Nắng chiều đã nhạt dần trên những mái ngói cũ
xóm Răng Thưa. Chiều nào cũng vậy, cứ khoảng giờ này con đường nhỏ lại xuất hiện
một dáng người thẳng, tay cầm sấp vé số dày cộp, cái đầu cúi xuống như tìm vật
gì vừa rơi và trên đỉnh đầu đội chiếc mũ rộng vành màu xám đã cũ. Dân nghèo ở
xóm này chẳng lạ gì hình ảnh ấy nữa cả. Nó thân thuộc tới mức hỏi ra không một
ai biết người đàn ông đó xuất hiện tự bao giờ, gia đình ông ấy đâu mà chỉ thấy
ông lặng lẽ một mình trong nắng chiều héo hắt.
Hắn tên là Vui. Nghe qua đã thấy sự tréo ngoe của
cuộc đời. Một anh Vui có khuôn mặt nám đen nổi lên vết sẹo dài hình chân chim
nom rất đáng sợ; một chàng Vui cúi gằm mặt xuống đất mà đi; và hắn còn sống
trong một xóm nhỏ với những căn nhà lụp xụp cao thấp nên người nơi đây đặt tên
là Răng Thưa. Chỉ mỗi hắn mới biết cuộc đời mình chính bi kịch buồn nhất, tréo
nhất. Như mọi ngày, chiều nay người đàn ông ấy đang lê những bước chân mỏi mệt
để đến công viên bán vé số cho người dạo buổi tối. Với khuôn mặt của mình, ban
ngày người ta dễ nhìn thấy cái sẹo gớm ghiếc đó, khiến họ hiếm khi dám mua trừ
những lúc hắn kịp kéo vành mũ xuống che.
Công viên lên đèn. Thứ ánh sáng vàng vàng làm
cho lối đi thêm mờ ảo. Mấy con thiêu thân bay quanh bóng đèn như lơ đi những
đôi trai gái đang ngồi trên ghế đá dưới cột đèn. Nhộn nhịp mà tĩnh lặng bởi người
đi bộ, người ngồi ghế chơi nhưng chẳng ai quan tâm ai. Sự hờ hững đến mức tĩnh
lặng cả tâm hồn con người. Chắc vì thế mà từ sớm đến giờ Vui chưa bán được tờ
nào. Hắn men theo hàng gạch lát giữa hai bồn hoa đến hàng ghế bên kia mời
khách. Cuối đường, anh dừng lại bên một cậu bé ngồi trên ghế đá, tay chống lên
hai má và khuỷu tay đặt lên gối; đang chăm chú nhìn đôi chuột đang nói gì với
nhau trong bụi hoa giấy. Người đàn ông ấy cũng cúi xuống nhìn theo. Mải mê quá,
sấp vé số rơi xổ dây làm trắng cả một vùng đất trắng xóa. Cậu bé giật mình
nhưng nhanh tay nó ngồi nhặt phụ mấy tờ số. Chú cẩn thận vuốt góc rồi hai tay gửi
lại cho người đàn ông. Bất ngờ, hai ánh mắt gặp nhau. Nghe hết bảy nhịp tim,
anh vội vàng kéo cái vành mũ sụp xuống che cái sẹo.
Cậu không tỏ ra sợ sệt. Đôi mắt sáng ấy vẫn đăm
đăm vào vết sẹo sau tấm vải vành mũ kia. Nó kéo Vui ngồi xuống hỏi thăm:
- Chú kiểm lại đủ số chưa ạ?
- Cảm ơn cháu! Chắc là đủ rồi. – Hắn trả lời
nhưng tay vẫn còn đè vành mũ – Cháu tên gì?
Chú nhóc nhoài người ra trước cố nhìn mặt anh
và đáp:
- Dạ cháu tên Chờ. Cháu ngồi đây đợi mẹ tới rước vì ban chiều đi chơi cháu có hẹn mẹ ở đây.
Lòng người đàn ông ấy có gì đó là lạ. Lần đầu
kiên kể từ lúc ra tù tới giờ hắn mới có người không tránh khi thấy gương mặt
này. Hơn nữa đây lại là một chú bé độ lên chín. Dần dần, bàn tay anh lỏng ra,
cái vành mũ được về với vị trí của nó. Hắn nhìn thằng nhỏ mà mặt rân rân như có
cơn gió nhẹ thổi vào. Ngồi bên Chờ, Vui đang sống lại một chút gì đó là của con
người. Hắn chưa từng rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo của Nam Cao, cũng chẳng hại ai
bao giờ nhưng sự vô tình của mọi người đủ khiến hắn cảm giác mình tồn tại một
cách dư thừa. Cậu bé làm lòng anh lâng lâng, tâm hồn trẻ lại.
Từ nãy, Chờ đã kịp quan sát toàn bộ những thay
đổi trên khuôn mặt người đàn ông. Nó ngạc nhiên hỏi:
- Vợ chú cũng bán vé số như chú hả?
Câu hỏi của đứa trẻ khiến anh rùng mình. Vợ ở
đâu đã từ lâu anh không còn biết nữa rồi. Không phải hắn ta điên mà quên lối về
nhà mình mà ngày hắn ra tù, trở về căn nhà xưa thì vợ mình chẳng còn đó nữa.
Vui tìm vợ tháng ngày và lây lất đến cái xóm Răng Thưa này. Dạo ấy đến nay, người
đàn ông chẳng nghe được tin tức gì về vợ cả.
- Ờ… Vợ chú mất rồi…
Chờ đáp nhanh sau câu nói lửng của Vui:
- Con xin lỗi chú.
Đôi mắt cậu ánh lên sự cảm thông rõ mồn một.
Vui nghe vành tai mình đang tê tái bởi Chờ đã
đánh thức con người anh và giờ cũng chính cậu khuấy động linh hồn anh. Hắn
chảy nước mắt vì vui.
- Mẹ! Mẹ ơi! Con ở đây này.
Tiếng Chờ gọi mẹ làm Vui dừng đột ngột hai hàng
nước mắt. Bàn tay luộm thuộm lại kéo vành mũ xuống. Hắn cố đè sao cho lớp vải
kia càng sát má càng tốt. Người đàn bà chừng tuổi ba lăm tiến lại gần cậu bé.
- Con chờ mẹ lâu không? Mẹ xin lỗi con trai, mẹ lỡ
tay với bữa tối nên không đón con sớm được. Về nhà mẹ đền cho con món canh con
thích nè.
Tách vòng tay âu yếm mẹ ra, Chờ chỉ tay về phía
người đàn ông trên ghế đá:
- Chú ấy tội lắm mẹ! Vợ mất chú phải bán vé số kiếm
sống qua ngày...
Chú bé kể lại mẹ toàn bộ cuộc nói chuyện với
Vui sớm giờ. Tính cách thật thà của trẻ con chẳng bỏ qua nét mặt của Vui khi Chờ
đã nhìn thấy. Mẹ khen nó biết quan tâm mọi người xung quanh. Kéo cậu lại gần,
người đàn bà ấy ngồi xuống cạnh người đàn ông. Hắn quay mặt đi như mọi ngày vẫn
tránh mọi người.
- Anh ơi! Trông anh còn khỏe thế sao không kiếm
việc khác mà lại làm việc bấp bênh kiếm sống qua ngày như thế này?
Một lần nữa, Vui giật mình. Giọng nói này quá đỗi
giống với vợ hắn. Đã bao năm rồi hắn chưa được nghe tiếng nói thân thuộc mà khi
xưa vợ hay thỏ thẻ mỗi ngày. Trong anh còn cảm giác ngạc nhiên nữa: “Chắc là
người giống người” – Anh nghĩ bụng.
- Tôi bán vé số là để tìm người thân tôi đó cô!
Chúng tôi thất lạc tôi lâu rồi.
Người đàn bà vội đặt thằng Chờ xuống, đứng phắt
dậy trước mặt Vui và tay giật cái mũ xám cũ ra. Đúng như những gì mẹ cậu bé nghĩ: Đằng sau chiếc mũ vải
kia là khuôn mặt của một người quen đến từng hơi thở.Người đàn ông ấy luôn ôm
cô sau bữa sáng, trước khi đi làm; đã từng xây cho nàng một gia đình hạnh phúc
bên con thơ để rồi ngày kia anh vướng vào vòng lao lí kéo theo sự tan nát ngôi
nhà nhỏ. Và giờ đây cũng con người này hiện diện trước mặt với hình hài xấu xí
đến ghê sợ.
Vui cũng kịp nhận ra rằng tai mình đã đoán
chính xác con người mình tìm bấy lâu nay. Hắn lại nghe vành tai mình tê tái và
nhìn không chớp mắt vào khuôn mặt trái xoan có mái tóc che hờ nửa mắt trái. Rồi
anh cúi xuống một cách xấu hổ. Chàng nhớ lại mình cũng đã từng có vợ hiền, con
ngoan. Với đồng lương của một trưởng phòng Marketing thì đủ sức để nuôi mầm sống
của gia đình nhỏ này. Ai cũng có lúc vấp ngã trong cuộc đời nhưng với hắn lần vấp
ngã này quá nặng, cả thể xác lẫn tinh thần. Vui bỗng lạnh nhạt với vợ, ít quan
tâm đến con khi có sự xuất hiện của cô kế toán. Trò đời của những ả bòn rút cứ
thế hiện ra trong những ngày tháng tiếp theo của hắn. Hết nghỉ mát rồi du lịch,
khách sạn, bar… Những bữa cơm chiều đã không còn hình bóng của chồng, người
cha. Chuyện gì đến nó sẽ đến. Ả kế toán đã nhân dự án chào hàng của Vui mà rút
ra một số tiền vô cùng lớn. Sự việc bị phát giác khi đã có chữ kí của anh và thị
kia vừa cao chạy xa bay. Tình ngay lý gian nên hắn phải vào tù. Sáu năm trong
tù, người đàn ông phải chịu nhiều đau thương về thể xác với cán bộ trại giam, đặc
biệt là những kẻ chung tù. Vết sẹo dài hình chân chim cũng chính là “kỷ niệm”
mà tên đầu gấu trong đó “tặng” anh nhân ngày ra mắt đầu tiên. Ra tù, hắn có về
lại nhà cũ nhưng người xưa không ở đó nữa. Hôm nay, gặp lại nơi đây, Vui bàng hoàng nhưng cũng thấy thỏa lòng tìm
kiếm bây lâu. Nước mắt anh giàn giụa: phần vì xấu hổ, phần vì hạnh phúc.
Mẹ Chờ quay sang nó định nói đây là ba nhưng
Vui kịp ngăn lại. Anh đưa ánh mắt van lơn nhìn cô. Sâu thẳm trong đôi mắt đó,
người đàn bà đã nhìn ra sự thống khổ và sự ăn năn của một con người. Người tốt
không phải là người cứ cho đi một tình yêu mù quáng, người tốt là người biết nhận
tình yêu từ người khác một cách chân thành. Thị không trách anh nữa. Những ngày
con lớn thì nỗi buồn cũng mai một theo tháng năm. Ngay lúc này, cô mừng rơn khi
nghĩ đến bữa cơm tối nay nhà ta sẽ có ba chiếc ghế. Mẹ sẽ gắp thức ăn cho ba để
rồi ba lại nhường phần đó cho con. Nghĩ đến đó, chị rút tay ra khỏi Vui, quay
sang hỏi Chờ:
- Mẹ muốn chú này về với gia đình mình, con chịu
không?
Hai con mắt bi ve sáng lên tựa lúc tối mới gặp
Vui:
- Con chịu, con chịu… - Nó vừa nhảy vừa nói.
Lòng hắn như nhảy theo cậu bé. Hắn biết mình
đang vui khi sắp tới đây mình cũng có gia đình với vợ hiền và con ngoan. Nhưng
anh chợt khựng lại như vừa nhớ ra điều gì đó. Đôi mắt của Vui rơm rớm nước. Cái
sẹo đỏ ửng lên rồi tím đi. Hắn nhìn vợ rồi nhìn Chờ:
- Chờ đợi chú ở đây nhé! Chú đi mua kem rồi chúng
ta cùng về.
Trong khi thằng nhỏ mừng cười vang đồng ý, người
đàn bà đầy vẻ ngạc nhiên trước hành động kho hiểu của chồng thì anh vội đi. Chừng
mươi bước, hắn quay người lại nhìn người đàn bà và cu cậu miệng cười, đầy nước
mắt. Và rồi, người đàn ông ấy không quay lại trong sự háo hức của Chờ, trong niềm
đợi mong của vợ.
Khuya hôm ấy, lúc công viên chẳng còn một ai nữa,
mẹ con Chờ vẫn còn ở đây để đợi một người, một tình cảm đã vắng bóng như bữa
cơm kia chẳng đông đủ bao giờ.
HƯƠNG NAM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét