Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN TUÂN TỪ "CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ" ĐẾN "NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ"

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là một nhà văn có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dân tộc sâu sắc, gắn bó đầy tự hào với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân dộc. Ông có hai chặng đường sáng tác khá rõ rệt: Trước và sau cách mạng tháng Tám nhưng dù ở chặng nào thì nhà văn cũng mải mê đi tìm cái đẹp, luôn bảo vệ cái đẹp bất tử trong từng giá trị của nó. Trong hai tác phẩm “Chữ người tử tù”“Người lái đò sông Đà”, người đọc vẫn bắt gặp một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác. Tuy nhiên, giữa hai tác phẩm còn rất nhiều khác nhau về phong cách nghệ thuật của tác giả.
          Nét ổn định đã làm nên phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Nhà văn viết hai tác phẩm thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến con người có phẩm chất tài hoa và ở họ đều mang phẩm chất người nghệ sĩ. “Chữ người tử tù” xuất hiện một Huấn Cao dám chống lại triều định phong kiến thối nát với hoài bão tung hoành của một con người có lí tưởng sống cao cả, khát vọng tự do; là tử tù nhưng không bị khuất phục trước sức mạng cường quyền; là nghệ sĩ nhưng không vì vàng ngọc mà ép mình viết chữ; là anh hùng đầy kiêu hãnh, khinh bạc trước cái tầm thường của xã hội nhưng vẫn biết cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục. Cho tới sau cách mạng tháng Tám, “Người lái đò sông Đà” ra đời dựng nên người lái đò không tên tuổi nhưng đầy tài năng, dũng cảm và sở thích mạo hiểm: “Chạy đò trên đoạn sông không có thác nó dễ dại tay, dại chân và bù ngủ”(có bản viết “buồn ngủ”). Mấy ai dám làm nghề nguy hiểm vất vả trên sông nước ấy. Trước một dòng sông hung bạo đến thế, ông lái đò vẫn bình tĩnh tự tin vào tài năng trí tuệ của mình. Bởi lẽ đó mà người lái đò lại hiện lên như một chiến sĩ dũng tướng.
          Hai tác phẩm dường như không quan tâm đến những chi tiết thuộc về đời thường nên hình tượng nổi bật hơn về lí tưởng cao cả. Không người đọc nào phải băn khoăn về đời tư Huấn Cao. Nhà văn chỉ tập trung vào phát họa chân dung, thần thái của nhân vật trong những ngày tháng vào kinh chịu án. Bút pháp lãng mạn trong xây dựng nhân vật chủ yếu là những nét vờn vẽ trên nền chung của cảnh tượng xưa nay chưa từng có: “Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô những nét chữ trên tấm lụa trắng tinh, căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò thì run run bưng chậu mực.” Tác phẩm thứ hai cũng vậy. Người lái đò là ông bạn của tác giả đang sống giữa cuộc đời này cùng với công cuộc xây dựng đất nước nhưng tác giả cũng bỏ qua những chi tiết về đời thường. Nguyễn Tuân chủ yếu giới thiệu nhân vật với sự thông minh và trí tuệ, tài hoa trong lao động với một vẻ đẹp của một dũng tướng anh hùng trước trận chiến sông Đà. Tác giả tập trung thể hiện hình ảnh của nhân vật trong chuyến đò cuối cùng trước khi giải nghệ vì thế mà nhân vật có dịp biểu diễn tài năng lái đò của mình. Hình tượng nhân vật cũng trở nên lớn lao, phi thường trước cái lớn lao của thiên nhiên hùng vĩ.
          Phong cách chung là thế nhưng ở mỗi tác phẩm Nguyễn Tuân còn sáng tạo riêng cho mình những sự khác biệt cả  về nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật.
          Nội dung tư tưởng trước và sau cách mạng tháng Tám cũng có sự thay đổi. Trước cách mạng tháng Tám “Chữ người tử tù”  chiếu lên anh hùng lẫm liệt Huấn Cao khí phách nhưng vẫn là một anh hùng thất trận, tử tù. Tuy nhiên Nguyễn Tuân để ý nhiều hơn chuyện cho chữ của ôn Huấn. Nghệ sĩ Huấn hẳn người của một người khoa bảng cho chữ và xin chữ để thưởng thức, để giữ gìn. Đó là hiện thân văn hóa truyền thống tốt đẹp ông cha ta. Ngợi ca Huấn  là ngợi ca truyền thống dân tộc, ít nhiều bày tỏ thái độ không chịu làm lành trước hiện thực nhơ nhớp ngục tù của hiện thực xã hội đương thời. Sau cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân lại tìm đến cái đẹp ở người lao động cùng thời của nhà văn. Chất nghệ sĩ ở đây là con người trong lao động gắn bó với hiện thực cuộc sống. Người lái đò là người anh hùng chiến thắng thiên nhiên rộng lớn và vẻ đẹp phi thường được thể hiện trong hình cảnh người lái đò đã năm được quy luật tất yếu của dòng sông Đà. Nếu Huấn Cao là nghệ sĩ sáng tạo ra thư pháp thì  người lái đò là nghệ sĩ biểu diễn, thi tài với tạo hóa; đó là người nghệ sĩ đang khoe tài đầy mạo hiểm trước sân khấu biểu diễn thác nước để rồi qua đó nhà văn ngợi ca vẻ đẹp bất tử của cái đẹp trong lao động.
          Về nghệ thuật cũng thết. “Chữ người tử tù” là một truyện ngắn thành công trong việc sáng tạo nhân vật, dựng hình tượng nhân vật, nhất là trong không khí cổ kính trang nghiêm. Bút pháp hiện thực và lãng mạn vẫn toát lên chất trữ tình mặc dù truyện ngắn chưa phải là sở trường của ông. “Người lái đò sông Đà” lại khác. Nó là tùy bút được Nguyễn Tuân xem như độc tấu. Tùy bút của ông mang yếu tố truyện mà tác giả đã thành công khi vẽ nhân vật. Đặc biệt với tùy bút này, nhà văn được thể hiện tài năng của một chuyên viên tiếng Việt, ngôn ngữ tinh tế, hình ảnh được sử dụng sáng tạo, mới mẻ, hấp dẫn.
          Như phần trên đã nói, ngoài sự ổn định thì phong cách của Nguyễn Tuân vẫn có sự mới mẻ trong từng giai đoạn. Có lúc nó hùng tráng, nghiêm trang, có lúc nhẹ nhàng mà thoáng đãng nhưng dù ở khía cạnh nào tác giả vẫn thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật người nghệ sĩ tài hoa. Do đó, độc giả cần khích lệ nhà văn trên con đường sáng tác của mình để tâm hồn kia sẽ là một trong những nhà văn vang bóng một thời.

                                                                                                HƯƠNG NAM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét