“Cầm
tay nhau bước trong giáo đường, đón xuân, đang về với tình yêu trái đất này…” câu hát “Khúc giao mùa” mà Mỹ Linh và Minh
Quân ca sao nồng nàn quá, như chính mùa xuân đang về vậy. Tôi ngồi trước bếp lửa
đỏ hồng với nồi bánh chưng mà mơ màng chờ giao thừa đến. Đêm đã chừng khuya
nhưng không khí chẳng lạnh tý nào mà còn ấm cúng hẳn. Phải chăng là do nhà ai
cũng nấu bánh bếp than rực hồng, hay hơi thở nóng của con người đông đúc trong
khoảnh khắc sum họp cuối năm? Mấy tiếng nữa thôi, thời khắc năm cũ sẽ không còn
và sẽ được chuyển giao qua năm mới hứa hẹn với mọi người nhiều điều bất ngờ, lạ
lẫm.
Năm nào cũng vậy, người dân quê nghèo này cũng
gói bánh chưng, bánh tét. Họ có thể thiếu ăn nhưng luôn dành dụm ít tiền để mua
mớ nếp mới mà làm bánh bởi đây là công việc thiêng liêng, vui nhất bù cho những
ngày lam lũ đống xa. Nếp đó được tách vỏ, đãi sạn thật sạch rồi đem ngâm với nước
một thời gian nhất định sẽ được vớt ra để ráo. Nhân bánh có nơi làm đậu xanh,
có nơi làm từ thịt tùy theo phong tục từng vùng nhưng dù có thịt hay đỗ cũng phải
làm chín trước mới đem gói. Xong mọi “thủ tục”, các mẹ, các chị đem lá chuối hoặc
lá dong ra đồ nếp lên và đặt nhân ở giữ rồi gói. Bà tôi thường dạy mẹ: “Gói bánh chưng, bánh tét thấy dễ nhưng cực
kỳ khó vì nó đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Khéo tay mới vỗ cho bánh đề không bị
méo, tỉ mỉ mới vuốt là thẳng nhìn bánh mới đẹp.” Bánh gói ra đó đem nấu
trong nồi lớn chừng hai hôm sẽ chín. Ở đây, người ta thường gói độ chiều hai
tám tháng Chạp để kịp tối ba mươi cúng giao thừa. Tiếng sùng sục của nồi bánh
như những nốt nhạc đồng quê đưa tôi lững lờ theo nhữung suy nghĩ. Tôi nhớ đến
câu chuyện một cậu bé nào đó gặp Lang Liêu trong đêm canh nồi bánh chín mà tôi
được học trong tiết “Kể chuyện tưởng tượng”. Bất giác tôi cũng muốn mình là cậu
bé đó, được gặp Lang Liêu mà nghe nói đôi lời thứ bánh này.
Cái đêm ba mươi ở miền quê hẻo lánh này ngoài
niềm vui gói bánh thì chỉ còn chờ đón tiếng pháo giao thừa là vui nữa thôi. Từ
trẻ con cho đến người lớn trong xóm đều chờ khoảnh khắc rộn ràng này. Nhịp sống
nông dân đã bình yên bao ngày, nay rộn lên tiếng pháo làm cho con người ta phấn
khởi. Tiếng pháo giòn dã mang may mắn đến gần xa, tiếng pháo hân hoan kéo hạnh
phúc đến mọi nhà. Và khi tiếng pháo nổ, tiếng cười vang trong gia đình sum họp
cũng ấm lòng người xa xứ ngày về. Cuối cùng thì khoảnh khắc ấy cũng đến. Tôi thấy
người ta tập trung đông cạnh đầu ngõ bác bảy Tiến chờ xem pháo. Nhà bác có con
trai đi Mỹ, năm nào về cũng mua thùng pháo hoa đốt cho rộn xóm nhỏ. Pháo nổ,
xác pháo bay sáng rực khoảng sân nhỏ ấy.
Giao thừa năm này tôi vẫn được ở bên gia đình
như mọi năm. Có lẽ mọi người thấy bình thường nhưng tôi thấy đó là niềm vui lớn
bởi lẽ cuối xóm kia còn anh Hai tha phương chưa đủ tiền về quê cũ đón tết, nhà
bên còn thím Chín cơ cực đất khách không về. Giao thừa người buồn, người vui
nhưng chẳng thể nào khác được quy luật tạo hóa. Riêng tôi, tôi ôm cho mình hạnh
phúc để đón năm mới, mở sự cảm thông có những số phận lạc lòi và cầu mong họ sớm
về được quê hương. Năm mới tôi cũng chúc mọi người sức khỏe, may mắn, chúc cho
những hoài bão dang dở được thực hiện, chúc những ước mơ mãi bay xa và ai cũng
phải thành công trọn vẹn.
HƯƠNG NAM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét