Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

NỖI DAY DỨT BỘN BỀ TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA PHONG ĐIỆP (Nguyễn Thị Thủy - Lớp Cao học Văn học Việt Nam K19 - ĐHQN)





       Trong bài viết “Văn xuôi hậu hiện đại Việt, đôi điều trao đổi… in trên báo Văn nghệ số 14/2013, tác giả Hà Quảng đã liệt kê một loạt gương mặt mới, tiêu biểu cho văn xuôi hậu hiện đại như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Thị Xuân Hà, Lê Anh Hoài, Nguyễn Đình Chính, Phong Điệp, Phùng Văn Khai, Sương Nguyệt Minh, Di Li, Y Ban... tuy nhiên, mỗi người mang một phong thái riêng trong sáng tác của mình. Phong Điệp được coi là một trong những nhà văn trẻ có những tìm tòi cách tân trong hình thức thể hiện của văn xuôi, đặc biệt với thể loại truyện ngắn. Trong các tập truyện ngắn của mình, tác giả luôn thường trực nỗi day dứt về mọi mặt của cuộc sống hiện đại. Từ nỗi lo cơm áo, gạo, tiền đến mối quan hệ gia đình; từ số phận con người đến những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống, kể cả lối sống ảo của thanh niên với các trang mạng xã hội… đều hiện lên trên từng trang sách. Chính chị đã tâm sự trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Tôi luôn có cảm giác bấp bênh và âu lo về đời sống đô thị này. Những rủi ro bất trắc quá nhiều”. Với nỗi lo ấy Hoàng Quảng Uyên đã có hình ảnh so sánh thật ấn tượng: “Người trẻ văn già”. Cái “chất già” ấy in lên từng trang sách. Và tôi thấy chị còn là người phụ nữ với cõi lòng đầy trắc ẩn, đi tìm kiếm hạnh phúc bình dị đời thường.
          Nhà văn Phong Điệp, hiện là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, là trưởng ban biên tập báo Văn nghệ Trẻ. Chị bén duyên với sự nghiệp văn chương từ lúc nhỏ. Lớp 3 đã sáng tác thơ, 13 tuổi được mời đi dự trại sáng tác của tỉnh Nam Ðịnh. Sau thời gian này, Phong Điệp đã tạo ấn tượng trong Trần Đăng Khoa “Ở chị vẫn còn nguyên nét rụt rè, bẽn lẽn của lứa tuổi học trò.Vậy mà lúc ấy, Phong Điệp đã là tác giả của hàng chục truyện ngắn đăng rải rác trên các báo chí”. Cũng là cái duyên nghề nghiệp, cả gia đình đều theo nghề bác sỹ, Phong Điệp theo trường Đại học Luật. Đến nay, cô đã có bằng Cử nhân Luật; Cử nhân Kinh tế và là một cây bút trẻ của văn học Việt Nam. Cùng thời với chị ta thấy một Nguyễn Ngọc Tư với chất Nam Bộ đậm đà và nỗi đau quay quắt về con người “lạc loài”; một Đỗ Bích Thúy với núi rừng và những con người thuần phác. Phong Điệp tìm cho mình một lối rẽ mới không một chút nhẹ nhàng trên nẻo đường văn học. Chị đã khẳng định “nẻo đường” của mình qua nhiều thể loại: Thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn. Theo DiLi, “Chỉ trong vòng 13 năm, nhà văn Phong Điệp đã cho ra đời 11 cuốn sách. Đó là một con số đáng nể với bất kỳ nhà văn nào. Phong Điệp viết nghiêm túc, thái độ với nghề rất nghiêm túc”. (Bài in trên báo Người Hà Nội, số 32). Còn tôi, tôi tìm đến với Phong Điệp qua những nỗi day dứt bộn bề về cuộc sống, về những ám ảnh đời thường trong truyện ngắn của chị. Dù đọc chưa nhiều nhưng sao những trang văn ấy bắt tôi ngẫm nhiều đến vậy, ngẫm rồi day dứt khôn nguôi. Đầu tiên tôi thấy sáng tác của Phong Điệp rất tự nhiên, giọng văn có vẻ lạnh lùng, cái lạnh lùng để bắt lấy những khoảng khắc của cuộc sống, phán ánh văn hóa hiện đại. Số phận người phụ nữ đầy đau đớn xót xa (Tàn Tro; Tiểu Lan…); Sự ma mị không thể giải thích (Vườn hoang; Ngôi nhà hoang vắng; Ma mèo…); Cuộc sống đô thị với nhiều góc khuất (Phòng trọ; Người của ngày hôm qua; Trở về; Biên bản bão…). Cách Viết của Phong Điệp có nét bàng bạc nhẹ nhàng, gợi chứ không tả. Sau mỗi tác phẩm, tác giả không kết luận, không nhận xét từ đó mở ra một trường “vỹ thanh” trong lòng người đọc – Đó là thế giới riêng không lẫn vào ai cả của nhà văn trẻ này. Tiếp theo, ta nhận thấy truyện ngắn của Phong Điệp hầu như không có cốt truyện, không dễ gì để tóm tắt, cứ phải ngẫm thôi. Đặc biệt tiết tấu truyện khá nhanh, câu chữ đã được rút gọn, nhan đề tác phẩm đầy sức gợi (Đứa trẻ và người đàn ông mặt ốm; mẹ và con và trần thế; Biên bản bão, Chàng trông xe hạnh phúc;Nho xanh và cáo già; Người của ngày hôm qua…).
 Sự xuất hiện của Phong Điệp trong làng văn Việt Nam thật nhẹ nhàng. Với sở trường viết truyện ngắn, tác giả đã đem đến cho người đọc nhiều góc nhìn về cuộc sống hiện đại cũng với những nỗi đau day dứt. Truyện ngắn của Phong Điệp không mới nhưng ta lại phải suy ngẫm thật nhiều. Sự suy ngẫm ấy đến từ câu chuyện Tiểu Lan. Mở đầu câu chuyện là “Tiểu Lan là một đứa trẻ đáng ghét”. Tại sao lại vậy? Tại vì Tiểu Lan ra đời thì mẹ nó chết. Thì ra tại nó mà mẹ nó phải chết. Bố nó đã nói khi nó vừa ra đời “Tiểu lan ơi là Tiểu Lan, mày có phải là nghiệp chướng của bố mẹ không, con?”. Câu nói ấy đã đi suốt cuộc đời nàng Tiểu Lan như một sự thật hiển nhiên. Số phận nàng cũng gắn với câu nói đó. Có phải vì không có mẹ chăm sóc nên tên là Lan nhưng lại mang trên mình mùi tanh nồng nặc. Cũng vì nó mà Lan “thui thủi một mình” rồi “sự cô độc biến Lan thành một đứa trẻ nhút nhát và ít nói”. Lan nào muốn! Lan giúp người thế mà bị hiểu sai. Lan im lặng để bị người đàn bà có đứa con được Lan cứu chửi, im lặng để cha gọi là “nghiệp chướng”. Càng ngày xã hội loài người như đẩy Lan ra xa hơn để “nó đâm ra lãnh cảm với mọi thứ tình cảm yêu, ghét, giận, hờn.”, xa hơn nữa là Lan không có những bí mật của người con gái tuổi dậy thì. Rồi người cha mất, Lan ở với dì và đứa em gái cùng cha khác mẹ cứ như truyện cổ tích Tấm Cám vậy. Khốn nỗi, nếu Tấm xinh, Cám xấu, thì ở đây Lan xấu, đứa em lại xinh. Lan có làn da đen nhẻm, chân đi chữ bát, mặt dài, hơi gãy, tóc bị bò liếm, khuôn mặt ngẳng ra, câng câng. Dì ghẻ đối với Lan không đến nỗi nào, dì đã tìm cho Lan một tấm chồng mà “ông ta không hề có ý đụng chạm đến cô” bởi ông ta thỉnh thoảng “lên cơn co giật, mũi mồm méo xệch”. Cuộc đời Lan xáo trộn khi người em gửi con cho cô nuôi vì hai vợ chồng nó li dị, vì nhà nội từ chối cháu, vì bà ngoại không đủ sức khỏe. Thế là Lan nuôi. Cô gái đồng trinh ấy nuôi con cũng mang trong mình niềm hạnh phúc như bao người mẹ khác. Thế mà, lần đầu tiên Phong Điệp miêu tả vẻ mặt tươi vui, hớn hở của Lan khi đi xem điểm thi học sinh giỏi cho con cũng là lần duy nhất ta thấy Lan vui trong truyện. Để rồi lại trả lại với vẻ mặt đau đớn loang lổ máu cạnh chiếc xe máy bị đâm tan tành. Lan chết. Chết mà không có một bức ảnh, không có chứng minh thư. Phong Điệp đã để Lan tồn tại, chịu đựng bao nỗi đau và chết khi gương mặt còn đau đớn phải chăng đó là những gì Lan phải chịu như là số phận, như là lời than của cha lúc Lan mới ra đời. Như vậy, vừa ra đời Lan đã có tội, và cô bị trừng phạt trong suốt cuộc đời mình? Nỗi đau của “Tiểu Lan” nhẹ nhàng mà thấm thía, xót xa như một “biên bản bão” của cuộc đời để lại “tàn tro” dai dẳng.

Đọc “Tiểu Lan” tôi lại nhớ tới “Ở hiền” của Nam Cao. Nhu ở hiền “như một ngụm nước mưa”. Ngụm nước mưa ấy “lành quá nên người ta bắt nạt”. Nhu bị bắt nạt suốt cả cuộc đời mình. Tiểu Lan cũng hiền cũng bị bắt nạt. Phải chăng đó là nỗi đau muôn đời của những người phụ nữ “ở hiền”?

Ngoài nỗi đau nàng Tiểu Lan, số phận người phụ nữ còn được tác giả thể hiện một cách khắc khoải trong Tàn tro. Lại một cung bậc suy ngẫm mới cao hơn đau hơn. Đây là tác phẩm được in đầu tiên trong tập truyện mới nhất của Phong Điệp Biên bản bão. Tập truyện gồm 11 truyện ngắn, nó luôn day dứt bởi mỗi số phận, mỗi nhân vật, mỗi con người trong từng tác phẩm…
Cách giới thiệu đầu tác phẩm gợi cho người đọc hiểu rõ được bản chất tên của Dốc Mù “người trước bước người sau không thấy lối. Hơi thởi khào khào qua gáy mà không thấy người”. Khi ở tại Dốc Mù thì “có mắt như mù”. Cách giới thiệu bàng bạc mà lại gây được ấn tượng sâu đậm, vừa thực vừ hư ảo có chút ma mị, liêu trai. Gắn với Dốc Mù là số phận của Linh. Không chỉ nỗi đau của người phụ nữ, mà tác giả còn phả vào đó hơi thở mới của thời đại bởi Linh không nghe lời mẹ, chưa có những hiểu biết về tình yêu nên đã lấy một bạch mã hoàng tử mà chỉ có được cái mã với vẻ ngoài bảnh bao “ngoài bản năng con đực, còn lại chẳng có gì để tin tưởng cả”. Sau khi cưới, anh chàng bạch mã ấy đã khai thác tối đa sức người, tình yêu của Linh. Linh phải đi bán ngô nướng phục vụ, nhẫn nhục chịu đựng kết quả của “tình yêu sét đánh”. Đau đớn hơn, khi bán ngô nướng về Linh bị chồng “vật ngửa ra, giải đen”. Phong Diệp không né tránh những cảnh sex, nhưng mỗi biểu hiện của cảnh sex trong Tàn tro lại tăng lên hơn nữa nỗi đau của người phụ nữ. Vì vậy, lần này hắn “hì hục như chó gặm xương”. Sau những lần như thế hắn đã để lại kết quả là hai đứa con cho Linh. Nó chỉ việc ngồi nhà “bùm chíu bùm chíu” khi Linh phải “một đứa địu lưng, một đứa kê ghế ngồi bên cạnh” để bán ngô nướng mưu sinh. Công cuộc mưu sinh không đơn giản. Đó là góc khuất của cuộc sống được phơi bày. Sau hôn nhân người phụ nữ muôn thủa của mọi thời đại đánh mất đi vai trò, vẻ đẹp, sự kiêu hãnh của một Công chúa mà xuống ngay thân phận nô tỳ.  Những nỗi lo về cơm áo, còn phải nuôi con, bám vào nghề du lịch đang phát triển ở thị trấn Bạc, Linh cùng với Đào và Tuyết lên đỉnh Dốc Mù bán đồ nướng với: trứng nướng, thịt nướng, khoai nướng, xôi nướng. Nếu người phụ nữ hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu dù khó khăn, dù bị bạo hành nhưng vẫn chắt chiu hạnh phúc đời thường “ vui nhất khi nhìn đàn con chúng nó được ăn no” thì Linh lại không có một niềm vui nào. Bi kịch đến khi Sàng -  người đã yêu mình da diết xuất hiện trên Dốc Mù giúp Linh “dỡ mái che, quấn bạt”. Linh đã phải hứng cả phích nước sôi vào người từ chồng mình. Bi kịch về sex đầy căng thẳng “gã ấn mặt Linh vào của quý của mình, bắt Linh làm bằng miệng, bằng tay”. Rồi đêm ấy “gió như con ngựa hoang”, “ mưa quất vun vút”, Linh vẫn gồng gánh lên Dốc Mù. Tác giả không miêu tả nhiều mà chỉ gợi “cả đỉnh Dốc Mù rừng rực cháy trong đêm”. Lời văn của tác giả cũng thật dửng dưng “tôi không biết gì về Linh”. Sao ta không ngẫm được, không day dứt được về câu chuyện ấy. Nước mắt cũng đã được lấy đi, sự căm tức, sự phẫn nộ tăng lên nhưng Phong Điệp không xoa dịu điều đó cho độc giả mà cứ thế, để nó nhói đau trong lòng.
Mỗi trang văn của Phong Điệp là một nỗi trăn trở ghê gớm. Sự hòa quyện giữa hiện đại và cổ điển, giữa sự níu kéo vẻ đẹp truyền thống với thực tại cuộc sống luôn là một nỗi đau nhói. Nỗi đau ấy được biểu hiện trong Mẹ và con và trần thế. Người mẹ nhân hậu tự dằn vặt mình vì đứa con nuôi. Trong khi nó lại khát vọng tìm được ngôi nhà đích thực của mình với những ảo tưởng “cha mẹ đẻ ra nó không phải là người quyền thế thì cũng là người giầu có”. Để rồi hiện thực xuất hiện, gia đình mà nó tưởng tượng lại có ba thằng con trai to lừng lững với “ánh mắt chẳng mấy thiện cảm”. Một người đàn ông cởi trần trùng trục và một người phụ nữ với lời nói ngọng. Nó hận. Nó không thiết sống, nó lại làm bà đau khổ hơn. Bời “bà là mẹ nó”. Hình ảnh người phụ nữ trong trang văn của Phong Điệp vừa phảng phất nỗi đau của người phụ nữ ngày trước vừa mang dấu ấn hiện đại. Đó cũng là nỗi đau chung của người phụ nữ ngày nay. Phải chăng tác giả đã tuyên ngôn về số phận người phụ nững trong Vườn hoang "Người phụ nữ có bao giờ hết đau khổ đâu. Chuyện tình cảm, chuyện gia đình, đủ thứ chuyện phải âu lo. Số phận may mắn thì đỡ khổ hơn". 
Bên cạnh nỗi day dứt về số phận của người phụ nữ, sáng tác của Phong Điệp còn chứa đựng những vấn đề có vẻ ma mị, tâm linh, không thể lý giải một cách rõ ràng. Không thể lý giải nên day dứt khôn nguôi. Với Ma mèo; Ngôi nhà hoang vắng; Vườn hoang… ta cảm nhận được điều đó. Trộn lẫn giữa số phận người phụ nữ và cõi tâm linh, thế giới cõi âm là một nét đẹp độc đáo, lạ lẫm và đầy thu hút trong Vườn hoang. Người cõi âm nằm yên nói chuyện quá khứ ở dương thế. Người cõi dương phàm tục đầy lừa lọc, dối trá. Sự gặp nhau trong hai cõi là tấm lòng nhân ái bao dung. Vẫn đó là lối sống đô thị ồn ào đầy toan tính, là những nỗi đau sót lại thời hậu chiến, nhưng sự đan cài nhiều yếu tố, nhiều góc nhìn đã làm cho Vườn hoang “không còn hoang nữa”. Nó đã có chủ, nó sống trong lòng người đọc. Tác phẩm có hai thế giới cùng tồn tại: Thế giới cõi âm với hai bộ xương khô của hai cô gái hy sinh thời kháng chiến. Mà trong đó cô gái “thường mang theo súng, mặc áo gài kín cổ, thắt lưng nai nịt” bị chồng cô còn lại bắn chết. Chồng cô ta là lính chiêu hồi. Thế giới cõi dương với nhân vật Miên, có một “tuổi thơ dữ dội” khi sống với mẹ và bố dượng phải “bạc mồm ra nhai mảnh đậu phụ vỡ để chờ giờ ăn cơm thường diễn ra vào nửa đêm.” Nhân vật Miên với tuổi thơ đầy khó khăn. Mười ba tuổi sống cùng mẹ và cha dượng trong xưởng làm đậu phụ với những công việc liên tục: Ngâm đậu, lọc bã đậu, vo bã đậu thành những viên tròn. Mười ba tuổi cha dượng cho nghỉ học với lý do “Không có tiền mới chết chứ không có chữ thì chẳng ai chết cả”. Cuộc sống khổ sở hơn khi mẹ bị ung thư mà chết, cha dượng “tha ngay người đàn bà lạ về nhà bắt Miên hầu hạ”. Cô lại phải chứng kiến tiếng “rú trong những cuộc giao hoan nửa đêm khiến cô không tài nào ngủ được”. Cuộc sống kinh hoàng trong ngôi nhà không cùng huyết thống đã làm cho cô không chịu được và bỏ đi. Bản năng sống buộc cô phải tồn tại, cô phải làm để sống để không phải trở về nơi kinh hoàng ấy. Thế mà cái đêm định mệnh khi cô ngã vào kho muối đã đeo đẳng suốt đời cô. Cô không biết hắn là ai mà chỉ nhớ “đó là gã đàn ông có mùi tanh của cá và hàng ria cứng như thép” đã “ghì siết lấy cơ thể mền nhũn của cô”. Cô hận mình không thể chết đi được. Từ đó cô có ý thức sẽ trả thù mà chỉ biết hắn sống quanh quẩn nơi bến cảng sông. Sự việc ấy ám ảnh mãi trong cô.  Khi biết mình có bầu ấy là khi “hạt máu nhơ nhuốc” lớn dần, bệnh viện từ chối phá thai. Khi sinh con một cách lén lút cô đã “hối hả ấn vào tay một đôi vợ chồng già hiếm muộn”. Những chi tiết trên phản ánh hiện thực nhói đau của ngày hôm nay. Cô thấy mình được giải thoát, chỉ xin lại cái nhau thai chôn trong một vườn hoang. Hạt máu ấy lớn lên rồi đi học “qua ngã tư bị xe máy chẹt phải. Cái đầu nó đập trúng gờ xi măng của dải phân cách”. Trong cô có sự giằng xé giữa bổn phận của một người làm mẹ với nỗi đau thể xác mà hậu quả của nó là sự xuất hiện của con bé. Khi sinh con thì không một lần cho con bú, sự hiện diện của nó là bằng chứng cho nỗi ô nhục của cô, cho nỗi đau mà cô chưa tìm ra kẻ để trả thù. Sự hiện diện của nó cứ như là sự đùa dai của số phận, làm cô càng thêm thù hằn nó. Nó hiện diện như để cho thiên hạ thấy “cô là người mẹ tồi tệ đến thế nào”. Cô đã thầm mong nó tự nhiên biến mất. Thế mà khi con bé chết, cô mới nhận ra mình đánh mất một điều gì đó hết sức thiêng liêng “mà cũng chẳng thanh thản hơn” như trước đây cô mong muốn. Nỗi đau, sự mặc cảm của cô đã trút lên sự hiện diện của đứa bé. Dù đã cho đứa bé đi, nhưng cô vẫn không thể nào quên được. Đó là bản năng của người mẹ. Khi cô ở tuổi vị thành niên cô phải chứng kiến cảnh cha dượng với người đàn bà lạ “rú trong những cuộc giao hoan nửa đêm khiến cô không tài nào ngủ được”. Lớn lên lại bị “gã đàn ông có mùi tanh của cá và hàng ria cứng như thép” hãm hiếp, phải chăng đó là lý do mãi sau này cô không lấy chồng mà cũng chẳng “tranh vợ cướp chồng” khi gã Mụn ruồi nói “anh đang làm thủ tục ly dị”. Sự từng trải của cuộc đời làm cô khinh bỉ hết những người đàn ông như vậy. Từng trải ư? Thành công ư? Giàu có ư? Miên không thoát khỏi được lầm lỗi của mình. Giấc mơ về đứa con hiện lên trong giấc ngủ. Giấc mơ ấy là tiềm thức trong cô khi chưa hoàn thành nhiệm vụ người mẹ, khi nỗi đau cứ giằng xé tâm can. Để rồi lần đầu tiên cô ra thăm mộ con bé vào một buổi chiều gió quần quật. Nỗi đau, sự mặc cảm tội lỗi cô đã thốt lên “tha lỗi cho mẹ, con nhé.”; “Tha lỗi cho mẹ, mẹ đã không thể làm một người mẹ tốt”. Ở đây, ý thức đã thắng vô thức Miên đã trở lại là mình không còn là cô gái “với những cơn thịnh nộ và hết sức tai quái” xuất hiện khi con bé mới chết, cô thấy tim mình “thắt nghẹn”. Để rồi quá khứ, hiện tại lẫn lộn “văng vẳng bên tai cô tiếng trẻ con oe oe khóc, tiếng chửi đánh đập, tiếng dầu sôi trên chảo, tiếng cánh cửa kho chứa muốn rít lên ken két… Rồi những phi vụ làm ăn đưa cô thành người được ăn trên ngồi trốc”. Rồi cô đi đến quyết định rời cái thị xã thân thiết để “mở đầu cho một ngày mới. Ai biết trước được ngày mai”. Cô rời xa thị xã thân thiết cũng là để nguôi ngoai đi nỗi đau trong lòng. “Vườn hoang” sẽ không còn hoang nữa khi đã xuất hiện những sự đổi thay: hai bộ xương được đưa đến nơi ở mới. Thằng “chiêu hồi” tìm được đất của mình để chuẩn bị lấy vợ cho đứa con đầu. Miên rời xa khu vườn hoang đã chôn cái nhau thai của con mình.
 Một điều nữa trong truyện ngắn của Phong Điệp có xuất hiện khá nhiều con vật (Con chó Lix trong Thời gian màu nhớ; Mèo trong Ngôi nhà hoang vắngMa mèo). Tất cả đều hình ảnh thực của con vật. Thực nhưng lại gắn với ảo. Đặc biệt là Ngôi nhà hoang vắngMa mèo. Mỗi con mỗi khác “Con mèo già rên gừ gừ ở lối nhỏ rẽ vào nhà kho” (Ma mèo), “Con mèo trắng toát, đeo dây chuyền bạc quanh cổ và béo núc ních” (Ngôi nhà hoang vắng). Lạ thay, trong Ma mèo ta không thể nhận thấy rõ ràng về con mèo già đó. Nó như tồn tại cụ thể bởi đầu câu chuyện nó ngồi yên một chỗ. Tác giả miêu tả cụ thể hai lần với dáng điệu ánh mát và vị trí. Lúc ấy cô Bội đã xuất hiện trong nhà. Sau đó, con mèo chỉ được nhắc tới trong hình ảnh về  lông của nó “rụng từng mảng”, “từng đám lông thưa thớt màu tro của nó vương vãi khắp nhà”. Cuối cùng chỉ còn là âm thanh “nó kêu bải hoải phía sau nhà kho”. Sau âm thanh tiếng kêu của mèo cô Bội cũng không còn trong nhà nữa. Điều này có liên quan gì đến hình ảnh “khoảng đất đã bị quần nát” ở vườn sau; với thái độ người cha đầu tác phẩm “Người cha ngồi lặng ngắt trên chiếc phô tơi. Chiếc gạt tàn trên bàn đầy những mẩu thuốc lá” và cuối tác phẩm lại “da ông đen sạm lại và gò má hốc hác”. Liên quan gì không tới câu nói của người cha “Đã có những con mèo điên. Chúng cắn người và họ chết vì không biết. Cô Bội có một đứa con như vậy”; câu nói của cô Bội “Nó sẽ gào vào ban đêm và cắn xé tất cả người nào mà nó gặp”. Con mèo già con mèo điên và tiếng kêu bải hoải của nó khắc khoải trong lòng người đọc. Khắc khoải, day dứt là hình ảnh cuối tác phẩm “Ở gần trường, luôn có một người phụ nữ trong bộ quần áo bằng vải thô bó sát lất thân mình lép kẹp chờ chúng đi học qua rồi lặng lẽ bỏ đi”. Vẫn là nỗi đau của người phụ nữ, sự ma mị của câu chuyện như muốn che lấp sự ma mị ấy. Kết thúc lư lửng đầy dửng dưng đầy day dứt. Con mèo trong Ngôi nhà hoang vắng có cái lạ riêng của nó. Bên cạnh ngoại hình của con méo trắng còn có sự xuất hiện nhanh, gọn lẹ của một đàn mèo “ Những con mèo to trùi trĩu như những con lơn con lầm lụi vây xung quang con mèo trắng… Chỉ trong chớp mắt tất cả biến mất vào trong những khóm cây tối sẫm, để lại mùi nồng nồng trên mảnh sân nhớt nhát”.  Đàn mèo không  chỉ xuất hiện một lần mà mãi sau này khi cả Phan và Tôi đã đổi vị trí công việc, đàn mèo xuất hiện tiếp trong đêm cả ba người (Phan, Hoạt ,Tôi) tìm hiểu sự thật người đã cứu giúp mình “cả đàn mèo cỡ chừng bốn năm chục con đâm sầm vào nhau tranh giành vỏ hộp thịt mà thằng Phan ném đi từ lúc chiều”. Không thể lý giải. Dãy nhà vẫn thực chỉ có điều mạng nhện chăng kín. Bàn ghế vẫn thực chỉ có điều bụi phủ đầy. Mèo vẫn có nhưng còn lại một con bên kia hồ. Tai nạn vào ban đêm là có thật, có người cứu giúp nhưng họ ở đâu? Câu hỏi khắc khoải lòng người.Vẫn là dấu hiệu của chiếc dây chuyền bạc nhưng sau đó con mèo lại thay đổi, nó không cò béo núc níc mà chỉ là “một con mèo trắng gầy tong teo, và trên cổ con mèo có một sợ dây chuyền bằng bạc?”.  Nếu Vườn hoang không còn hoang nữa thì Ngôi nhà hoang vắng cũng vậy. Tình người đã chiến thắng.
Cách viết của Phong Điệp vừa dửng dưng vừa mới lạ, vừa cuốn hút. Nếu từng số phận trong những trang viết trên có sự đan cài giữa yếu tố hiện thực với những biến ảo thì Biên bản bão lại mang nét đặc trưng của một bản tin với sự kiện của cơn bão Haiyan năm 2013 đổ bộ vào nước ta gây bao thiệt hại nặng nề. Bản tin được lồng vào truyện, cách một đoạn văn bản truyện lại có một bản tin. Người đọc cảm nhận như mình đang ở trong cơn bão. Thế mà cơn bão mãi chẳng qua. Trong cơn bão theo những bản tin được cập nhật xuất hiện hai hồ sơ. Hai hồ sơ song hành nhau: Nguyễn Văn Toàn và Trần Xuân Trung. Hồ sơ mỗi nhân vật lại tách rời nhau với hai câu chuyện cứ như không có gì trùng khít, liên quan. Câu văn “Hồ sơ của Trần Xuân Trung, ngày …” cứ lặp lại đều trong văn bản, như làm gian nở thơi gian. Thời gian như chậm chạp trôi qua diễn tả thời gian qua khứ. Hồ sơ của Trung - một cán bộ luật ở tỉnh B – có dung lượng nhiều hơn, sự nghiệp học hành, những thăng trầm cuộc sống và sự vô tình việc làm được kéo dài. Còn câu chuyện của Nguyễn Văn Toàn có dung lượng ít hơn nhưng nỗi đau của Toàn đã làm cho Trung không thể viết biên bản. Câu hỏi “Tôi biết ghi biên bản thế nào đây? Nếu là tôi, tôi sẽ làm gì?” day dứt mãi trong Trung, day dứt mãi trong người đọc. Kết thúc câu chuyện là những hình ảnhvừa ảo, vừa mơ hồ quái dị. Ảo vì nó được đăng trên Facebook của K. Mơ hồ quái dị vì “có hai người đàn ông bỗng biến thành cá ngụp giữa dòng nước chảy xiết, mải miết bơi ngược dòng tìm đường ra biển …”. Hai người đà ông đó là ai? Ai là người cuối cùng lập biên bản cho mình? Câu chuyện chỉ có hai sự kiện, hai nhân vật, hai cuộc đời. Hai sự kiện kết nối sau cơn bão Haiyan. Hai sự kiện, một thiên tai để khẳng định sự bế tắc của mỗi con người. Với Toàn đó là “không có bố thì tôi còn thiết sống làm gì nữa’, với Trung lại “tôi không thể lập được biên bản”. Người đọc có nhiều cách đọc cho tác phẩm này. Có thể chỉ đọc bản tin để nắm thông tin về cơn bão, có thể đọc hồ sơ của Trunghay Toàn để biết số phận một con người, đọc, ngẫm tất cả để thấy con người thời hiện đại phải đối phó với bao khó khăn trong cuộc sống. Thiên tai chỉ là bề ngoài, là cái ta thấy rõ còn “tảng băng chìm” của những nỗi đau cuộc sống còn nhiều vô kể. Tiến sĩ Thụy Anh nhận xét về Biên bản bão: "Phong Điệp rất khéo léo sử dụng biến ảo của chi tiết: chỗ này dùng để đánh lạc hướng người đọc, gây hiệu quả bất ngờ cho các chi tiết sau; ở một chỗ khác lại là phương pháp kích thích trí tò mò và tưởng tượng của độc giả, từ đó dẫn dắt họ vào câu chuyện mình muốn kể. Vì thế, tác phẩm có được sức lôi cuốn, khiến đã đọc là khó dừng lại". Biên bản bão không chỉ là biên bản về con người với những bế tắc mà còn những cơn bão khác với những cuộc đời, số phận khác. Trăn trở của Phong Điệp, phải chăng chị cũng đang viết biên bản cho cuộc đời mình. Qua các sáng tác của Phong Điệp ta thấy một phong cách văn chương hiện đại, gắn với đời sống đô thị với nỗi day dứt khôn nguôi.

Trên con đường đi tìm phong cách của mỗi nhà văn, nét đẹp của từng trang văn không thể là một con đường đơn giản. Quá trình sáng tạo của nhà văn tạo nên những trang văn đẹp cho người đọc lại gian nan hơn nữa. Và tôi thấy văn Phong Điệp giản dị, đáng yêu như chính nụ cười của chị vậy.

Thông tin tác giả: 
Họ và tên: Nguyễn Thị Thủy
Lớp Cao học Văn học Việt Nam K19
Trường đại học Quy Nhơn
Số điện thoại: 01695180397

* Nguồn: Dự thảo Kỷ yếu Hội nghị NCKH Ngữ văn năm 2017, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Quy Nhơn
Bình Định, tháng 5 năm 2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét