TÓM TẮT: Viết cho tuổi mới lớn
là mảng sáng tác rất thành công trong hành trình văn chương của Nguyễn Nhật Ánh. Trong cảm quan sáng
tác của nhà văn, thế giới tuổi mới lớn không chỉ có mộng mơ, bao bọc; các em còn phải vất vả mưu sinh, nhiều
va vấp. Truyện viết cho tuổi mới lớn của ông hàm chứa
những bài học giáo dục sâu sắc, gửi đi nhiều thông điệp ý nghĩa. Nguyễn Nhật
Ánh cũng là cây bút văn xuôi có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với độc giả trẻ hiện nay.
TỪ KHÓA: Nguyễn Nhật Ánh, tuổi mới lớn, cảm quan, thông điệp,tình yêu
Những năm gần đây, việc sáng tác cho các độc giả ở lứa tuổi mới
lớn đã được khá nhiều cây bút trong Nam ngoài Bắc quan tâm. Trong số đó, Nguyễn Nhật Ánh nổi bật lên với nhiều tác phẩm xuất sắc, được bạn đọc tuổi teen háo hức đón nhận.
Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, đó là do “anh đã chọn đúng cách viết phù hợp với tâm lý đối tượng
bạn đọc ” và “trong mỗi tác phẩm luôn đảm bảo được yêu cầu “hai
trong một”: giải trí và giáo dục”(1). Tiếp xúc với những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh, bạn đọc cảm thấy
như được sống trong thế giới hoa niên tươi đẹp. Trong những câu chuyện thú vị đó,
nhà văn đã bộc lộ rõ cảm quan nghệ thuật
giàu tính nhân văn về một lứa tuổi có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời của mỗi
người…
1.
Nhọc nhằn mưu sinh và những tình cảm
đầu đời tươi đẹp
Với Nguyễn Nhật Ánh, thế giới trẻ em
thật đặc biệt, người lớn chúng ta đều đã trải qua nhưng không phải lúc nào cũng
hiểu đúng về nó. Bởi vì, mỗi đứa trẻ là một thực thể sinh động và phức tạp với
nhiều biểu hiện đa chiều, trái chiều về tâm lí. Khi viết về các em, Nguyễn Nhật
Ánh có xu hướng đi vào cuộc sống sinh hoạt đời thường, phản ánh tất cả những biểu
hiện đa dạng đó của lứa tuổi. Trên cơ sở đó, ông đặt ra một số bài học nhằm
giúp các em phát triển nhận thức và bồi dưỡng tâm hồn. Ông muốn thực hiện tốt thiên
chức của nhà văn là “trụ đỡ tinh thần của các em,
giúp các em yên tâm và vui sống”(2).
Nằm trong số những tác phẩm viết về tuổi mới lớn, Bong bóng lên trời sẽ mang đến cho người
đọc một câu chuyện cổ tích giữa đời thường hết sức cảm động. Nhân vật của truyện
là những đứa trẻ bình thường, đẹp cả về tâm hồn lẫn tính cách. Trước hết, phải
kể đến Thường, một cậu bé rất hiếu học và thương mẹ. Khi chứng kiến những đêm mẹ
không ngủ, khi nhìn thấy mẹ gầy đi nhiều vì vất vả mưu sinh, cậu quyết định
giúp mẹ bằng việc đi bán kẹo kéo vào mỗi buổi chiều. Một nhân vật khác là cô bé
Tài Khôn cũng ngày ngày đi bán bóng bay kiếm sống nhưng quyết không bỏ học buổi
nào ở lớp bổ túc ban đêm. Dù phải bươn chải mưu sinh nhưng đôi bạn này vẫn biết
cách dành tình thương cho nhau một cách cảm động.
Tiếp xúc với những mảnh
đời như vậy, bạn đọc không khó nhận ra vẻ đẹp của lòng vị tha. Khép lại trang
sách, ấn tượng đậm sâu trong lòng độc giả là hình ảnh cô bé Tài Khôn nghèo khó,
nhưng luôn yêu đời và không thôi ước mơ, khao khát về những điều tốt đẹp. Niềm
hi vọng, tinh thần lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn của cô bé ấy tựa như trái
bong bóng bay mãi lên giữa trời cao lộng gió. Chính điều đó đã lan truyền sang
Thường, giúp cậu xoá bỏ mặc cảm, tự ti, tạo lập cuộc sống của mình một cách
tích cực hơn. Bong Bóng Lên
Trời là câu chuyện về tuổi
mới lớn rất dồi dào chất triết lí. Dẫu cuộc sống có khó khăn đến đâu, chỉ cần
con người có niềm tin và cố gắng thì sẽ bình yên và hạnh phúc. Kết thúc truyện là
hình ảnh: “Những quả bong bóng đã bay cao và dường như sắp sửa tan vào mây trắng.
Thế là chúng đã sắp đến nơi định đến. Và chẳng bao lâu nữa, phúc lành sẽ đến với
những ai biết tin vào sự vĩnh hằng của những điều tốt đẹp”. Những quả bong bóng
ấy mang theo bao điều nguyện ước tốt đẹp của Thường và của Tài Khôn “không ngừng
rong ruổi về phía thênh thang, cao thẳm”. Tác phẩm đã truyền tải thông điệp yêu thương, tinh
thần lạc quan và sống có niềm tin cùng mơ ước giúp bạn đọc nhỏ tuổi thêm tin
tưởng vào những điều tốt đẹp. Để giữa cuộc sống bộn bề hôm nay, bạn trẻ có thêm niềm
tin bước vào đời.
Với Ngồi khóc trên cây, người lớn chúng ta có một vé đi về thời hoa
niên tươi đẹp. Ở đó, chúng ta như được sống lại với những rung động nảy nở vào
“buổi sáng của cuộc đời”. Cảm hứng của Ngồi
khóc trên cây là xoay quanh câu chuyện về cô bé Rùa sinh sống ở một ngôi
làng thơ mộng, đầy ắp những câu chuyện kỳ bí về người cha, về những người thợ
săn và những con thú hoang trong khu rừng. Với tâm
hồn trong sáng, hồn hậu, cô bé Rùa đã làm cho chàng sinh viên tên Đông không
tránh khỏi xao động. Mối tình đầu của họ đã nảy nở, trong veo và đẹp đẽ biết nhường nào. Câu
chuyện tình của họ đã đưa người đọc vào thế giới vừa mộng mơ, vừa hiện thực và
thấm đẫm tình người.
Lí giải về lí do viết Ngồi khóc trên cây,
nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói rằng: “Tôi muốn gửi gắm một thông điệp là mặc
dù trong xã hội hiện nay có nhiều người đối xử với nhau bạo lực, vô cảm nhưng
thực ra đó chỉ là một phần của hiện thực cuộc sống. Bên cạnh những cảnh như vậy
cũng còn rất nhiều người tử tế”(3). Khi cuộc sống hiện đại đầy rẫy sự hồ nghi
và nhiều cái xấu, cái ác, cái ích kỉ khiến trẻ hoang mang, thông qua tình cảm
trong sáng của Rùa, ông đã gửi tới độc giả nhỏ tuổi thông điệp về lòng tin và
điều tốt luôn hiện hữu trên đời. Ở đây,
nhà văn còn khéo léo truyền đi thông điệp về ý thức bảo vệ rừng, sống
thân thiện với môi trường. Hành động của Rùa, tình yêu của Rùa dành cho những
người bạn thú nhỏ như con Tập Tễnh, thằng Miếng Vá,... đã thổi vào lòng bạn nhỏ
tình yêu thương loài vật, niềm yêu thích được sống gần gũi với thiên nhiên, hòa
đồng với cỏ cây, hoa lá để khi mùa hè đến các em có dịp trải nghiệm cuộc sống
thôn dã.
Theo nhà nghiên cứu Lã Thị Bắc Lý: “Nguyễn Nhật Ánh khai thác những kỉ
niệm tuổi học sinh của mình để viết lên những trang văn trữ tình đầy chất thơ
mà cũng rất hóm hỉnh. Anh hiểu thấu những biến chuyển tâm lí tinh tế của cái
tuổi đang ngấp nghé làm người lớn với những rung động, đôi khi bất ngờ đến khó
hiểu”(4). Nhận định này là có cơ sở, thể hiện rõ ở tác phẩm Bảy bước tới mùa hè. Bối cảnh câu chuyện là kì nghỉ hè ở quê ngoại của cậu
bé Khoa. Đó là chuyến “du lịch thường niên”, nhưng năm nay lại có nhiều đổi
thay trong xúc cảm của cậu, khi “chỉ sau một năm không gặp, nhỏ Trang xuất hiện
trong mắt Khoa y như một con người khác”. Qua từng trang sách, người đọc
như được hòa trong những cảm xúc trong sáng, hồn nhiên, lãng mạn của tuổi học
trò. Kết thúc kì nghỉ, Khoa chia tay cô bé Trang trong niềm bâng khuâng. Trang
tặng cho cậu “đôi hia bảy dặm” tết bằng cỏ để với đôi hia này, Khoa sẽ thấy “mùa
hè sẽ không còn xa nữa”. Sự ý tứ và sâu sắc của cô bé đã tạo hình ảnh tượng
trưng: chỉ 7 bước sẽ tới mùa hè như mong đợi của Khoa để kết thúc truyện. Nhân
vật giúp tác giả gửi đến các bạn đọc nhỏ tuổi thông điệp: biết nuôi dưỡng ước
mơ và tình cảm trong sáng ắt điều tốt đẹp sẽ đến trong một ngày không xa.
Chúng ta, dù lớn lên ở phố thị hay thôn quê, chắc hẳn đều trải
qua khoảnh khắc của buổi sáng cuộc đời đầy rung cảm ấy.
Có thể thấy rằng, Nguyễn Nhật Ánh đã nắm bắt
tinh tế diễn biến tâm lí của lứa tuổi này, và nhà văn đã có những trang viết
xúc động, lôi cuốn trong Bảy bước tới mùa
hè. Tác phẩm không chỉ miêu tả những cung bậc cảm xúc của tuổi tập làm người
người lớn mà còn đề cập tới sự chuyển biến trong tính cách của những người lớn
có quan hệ gần gũi với các em. Tiêu biểu là Dì Liên hay cằn nhằn và thầy Tám
hay "thượng cẳng tay hạ cẳng chân", vậy mà cuối cùng họ đã nên duyên
với nhau. Đó là một chi tiết bất ngờ, hàm chứa thông điệp về tình người trong
cuộc sống. Chính tình yêu đã thay đổi con người theo chiều hướng tích cực, làm
cho người hung dữ trở nên dịu dàng, nhân hậu, bao dung. Nhà văn muốn các em biết rằng: sự chân
thành sẻ chia và yêu thương là gốc rễ cho tình yêu nảy nở.
Hầu hết các truyện viết cho tuổi mới
lớn của Nguyễn Nhật Ánh đều kết thúc bằng những nỗi buồn man mác trong xa cách.
Cách xa chút vấn vương của tình cảm đầu đời, cách xa những tháng ngày hồn
nhiên, trong trẻo, cách xa sân ga tuổi nhỏ. Đó là bức thông điệp chia tay thời
thơ ấu trong hành trình trưởng thành của đời người. Cuộc chia tay ấy bao giờ
cũng đong đầy cảm xúc.
2.
Nỗi lo về bạo lực học đường và chuyện
tình dục trước hôn nhân
Viết về tuổi học trò hôm nay, Nguyễn Nhật Ánh ghi nhận
một số thực tế đáng lo ngại xảy ra ở lứa tuổi mới lớn này. Trong các sáng tác
của nhà văn, chúng tôi thấy nổi lên có hai vấn đề - đó là bạo lực học đường và
chuyện mang thai.
Thế giới học đường bây giờ xảy ra nhiều chuyện bạo lực
và giới trẻ đang đối mặt với vấn nạn cuồng ghen. Nhà văn không thể thờ ơ với
những gì đang diễn ra. Viết Ngày xưa có
một chuyện tình, Nguyễn Nhật Ánh có cách cảnh tỉnh riêng đối với giới trẻ. Lời nhân vật bé Su ở phần cuối
truyện: “Gần đây, khi đọc quá nhiều tin tức trên báo về những vụ manh động giết
người vì ghen tuông hay vì hàng trăm lí do không bằng lòng với chuyện tình
duyên, tôi càng ngưỡng mộ cách hành xử của mẹ tôi, ba tôi và bố tôi…” đã cho
thấy những trăn trở của nhà văn về các vấn đề xã hội, nhất là những vấn đề liên
quan đến tình yêu nam nữ trong giới trẻ. Khi cách hành xử của một số bạn trẻ
làm nhiều người mất niềm tin vào các giá trị của tình yêu, thì câu chuyện của
Nguyễn Nhật Ánh mang đến một niềm tin vào thứ tình cảm thiêng liêng này. Nhẹ
nhàng mà sâu lắng, qua chuyện tình cảm của Phúc, Miền và Vinh, Nguyễn Nhật Ánh
nhắn nhủ một điều rằng: “Tình yêu không phải là một trận tuyến và trái tim
người con gái cũng không phải bốt đồn. Nó cũng khác với tiền bạc và quyền lực,
không phải là thứ để tranh đoạt và có thể tranh đoạt”. Tình yêu không có chỗ
cho bạo lực và lòng thù hận, cho những hả hê của đòn ghen. Tình yêu, đó phải là
mảnh đất của yêu thương và vị tha.
Là người luôn gần gũi các em, sống với tâm thế của các em, Nguyễn Nhật
Ánh đã sàng lọc thực tại qua tâm hồn mình để tạo ra một thế giới văn chương phù
hợp với sự tiếp cận của trẻ. Các em như trang giấy trắng, chưa tự nhận thức
được mọi vấn đề. Nhà văn đã chọn lọc những chi tiết và câu chuyện phù hợp để
hướng thiện cho chúng, tạo niềm tin ở cuộc đời và niềm vui sống nơi trẻ. Bằng
việc sử dụng chính ngôn ngữ và cách nghĩ của giới trẻ trong sáng tác, Nguyễn
Nhật Ánh lôi cuốn các em đến với việc
đọc sách. Mỗi cuốn sách của ông, nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận xét: “như mỗi
chuyến tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa, mỗi toa là mỗi bất ngờ mỗi thú vị
mỗi háo hức mỗi say mê, khi làm ta bật cười khi làm ta rưng rưng, hoặc ngồi
lặng đi suy ngẫm”(5). Trên “mỗi chuyến tàu” ấy, nhà văn khéo léo lồng ghép các
bài học giáo dục một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng, giáo dục mà như không giáo
dục.
Viết cho tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật
Ánh quan tâm tới những nét tâm lí nhạy cảm và tinh tế của những rung động đầu đời.
Bất kỳ điều gì các em thấy và suy nghĩ về thế giới xung quanh đều được nhà văn thể
hiện trên trang sách. Lần giở các tác phẩm của ông, mọi tâm trạng của trẻ, những
suy nghĩ của trẻ và cả hậu quả của việc yêu sớm ở trẻ cũng được đề cập đến. Mọi
đứa trẻ đều thấy mình và thế giới quanh mình để sau khi bước chân vào thế giới
truyện của Nguyễn Nhật Ánh và quay trở ra, các em đều sẽ tự rút ra những bài học
cho chính mình mà không chịu sự áp đặt, uốn nắn của người lớn. Những bài học giáo
dục sâu sắc từ điểm nhìn của trẻ mang đến cho các em thêm nhiều kiến thức và những
kỹ năng sống trong quá trình hoàn thiện bản thân mình.
Với các tác phẩm Mắt biếc, Đi qua hoa cúc,
và gần đây là tác phẩm Ngày xưa có một
chuyện tình, Nguyễn Nhật Ánh không ngần ngại đề cập đến việc có thai ở các
bạn nữ vị thành niên.
Ở Mắt biếc, Hà
Lan là cô gái làng quê, theo năm tháng cô cùng Ngạn, cậu bạn thân thuở thiếu
thời lên trường huyện rồi lên thành phố học. Hà Lan choáng ngợp cuộc sống xa
hoa nơi đô thị và không cưỡng lại được cám dỗ của nó nên đã bỏ lỡ tình yêu thầm
lặng mà Ngạn dành cho mình. Cô yêu Dũng - một thanh niên nhà giàu, sành điệu, giỏi
võ nhưng không nghiêm túc trong tình cảm. Rồi Hà Lan mang thai trong sự ruồng
bỏ của Dũng khiến cô suy sụp cả tinh thần và thể chất. Hà Lan làm mẹ đơn thân ở
cái tuổi 17. Từ đây, việc học hành đành gác lại và một tương lai vô định ở phía
trước.
Nhân vật Ngà
trong Đi qua hoa cúc cũng có thai trong
những ngày ôn thi tú tài. Sau những giây phút hân hoan với tình đầu đẹp đẽ, cô phải
đối mặt với cuộc sống nghiệt ngã khi bị người yêu tên là Điền lừa dối. Người
đàn ông ấy đã có vợ. Để thoát tiếng dị nghị của người đời, Ngà chọn cách trầm
mình xuống sông. Cô ra đi để lại nỗi đau xót cho bao nhiêu người. Những kết cục
tình yêu như của Hà Lan và của Ngà đúng là đẫm nước mắt và đầy tuyệt vọng. Nỗi
đau ấy không còn là của riêng của một vài cô gái, mà nó đã trở thành vấn đề
nhức nhối của xã hội hiện đại.
Vấn đề này quả đã trở thành mối bận tâm thực sự của Nguyễn Nhật Ánh.
Trong tác phẩm gần đây nhất, Ngày xưa có
một chuyện tình (2016), nhà văn tiếp tục trở lại đề tài này với nhiều thông
tin thú vị. Trong câu chuyện về “ngày xưa ấy”, người đọc bắt gặp những trang
nhật ký tuổi mới lớn đầy những trăn trở của
các nhân vật Vinh, Phúc và Miền. Ba đứa trẻ này
lớn lên ở một thị trấn miền Trung và cùng nhau trải qua những năm tháng khó
quên của thời cắp sách đến trường. Theo thời gian, trên mảnh đất tình bạn màu
mỡ đó, tình yêu tuổi học trò bắt đầu nảy nở. Sự rung động đầu đời mới đẹp làm sao! Nhưng để đi đến được
cái kết có hậu, họ cần có thêm nhiều điều kiện khác nhau nữa. Những bồng bột, dại khờ của tuổi trẻ khiến
cho họ không tránh khỏi lầm lỡ. Nhân vật Miền một ngày kia nhận ra: “Suốt một
thời gian dài, tôi trượt trên tình yêu như trượt trên vỏ chuối, ngây ngất, mê
man, chỉ khi nào té ngã thì đà trượt đó mới dừng lại”. Miền có thai để rồi khi sinh con ra Miền không được gọi bằng mẹ. Trong
tác phẩm, lần đầu tiên nhà văn đặt mình vào vị trí của nhân vật nữ để Miền tự
diễn tả tâm tư con gái khi đối mặt với hai chàng trai theo đuổi mình; sự khủng
hoảng trong tâm lí khi “không chồng mà chửa” và chuyện thay đổi cơ thể khi có
thai. Tiếp cận tác phẩm, các bạn trẻ, nhất là các em nữ như được nghe lời tự sự
của Miền, người trong cuộc, bộc bạch nỗi lòng về những gì đã trải qua khi vội
chia tay thời áo trắng để làm mẹ. Để rồi, mỗi em tự nghiệm ra những bài học cho
chính mình. Ngày xưa có một chuyện tình
như lời ông thầm nhắn nhủ đến bạn đọc “để đến được Thảo Nguyên Bình Yên, đôi khi con
người ta buộc phải leo qua Những Ngọn Núi Cao trong lòng mình”.
Nguyễn Nhật Ánh mong muốn các em không “làm chuyện người lớn” khi còn khoác áo
trắng học trò. Ông kể câu chuyện tình ngày xưa ấy giúp cho tuổi mới lớn hiểu
rằng: vượt quá giới hạn ở lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới sẽ dẫn tới hậu quả
mà chính họ không biết xử lý thế nào như nhân vật Phúc và Miền trong truyện.
Như vậy, viết cho tuổi mới lớn, nhà văn đã trực diện vào một vấn đề gai
góc của tuổi trẻ hôm nay là việc mang thai ở tuổi vị thành niên. Trên tinh thần
nhân văn, Nguyễn Nhật Ánh đã đặt ra yêu cầu cần phải quan tâm giáo dục giới
tính cho những người trẻ tuổi theo phương pháp khoa học của thời đại. Theo đó, mỗi
bạn trẻ, nhất là bạn nữ cần trang bị những kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ chính mình, tránh chạy theo lối
sống tự nhiên để tuổi hoa sẽ là mảng kí ức đẹp đẽ khi các em trưởng thành. Khi đã lỡ lầm, dù có thế nào đi
chăng nữa thì các bạn gái rất cần được đối xử một cách nhân văn, cao thượng –
như Vinh trong Ngày xưa có một chuyện
tình, hay như Ngạn trong Mắt biếc,
Trường trong Đi qua hoa cúc… Quan
trọng nhất chính là sự quan tâm, sự cảm thông từ trong gia đình, nhất là những
bậc phụ huynh. Cuộc sống vẫn cần lắm những tấm lòng bao dung, yêu thương để
giúp trẻ hoàn thiện chính mình.
Nguyễn Nhật Ánh dành cuộc đời mình viết cho bạn
đọc tuổi nhỏ. Trên hành trình sáng tạo văn chương, nhà văn đã chứng tỏ một cách
tuyệt vời sự kết hợp khéo léo vai trò người nghệ sĩ và nhà giáo dục. Chính vì
thế, Nguyễn Nhật Ánh đã liên tục đạt được nhiều thành công trong sáng tạo nghệ
thuật. Ông đã mang đến cho người đọc những bức tranh hiện thực về thế giới tuổi
thơ, nhất là về lớp người đang ở độ tuổi mới lớn. Ông cho thấy lứa tuổi này
không chỉ có mộng mơ, bao bọc; các em còn phải vất vả mưu sinh, gặp không ít
sai lầm khi chưa thực sự là một người lớn. Từ những câu chuyện nói trên, bạn đọc
sẽ rút ra được nhiều bài học nhận thức sâu sắc cho lứa tuổi của mình. Chính cảm
quan hiện thực giàu tính nhân văn đó đã làm nên chất men say cho những tác phẩm
của ông, khiến cho bạn đọc khó có thể thờ ơ trước mỗi trang viết của nhà văn.
CHÚ THÍCH
(1) Thanh Kiều
(2012), “Lê Minh Quốc lý giải “ma lực” Nguyễn Nhật Ánh: Trong nhà văn có một
nhà sư phạm”, http://thethaovanhoa.vn, truy cập ngày 01/06.
(2) Anh Vân
(2006), “Nguyễn Nhật Ánh: “Nhà văn là trụ
đỡ tinh thần các em”, http://Vnexpress.net, truy cập ngày 31/5.
(3) Thanh Mai (2013), “Nguyễn Nhật Ánh đưa "Ngồi khóc trên cây" ra Hà
Nội”, http://vov.vn,
truy cập ngày 07/07.
(4) Lã Thị
Bắc Lý (2015), “Nguyễn Nhật Ánh người giữ lửa cho văn học thiếu nhi”, Nguyễn Nhật Ánh hiệp sĩ của tuổi thơ,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.23.
(5) Thanh Vân (2012), “Lê Minh Quốc viết sách về Nguyễn Nhật
Ánh”, http://giaitri.vnexpress.net, truy
cập ngày 02/9.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn
Thụy Anh (2015), “Nguyễn Nhật Ánh, một thái độ sống và viết”, Nguyễn Nhật Ánh hiệp sĩ của tuổi thơ,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.29-38.
2. Lã Thị Bắc
Lý, Văn học thiếu nhi Việt Nam thời kỳ
hội nhập, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.
3. Lê Minh
Quốc, Nguyễn Nhật Ánh- hoàng tử bé trong
thế giới tuổi thơ, NXB Kim Đồng, 2016.
4. Vân Thanh (2015),
“Văn học thiếu nhi Việt Nam với một lịch sử: từ Tô Hoài đến Nguyễn Nhật Ánh”, Nguyễn Nhật Ánh hiệp sĩ của tuổi thơ,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.116-125.
5. Trần Quốc
Toàn (2015), “Sáu ghi nhận từ bút lực Nguyễn Nhật Ánh”, Nguyễn Nhật Ánh hiệp sĩ của tuổi thơ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội,
tr.138-145.
6. Trần Thị
Trâm (2015), “Nguyễn Nhật Ánh người đổi mới văn học trẻ hôm nay”, Nguyễn Nhật Ánh hiệp sĩ của tuổi thơ,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.160-168.
* Nguồn: Kỷ yếu Hội nghị NCKH Ngữ văn năm 2017, tr 196, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Quy Nhơn
Bình Định, tháng 5 năm 2017
0 nhận xét:
Đăng nhận xét