Chút tình quê của
Trương Nam Hương qua đoạn thơ:
“Khẽ quờ tay chạm vào cát sông Hồng
Ai mới thả cánh bèo qua đấy
Có chở lời quan họ theo không?”
Quê hương luôn là bến đỗ tâm hồn
của các nhà văn nhà thơ. Dừng chân ở đó, những con người có tâm hồn nhạy cảm
này tha hồ trải mình với gia đình, với cảnh vật thân quen. Đó có thể là một miền
quê yên bình với làn khói chiều hôm, hay thành phố tấp nập rộn ràng nhịp sống
hoặc chỉ một con sông cùng bao cảm nhận thương yêu. Nhà thơ Trương Nam Hương đã
có lần như thế:
“Khẽ quờ tay chạm vào cát sông Hồng
Ai mới thả cánh bèo qua đấy
Có chở lời quan họ theo không?”
Đọc ba câu thơ, ta nhận ra ngay
tình cảm gắn bó ruột thịt của tác giả đối với quê hương. Nơi ấy có con sông Hồng
lặng lẽ trôi đếm thời gian theo năm tháng. Có điệu quan họ văng vẳng trên sông
mỗi đêm trăng thề. Khung cảnh vừa động lại vừa tĩnh khiến hồn ai chẳng may lạc
vào đây cũng chẳng muốn quay về. Cõ lẽ vì thế mà nhà thơ đã mang hồn mình hòa
hoàn toàn với điệu chảy dòng sông để lắng nghe điệu hò yêu thương, để ôm bờ cát
sông Hồng:
“Khẽ quờ tay chạm vào cát sông Hồng”
Từ “quờ” đã làm nổi bật lên toàn bộ câu thơ. Theo Từ điển tiếng Việt, “quờ” chỉ
hành động quơ đi quơ lại tay chân theo nhiều hướng, thường để tìm khi không
nhìn thấy. Hành động này rất mạnh mẽ và lặp đi lặp lại một cách dứt khoát. Thế
nhưng “quờ” lại được bổ nghĩa bở từ “khẽ” nên màu sắc câu thơ trở nên nhẹ
nhàng đến thoáng đãng. Tác giả khẽ quơ tay chạm vào những hạt cát bên sông Hồng
như đang trân trọng cái tinh túy của quê nhà, như chẳng muốn đánh thức giấc ngủ
yên bình nơi đây. Và chỉ có những con người từng gắn bó, yêu nơi này mới có những
cử chỉ thân mật, gần gũi đến như vậy. Các miêu tat này đầy mới mẻ và ấn tượng.
Bất giác, nhìn ra phía xa xa, giữa
dòng nước lững lờ kia, nhà thơ bắt gặp một cánh bèo đang trôi theo dòng nước.
Cánh bèo nhỏ như thế kia nhưng lại đặt giữa không gian sông nước rộng lớn tạo
thành một thế tương nghịch đến rợn ngợp. Nó gợi ngay cho ta một số phận lênh
đênh, vô định mặc cho đời, cho hoàn cảnh xô đẩy như trái bần, hạt mưa,… trong
ca dao:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”
Hay
“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài cát, hạt ra ruộng cày”
Ấy vậy mà Trương Nam Hương một lần
nữa cho người đọc tưng hửng với cảm xúc của mình. Nhà thơ hỏi “ai mới thả cánh bèo qua đấy” không nhằm
để nói cái thân phận nhỏ nhoi, vô định của cánh bèo hay của con người, cũng
không muốn biết cánh bèo đến từ nơi đâu mà tác giả đang đợi “lời quan họ”:
“Có chở lời quan họ qua không?”
Câu hỏi nhưng giọng thơ vô cùng
nhẹ nhàng. Tác giả đang hỏi người nào hay đang hỏi chính mình? Nam Hương dùng từ
“chở” ở đây làm cho lời thơ cụ thể,
thân quen, dễ cảm nhận bởi bên bến sông này việc chở đã không còn lạ nữa. Thế
nhưng, nhà thơ không hỏi thuyền hay bè mà lại hỏi cánh bèo nhỏ nhoi kia có chở
lời quan họ qua hay không. Tác giả đặt cảm nhận mình vào cánh bèo đó vì nó sẽ
trôi mãi trôi mãi cho đến khi mắc ở một nhánh cây ven sông hoặc sông ngừng chảy.
Con sông Hồng rộng lớn này khó mà khiến
nó kẹt ở bên sông, càng không thể có chuyện sông ngừng chảy. Vì thế mà bèo cứ
trôi mãi từ xa xôi đến nơi này mà đem theo điệu hò nơi ấy chứ không dừng ở một
bến nào như thuyền. Trong điệu hò có nỗi nhớ thương, có tình yêu chớm nở, có
giao duyên hẹn thề… Tất cả sẽ được lưu giữ mãi trong dòng chảy ngọt ngào đượm
thấm tình quê.
Cái hay ở đoạn thơ được tạo ra bởi
cách dùng từ “quờ”, “chở”. Đó là hai
động từ tưởng như rất cũ nhưng lại có một sắc thái biểu cảm sâu sắc về tình cảm
gắn bó ruột thịt với quê hương. Từ “quờ” trong
đoạn thơ diễn tả được tình cảm thân mật gần gũi của tác giả với bãi cát sông Hồng
quê hương. Ngầm về nó ta có thể hình dung ra tác giả đang nhằm nghiền đôi mắt
mà dùng đôi tay cảm nhận quê hương này. Nét động đáo đến tĩnh lặng đó chẳng thể
nào được miêu tả thay thế bằng các từ tương đồng nghĩa với “quờ” như “sờ”, “chạm”, “vò”,…
Nếu như “sờ” mang đến cảm giác trung
hòa bằng việc cảm nhận với tâm lí – sinh học bình thường thì “chạm” với “vò” lại đem đến một hành động mạnh bạo làm rắn cả nhịp câu thơ. Từ
“chở” cũng thế. Rõ ràng ta dễ dàng
hình dung ra nếu nó được thay bởi các từ “khiêng”,
“kéo”, “đẩy”…Khi ấy, câu thơ sẽ chẳng mang ý nghĩa nghệ thuật hay tình cảm
tác giả, hoặc đơn giản hơn là sự cảm nhận của tác giả không chút gì tinh tế.
Tóm lại, đoạn thơ là một chút
tình cảm lắng đọng về quê hương khi đang đứng ngay trên quê hương. Con người ta
phải quan sát kĩ, nhìn ngắm quê hương từng ngày bằng tất cả tình yêu mới có những
xúc cảm như thế. Hiểu được nỗi lòng đó của tác giả chính là nhờ những nhãn tự
bài thơ điểm sáng lên toàn bộ bức tranh yên bình. Và mỗi khi đọc ba câu thơ ta
lại thấy lòng mình lắng lại để nghĩ về quê mình…
Nguyễn Hùng Vĩ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét