Mùa xuân đang về, mùa của
sự náo nức, yêu thương. Trong không khí năm mới đầy ắp những điều mới mẻ, hạnh
phúc, bình an ấy, hẳn là không ai không nhớ về mẹ, người quan trọng nhất trong
cuộc đời, người đã cho ta những dòng nước mát, dìu ta đi qua những chặng đường
khôn lớn.
Quê tôi
ở miền Bắc. Những năm 70 kinh tế khó khăn, ba mẹ quyết định đi khai hoang làm
kinh tế mới. Sinh được hai chị em chúng tôi, gia đình thiếu thốn đủ điều.
Nhớ hồi
đó, chị tôi đi học bị chó dại cắn, ba mẹ lo tiền để đưa chị tới thủ đô Hà Nội
chạy chữa. Nghe nói ở đó có một bà lang biết loại thuốc gia truyền chữa dại, mẹ
chạy đôn đáo, bán hết đồ đạc để lấy tiền lo cho chị… Mẹ bán cả chiếc nhẫn cưới.
Ba mượn
xe đạp đưa chị và mẹ ra đường quốc lộ. Cùng một dì hàng xóm cũng có con nhỏ bị
cắn, mẹ bắt xe xuống thành phố…
Rồi mẹ trở về, xô cánh cửa chạy vào trong nhà ngồi khóc nức
nở… Ba ở ngoài vườn đang đào hố để tôi vôi, vội chạy vào hỏi: “Mẹ nó có chuyện gì thế?”
Đôi mắt đỏ hoe, mẹ nức nở: “Ba nó
ơi, tôi để lạc mất bé Hương rồi.”
Ba ngồi thần xuống nền nhà dựa vào cái chõng hỏi: “Mẹ nó kể tôi nghe nào.”
Mẹ nức nở kể lại đứt quãng… Mẹ cùng dì hàng xóm xuống bến
xe. Để tiết kiệm tiền, mẹ thuê xe ôm chở từng người một. Mẹ đi trước tìm đường,
dì hàng xóm ở lại trông hai đứa trẻ. Nhưng khi mẹ quay lại thì không biết chị
đã lạc đi đâu mất rồi… Kể rồi mẹ lại òa khóc “con tôi…”
Ba bảo
mẹ bình tĩnh, rồi đi bán nốt ít ngô non, mấy con lợn, con gà. Ba cùng mẹ ra bến
xe, hỏi thăm xung quanh xem có ai nhìn thấy chị đi lạc.
Một tuần
sau, ba và mẹ lại về. Ba ít nói hẳn, rồi nghiện thuốc lào, nghiện rượu. Nhưng
ba sợ mẹ lo, nên không mấy khi uống say.
Tôi
thường thấy ba cầm cái điếu ra sau vườn, chỗ gốc cây ổi. Ông ngồi một mình hút
liên tục mấy điếu thuốc lào, nhìn lên cây. Cây ổi Găng, quả rất nhỏ mà ngon.
Lúc nhỏ tôi và chị Hương rất thích ăn ổi, mỗi khi chị khóc là ba lại cõng chị
lên cổ và đưa ra sau nhà, trèo lên cây hái ổi cho chị.
Mùa đông
năm ấy, cây ổi bị gió thổi nằm lả xuống nóc nhà. Đêm hôm đó, ba ngủ, rồi ông
không trở dậy nữa… Dì hàng xóm bảo rằng ba đã đi tới nơi rất xa…
Trời mưa như trút nước, nhà tôi bị dột, mẹ ôm tôi vào lòng.
Tôi ngơ ngác hỏi: “Mẹ ơi, ba sao không về sửa lại mái nhà cho
mẹ?”
Mẹ ghì chặt tôi, giọng bà nức nở nói: “Tý ngoan, ba đi xa có việc quan trọng, đừng để ba lo.”
10 năm
trôi qua, thỉnh thoảng vẫn thấy mẹ nhìn ảnh ba, rồi lại nhìn ảnh chị, khóc một
mình. Mẹ đã già đi nhiều, đôi mắt nhăn nheo, mái tóc bạc phai, lưng mẹ còng đi
theo từng gánh ngô…
Rồi có
người bà con dưới Hà Nội tìm được tung tích chị gái. Hiểu gia cảnh nhà tôi, bác
âm thầm sắp xếp mọi chuyện, để chị lên tận nơi rồi mới đem sự tình kể lại cho
mẹ.
Mẹ mừng
lắm, vừa khóc vừa lấy áo ra mặc, chiếc áo mà lâu lắm rồi mẹ không động đến. Lần
đầu tiên sau bao nhiêu năm trời, mẹ soi gương chải đầu chăm chút.
Chị đến,
chị khác lắm, sang trọng. Ngày chị bị lạc, được một người chữa chạy, nhận làm
con nuôi. Giờ chị đã có gia đình, chồng chị người gốc Hà Nội, rất khá giả.
Đêm đó
tôi ngồi cùng chị, hỏi chị về Hà Nội, rằng người ở đó ra làm sao, ở đó thế nào…
Chị nhìn tôi mỉm cười… Chuyện tuổi thơ như làn gió thoảng… Dường như chị xa
lắm.
Sáng,
chị dậy chào mẹ, chào tôi rồi lên thành phố. Mẹ nhìn chị rưng rưng, chị đi liền
một mạch…
Từ khi
gặp chị, mẹ như trút được gánh nặng. Bà kể với tôi về tuổi thơ, về chị của quá
khứ, về những thiệt thòi mà chị đã phải chịu… Mẹ chắp lại đoạn dây nối khoảng
cách giữa tôi và chị. Và rồi dần dần, tôi tự nhủ sẽ chăm sóc chị thay mẹ, dù
chị có xa cách, có thờ ơ.
Gần Tết,
mẹ được tin chị về thăm mấy ngày. Biết chuyện, mẹ mừng lắm. Bà sai tôi trèo lên
mái sửa mấy chỗ hay mưa dột, rồi lại bảo tôi thay cái chân giường bị mọt ăn.
Ngày chị về, xóm làng nhộn nhịp, ngô chín vàng, tôi và mẹ phải đi thu hoạch để
kịp bán ngày Tết.
Sáng,
khi tôi và mẹ đang trên đồng thì chị tới. Mẹ nhất quyết không cho chị làm, bảo
chị về ăn sáng. Chị đi được một lúc, mẹ lại tất tả chạy về nhà…
Chị về không thấy nồi cơm đâu, nhân tiện ra ngoài đi dạo,
gặp dì hàng xóm, chị kể: “Mẹ cháu bảo về ăn cơm, nồi cơm
mẹ để trên bếp. Cháu về không thấy nồi cơm đâu mà chỉ thấy nồi gì trông như cám
ở trên bếp”.
Dì hiểu ra, vội nói: “Vì lo tìm cháu mà ông bà ý đã
bán hết sạch gia sản rồi, cả đôi nhẫn cưới, cả miếng đất khai hoang. Ba thương
cháu, suy nghĩ nhiều, cứ quần quật làm để lấy tiền ra Hà Nội tìm con. Vì lao
lực quá mà ông ấy mất. Ngày đó, ông dặn mẹ cháu chăm cho thằng Tý đến khi nó
yên bề gia thất, để nó không phải khổ. Mẹ cháu vì thế mà nuốt nước mắt chăm lo
gia đình, nuôi thằng Tý khôn lớn.
Nồi cơm mẹ cháu nấu đó là nồi ngon nhất rồi. Bà ý tự tay chọn
bắp ngô, giã nhỏ, rồi nấu. Thằng Tý đòi phụ mà bà ý nhất quyết không cho, lại
còn tự đi ra ngoài chợ mua cá rô đồng về kho cho cháu. Sáng sớm nay bà ý ngồi
một mình chuẩn bị.”
Chị nghe xong, nức nở chạy về nhà… Mẹ đang bới tro ra, bưng
nồi cá kho lên. Mẹ nói: “Mẹ quên không bảo con nồi cá kho, ăn
với cơm ngô ngon lắm đấy.”
Chị nhìn
mẹ, nước mắt lăn dài. Trưa hôm đó, ba mẹ con cùng ăn cơm. Lần đầu tiên tôi thấy
mẹ cười kể từ ngày ba mất.
Sáng hôm sau, ba mẹ con ra mộ thăm ba. Tôi lại nhớ hồi xưa
ba dặn, đàn ông là không được khóc. Tôi thầm nói, “Ba ơi, vậy là gia đình mình lại đoàn tụ…”
Cơn gió
lạnh thổi qua, mẹ như đã hoàn thành tâm nguyện. Mẹ về cùng ba, chỉ còn lại
hai chị em tôi…
Tết của
mẹ, mùa xuân của mẹ. Gửi tới những ai còn có mẹ, xin hãy trân quý từng giây
phút đó.
Thanh Phong
0 nhận xét:
Đăng nhận xét