Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

TÔN NGỘ KHÔNG – NHÂN VẬT ANH HÙNG NỔI LOẠN SA CƠ NHƯNG KHÔNG THẤT THẾ (Hàng Công Hải – Lớp Sư phạm Ngữ văn K38 - Đại học Quy Nhơn)


Khắc họa hình tượng nhân vật trong văn chương chính là để thể hiện lí tưởng trong lòng nhà văn. Hiện thực cuộc đời sẽ chi phối tầm nhìn tư tưởng của tác giả nhưng đồng thời nó cũng là ngọn đuốc nhen nhóm cho ngọn lửa lí tưởng được bùng cháy mạnh mẽ. Đề tài về lí tưởng và hình tượng người anh hùng xưa nay luôn là đề tài tỏa rạng trong lịch sử văn học, đặc biệt là nền văn học Trung đại phong kiến. Thế nhưng, người anh hùng luôn được nhìn nhận dưới nhiều chiều hướng, góc độ khác nhau. Có thể đó là bức tượng đài sừng sững đại diện cho ý chí, sức mạnh giai cấp của một thời đại như Asin trong trường ca I-li-at của Hi Lạp cổ đại, hay Rama trong bộ sử thi ramayana của văn học Ấn Độ. Tuy nhiên không một xã hội nào vĩnh viễn hoàn hảo mà sẽ luôn có những bước thăng trầm của lịch sử. Giai cấp, chế độ thịnh rồi sẽ suy, thế thời vượng rồi sẽ yếu. Và chính bối cảnh xã hội suy tàn hoang phế kia sẽ sản sinh ra bao la những anh hùng nổi dậy, giải phóng tài năng, trí tuệ và khí phách. Tôn Ngộ Không trong tác phẩm Tây du kí là đại diện tiêu biểu cho hình tượng nhân vật anh hùng nổi loạn tuy sa cơ mà không thất thế này.

Ngô Thừa Ân sống trong bối cảnh xã hội ô trọc, giữa bầu không khí ngột ngạt cuối thời Minh, đầu thời Thanh. Ông chỉ làm quan trong một thời gian rồi lui về cuộc sống thường dân bá tánh. Nhưng nhiệt huyết, tài năng và khí phách của ông thì không hề mất đi. Bất mãn trước thời cuộc, ông dồn hết tinh lực bút ý để viết nên kiệt tác Tây du kí. Mượn hình tượng nhân vật Tôn Ngộ Không mà bày tỏ hùng chí vùng lên, nổi loạn, dẹp yên thời cuộc, Thế nhưng bất lực trước hiện thực cuộc đời là trở ngại to lớn với sự vùng dậy ấy dẫn đến anh hùng sa cơ. Không cam lòng trước hiện thực, ông đã dày công điểm tô thêm cho người anh hùng của mình sa cơ mà chẳng thất thế, bạt nhược, vẫn hào rạng trong uy nghi. Đó là cả một quá trình chuyển hóa từ trí tuệ, khao khát của Ngô Thừa Ân đến hình tượng tỏa rạng của một Mỹ hầu vương.
Có thể thấy được một trong những ý nghĩa đa chiều, đa diện của tác phẩm này là sự nổi dậy mạnh mẽ của con người cá nhân để giải phóng chính mình trước bối cảnh thời cuộc phong kiến suy vi. Tôn Ngộ Không chính là biểu tượng của sức mạnh vùng lên ấy. Sự ra đời của Tôn Ngộ Không vốn dĩ là một tảng đá nơi vùng biển Ngao Lại, thuộc Đông Thắng Thần Châu hấp thụ tinh hoa của nhật nguyệt ngàn năm mà hóa thành loài khỉ, cho nên vẫn gọi là thạch hầu. Đây chính là bản chất tự sanh, tự dưỡng, vô thân thuộc cao sang quyền quý, kiểu xuất thân điển hình cho những anh hùng trong văn hóa phương Đông. Là một con khỉ đá bình thường nhưng với tư chất thông minh, lòng dũng cảm, nó đã nhận được sự ủng hộ của đàn khỉ trên Hoa Quả sơn sau một lần phát hiện ra Thủy Liệm động mà được tôn xưng làm chúa, ngự trị núi Hoa Qủa một cõi đất trời. Người anh hùng khởi đầu đã có niềm tin của quần chúng nhân dân, tiếp thêm sức mạnh cộng đồng vào sức mạnh cá nhân, đây là tiền đề góp phần tạo nên sức mạnh chung vượt trội của nhân vật. Tuy nhiên đứng trước cuộc đời dẫu là ai cũng phải trải qua sanh, lão, bệnh, tử. Mỹ hầu vương cũng không ngoại lệ, dẫu làm vua một cõi nhưng cũng không chấp nhận vòng đời ngắn ngủi của mình, quyết tâm đoạt quyền tạo hóa, muốn làm chủ chính vận mệnh của mình. Cho nên hầu vương quyết tâm tìm đường vượt biển, tìm phép trường sanh về truyền cùng con cháu. Và rồi, hầu vương tìm đến Bồ Đề lão tổ, với tư chất thông minh nhạy bén mà trong vòng bảy năm đã học được yếu quyết thất thập nhị địa sát thần thông. Tôn Ngộ Không chính là hình mẫu loài khỉ được Ngô Thừa Ân lấy ra từ hình tượng Hanuman- tướng khỉ thần thông trong sử thi Ramayana của Ấn Độ. Cho nên tài phép của hầu vương chính là bản lãnh để hình thành khí phách một anh hùng. Sau khi về lại Hoa Qủa sơn, Tôn Ngộ Không đã kết giao với rất nhiều yêu ma quỷ quái xung quanh, ai nấy đều tài phép đầy mình như Ngưu ma vương, Độc giác quỷ vương, Hỗn thế ma vương… Từ đây sức mạnh của cộng đồng làm nên bệ đỡ cho người anh hùng ngày càng rộng rãi, vững chắc.
Xã hội suy tàn là lúc cái xấu lên ngôi, những ràng buộc quy củ giáo điều, tầng bậc trong xã hội chính là rào cản lớn nhất đối với sự vươn lên của tài năng, khí phách cá nhân. Chướng mắt vì những điều trông thấy, Ngô Thừa Ân đã vung ngòi bút cho Tôn Ngộ Không ra tay bứt dỡ hết tường rào khuôn khổ trói buộc con người ta. Những nơi như Long cung, Địa phủ được xem là nơi thâm u, linh hiển với chúa tể là các thánh thần như Long vương, Thập điện Diêm chúa mà người người đều kính sợ. Ấy thế mà Tôn Ngộ Không chẳng coi ra gì. Náo Long cung, lấy thiết bảng, đoạt giáp vàng, lãnh kim khôi mà tứ hải Long vương đều thất sắc kinh sợ chẳng dám chống đối. Tôn Ngộ Không còn muốn kéo dài tuổi thọ cho bản thân và đám con cháu nên trong một lần du địa phủ đã gạch hết tên các loài khỉ trong sổ sinh tử. Mười Diêm vương cũng rùng mình kinh hãi trước uy nghi của Mỹ hầu vương. Nếu nói bối cảnh trong Tây du kí là một bức tranh hiện thực xã hội thì chính những nơi như Long cung, Địa phủ là cơ quan quyền lực của tập đoàn phong kiến ở địa phương mà Tôn Ngộ Không đã công nhiên đạp hết dưới gót giày của mình.
Đến khi thiên đình nổi giận, Ngọc Đế tối cao ra lệnh cho Thác Thác Thiên Vương dẫn Tam thái tử Na Tra cùng Cự Linh thần đi thu hàng hầu vương. Tôn Ngộ Không chẳng động thanh sắc, bao nhiêu thiên binh đến thì bấy nhiêu thiên binh chạy dài. Gậy như ý trong tay, hầu vương tùy ý một vòng quét sạch tất cả những oan trái, luật hình phong kiến hà khắc kia. Khẳng định bản thân mình không chỉ là vua một cõi mà còn sánh mình với tối thượng thanh thiên. Trên Hoa Qủa sơn phấp phới tấm đại kì đề bốn chữ “Tề thiên đại thánh”, ý nói thánh lớn bằng trời. Tấm đại kì ấy như dội một gáo nước lạnh vào mặt chính quyền thống lãnh thiên đình thượng giới. Đấng bậc được tôn sùng tối cao nhất trong mắt Ngộ Không cũng không thể qua bản thân mình được. Thế nhưng thiên đình cũng lắm chước mưu, thủ đoạn, những chiêu bài mềm nắn, rắn buông xưa nay vẫn thường được sử dụng với những kẻ cứng đầu, bản lãnh ngõ hầu quy phục về dưới trướng. Hầu vương được vời lên trời nhưng chỉ làm chức Bật mã ôn không hàm phẩm, bị sự chế nhạo của Vũ khúc tinh quân và cả thượng giới nên đã đùng đùng nổi giận, bỏ về trần gian. Thà hùng cứ một phương, oai nghi trong chiến bào chứ quyết không luồn cúi, nô lệ với bất kì một thế lực nào dù là thiên đình thượng giới, chí cao vô thượng trong cõi trời đất. Một lần nữa Ngọc hoàng phải nhượng bộ, mở đường cho thắng thế của Ngộ Không, y được mời lên trời để thụ phong “Tề thiên đại thánh”. Dù trong mắt chính quyền thượng giới đó chỉ là một chức vị hữu danh vô thực nhưng đã bắt đầu khẳng định sự nao núng, yếu thế nhượng bộ của Ngọc đế với Ngộ Không. Sau Tây vương mẫu mở Đại hội Bàn đào mời đủ đại la thần tiên nhưng tuyệt nhiên không thấy nhắc đến Tề thiên đại thánh, Ngộ Không nổi cơn thịnh nộ vì sự khinh miệt ấy mà đã ăn sạch đào viên. Sau đó chạy đến cung Dao Trì uống hết mỹ tửu, trong cơn say còn tìm đến cung Đâu Suất chén hết tiên đơn của Thái thượng lão quân. No say rồi lại bay về trần gian làm Mỹ hầu vương của mình. Ngọn cờ “Tề thiên đại thánh” lại lẫy lừng hơn nữa trong sóng gió nơi biển khơi.
Mâu thuẫn xã hội một khi đã đạt đến đỉnh điểm thì tất yếu sẽ dẫn đến chiến tranh bùng nổ. Sự quản giáo, câu thúc của thiên đình là mâu thuẫn to lớn với tài năng và khí phách của hầu vương mà không thể điều hòa hóa giải. Chính quyền thiên cung không thể đứng yên ngồi nhìn mà qua loa nhượng bộ nữa. Ngọc đế phái thập vạn thiên binh bày khắp thiên la địa võng ở Hoa Qủa sơn, quyết tróc nã Tôn Ngộ Không về thiên cung xét xử. Thế nhưng với kim cô bổng trong tay, Ngộ Không chẳng hề nao núng mà chống trả quyết liệt không chút khoan nhượng. Tứ đại thiên vương cũng bó tay chịu trận, Thác Tháp thiên vương cũng lắc đầu than khó. Những tưởng Hoa Qủa sơn sẽ trở thành bình địa dưới uy vũ ngất trời của thiên cung nhưng bỗng chốc hóa thành chiến đài để Ngộ Không trổ tài thần thông, làm rực rỡ hơn cho kim giáp, thiết bảng trong tay. Giữa đất trời Hoa Qủa phủ vây ngàn vạn thiên la địa võng mà chỉ thấy một Mỹ hầu vương oai nghi sừng sững đương đầu với thập vạn chư thần. Ngọc đế chẳng thể cam tâm như vậy, cho đến hồi Nhị lang chân quân ra tay tróc nã yêu hầu. Dương Tiễn quả nhiên là kì phùng địch thủ của Ngộ Không, đánh nhau suốt mấy trăm hiệp mà không phân được mất. Dù bản thân Nhị lang thần có tới bảy mươi ba phép thần thông biến hóa và sự giúp đỡ của Mai sơn thất quái nhưng cũng không sao bắt được Ngộ Không. Cho đến khi Thái thượng lão quân nhân lúc hầu vương sơ hở tung kim cang trát trúng đầu làm y chết ngất đi một hồi mới bị chư tiên xúm lại trói xích về thiên đình.
Một khi chính quyền phong kiến đã dẹp yên được cuộc nổi loạn thì chủ soái cầm đầu chỉ có dường chết để răn đe muôn người. Tự ngàn xưa, máu của các anh hùng nổi dậy chính là lớp sơn hào nhoáng nhất để điểm rạng lên ngai vàng vững chắc của chế độ, khẳng định chế độ ấy, thời cuộc ấy vô cùng vững chãi, tuyệt nhiên không thể tiêu vong. Thế nhưng ở đây lại khác, Tôn Ngộ Không dẫu bị bắt về thiên cung, lôi ra Trảm yêu đài nhưng khắp trong trời đất chẳng có ai giết được đại thánh vì hầu vương đã ăn Bàn đào, uống tiên đơn, bản thân trở thành kim cang bất tử. Ngọc đế những tưởng bắt được yêu hầu rồi sẽ dùng pháp hình để định trị nhưng cũng chỉ đành lắc đầu ngồi nhìn mà thôi. Thái thượng lão quân thỉnh ý ném Ngộ Không vào lò Bát Quát để luyện đúng bảy bảy bốn chín ngày, cho ra tiên đơn. Ngọc đế chấp thuận, để cho hoàng cân lực sĩ ném hầu vương vào lò. Người anh hùng thật sự thì không chỉ bản lãnh cao cường, dũng mãnh thiện chiến mà còn phải có cơ trí hơn người. Tôn Ngộ Không thật sự là một hiện thân vẹn toàn như vậy. Lò Bát quái được chia theo tám cung, gồm có: kiền, khôn, chấn, tốn, khảm, li, cấn , đoài. Lúc bị nhốt vào lò, hầu vương nhanh chóng náu mình ở cung tốn, tốn là gió, có gió tự nhiên không có lửa. Vì thế mà Ngộ Không chẳng bị tổn thương gì, tuy nhiên vì khói trong lò quá lớn hun phải nên vô tình luyện cho Ngộ Không thành mắt lửa ngươi vàng, thấu suốt yêu ma thần quái trong trời đất. Vậy là hình phạt của chính quyền thiên cung dành cho kẻ phản loạn không những không tiêu diệt được Ngộ Không mà ngược lại còn tăng thêm trí lực thần thông cho y. Cũng là lúc thiên cung sắp lâm phải một đại nạn- người anh hùng thì chạm đến đăng phong tột đỉnh trong trận chiến đấu nổi loạn của mình.
Tôn Ngộ Không vừa thoát ra khỏi lò Bát Quái là lúc thiên cung oai nghi kia bị xâm phạm nặng nề. Hầu vương bay ra tung cước đạp đổ cả lò Bát Quái, chẳng còn kiêng nể gì ai, một mình một gậy vung khắp cả tầng trời Đâu Suất, Thái thượng lão quân té ngửa, bật nhào cũng không dám đuổi theo. Cứ như vậy, Tề thiên đại thánh phóng thẳng đến Linh Tiêu điện, quyết lòng ra oai, muốn giành cả ngôi trời. Người thường nói thời thế sinh ra anh hùng, nhưng anh hùng thật sự phải dời non lấp bể, tự tạo dựng thời thế cho chính mình. Tôn hầu vương là mẫu anh hùng đặc trưng như vậy. Thiên thượng lại có đáng sá gì, bản thân hầu vương muốn ngồi vào chiếc ngai vàng tối cao kia bằng một câu nói “Làm vua thay phiên, sang năm đến ta làm”. Tư tưởng này chính là sự không chấp nhận những cái gọi là chuẩn mực chính thống của phong kiến tự ngàn xưa. Chỉ hỏi đến tài năng bản lãnh chứ không nhìn vào uy cao thế cả. Ngộ Không vung gậy đánh tới đâu thì Cửu diệu tinh quân cùng ba mươi sáu lôi thần hộ giá phải dạt ra tới đấy. Đối chiếu vào lịch sử các triều đại sẽ thấy có những khi phong trào khởi nghĩa nổi dậy mạnh mẽ, có lúc xông thẳng đến bệ rồng làm lung lay ngai vàng phong kiến uy bệ. Đây là biểu hiện của chiến thắng nổi loạn như vậy. Đến khi Phật tổ ra tay, Ngộ Không bị thu phục phải chịu đày ải dưới Ngũ Hành sơn. Hiện thực trong xã hội đương thời là như vậy, các cuộc nổi dậy dù mạnh mẽ nhưng vương triều phong kiến kia vẫn chưa đến hồi tận vong nên vẫn còn đủ sức để dập tắt tất cả. Lúc này, cả trời đất kết hợp sức mạnh. Đại diện cho phong kiến Nho gia, đứng đầu là Ngọc đế; đại diện cho thần thông Đạo phái, đứng đầu là Thái thượng lão quân; và đại diện cho sức mạnh nhà Phật, đứng đầu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Một khi hội tụ ba thế lực này lại đã khống chế được Ngộ Không. Vậy hầu vương thất trận nhưng là một mình hiên ngang dũng mãnh thách thức thiên địa tam giáo. Kể cũng không thể cho là một thất bại chua cay được.
Tuy nhiên nếu chấp nhận thời thế thì cũng không thể cho là một anh hùng thực thụ. Ngộ Không dù bị đè dưới Ngũ Hành sơn nhưng bản thân vẫn không phục, không ngừng vùng vẫy, chỉ trong hai ngày đã muốn dỡ cả núi Ngũ Hành. Chư tiên cùng Ngọc đế thêm một phen khiếp vía. Nhưng sau đó, Phật tổ dùng bùa chú trấn lại, hầu vương đành chịu quy phục năm trăm năm. Nhưng nếu kĩ lưỡng suy xét thì ta sẽ thấy Ngộ Không không hề thua Trời, Đạo và cả Phật. Muốn giam Ngộ Không năm trăm năm phải dùng chú thiêng trấn lên Ngũ Hành sơn, mà ngũ hành là năm yếu tố cấu thành vạn vật, trong khi bản thân Ngộ Không được sinh ra từ tinh hoa của thiên địa. Vậy lấy cái bao la sản sinh ra muôn vật muôn loài để giữ lấy cái tinh khí của nhật nguyệt suy cho cùng là sự hòa hợp chứ không hề khắc chế. Vậy Ngộ Không chẳng qua chỉ bị khống chế nhất thời chứ khắp trong cõi trời không ai khắc được hầu vương.
Tuy nhiên cái chí anh hùng muốn lẫy lừng vang dội, hiên ngang giữa đất trời mà phải chịu cảnh chim lồng cá chậu thì trong lòng phải đớn đau biết nhường nào. Chí anh hùng hãy còn đây mà bản thân phải chịu sự giam cầm, không thể tự do bay nhảy thì trên đời thật sự không đau khổ nào hơn. Chỉ một cánh chim tung bay giữa tầng không bao la thôi cũng đủ để làm nao lòng người. Và mấy ai trên đời nhìn thấu nỗi niềm ấy:
Ngộ Không ơi! Hỡi Ngộ Không!
Năm trăm năm đã trong lòng đớn đau.
Một vùng bãi bể nương dâu
Một phen chí lớn vương hầu hiên ngang.

Tang bồng cho phỉ chí mang
Long cung dậy sóng âm gian đảo hồn.
Nguy nga ngất ngưỡng tại tồn
Hoa Qủa sơn dưới gầm còn vang danh.
Sá chi Bật Mã ngựa canh
Đào viên mượn tiếng loanh quanh một vườn.
Dọc ngang ngang dọc một đường
Trời cao đất rộng không nhường cho ai.
Bàn đào mỹ tửu một hai
Tiên đơn Đâu Suất ba bài thi gan.
Thiên la địa võng chẳng màng
Thiên vương thái tử lại càng hăng say.
Nhị Lang thấy cũng chau mày
Kì phùng địch thủ là đây hùng tài.
Kim cang vòng phép một bài
Mỹ hầu vương Trảm yêu đài dấn thân.
Sá chi thủy hỏa phong trần
Sá chi đao kiếm lôi thần vây quanh.
Bát Quái lô nổi tam bành
Trời ngang nay quyết tung hoành ra tay.
Linh Tiêu điện bảo một ngày
Dưới chân như ý một bầy sa cơ.
Bỗng đâu phút chốc mịt mờ
Bỗng đâu bích hải một bờ dâu xanh.
Kìa núi nọ nặng Ngũ Hành
Thôi thân ta hết tung hoành dọc ngang.

Xiết bao năm tháng mơ màng
Núi đè thân xác dạ càng đớn đau.
Chí anh hùng trước đến sau
Dọc ngang chẳng biết trên đầu có ai.
Kim cô bổng chí anh tài
Phong trần quét sạch gươm mài bốn phương.
Sao cho tứ phía tám đường
Sao cho trên dưới minh tường uy nghi.

Giờ ngoảnh lại khóc mà chi
Chim lồng cá chậu một thì đau thương.
Đớn đau đau đớn dạ trường
Anh hùng không lối không đường ra oai.
Phật tổ ơi! Ngó mà coi!
Tang bồng chí lớn hãy đòi tung bay.”
Tiếp sau đó, Ngô Thừa Ân lại xây dựng Tôn Ngộ không với một cuộc đời mới. Đại thánh vỗn dĩ bất tử, đất trời cũng không thể giam cầm Ngộ Không mãi được, cũng phải đến ngày trả tự do cho người anh hùng. Nhưng Ngộ Không phải phò Đường Tăng sang trời Tây mang công nghiệp chân kinh về vùng đất Nam Thiên Bộ Châu. Trên hành trình tây du của mình, không chỉ dãi dầu mưa nắng, gian khó không sờn lòng kẻ chí lớn. Mỗi bước đi là một lần ra tay hàng yêu, phục quái để bảo vệ Đường Tăng và cả những bá tánh thường chịu sự nhũng nhiễu của bọn ma quái này. Những yêu ma trong suốt chuyến Tây hành ấy hoặc là loài lang trùng hổ báo dọc đường thành tinh, nhưng đa phần vẫn là các vì sao, thú vật của các tiên thánh trên thiên đình. Nếu xét theo cuộc đời thực thì chính là lũ gian tham, cường hào ác bá có quan lại phong kiến chống lưng đằng sau mà tàn độc vơ vét, quấy nhiễu biết bao những kẻ cơ hàn, lao khổ. Chúng tàn ác đến mức vét kiệt công sức lao động, xương máu nhân dân. Cho nên Ngô Thừa Ân mượn hình ảnh ma quái lang trùng mà ẩn dụ cho chúng thì càng làm tăng thêm tính nhân văn trong cái nhìn hiện thực của tác giả. Dù đã sa cơ dưới thiên đình trong suốt năm trăm năm nhưng chướng mắt vì cái tàn ác của lũ yêu ma mà đại thánh đã thẳng gậy tróc hết cội nguồn, dây mơ rễ má đám yêu ma ra. Những loại yêu quái thành tinh dưới trần như Bạch Cốt tinh, tam quái pháp sư ở Xa Trì quốc hay Kim Tiền báo… đều bị đại thánh một gậy đập chết về nguyên hình. Còn với loài yêu ma từ thiên đình hạ phàm như Độc Giác Tỉ ở Kim Đâu sơn, Cửu Linh Nguyên Thánh ở Châu Ngọc Hoa… đều bị Ngộ Không lôi hết thân thế, tiên thần sau lưng ra trừng trị thẳng tay, trả lại công đạo cho những người vô tội từng bị chúng ức hiếp, tàn hại. Có thể thấy, Ngộ Không chẳng sợ bất cứ một thế lực nào trên trời dưới đất, dù là thần tiên đến ma quái mà ngược lại khi nghe đến bốn chữ “Tề thiên đại thánh” không ít kẻ phải kinh hồn hoảng sợ.
Thời gian là thứ đáng sợ nhất trên đời, nó có thể bào mòn đi tất cả, con người ta cũng không ngoại lệ. Nếu phải chịu sự giam cầm suốt một thời gian dài thì dũng khí nhất định không còn, chí lớn dễ bị tàn phai theo năm tháng. Thế nhưng, Tôn Ngộ Không lại khác, suốt năm trăm năm giam cầm đơn độc mà chí lớn vẫn còn, uy thế ngất trời năm nào chắng chút suy dời đổi thay. Trên đường đi Tây thiên mà cái ngạo khí hiên ngang, bất khuất khi xưa vẫn còn đó. Khi có việc, đại thánh chỉ cần gõ như ý bổng là khắp các sơn thần, thổ địa lớn nhỏ đều phải hiện ra tùy sai khiến. Khi trực diện với lũ yêu ma, Ngộ Không hiên ngang xưng thân thế mình năm trăm năm trước từng đại náo thiên cung làm cho không ít yêu ma phải kinh sợ. Dẫu lúc khó khăn, phải về trời cầu viện binh, trước mặt Ngọc đế mà Ngộ Không chẳng cúi đầu quỳ vái theo lễ nghi mà chỉ hơi khom nhẹ, chào hỏi dí dỏm, cười đùa “lão quan”, hoặc “Ngọc đế lão nhi”. Rõ ràng cái oai khí năm xưa vẫn còn mà đến Ngọc đế cũng không dám chất vấn vạch tội, chỉ mong “hầu tôn đó đi được thì cho yên sự”. Ngọc đế còn vậy thì chư thần, chư phật từ Thái thượng lão quân, Phổ Hiền, Văn Thù tôn giả, tam thái tử, tứ thiên vương, nhị thập bát tú… cho đến khắp chư thánh trong tam giớikhi gặp đều kính cẩn gọi là “Đại thánh”. Khắp trong trời đất, không kể lớn nhỏ đều là anh em, cả tổ sư của dòng địa tiên là Trấn Nguyên Tử thần thông quảng đại cũng từng kết làm anh em. Danh vọng Tôn đại thánh sau năm trăm năm không hề nhỏ đi mà vẫn hào rạng như xưa, không ai không mấy phần kiêng nể. Tề thiên đại thánh vẫn lẫy lừng thánh lớn, vẫn là một anh hùng xuất thế mà dọc ngang khắp đất trời cũng không cần nhìn sắc mặt của bất kì ai.
Bằng bút pháp lãng mạn tài hoa, Ngô Thừa Ân đã xây dựng thành công một Tôn Ngộ Không thần tưởng chứ không hoang tưởng, anh hùng vĩ đại mà cũng rất dung dị đời thường. Đó là một hình tượng rạng rỡ trong nền văn học Trung Quốc nói riêng và nền văn học thế giới nói chung cho loại hình nhân vật sa cơ trước thời cuộc mà không hề bị thất thế, khuất phục. Và cũng chính trong bối cảnh xã hội đương thời của tác giả cũng còn vô số những Tôn Ngộ Không như vậy nữa. Ngô Thừa Ân đã điển hình từ một đại thánh cho rất nhiều những “đại thánh” khác trong lịch sử phát triển và đấu tranh của con người. Đó là sự hòa quyện sâu sắc giữa lí tưởng cao đẹp với bút pháp tài hoa, giữa nhân sinh quan hiện thực với lãng mạn bay bổng, giữa hiện thực cuộc đời với ưu tư trí tuệ trong chính tác giả.

Đông Tà

* Nguồn: Kỷ yếu Hội nghị NCKH Ngữ văn năm 2017, tr 18, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Quy Nhơn
Bình Định, tháng 5 năm 2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét