Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Chủ nghĩa nhân đạo trong thơ Nôm của Hồ Xuân Hương


I. Khái niệm nhân đạo
   - Nhân đạo là một sợi chỉ đỏ xuyên xuốt văn học Việt Nam mọi thời đại, đó chính là lòng yêu thương con người, nâng niu, quý trọng, đề cao con người, tin vào khả năng vươn lên của con người, tạo điều kiện cho con người phát triển.
    - Nhân đạo bao gồm cả nhân văn (giá trị, vẻ đẹp tinh thần của con người) và nhân bản (cái gốc, cái bản chất của con người, đi sâu vào đời sống bản năng của con người đặc biệt là đời sống tình cảm, xúc cảm).
    - Từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX trào lưu nhân đạo chủ nghĩa xuất hiện và phát triển mạnh mẽ do nhiều yếu tố như:
    - Sự sụp đổ của giai cấp phong kiến và Nho giáo.
    - Nhờ vào sự tiếp sức của phong trào nông dân khởi nghĩa.
    - Sự ảnh hưởng của yếu tố dân chủ với vai trò của tầng lớp thị dân.
    - Tất cả những điều đó đã làm nên một thời đại văn học rực rỡ với sự cảm thông và tình yêu thương con người sâu sắc.

II.Nội dung nhân đạo trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương
 1. Tiếng nói đả kích, tố cáo tội ác giai cấp thống trị, vạch trần sự xấu xa, thối nát của xã hội phong kiến
     Dưới những ràng buộc của lễ giáo khắc nghiệt trong xã hội phong kiến, người phụ nữ luôn phải chịu những thiệt thòi, đau đớn. Đến giai đoạn cuối của chế độ phong kiến, tiếng nói sâu thẳm tâm hồn của người phụ nữ bị dồn nén bấy lâu nay đã có cơ hội trào dâng ra ngoài. Đại diện cho những người phụ nữ bất hạnh ấy, Hồ Xuân Hương đã phản kháng mãnh liệt bằng tiếng nói riêng của mình, kết hợp nhuần nhuyễn với tiếng nói của nhân dân lao động bị xã hội phong kiến áp bức và chà đạp.
    Tiếng nói đả kích, tố cáo được nữ sĩ sử dụng thông qua công cụ cố hữu của truyền thống văn học dân tộc cũng như khá phổ biến trên thế giới đó là tiếng cười châm biếm.
Một điều đặc biệt là Hồ Xuân Hương đã sử dụng tiếng cười thông qua yếu tố “tục”. Tiếng nói đả kích tố cáo táo bạo, quyết liệt ấy chủ yếu xoáy sâu vào giai cấp phong kiến với những thành lũy đạo đức hà khắc đã dần mục rữa của nó.
Cái cười đầu tiên mà Hồ Xuân Hương bật ra đó là để cười cợt chính bản thân mình. Cũng vì “tiên trách kỉ, hậu trách nhân” và tiếng cười chính mình đó đồng thời là lời thách thức, lời tố cáo. Chùm thơ “Tự tình” của nàng thơ đã thể hiện đầy đủ điều đó:
                            Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,
                            Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh !
                                                                  (Tự tình I)
                            Tài tử, văn nhân ai đó tá ?
                            Thân này đâu đã chịu già tom.
                                                                  (Tự tình II)
                            Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,
                            Mảnh tình san sẻ tí con con.
                                                                  (Tự tình III)
    Tiếng cười chính mình tuy không nhiều, nhưng ý nhị, mang ý nghĩa sâu sắc hàm ẩn những chua xót thân phận hòa nguyện với sự phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt.
    Nhà thơ không chỉ cười mình mà còn cười người. Tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu tập trung vào đối tượng chính là bọn giai cấp thống trị với thói đạo đức giả của chúng, phơi bày cái xác thân phàm tục vốn là cái bản chất.
    Hồ Xuân Hương vạch trần bộ mặt đạo đức giả của giai cấp phong kiến, đại diện là vua chúa, quan lại, hiền nhân quân tử. Họ là mẫu người lí tưởng của xã hội phong kiến với bao điều tốt đẹp, trong sạch, thanh cao, họ là những người mang sứ mệnh truyền bá, hành xử đạo lí thánh hiền, giữ gìn kỉ cương xã hội. Thế nhưng, bằng con mắt sắc sảo Hồ Xuân Hương đã xé toạc hết bộ phẫm phục lộng lẫy, lộ ra chiếc áo đạo đức cụt cỡn với bộ mặt giả dối, trả họ về với lũ bịp bợm, dối đời và dốt nát. Với tiếng cười châm biếm, Hồ Xuân Hương như sung sướng, hả hê khi làm lộ ra sự thật cay đắng ấy.

Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
                             (Vịnh cái quạt II)
    Đối tượng đầu tiên của bà đó chính là bọn vua chúa, những kẻ thay trời trị dân. Đã từng là đối tượng của những anh đồ ghẹo gái, Hồ Xuân Hương càng hiểu sâu hơn bản chất của những kẻ cầm quyền, tất cả chỉ là những kẻ mê hoa, háo sắc.
                                      Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,
                                                Chúa dấu vua yêu một cái này.
                                                                                     (Vịnh cái quạt I)
     Vua chúa là vậy mà quan thị còn đáng lên án hơn. Bọn quan thị tức là bọn thái giám, ngày đêm hầu hạ bọn vua chúa chẳng ra gì. Xã hội đã giơ cao, đánh thẳng vào cuộc sống trái lẽ của chúng, thậm chí trước cái dị hợm, quái gỡ, bà văng tục, bà chửi đổng, bà cười mỉa mai:
                            Mười hai bà mụ ghét chi nhau?
                            Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu?
                            Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
                            Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.
                            Đố ai biết được vông hay trốc,
                            Còn kẻ nào hay cuống với đầu.
                            Thôi thế thì thôi, thôi cũng được,
                            Nghìn năm khỏi bị tiếng nương dâu.
                                                                                     (Quan thị)
    Chỉ vì một chức quan, một địa vị, họ sẵn sàng vứt bỏ tất cả, kể cả tình yêu. Thật đáng tức, đáng phải bị tố cáo, vạch mặt những con người chẳng biết trân trọng, luôn xem người phụ nữ là một món đồ chơi tình cảm.
    Đối tượng được nữ sĩ châm biếm đả kích nhất vẫn là bọn “hiền nhân quân tử”. Những việc làm lén lút, thậm chí những ý nghĩa “tiểu nhân” trong đầu chúng cũng bị xã hội phát hiện và phơi bày ra ánh sáng. Xã hội đã bóc trần bộ mặt ngụy quân tử để chúng ta nhận ra những kẻ giả dối ấy vẫn có những khao khát phàm tục, song vì khoác áo đạo đức, chúng đành phải lén lút, phải ăn vụng. Những ý nghĩ mờ ám ấy còn đáng ghê tởm hơn gấp trăm lần khi chúng bị phát hiện bởi nữ sĩ họ Hồ.
                            Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
                            Một lạch Đào nguyên suối chửa thông.
                            Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
                            Đi thì cũng dở, ở không xong.
                                                                                     (Thiếu nữ ngủ ngày) 
    Hồ Xuân Hương đã không ngần ngại khi vạch ra những đen tối của cái đầu trọc nhà sư. Trong cái xã hội rối ren, nhà chùa đã không còn giữ được cái cung cách nghiêm trang của nó, không ít kẻ đã lợi dụng nơi tu hành để làm những chuyện bậy bạ, đó là lối tu hành giả dối.
                            Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta
                            Đầu thì trọc lóc áo không tà
                            Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm
                          


Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà
                            Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe
                            Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha.
(Sư Hổ Mang)
     Dẫu nấp bóng Phật, dẫu cạo đầu trọc lóc, dẫu miệng có hi ha, tụng niệm thì Hồ Xuân Hương vẫn nhận ra bao hành vi dâm đãng đang ẩn náu trong đó.
     Chùa chiền giờ đây không thể cho Hồ Xuân Hương tìm ra những vẻ đẹp đơn sơ, thanh tĩnh nữa mà với bà đó chỉ là nơi làm rõ hơn bộ mặt giả tạo, cảnh ngược đời của bọn sung đạo. Bà nhìn ra họ chỉ là những kẻ nho sĩ dốt nát, huênh hoang, ngổ ngáo. Nhà thơ chỉ trích những kẻ học không ra gì, làm thơ mà chẳng ra thơ, lại còn dám đề thơ ở chùa, ở miếu:
                            Dắt díu nhau lên đến cửa chiền
                            Cũng đòi học nói, nói không nên
                            Ai về nhắn bảo phường lòi tói
                            Muốn sống đem vôi quét trả đền.
                                                                  (Mắng học trò dốt II)
     Qua thơ Nôm Hồ Xuân Hương, ta thấy cả một xã hội phong kiến thời bà bị chế giễu, đả kích. Bà dùng tiếng cười, thông qua yếu tố tục, xoáy vào đời sống bản năng của giai cấp thống trị để từ đó đả kích, tố cáo thói đạo đức giả của chúng.

2. Bày tỏ lòng cảm thông, yêu thương với con người đặc biệt là những số phận không may nhất là người phụ nữ.
      Trong văn học nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nhân đaọ chủ nghĩa, bởi vì thơ bà trước hết là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ. Không phải người phụ nữ lầu son, gác tía, chinh phụ hay cung tần, mà là người phụ nữ bình thường, người phụ nữ lao động có nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Có thể nói, ngoài văn hóa dân gian, Hồ Xuân Hương là nhà thơ đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc đã đem đến cho thơ văn tiếng nói của những người phụ nữ ấy: những tiếng than và những tiếng thét, những tiếng căm hờn và những tiếng châm biếm sâu cay.
Có lẽ những người yêu thơ sẽ không thể nào quên nữ sĩ duy nhất trong 3 đại thi hào dân tộc của Việt Nam – “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương. Có lẽ danh mệnh Bà chúa thơ Nôm đã nói lên vị trí của bà trong thi đàn văn học Việt Nam.
      Tiếng thơ Xuân Hương là tiếng thơ của một người phụ nữ tài hoa, cá tính nhưng phải chịu sự gò bó của lễ giáo phong kiến khắt khe, kìm kẹp. Bao khao khát, bao nguồn sống mãnh liệt không được bộc lộ trong cuộc sống đã được bà gởi gắm cả vào trong thơ. Thơ Xuân Hương là những nỗi niềm không chỉ của riêng tác giả mà của tất cả những phụ nữ bất hạnh trong xã hội phong kiến thế kỉ XIV, thơ Xuân Hương là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ bình dân, lam lũ, của những số phận bất hạnh. Nhà văn Banzac trong “Miếng da lừa” từng nói “Trên đời không có gì trọn vẹn hơn sự bất hạnh” và nói như người đời, ông trời thường hay ích kỉ, ông chỉ ban cho một số người được hạnh phúc, còn bất hạnh hầu hết ai cũng được hưởng, đặc biệt là phận liễu yếu đào tơ, mỏng manh của những người phụ nữ sống dưới xã hội phong kiến trong thời kì khủng hoảng suy thoái.
     Hồ Xuân Hương là nhà thơ của phụ nữ, bằng kinh nghiệm của cuộc đời chung và kinh nghiệm một cuộc đời chẳng ra gì của mình, nhà thơ đứng về phía những người phụ nữ bị áp bức. Trong thơ của mình, Hồ Xuân Hương hình như chỉ muốn nói đến nỗi khổ đau riêng có tính chất giới tính. Viết về đề tài phụ nữ nhà thơ thường xoáy sâu vào những ngóc ngách éo le của cuộc đời để nêu lên những bi kịch không kém phần chua chát. Hồ Xuân Hương viết về nỗi khổ của người phụ nữ có “kiếp lấy chồng chung”, hay nỗi khổ của người phụ nữ “ không chồng mà chửa”,…Trong bài Kiếp lấy chồng chung, nhà thơ vạch ra làm lẽ chẳng qua chỉ là một thứ làm mướn, thậm chí còn tệ hơn là làm mướn nữa: đó là thứ làm mướn không công. Xuân Hương nêu lên được một nét điển hình nổi bật của chế độ hôn nhân phong kiến. Xã hội phong kiến bắt người phụ nữ phải chính chuyên một chồng trong khi cho phép đàn ông có năm thê bảy thiếp. Trừ trường hợp cá biệt, lấy vợ lẽ vì người vợ cả không có con trai “nối dõi tông đường”, thông thường trong xã hội phong kiến lấy lẽ là để thỏa mãn cuộc sống dâm dục của bọn địa chủ, đồng thời cũng để có thêm sức lao động. Đó là thuê nhân công mà không phải trả tiền. Ý nghĩa phê phán sâu sắc trong thơ bà là ở đó. Và ý nghĩa ấy được nhân lên rất nhiều lần, do chỗ người phụ nữ của Hồ Xuân Hương cố hết sức chịu đựng.
Năm thì mười họa hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công !
Và đã không chịu đựng nỗi, bà đã thét lên.
                            Chém cha cái kiếp lấy chồng chung !
     Hồ Xuân Hương nhận thức được cảnh bất công, ngang trái của việc lấy chồng chung, nhà thơ lên tiếng chửi mắng quyết liệt, nhưng điều kiện xã hội phong kiến vẫn cho phép nó nghiễm nhiên tồn tại. Lịch sử hạn chế nhà thơ không tìm được lối thoát. Bài thơ kết thúc không mở ra một bước ngoặt nào cả, mà đóng lại bằng tiếng thở dài bất lực.
                            Thân này ví biết dường này nhỉ,
                             Thà trước thôi đành ở vậy xong!
     Nhà thơ không thể vượt lên trên hoàn cảnh xã hội, bất mãn với thực tại, bà nghĩ giá gì ngày trước đừng lấy chồng! Đó là một cách nói chứ không phải một giải pháp và tiếng thở dài của bà chỉ làm đậm thêm cái mỉa mai thực tại.
     Đặc điểm của thơ Hồ Xuân Hương là không bao giờ dửng dưng, lạnh nhạt. Nhà thơ luôn có một trái tim cháy bỏng, nói đến cái gì là nói với tất cả sự xúc động chân thành của mình. Khi giận dữ thì thét lên, mắng chửi, khi yêu thương thì đằm thắm, ngọt ngào. Nếu bài Kiếp lấy chồng chung là tiếng nói phẫn uất, chua xót với chế độ đa thê bất công mà người phụ nữ phải chịu đựng thì bài Không chồng mà chửa lại là một lời nói rất mực khoan dung, độ lượng đối với cảnh không may của họ.
Trong xã hội phong kiến người phụ nữ chửa hoang là một tội lỗi tầy đình. Xã hội phong kiến lấy việc lăng nhục con người để trả thù cho cái mà chúng gọi là “phá hoại nhân cách”, “hết cả liêm sỉ”. Thật không có sự lệ thuộc nào hơn sự lệ thuộc của người phụ nữ với xã hội phong kiến. Pháp luật, lễ giáo, tập tục, những “tam cương ngũ thường”, “tam tòng tứ đức” đã hoàn toàn biến người phụ nữ thành một thứ sở hữu của người gia trưởng, của người đàn ông. Họ bị tước hết mọi quyền lợi, kể cả quyền được yêu và quyền đối với con cái. Trong hoàn cảnh như vậy, quan hệ vợ chồng chưa chắc là quan hệ yêu đương và việc “không chồng mà chửa” chưa hẳn đã là chuyện bừa bãi, “trong bộc trên dâu”, mà nhiều khi lại là một kết quả của tình yêu thật sự. Người phụ nữ “không chồng mà chửa” trong bài thơ Hồ Xuân Hương là trường hợp ấy. Nàng nói với người tình của mình nửa như trách móc, nửa như tâm sự
                            Cả nể cho nên hóa dở dang,
                            Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng !
      Nàng không coi việc làm của nàng là tội lỗi. Đó chỉ là chuyện “cả nể” đối với người tình và vì cả nể nên mới dở dang như vậy. Lễ giáo, luật pháp phong kiến khắc nghiệt làm cho người tình không dám nhìn nhận kết quả tình yêu của chàng. Chỗ nhút nhát ấy của bạn tình, người phụ nữ của Hồ Xuân Hương cũng rất độ lượng
                             Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng!
       Nàng chỉ yêu cầu một điều là nhìn nhận sự việc cho đúng đắn. Đây là chuyện tình, chuyện nghĩa chứ không phải chuyện bướm ong trong chốc lát: “Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa”. Còn kết quả của nó bạn tình không nhận, nàng xin đảm đương tất cả: “Mảnh tình một khối thiếp xin mang”.
Cuối cùng người phụ nữ của Hồ Xuân Hương thấy không thể khuất phục được, Hồ Xuân Hương còn mạnh dạn lên tiếng phản kháng lại những cái gọi là “khuôn vàng thước ngọc” của Nho giáo đang đi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, nàng đã ngẩng cao đầu tuyên chiến với lễ giáo phong kiến bằng những lời lẽ hùng hồn, đanh thép.
                            Quản bao miệng thế lời chênh lệch,
                            Không có, nhưng mà có, mới ngoan!
     Thái độ của Hồ Xuân Hương bắt gặp thái độ của quần chúng nhân dân trong ca dao.
                            Không chồng mà chửa mới ngoan,
                            Có chồng mà chửa thế gian sự thường.
     Cố nhiên quần chúng nhân dân cũng như Hồ Xuân Hương không phải bênh vực cho quan hệ bừa bãi của nam nữ, mà ở đây là cách nói “ăn miếng trả miếng” có tính cách bóp chat trong lối đối thoại của nhân dân với giai cấp phong kiến thống trị. Trong xã hội cũ, can đảm nhất cũng chỉ có Nguyễn Dữ dám đề cập đến những cảnh nhục dục, những nhân vật dám vượt rào khỏi giáo điều phong kiến qua hình tượng yêu ma không thực. Nhưng Xuân Hương lại cả gan đứng ra bênh vực cho những người con gái dở dang ấy, dám ngang nhiên thừa nhận những quy tắc đi ngược lại khuôn mẫu của lễ giáo phong kiến. Điều đó chỉ có ở bản lĩnh, một trái tim tha thiết, nồng ấm sự cảm thông của một tâm hồn nữ sĩ.
     Hồ Xuân Hương là một nhà thơ thương yêu con người, yêu cuộc sống. Tình cảm chân thành làm cho thơ Hồ Xuân Hương dường như lúc nào cũng che giấu bên trong một nụ cười. Đối với Hồ Xuân Hương một nụ cười có ý nghĩa nhiều hơn những giọt nước mắt. Tất nhiên nói thế không phải nước mắt không có ý nghĩa. Nhất là đối với những giọt nước mắt chân thành và thông cảm như của một Nguyễn Du chẳng hạn, thì đó vẫn là niềm an ủi lớn đối với con người, đó vẫn là một bằng chứng rằng con người không phải tất cả là lang sói, mà còn có những tấm lòng. Song dù sao cũng phải thừa nhận rằng khi trong cuộc sống nước mắt đã đọng lại thành sông, thành biển thì khóc thêm vài giọt nữa cũng có ích gì ? Hồ Xuân Hương không muốn khóc, không muốn phủ một màu đen lên cuộc đời vốn đã đen ngòm của những người đau khổ mà muốn đem đến cho họ một nụ cười, giúp họ có nghị lực để sống và chống chọi với cuộc sống. Nhà thơ sẽ bảo một bà lang khóc chồng.
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì,
Thương chồng nên nỗi khóc tỉ ti
Sẽ bảo một cô gái chồng chết:
                                      Nín đi kẻo thẹn với non sông,
                                      Ai về nhắn nhủ đàn em bé !...
Sẽ đem chút ánh sáng của lòng tin vào một lẽ công bằng và nhân đạo hơn để cho những cô gái khôngchồng mà chửa tiếp tục sống, làm mẹ và làm người.
                            Không có, nhưng mà có, mới ngoan !
     Nhưng đối với phụ nữ, Hồ Xuân Hương không phải chỉ cảm thông và bênh vực. Đặc biệt hơn nữa nhà thơ còn hết sức ca ngợi, đề cao họ, tìm thấy vẻ đẹp thật sự chân chính ở họ.
Trong một loạt hình tượng nói về số phận bấp bênh, hẩm hiu của người phụ nữ như chiếc bánh trôi nước “Bảy nổi ba chìm với nước non”, con ốc nhồi “Đêm ngày lăn lốc đám cỏ hôi”, hay quả mít “da nó xù xì”,…nhà thơ chú trọng nêu bật lên cái đẹp bên trong, cái đẹp tâm hồn của họ. Quả mít da nó xù xì nhưng “múi nó dày”. Chiếc bánh trôi bảy nổi ba chìm và “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” nhưng “vẫn giữ tấm lòng son”…Trong bài thơ Đề tranh tố nữ, Hồ Xuân Hương ca ngợi người phụ nữ ở khía cạnh khác – ca ngợi tuổi trẻ tươi mát, trắng trong của cô gái đang xoan.
                            Chị cũng xinh mà em cũng xinh,
                            Đôi lứa như in tờ giấy trắng,
                            Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh…
      Và trong bài Thiếu nữ, ngòi bút của nhà thơ lại đi vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ về cái đẹp của họ: cái đẹp trong cơ thể. Bài thơ là một bức tranh khỏa thân truyền thần sinh động.
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc biếng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò bồng đảo hương còn ngậm,
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.
     Không phải bằng đường nét và màu sắc mà bằng một thứ ngôn ngữ trang trọng, bức tranh khỏa thân của nhà thơ mới sinh động biết bao ! Có người cho đây là một cách nhảm nhí của Hồ Xuân Hương, một thứ “dâm hay tục”. Nhưng bài thơ có gì là nhảm nhí, có gì là dâm, là tục ? Ở đây người đọc chỉ thấy một thân hình cân đối, mĩ lệ của người thiếu nữ, một quang cảnh nên thơ với những bồng đảo, đào nguyên… Bức tranh không hề khêu gợi một sự thèm khát nào của dục vọng thấp hèn, mà chỉ đem đến cho người đọc những rung động thẩm mĩ thanh cao.
Như vậy thơ của Hồ Xuân Hương khi viết về người phụ nữ đó là những lời tâm tình chân thành nhất. Hồ Xuân Hương viết về người phụ nữ với bao sự cảm thông, chia sẻ, bênh vực về những đau khổ, tủi hờn, cực nhọc, tai tiếng của người phụ nữ bị áp bức, bóc lột. Thơ bà xoáy sâu vào cả đời sống tinh thần lẫn thể chất của họ cho thấy được những vẻ đẹp, những khát khao chân thật, đời thường, bình dị nhất của người phụ nữ.

3.Đề cao con người cá nhân đi sâu vào thế giới nội tâm phong phú, phức tạp của con người khẳng định quyền sống của con người  
     Một biểu hiện hiếm có, độc đáo của con người cá nhân trong văn học Việt Nam thời kỳ này là con người bản năng trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đây là điều mà nhiều nhà nghiên cứu văn học thời kỳ này đã khẳng định. Nguyễn Lộc viết: “Hồ Xuân Hương không giả dối, bà đã công khai nói lên cái sự thật ấy. Thoả mãn cuộc sống bản năng cũng là một khát vọng chính đáng của con người giống như bất cứ một khát vọng chính đáng nào; và điều đáng chú ý hơn nữa ở nhà thơ này là đã công khai nói đến cuộc sống bản năng, dù viết về những đề tài cốt  để người ta liên tưởng đến chuyện trong buồng kín của vợ chồng, nhưng bất cứ một bài thơ nào của bà cũng đều gợi lên một cảm giác đẹp hiếm có. Và chính điều này đã nâng nhà thơ lên hàng những nghệ sĩ lỗi lạc, chứ không phải là những kẻ tầm thường làm thơ, viết văn với mục đích khiêu dâm”.
     Ý thức về nhu cầu bản năng là biểu hiện của ý thức cá nhân. Phân tâm học cho biết có một vô thức cá nhân sâu xa bao gồm tất cả những thúc đẩy của bản năng, mà những cưỡng chế xã hội và văn hoá đã chôn vùi, “bịt miệng”, nhưng không huỷ diệt được. Vô thức sâu xa bao gồm toàn thể những thúc đẩy nguyên thuỷ, những thúc đẩy này tạo thành tính cảm tính (affectivité) cổ xưa của con người. Nhưng cái làm cho vô thức được cá nhân hoá là những dấu vết của đời sống riêng tư của mỗi người, những biến cố nguyên nhân của hiện tượng dồn ép. Nói chung hiện tượng công khai các ám ảnh tình dục trong văn học đều có mấy nguyên nhân: Một là chủ nghĩa cấm dục kéo dài phản tự nhiên, giả dối khiến người ta phản ứng; hai là đời sống tình dục thực tế bị ức chế, không thoả mãn; ba là tình cảm sùng bái sinh thực khí nguyên thuỷ. Ngoài ra cũng chú ý tính thời thượng của mỗi thời.
     Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo, tư tưởng “nam nữ hữu biệt”, “nam nữ thụ thụ bất thân”, để lộ thân thể bị xem là ô nhục. Tư tưởng cấm dục của Tống Nho càng khắc nghiệt và giả dối. Cuộc sống truỵ lạc trong cung đình, tướng phủ thời ấy đã quá tai tiếng, tương phản gay gắt với đạo đức phong kiến. Tuy vậy, số phận đặc biệt với nhiều thiệt thòi trong cuộc đời tình duyên đã để lại dấu ấn thiếu thốn, không thoả mãn sâu đậm trong tâm tình của Hồ Xuân Hương. Nhưng cái chính ở chỗ bà là một cá tính mạnh mẽ, ngang tàng, dám nói cái mà đời ít người dám nói trong thơ. Vì vậy thơ bà thể hiện chân thực tình cảm của bà.
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom!
(Tự tình III)
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tý con con!
(Tự tình II)


Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.
(Tự tình III)
Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc,
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi!
(Khóc ông Phủ Vĩnh Tường)
Chàng Cóc ơi, chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi!
(Khóc Tổng Cóc)
Năm thì mười họa hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công!
(Kiếp lấy chồng chung)
     Một cuộc sống mà tất cả đều nửa vời, nửa đoạn, dang dở, thiếu thốn hoàn toàn, thể hiện một sự bất mãn dai dẳng, sâu sắc, liên tục trong cuộc đời ân ái. Thực tế thì như vậy, mà đạo đức xã hội lại cấm đoán, kiêng khem một cách giả dối khêu gợi ở bà một tình cảm chống đối, muốn xé toạc mọi che đậy.
Cái cá nhân không thoả mãn bị dồn nén ấy trở thành ám ảnh làm cho thơ bà có cái nhìn ngộ nghĩnh, nhìn đâu cũng thấy cơ thể người phụ nữ và việc sinh hoạt chốn buồng khuê. Đây là điểm đã được nhiều người khẳng định. Nhưng điều mới mẻ là nhà thơ xem đó là một nhu cầu đương nhiên, công khai, có tính chất thách thức.


Quản bao miệng thế lời chênh lệch,
Không có, nhưng mà có, mới ngoan.
(Không chồng mà chửa)
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ,
Trách người thợ vẽ khéo vô tình.
(Đề tranh tố nữ)
Quân tử  dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Quân tử có yêu thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
(Quả mít)
Hiền nhân quân tử ai là chẳng,
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo…
(Đèo Ba Dội)
Đá kia còn biết xuân già dặn,
Chả trách người ta lúc trẻ trung.
(Đá ông chồng bà chồng)
Thú vui quên cả niềm lo cũ,
Kìa cái diều ai nó lộn lèo.
(Quán Khánh)
     Nhà thơ không xem cái lẳng lơ là lẳng lơ, không xem cái tục là tục, không xem dâm là dâm, tất cả đều hồn nhiên, tự nhiên. Đã đến lúc không nên nói đến cái gọi là dâm và tục trong thơ bà, mà nên nói đến những ám ảnh tính dục, nhu cầu giải phóng nhãn quan tính dục phong kiến cổ hủ như một nhu cầu của con người cá nhân. Cũng có người hiểu cái “dâm” trong thơ Hồ Xuân Hương là biểu hiện của văn hoá phồn thực. Thiết nghĩ hiểu như vậy là đẩy vấn đề sang địa hạt ý thức tôn giáo, xa lạ với ý thức cá nhân của nhà thơ.

4. Nghệ thuật thơ của Hồ Xuân Hương
      Hấp thu và phát huy được vốn văn nghệ dân gian phong phú Hồ Xuân Hương đã dùng thể thơ thất ngôn bát cú hoặc tuyệt cú theo Đường luật Trung Quốc một cách Việt hóa rất độc đáo. Nhịp thơ uyển chuyển, nhiều câu phá vỡ khuôn nhịp cũ của thơ Đường luật thất ngôn bát cú hay tuyệt cú.
Sử dụng nghệ thuật thơ trào lộng. Thơ Hồ Xuân Hương có tính chiến đấu mạnh với những vũ khí sắc bén nhất, đặc biệt nhất đó là châm biếm và khôi hài. Trong khi vận dụng nghệ thuật khôi hài, Hồ Xuân Hương thường dùng hai phương tiện: xây dựng hình ảnh tương phản và lối nói ám dụ nửa tục nửa thanh, dùng cái tục để nói đến cái thanh.
Sử dụng nghệ thuật tả cảnh độc đáo bằng ngôn ngữ của nhân dân, nôm na, giản dị nhưng có giá trị gợi tả về hình ảnh cũng như về âm thanh. Ngoài ra thì bút pháp tả thực của bà cũng rất sắc sảo, tài tình, mang hơi văn rất mạnh.
Hồ Xuân Hương sử dụng ngôn ngữ của tục ngữ, ca dao ngay cả cách nói của Hồ Xuân Hương, lối so sánh, ví von cũng là cách nói của nhân dân qua tục ngữ, ca dao. Thi sĩ cũng hay dùng lối chơi chữ, lối nói lái.

5.Kết luận:
      Cuộc đời và thơ của Hồ Xuân Hương là một hiện tượng hết sức phức tạp, nhiều điều còn chưa rõ ràng nhưng chúng ta đáng tự hào vì có nữ thi tài này trong nền văn học Việt Nam.

Nội dung tư tưởng trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương mang nội dung nhân đạo sâu sắc. Đó là những tiếng nói đả kích, tố cáo bọn giai cấp thống trị, những cái xấu xa thối nát của xã hội phong kiến lúc bấy giờ, tố cáo thói đạo đức giả của chúng. Thông qua đó hồn thơ của bà đã nói lên lòng yêu thương, cảm thông, chia sẻ những bất hạnh của những con người đặc biệt là những người phụ nữ, cho ta thấy được những khao khát, những khẳng định về quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc đáng có của những con người bất hạnh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét