vật từ cõi siêu tôi, dường như cái ngân
hàng kí ức chiến tranh của Bảo Ninh đã chuyển sang thùy não phải và trở thành một
phần trong đời sống tâm linh của ông.
Truyện ngắn Bảo Ninh không đặt trọng
tâm trong sắp đặt kết cấu cầu kì rắc rối hay sự làm duyên câu chữ mà là ở cảm
xúc ăm ắp trên từng con chữ, khiến cho câu chuyện được ướp trong mùi hương say
đắm có tên là kỉ niệm. Những cốt truyện của ông khá độc đáo, kết quả của một vốn
sống phong phú. Tất cả những điều này tạo nên cảm giác nghiêm cẩn, mực thước
trong văn ông. Khó có thể trả lời câu hỏi: Liệu Bảo Ninh có còn tiếp tục viết về
đề tài chiến tranh? Bởi hình như có lúc chính tác giả cũng bực bội thốt lên:
“Chuyện xưa, kết đi, được chưa?!”. Song lẫn trong không khí ngột ngạt, bế tắc của
cuộc sống hậu chiến cũng mơ hồ văng vẳng một câu trả lời mà nhà văn đã biết trước:
“Chuyện xưa kết được chưa ư? – Còn lâu! Cho nên dù là “tôi” trong Khắc dấu mạn thuyền hay Mộc trong Trại bảy chú lùn, Quang trong Rửa tay gác kiếm rồi Tư trong Hữu khuynh, Vinh trong Quay lưng... đều giống nhau ở kết cục,
luôn là những lữ hành “lỡ làng với chuyến đò hạnh phúc”. Cách “lỡ đò” của họ
cũng thật khác nhau, người thì vô tình đến muộn, kẻ có vé nhưng chẳng thể bước
lên, người lại cam tâm tình nguyện nhường vé cho kẻ khác. Tuyệt chẳng có ai có
thể sang nổi bờ bên kia. Tất cả qui chiếu vào một thủ phạm: chiến tranh. Sự hủy
hoại của chiến tranh quả thật không thể nghi ngờ. Song, nếu vậy thì dường như
chúng ta mới tiếp cận thế giới nghệ thuật của Bảo Ninh từ đối tượng chứ chưa phải
mục đích. Phải luận giải sao về cặp vợ chồng bị mắc cạn trong hoàn cảnh vô cùng
trớ trêu, trong truyện ngắn cùng tên của ông. Thoạt trông, sẽ tưởng họ chẳng
qua cũng chỉ là nạn nhân của số phận,
nhưng nếu liếc qua sơ đồ tình sử hợp-tan-hợp của họ, mới thấy không có bóng
dáng của rung động tình yêu, nếu không nương vào những sắp đặt ngẫu nhiên, thì
cũng là những bài toán hạnh phúc thuần lý. Ngay cả trong các câu chuyện có yếu
tố chiến tranh cũng vậy, những nhân vật trong các truyện ngắn: Sách cấm, Cái búng, Thách đấu... đều
đang độ tuổi hồng, vì đâu những tình cảm tuổi học trò, thuần khiết vô tư, lại dễ
dàng chết yểu? Tình trạng ấy đã khiến cho cô bé Thủy “len lén xách cặp đi qua
mà không dám nhìn tôi” (Sách cấm);
làm cho cô gái đáng thương như Thảo của cô gái tên Thảo trong truyện ngắn Bội phản phải tức tưởi ra đi. Cuộc ra đi
của cô như gửi đến chúng ta một thông điệp: khi nền đạo đức được định dạng theo
khuôn mẫu và khước từ sự tồn tại của những tình cảm cá nhân, thì nó chỉ là một
nền đạo đức giả. Còn tác giả sau những tác phẩm viết về chiến tranh và không về
chiến tranh của ông dường như cũng tri cảm về một nỗi buồn không mang tên chiến
tranh đầy ám ảnh.
2. Heinrich Böll với những mối phức cảm
riêng tư
Cũng giống như Bảo Ninh, ký ức về chiến tranh với Heinrich Böll
cũng là những mảng màu không thể phai nhòa. Tuy cách xa về địa lý, lối sống và
nếp nghĩ nhưng đều là con người, không ai là không biết đau? Nếu như ở Việt
Nam, nói về dòng văn học hậu chiến, chúng ta nhắc ngay đến Bảo Ninh thì ở Đức
người ta nghĩ ngay đến Heinrich Böll. Những tác phẩm ông để lại cho đời là những
bằng chứng xót xa nhất cho nỗi đau mà dân tộc Đức phải chịu đựng sau chiến
tranh. Trong những truyện ngắn, Heinrich Böll đã không miêu tả trực tiếp chiến
tranh, mà chậm rãi quét ống kính qua các mảng hiện thực rạn vỡ của nước Đức hậu
chiến. Suốt các tập truyện, chúng ta thấy thấp thoáng nhân dáng những người
lính hồi hương, đã thấy, ngửi, chạm vào cái chết ở chiến trường, tê dại nhìn mảnh
mảng xối bám chênh vênh trên góc mái ngôi nhà cũ; phảng phất tiếc nuối về ký ức
sống yên bình, với một người con gái, hay bên dòng Rhein tăm tối, u buồn vẳng
tiếng còi báo mù sương; và đây đó là những tâm thế hoang mang trước sự suy đồi
của con người trong cuộc sống mưu sinh... Chính sự đa
dạng về mặt cảm xúc mà chúng ta thấy lắm lúc Böll tự mâu thuẫn với chính mình. Một
mặt, ông tỏ ra hờ hững, chán ghét sự vô nghĩa lý của chiến tranh nhưng mặt khác
nhà văn lại cố gắng nhen nhóm niềm tin và cái Đẹp vào trong từng đối tượng cụ
thể. Do vậy, chiến tranh hiện lên trong tâm thức của Böll chằng chịt những mối
phức cảm riêng tư.
Phức cảm (complex)
vốn là một thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái tâm lý của con người. Cốt lõi của
hiện tượng này là một khát vọng mang tính “lưỡng diện”, đó là nguồn cội mọi sự
chênh vênh của nhân vật trong tác phẩm. Người đọc như bị mê hồ giữa một mê lộ
thời gian, quá khứ - hiện tại – tương lai đan xen, nối tiếp. Với cách tiếp cận
này, Heinrich Böll đã vận dụng thành công thủ pháp của nghệ thuật thứ 7. Những
trang viết của ông hệt như những thước phim quay chậm xã hội Đức thời hậu chiến.
Theo đó, con người trong tác phẩm cũng nửa tỉnh nửa mơ như khoảng khắc của một
cái nháy mắt. Mở mắt anh ta thấy đó là biển cả rộng lớn, nhắm lại là anh ta mơ
đến những thương vụ khổng lồ hứa hẹn sẽ cho anh ta thật nhiều tiền trong tương
lai (Giai thoại làm suy giảm đạo đức lao
động), trước mắt là một khuôn mặt bị phá hủy nhưng hồi tưởng kéo đến cho
phép anh mường tượng ra một gương mặt thật xinh đẹp (Nàng Anna xanh xao) hay thậm chí nhân vật tuy đang thăm một viện bảo
tàng cổ nhưng hồi ức kéo về mang cho nhân vật sự hào nhoáng, quyền uy của bậc đế
vướng (Hồi tưởng của một vị vua trẻ)...
Có thể thấy, nhà văn nói đến sự đổ vỡ trong hiện tại là nhắm đến khẳng định sự
huy hoàng trong quá khứ khi chưa có bước chân của hung thần chiến tranh. Nói
cách khác quá khứ tươi đẹp và tương lai rực rỡ chính là niềm ao ước trở về và
đi đến của Heinrich Böll, thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân
văn. Đây cũng chính là điểm gặp gỡ của nhà văn Việt Nam với nhà văn Đức trong đề
tài tâm thức thời hậu chiến. Nếu như với tâm lý ám ảnh, Bảo Ninh chủ trương
xoáy sâu vào những vết thương thường trực nơi tâm hồn người lính bằng cách lặp
lại những cái chết ghê rợn, những chuyến xe lỡ bước, những lần gặp gỡ rồi chia
ly vĩnh viễn thì Heinrich Böll với sự bộn bề trong những mối phức cảm riêng tư
cũng tỏ ra hết sức khách quan, lạnh lùng khi miêu tả từng phận người sau cuộc
chiến. Nhưng dù tiếp cập dưới góc độ nào, ta thấy các nhà văn vẫn
dành hết tấm huyết cho nhân vật mà mình yêu thương. Cái Đẹp tự thân vẫn có một
sức sống tiềm tàng.
Không
chỉ nhà văn băn khoăn, trăn trở mà những yếu tố tâm lý đó cũng theo
ngòi bút anh ta in đậm vào trong tác phẩm. Tiêu biểu cho kiểu tâm lý đó trong truyện ngắn Heinrich Böll
không thể không nhắc đến truyện ngắn Thiên
đường đã mất. Đây cũng chính là tác phẩm mở đầu cho cả tập truyện, được ông
hoàn thành vào năm 1949. Ở đó, Böll kể về câu chuyện của một người lính trở về
quê nhà sau khi chiến tranh kết thúc. Và rồi từ những hoang tàn của mảnh đất
hôm nay, từng bước chân đều dẫn đưa anh về với những ký ức xa xưa, giờ đã hóa
thành những mảnh tàn tro, chỉ còn phập phồng mỏng manh. Không ai trong Thiên đường đã mất kêu gào về chiến
tranh, mọi thứ đều hiện ra một cách vô cùng nhẹ nhàng. Đó là một sự ý nhị sầu
muộn. Không chỉ con người, mà cỏ cây hoa lá xung quanh, hay ngay chính những đồ
vật được đặt trong không gian ấy cũng cất lên lời buồn, nhưng ấy chỉ là lời âm
thầm vô cùng mà thôi. Người đàn ông trong Thiên
đàng đã mất với những mối phức cảm riêng tư như thế, đã được Böll miêu tả bằng
sự giản dị, tinh tế của ngôn từ, và sự thấu hiểu sâu sắc của một tâm hồn đầy sự
yêu thương.
Một biểu hiện thứ
hai của tâm lý “phức cảm” trong truyện ngắn Böll là sự đa thanh, đa giọng điệu
trong tác phẩm. Dù viết về bất kỳ nhân vật nào, ngòi bút của Böll luôn hết sức
uyển chuyển, vẫn thâm trầm, sâu sắc mà cũng không kém phần hóm hỉnh, sắc sảo,
thậm chí đôi khi bỡn cợt. Những truyện ngắn như Sưu tập im lặng của tiến sĩ Murke”, Khách… quý, hay Chuyện như đùa
đều thể hiện rõ bút pháp đối lập nhưng vô cùng nhuần nhuyễn của Böll. Sau tất cả,
những câu chuyện của Böll vẫn hiện lên một vẻ đẹp muộn sầu của hoang tàn, nó giống
như một bài hát rất buồn nhưng khiến con người run lên vì đồng cảm.
Ngoài ra, bằng giọng
văn lững thững, điềm đạm và đầy ấm áp, Heinrich Böll còn đề cập đến những vấn đề
thường thấy của con người trong quá trình quay về cuộc sống mới sau chiến tranh
như sự trống rỗng, sự tráo trở hay thậm chí bán rẻ căn tính để thấy cuộc đời thực
chất là những vở diễn rất dài, khi người này bước xuống sân khấu thì ngay lập tức
lại có một người bước lên thế chỗ. Ở đây, ông thể hiện bản thân là người ít nhiều
hoài nghi về giao tiếp giữa con người với con người. Tâm lý phức cảm giúp ông
xem xét vấn đề trên tất cả các phương diện đời sống nhưng khi sự cực đoan, nghi
ngại lên đến đỉnh điểm, ông chẳng còn tin vào bất kì điều gì nữa. Và ông đặt niềm
tin mãnh liệt vào sự lặng im. Sự lặng im được xem như điều chia sẻ đẹp đẽ nhất
mà con người có thể làm cho nhau giữa những rã tan và vô nghĩa. Dấu ấn này cũng
được đặc biệt thể hiện trong truyện ngắn Sưu
tập im lặng của tiến sĩ Murke.
Heinrich Böll được
đánh giá là một nhà văn viết về hậu chiến xuất sắc. Ông viết về cái đói nghèo,
tha hóa, cái tàn tạ, hủy hoại bằng một thứ văn chương thơ mộng như sương khói. Böll
chính là người cần mẫn gieo nên những hạt mầm quý, để con người từ ấy mà vun trồng
lại những điều đã từng vì chiến tranh mà bị tàn lụi. Ông nhận được sự vinh danh
của giải thưởng Nobel cao quý năm 1972 cũng bởi những ý nhị sâu sắc và vô cùng
nhân văn ấy.
Hiện nay, Heinrich Theodor Böll là một tác giả còn khá
mới ở Việt Nam, đặc biệt, trên
lĩnh vực truyện ngắn. Việc nghiên cứu cuộc đời cũng như sự nghiệp
văn chương của ông vẫn còn nhiều khoảng
trống và nhiều gợi mở. Trên phương diện tâm thức thời hậu chiến
trong truyện ngắn của Heinrich Böll, nhiều vấn đề có thể triển khai thêm, nhất
là trên phương diện so sánh văn học mà tác giả Bảo Ninh chúng tôi vừa trình bày
ở trên là một ví dụ điển hình. Ngoài
ra, chúng ta có thể so sánh tâm thức hậu
chiến trong truyện ngắn của Heinrich Böll – nhà văn người Đức với truyện ngắn của E.Hemingway –
nhà văn người Mỹ hay
tìm hiểu dòng chảy tâm thức hậu chiến trong văn học Đức từ tác phẩm của Erich
Maria Remarque đến Heinrich Böll…
Dĩ nhiên, đó là một hành
trình dài, đòi hỏi thêm nhiều nghiên cứu mới, để hiểu sâu thêm về một nhà văn
có phong cách nghệ thuật độc đáo, một tấm lòng khát khao cái Đẹp trong nghệ thuật
và cuộc đời.
Nguyễn Ngọc Lý
Học viên lớp cao học
Văn học Việt Nam khóa 18
Trường đại học Quy
Nhơn (SĐT: 01694555742 )
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Phạm Hải Hồ (tuyển chọn và dịch)
(2014), Nàng Anna xanh xao và nhiều truyện
ngắn khác, Nhà xuất bản Văn học.
2.
Bảo Ninh
– Những truyện ngắn, Nhà xuất bản Trẻ, 2013.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét