Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

SAO XUÂN TRỄ HẸN?

Những cơn mưa dai dẳng bắt đầu thưa dần, nhường chỗ cho cái nắng dịu hiền kéo mùa xuân sang. Năm nay xuân chuyển mình một cách chậm chạp. Những bông hoa vạn thọ vàng tươi sau vườn vẫn chưa khô nước đọng trên cánh, đôi con ong còn ngủ vùi trong lỗ cây tre khô ở gác mái hiên và người đi mua sắm chưa thấy nhộn nhịp.
Bao giờ cũng thế, cứ đến gần độ cuối tháng Chạp là không khí dường như nóng lên, trong đó có cả lòng người. Nhà tôi nằm sát bến xe nên chẳng lạ gì cảnh mỗi sáng hàng trăm người tay xách, tay mang từ trên xe xuống. Họ rủ nhau về quê, về với gia đình. Ở đây lúc nào cũng nhộn nhịp nhưng thời gian này nó nhộn nhịp gấp năm gấp bảy. Tiếng gọi xe taxi, tiếng tài đón khách gọi chí chóe, người cầm cành đào, cành mai, người mang túi quà, hộp bánh… Nhìn cảnh đó, tôi thấy thương cho thân phận người tha phương, vất vả quanh năm xứ người để rồi chờ mỏi mòn đến cái Tết mà về sum họp gia đình. Hết Tết họ lại đi, chắc lòng họ ngậm ngùi lắm!
Chợ xuân năm nay cũng muộn. Đã hai mươi tháng chạp rồi mà chưa đông đúc. Người mua đâu? Người bán đâu? Mà chỉ còn đó những người với vài nắm rau, mớ cá biển cùng các hàng tạp hóa. Tôi đứng lặng giữa gốc cây đa mà suy tư. Mới năm ngoái thôi, tại nơi tôi đứng còn bày bán biết bao nhiêu thứ đồ lễ, đồ trang trí cho ngày Tết. Cây đa già là “cái giá” treo bao lì xì. Xung quanh cây nào mai, nào cúc,… làm cho khoảng đất đó rực rỡ đủ các màu sắc. Sống mũi tôi cay cay khi nghĩ đến ngày nay con người bận rộn trong nhịp quay hối hả của guồng máy kinh tế nên sẽ có lúc họ quên cái thiêng liêng của Tết – quê – mình. Đã xa rồi hình ảnh những người viết chữ thư pháp những ngày đầu năm. Giờ tìm đâu ra một ông đồ ngồi viết chữ nữa? Có chăng là những bản in từ máy một cách nhạt nhòa ý nghĩa. Bất giác, tôi rùng mình vì sợ mai này Tết cũng sẽ mai một và biến mất như ông đồ “muôn năm cũ” của Vũ Đình Liên:
“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Tôi đang chờ đón mùa xuân. Chính sân ga này đã bao lần tôi tiễn mùa xuân đi và đón mùa xuân về trong nước mắt và niềm vui. Ba tôi chính là mùa xuân của cả gia đình và của riêng tôi. Ngày đó, nhà tôi còn nghèo khó. Anh em tôi có tới ba người học, mẹ lại hay đau ốm nên cuộc sống chật vật biết bao. Ba buồn lắm. Quá bất lực với mảnh đất này, ông quyết định vô Sài Gòn với hi vọng nhỏ nhoi trang trải đủ cho gia đình mình. Ngày bố đi, mẹ, tôi khóc nức nở bởi lẽ ở cái tuổi bốn mươi rồi mà bố còn lênh đênh phương trời chỉ vì gia đình, vì con cái. Sân ga hôm đó, nhuốm màu buồn. Thế rồi Tết ông về, mùa xuân như về sớm trước mấy ngày ở gia đình tôi. Bố vẫn khỏe mạnh, bố đem tiền về may áo mới cho tôi, mua đôi dép cho mẹ và đồ đạc đón Tết. Thấm thoát mà cũng tám năm, nay tôi đã lên đại học. Gánh nặng vẫn còn nặng trên đôi vai bố. Thi xong được nghỉ sớm, tôi về sớm và nay ra đón bố. Tám lần đón rồi nhưng lần nào cũng hồi hộp cả. Giờ cũng vậy, quá giờ tàu đến mà sao xuân trễ hẹn chưa về?
Qua cái xuân này gia đình tôi sẽ đổi mới. Chẳng còn ai học nữa cả, đồng nghĩa với bố tôi sẽ được ở nhà cùng với gia đình. Ra trường, tôi sẽ là một thầy giáo ngày hai buổi cắp sách lên bục giảng. Mơ ước này cũng là của song thân và cũng là của tôi. Lương nhà giáo sẽ không cao nhưng tình cảm gia đình đầy ắp thì thiếu cũng thành đủ. Qua đi lần chờ đợi này, xuân sẽ ở bên gia đình tôi mãi mãi, sẽ không còn cảnh khóc ngày tiễn, hồi hộp ngày trở về mà ở đấy chỉ có một gia đình hạnh phúc bên nhau khi Tết đến xuân về, khi  Tết qua đi và khi Tết lại đến. Thế mà xuân ơi, sao xuân chưa về?

                                                                                                          HƯƠNG NAM

*Bài đăng trên Tạp chí Giáo dục và Thời đại Chủ nhật số 1 Xuân 2017
* Đăng lần 2 trên báo Giáo dục và thời đại
* Đăng lần 3 trên Tạp chí Giáo dục và Thời đại Số đặc biệt  tháng 2 Xuân 2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét