Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI TRONG TÁC PHẨM LÀNG QUÊ ĐANG BIẾN MẤT CỦA TÁC GIẢ TẠ DUY ANH (Huỳnh Thị Khánh Lê – Lớp Sư phạm Ngữ văn K37, ĐHQN)


Tạ Duy Anh là một trong những cây bút nổi tiếng của nền văn học hiện đại Việt Nam. Là nhà văn viết sung sức, trung thực và không ngừng tìm kiếm, sáng tạo cái mới, Tạ Duy Anh luôn để cho mỗi tác phẩm của ông một cuộc đời với cách cấu trúc và ngôn ngữ riêng. Bởi thế nên những tác phẩm của ông luôn gây tiếng vang lớn và để lại nhiều suy ngẫm cho độc giả.




Làng quêđang biến mất? - tập bình luận xã hội của Tạ Duy Anh là tâm huyết của một nhà văn trước những vấn đề gây nhức nhối cho xã hội, đang tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, được phát tiết qua góc nhìn văn hóa. Trong từng câu chuyện, ta dễ dàng nhận ra những trăn trở của ông đối với những đổi thay của con người, của văn hóa làng xã - những điều mà trước nay đã trở thành chuẩn mực, truyền thống truyền qua bao đời. Ở đó ta thấy được cả sự luyến tiếc xót xa trước môi trường văn hóa đang ô nhiễm, đang bị hủy hoại trầm trọng, nơi mà những thói hư tật xấu lên ngôi thống trị. Là sự dửng dưng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, là sự giả dối được đặt nặng hơn sự trung thực, là sự tham lam, ích kỷ chỉ biết vun vén cho cá nhân mình. 
Với Làng quê đang biến mất?Tạ Duy Anh không chỉ vẻ nên một bức tranh cuộc sống mà còn là những hình ảnh chân thật ở một khía cạnh khác về lối sống của người Việt hiện đại. Hay nói cách khác Làng quê đang biến mất?là cuộc thám hiểm những cố tật của văn hóa Việt mà mỗi người đều tìm thấy chân dung của mình trong đó.
Nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc, sao lại “vụng về” trong giao tiếp khi mà từ bao đời nay người Việt được truyền lại từ cha ông biết bao truyền thống, ứng xử cao đẹp trong giao tiếp. Bởi lẽ giao tiếp ở đây khi chỉ là hoạt động trao đổi thông tin giữa con người với nhau nhằm tạo dựng mối quan hệ. Mà giao tiếp còn được hiểu là những ứng xử trong cách ăn nói, đi đứng hằng ngày. Chẳng thế nên người xưa có câu “Học ăn, học gói, học mở”. Thiết nghĩ, người Việt cần gì phải học ăn nữa, đó là một việc đơn giản, những, đối với những gì đang diễn ra hằng ngày thì thật sự người Việt phải học lại cách “ăn”.
Bàn về vấn đề này, Tạ Duy Anh bày tỏ rất rõ quan điểm của mình. Ông cũng thừa nhận rằng chuyện ăn uống là một chuyện nhỏ, vô cùng nhỏ. Bởi lẽ “văn hóa Việt từ xa xưa đến nay vẫn thường tránh coi chuyện ăn uống là chuyện lớn. Cho dù là tiệc tùng linh đình thì cũng “Mời xơi chén rược nhạt”. Rồi nào là: “Trọng tình không ai trọng thực”, “Lời chào cao hơn mâm cổ”… Tất cả chỉ nhầm làm bật tinh thần của bửa ăn mới quan trọng” (Chuyện nhỏ hơn con thỏ)[1,tr.10]. Đó chính là truyền thống, bản sắc, đặc tính dân tộc của người Việt từ bao đời nay và tất yếu ta không thể phủ nhận. Tuy nhiên nhà văn muốn nói đến chuyện ăn uống ở một loại hình du nhập từ nước ngoài đó là kiểu ăn Buffet. Kiểu cỗ bàn này là thực khách tự lựa chọn thức ăn, không hạn định số lượng và thường ăn đứng. Người Việt mình vốn nhạy cảm với những khẩu vị ăn mới nên kiểu Buffet này du nhập rất nhanh vào khu vực thị thành. Cũng chính vì điều này cũng đã “sinh ra vô số điều trái khoáy, chuyên tức cười, chuyện “quê một cục”, thậm chí là chuyện đau lòng liên quan đến quốc sỉ”. “Phàm cái gì trên đời cũng phải học thì mới biết”[1,tr.11]. Nhưng việc học ăn lại rất ít được chú ý nhất. Và thế là “khi cái thứ tiệc đứng tên là Buffet du nhập vào Việt Nam, rất ít người biết rằng nó không chỉ là một kiểu ăn, mà còn là nét văn hóa ngoại lai”[1,tr.11]. Sự xa lạ về cách thức ăn, món ăn,… đã làm cho người Việt bối rối , vô tình lòi ra nhiều thói xấu: “Đáng lẽ phải từ tốn, nhẹ nhàng, xem qua xem mình có thể ăn được gì, ăn thế nào, món gì ăn trước là phù hợp với mình… và nếu chưa chắc chắn về khẩu vị thì phải lấy chút ít ăn thử, hợp khẩu vị mới lấy thêm”[1,tr.12]. Nhưng những nguyên tắc sơ đẳng ấy chưa được học nên người Việt cứ “thói nào tật ấy”, như ở giữa chợ: “nói to, gọi nhau í ới, đi lại huỳnh huỵnh, mở nắp nồi xủng xoảng, cười nói hô hố, chen lên trước người khác dù món đó ê hề…”[1,tr.12]. Kiểu ăn Buffet này đã vô tình mang toàn bộ “những nét xấu nhất của văn hóa ẩm thực Việt đặt chềnh ễnh trong một căn phòng có thể nhìn thấy cả sợi tóc rơi” (Chuyện nhỏ như con thỏ)[1,tr.13]. Nhà văn một lần nữa thấy lo ngại cho hình ảnh Việt Nam so với bạn bè năm châu khi mà ở những nhà hàng có Buffet ở Thái Lan, Malaysia,… luôn có dòng chữ “Lấy đủ dùng” hoặc “Ăn không hết, sẽ bị phạt!” được ghi bằng tiếng Việt. “Từ chuyện nhỏ như con thỏ, nhỏ hơn cả con thỏ là việc đưa miếng ăn vào miệng còn chưa biết cách, thì vội bàn làm gì đến những chuyện thay trời đổi đất chỉ để mua cười”[1,tr.14].
Văn hóa ẩm thực của Người Việt không chỉ như thế mà tác giả còn mở rộng hơn sang vấn đề an toàn thực phẩm. Qua cuộc trò chuyện với anh bạn mà nhà văn Tạ Duy Anh đã phát hiện ra một sự thật kinh hoàng về món gà ác ông vẫn hay ăn. “Vì miếng ăn người ta có thể băng đèo, lội suối, bất chấp tính mạng có thể bị mất bất cứ lúc nào”. Đó là những điều có thể chấp nhận được, nhưng “gieo rắc sự nhục nhã thì không thể tha thứ. Nhục nhã nhất là chúng ta cho nhau ăn cả thứ thiên hạ thải ra, còn đâu là quốc sĩ!” [1,tr.269]. Thê thảm hơn, phải chăng người Việt thuộc giống người dễ dãi trong ăn uống, cực kỳ dễ dãi? “Mặc cho mọi cảnh báo về virus cúm gà, sán lợn, với đủ hình ảnh rùng rợn minh họa ngày ngày chiếu trên ti vi, người ta vẫn cứ nhồm nhoàm tống vào bụng những bát tiết canh sống sít, nhiễm bẫn và đầy độc tố. Dù biết rõ chân gà từng bị thối, tẩm cả thuốc ướp xác, được cảnh báo rộng rãi cũng không khiến những trai thanh gái lịch ngồi lê la trên vỉa hè thưởng thức chúng một cách ngon lành. Cứ như họ tranh thủ ăn lấy ăn để cho kịp ngày tận thế!” (Rượu độc, thực phẩm bẩn và giống nòi Việt)[1,tr.274]. Tự hỏi, chúng ta có đói khát, có thiếu thốn hay thèm nhạt nữa đâu mà cái gì cũng tống vào miệng, “chẳng lẻ mọi người quên rằng chết vì miếng ăn là cái chết vô nghĩa nhất”[1,tr.274]. Chỉ đơn giản là chuyện mua bán, trao đổi nhưng lại trao đổi thứ “gà rác” – thứ mà thế giới họ vứt đi để đem về làm thức ăn cho chính dân tộc mình, ảnh hưởng đến giống nòi dân tộc thì thiết nghĩ người Việt cần xem lại vẫn đề ăn uống của mình một cách nghiêm túc. “Chỉ vì thói phàm ăn mà mọi tuyên truyền về an toàn thực phẩm hiện nay đang giống như nước đổ đầu vịt”. “Điều thấy trước là rượu và thực phẩm bẩn đang tham gia tích cực vào quá trình làm suy thoái giống nòi Việt.Đừng ai nghi ngờ điều này!”( Rượu độc, thực phẩm bẩn và giống nòi Việt)[1,tr.275].
Vấn đề giao tiếp không chỉ thể hiện qua văn hóa ẩm thực của người Việt mà nó còn biểu hiện ở văn hóa đọc.Người Việt không hề lười đọc, bằng chứng là số chữ họ lướt quá mỗi ngày.Nhưng tại sao vẫn có sự kêu ca rằng họ lười đọc? Để trả lời cho câu hỏi này, Tạ Duy Anh đã dẫn ra rất nhiều thông tin mà hằng ngày chúng ta vẫn đọc trên các trang báo mạng. Nhà văn tìm thấy ở đó là những tệ nạn, những thông tin giật gân, không tình ái thì cũng bạo lực, không giết vợ thì cũng bóp cổ con; hay sự “ăn chơi cháy trời của các sao, sự õng ẻo của các “ranh hài” “ranh thủ” “ranh ca” nào đó” [1,tr.17]. Đó là những gì mà hằng ngày người Việt đang nhồi nhét vào đời sống tinh thần của họ. Không thấy đâu những vấn đề như Biển Đông, chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng,… thậm chí vấn đề học thuật, lich sử, mỹ học càng hiếm hoi. Lý giải cho hành động đọc kì lạ này của người Việt, Tạ Duy Anh đặt ra câu hỏi: “Hay là người Việt đã qua no đủ với những thứ cao cấp ấy?” hoặc “xét như tình trạng hiện nay, cũng cho câu trả lời tương tự, rằng có thể người Việt đã no kiến thức, no thẩm mỹ, no triết học, no giáo dục: dân gần một trăm triệu, mà sách cao cấp nói về các lĩnh vực ấy, in ra chỉ ngàn bản vẫn ế trầy ế trật?”(Càng ăn càng đói)[1,tr.18].Nhưng đọc nhiều thế mà văn hóa ứng xử của người Việt lại ngày có sự xuống cấp trầm trọng, “vậy là đọc đấy mà vẫn không phải là đọc; bội thực thông tin mà vẫn đói văn hóa, đói học vấn, đói kỹ năng sống; thừa mứa chữ mà vẫn viết chẳng thành câu…” Ngạn ngữ có câu: “Hãy xem anh đọc gì, tôi sẽ biết anh là ai? Suy rộng ra thì cũng có thể nói: “Hãy xem mọi người đọc gì, sẽ biết dân trí ở đó như thế nào?”[1,tr.19]. Nhà văn chỉ dừng lại ở đó, phần còn lại ông xin để cho người đọc tự đánh giá. Nhưng ông cũng rút ra vào cái tên cho văn hóa ứng xử của người Việt như sau: “Hội chứng càng ăn càng đói, càng nhiều càng thiếu, càng giàu càng nghèo, càng văn minh càng man rợ…” [1,tr.19].
Tiếp theo của văn hóa đọc là văn hóa ứng xử trong giao tiếp với người khác. Người Việt vốn nổi tiếng với đức tính mến khách, chu đáo nhưng giờ đây nhìn cách họ đối xử với những vị khách nước ngoài thật sự làm ta phải suy nghĩ rất nhiều. “[…] nhiều du khách nước ngoài đã rất sợ gặp người Việt Nam vì họ biết thể nào cũng bị quấy rầy. Không cười cợt vô duyên hay nhìn họ như nhìn khủng long tái sinh, thì cũng buông ra vài câu tiếng Anh bồi, nhiều khi tục tĩu vô ý do không hiểu, rất mếch lòng khách. Rồi ở nhà hàng nào cũng oang oang vừa ăn uống vừa làm điếc tai người chung quanh, phun cả nước bọt vào khách…”(Chặt, chém vào tương lai)[1,tr.23]. Đó là lối hành xử văn minh của người Việt sao? Cứ như thế này hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế sẽ chỉ là một đất nước “vô kỉ luật”.
Xưa nay người Việt vẫn có câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” để làm phương châm sống cho mình. Nhưng đặt trong xã hội ngày nay, ta thấy một số bộ phận đã quên mất phải ứng xử đẹp như thế. Điển hình cho điều này, Tạ Duy Anh đã bày tỏ thái độ đau lòng trước hành động “hôi bia” ở vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thật xấu hổ cho hành động của một đất nước văn minh. Đó không còn là văn hóa ứng xử của người Việt mà đang là mầm móng cho sự hình thành căn bệnh vô cảm, dẫm đạp lên sự đau khổ của người khác mà sống. “Con người sở dĩ biết hành động phải lẽ, biết dừng lại khi đến ranh giới của sự tệ hại, phần nhiều không phải do họ sợ bị trừng phạt, mà vì nó được ngăn bởi bức tường đạo đức. Ngoài ra, và bền vững hơn, chính là cảm giác của họ về sự xấu hổ.”(Xấu hổ quá)[1,tr.43]. Con người còn biết xấu hổ thì ta còn hy vọng vào nhân tính của họ. Nhưng với những người có hành động “hôi bia” vừa rồi phải chăng đã mất đi nhân tính? Qua việc này, chúng ta cần có một sự nhìn nhận đúng đắn hơn thái độ sống của người Việt. Quan trọng hơn đối với bộ phận kia hãy để xã hội lên án, nguyền rủa, bài xích và phán xét về mặt đạo đức, văn hóa. Có thể là cái nhìn bi quan, nhưng cứ tiếp tục thì một ngày người Việt sẽ tự đánh mất bản chất lương thiện của mình.
Như vậy qua cái nhìn của nhà văn Tạ Duy Anh ta rút ra được rất nhiều thứ cho văn hóa ứng xử trong giao tiếp của người Việt hiện nay. Nếu cứ trên đà như thế này thì người Việt chúng ta sẽ ngày càng hao mòn trí lực, suy đồi đạo đức.Không thể coi nhẹ những vấn đề mà Tạ Duy Anh gọi là “chuyện nhỏ như con thỏ” này được.Và người Việt phải lục tìm để học lại những truyền thống, bản sắc mà ông bà xưa để nhanh chóng xóa bỏ đi lối ứng xử mất nhân tính như hiện nay.
Một nhà văn Nga từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương”. Thật vậy, sống giữa một nơi không có yêu thương, con người dửng dưng với nhau thì khác nào sống giữa địa ngục. Vậy mà, người Việt chúng ta đang dần phát thảo nên cái địa ngục đó với thái độ vô cảm đến đáng sợ.
Chẳng cần đâu xa, Tạ Duy Anh chỉ đề cập đến những sự việc hằng ngày đang diễn ra đã đủ để chúng ta thấy con người trong xã hội này “đối xử” với nhau như thế nào. Đó là câu chuyện liên quan đến “Mạng chó, mạng người” – khi mà mạng sống của một con người được đem ra so sánh với mạng của một con chó – để rồi đặt ra câu hỏi mạng nào quý hơn? “Chỉ cần nghĩ như thế đã có thể coi là một kẻ độc ác, vô đạo đức. Không vật gì trên trần gian có thể so ngang với một con người, về mọi phương diện” [1,tr.25]. Tất nhiên nhà văn vẫn đứng trên cả hai lập trường của người có chó bị trộm, và kẻ đi trộm chó rằng: “Ở vị trí những người ra tay đánh chết kẻ trộm chó, tôi thấy hành động đó chẳng có gì là quá đáng”; “Ở vị trí của tên trộm chó, tôi thấy đó là một nghề nguy hiểm nhưng khá béo bở”[1,tr.27]. Và ông nhận ra bên nào cũng có cái lý của nó, nhưng ở đây ông chỉ xét trên diện rộng để đưa ra một vấn đề lớn cần suy ngẫm “Rõ ràng trong xã hội Việt Nam đang có hiện tượng tính mạng con người bị coi rẻ. Đây mới là điều thật đáng sợ”( Mạng chó mạng người)[1,tr.28]. Song song với tính mạng bị coi rẻ đó là cánh cửa hé mở cho lối sống vô cảm, tàn nhẫn của người Việt.
Có lẽ từ coi thường mạng sống mà người Việt sẵn sàng “Ung dung nhìn người chết”. Đây cũng chính là tiêu đề một bài viết trong tập Làng quê đang biến mất?của Tạ Duy Anh khi ông bàn về thái độ dửng dưng của người Việt đối với đồng loại của mình. Ông dẫn chứng ra sự việc từng giật tít báo một thời như: “Sự kiện em sinh viên Đinh Thị Phương Thảo tử vong vì bị nước cuốn trôi ngay giữa trung tâm một thành phố hiện đại nhất nước”; “Cách đây dăm bảy năm, một thiếu phụ bị điện giật chết khi vô tình đi sát cột điện tại một khu phố cũ của Hà Nội”; “Vừa mới năm 2012, một cây xà cừ quá nặng phần ngọn, bật gốc đổ trên đường Lò Đúc, đè chết tươi một lái xe taxi”; … [1,tr.36]. Nhưng tất cả những vụ ấy đều có một điểm chung, đó là “Người chết không biết vì sao mình chết, còn người gián tiếp gây ra cái chết đó thì vẫn cứ nhan nhở cười nói, ung dung thanh thản sống những tháng ngày tươi đẹp, không bị cắn rứt mảy may”, “Không ai phải chịu trách nhiệm lương tâm hay hình sự về cái chết đau lòng đó”, “mặc nhiên được coi là một tai nạn thông thường” “thậm chí ngay cả thân nhân của người chết cũng mặc nhiên coi đó chỉ là thiên tai!”(Ung dung nhìn người khác chết)[1,tr.36]. Tất yếu với những sự kiện đó báo chí và dư luận đều quan tâm nhiều ngày nhưng chỉ ở mức quan tâm suông. Từ hiện thực đang diễn ra, Tạ Duy Anh chỉ ra cho bạn đọc thấy được một lối sống tàn bạo ăn sâu trong lòng xã hội Việt: “đó là sự vô cảm tập thể, đi kèm theo nó là thói quen coi rẻ mạng sống của người khác”. “Khi người ta thản nhiên nhìn người khác chết, cũng có nghĩa là cái chết đang ở ngay bên cạnh họ. Khi cả xã hội rơi vào trạng thái vô cảm, cái xã hội đó đang để tương lai phía sau mình và sự rủi ro nằm sẵn ngay trên giường của mỗi phòng ngủ” (Tạ Duy Anh – Ung dung nhìn người khác chết)[1,tr.39].
Ta vẫn biết ngành y xưa giờ là một ngành giàu y đức, là ngành có cái tâm, có sự yêu thương. Nhưng ngày nay, y đức dù được mò tận sâu đáy biển có khi vẫn chưa ra: Vẫn có một số bộ phận những y, bác sĩ tắc trách với cái nghề của mình. Thay vì cứu người, họ vô tình hay cố ý đã đẩy bệnh nhân của mình vào cái chết.Mới đây vụ việc xảy ra kinh hoàng ở thẩm mỹ viện Cát Tường đã làm ta phải suy ngẫm. Ông “bác sĩ hung thần Nguyễn Mạnh Tường không chỉ thực hiện hành vi phi tang hèn hạ”[1,tr.285] mà quan trọng ông đã ném toàn bộ ngành y tế , ném cả lương tâm, trái tim của một vị thầy thuốc xuống sông Hồng. Hay những câu chuyện sơ ý của ngành y tế đang diễn ra hằng ngày cũng rung rợn không kém: “Một điều dưỡng viên làm rơi cả năm đứa trẻ sơ sinh xuống đất từ độ cao hàng mét tại một bệnh viện phụ sản luôn được xếp hạng cao ở Hà Nội. […]; “Một đứa bé sơ sinh chết chỉ vì bị tiêm… nhầm thuốc như trường hợp ở Vinh, Nghệ An”; “Cho đến chuyện ba đứa trẻ chết một lúc, tại một địa điểm sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B, như ở bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị”… (Y đức và chuyện mò kim đáy bể)[1,tr.292]. Có rất nhiều lý do tính chất nghề nghiệp để bào chữa cho những hành động này. Nhưng sâu xa nhất, thiết nghĩ rằng do tính mạng con người đang bị coi thường, chưa thật sự có trách nhiệm với nghề, với hành động của mình. “Những cái chết chỉ có giá trị cung cấp một hiện thực về sự vô tăm tích của kiếp người(Y đức và chuyện mò kim đáy bể)[1,tr.295].Sao lại như thế? Bởi vì trước những trường hợp trên đôi khi lãnh đạo ở gần đó nhưng họ vẫn có lý do vô cùng chính đáng cho sự không thể có mặt tại hiện trường để giải quyết của mình. Đó chẳng phải là một biểu hiện rõ nhất cho lối sống vô cảm, thờ ơ trước cái chết của người khác? Không chỉ lối sống vô cảm , mà trên hết y đức đang từng ngày đánh mất đi bản chất đạo đức của mình.
Lối sống vô cảm, thoái hóa đạo đức còn được biểu hiện ở việc con người dửng dưng với dư luận, với cuộc sống đang diễn ra với rất nhiều vấn đề.Một điều chúng ta có thể thấy “sợ dư luận là một thái độ còn lành mạnh về mặt đạo đức”. “Vì sợ dư luận mà người ta  biết đứng lại trước ranh giới của tội ác. Vì biết sợ dư luận mà người ta điều chỉnh hành vi ngay khi nó mới còn trong dự định, để không bị lên án.Vì biết sợ dư luận mà kẻ mạnh không thể áp đặt những tiêu chuẩn phi lý cho kẻ yếu hơn mình. Tức là dư luận góp vào việc tạo ra công lý, thậm chí tạo ra sự công bằng”(Nhờn dư luận)[1,tr.238]. Nhưng giờ đây dường như việc “sợ dư luận” đã là quá khứ khi mà xã hội sự kiện nóng này chưa ngã mũ đã xuất hiện sự kiện khác, dư luận sự kiện theo thế mà tự đi đến kết thúc. Nhờn dư luận là một “căn bệnh đã hiện hành, có triệu chứng lâm sàng, có biểu hiện bệnh lý rõ ràng và có sức hủy hoại rất khủng khiếp”.Đây cũng chính là một biểu hiện của suy thoái đạo đức mà một khi lòng tin đã mất đi chẳng còn cách nào cứu chữa.
Lối sống vô cảm kéo theo đó là sự thoái hóa đạo đức nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ biến người Việt thành những con người vô nhân tính. Tạ Duy Anh trên cơ sở khách quan đã đưa ra cái nhìn tổng quát cho lối sống này, hơn ai hết qua đó ông vẫn nuôi một hy vọng sẽ thấy người Việt lại cư xử với nhau theo đúng nghĩa “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng” như truyền thống đoàn kết xưa nay của dân tộc Việt Nam. Song song với lối sống vô cảm, người Việt đang dần làm mờ đi những giá trị nhân tính.Ở những bài viết của mình, Tạ Duy Anh đã đưa ra những biểu hiện, thực trạng của thái độ sống thiếu tình người của người Việt.Đặt vào giới trẻ, những con người trẻ bốc đồng, nông cạn với suy nghĩ ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân mình, đã vô tình làm ảnh hưởng đến những người khác. Nhà văn đã dẫn ra hành vi vẫn còn gây chấn động dư luận – kẻ thủ ác Nguyễn Văn Dũng đã nhẫn tâm tạt axit vào người mà anh yêu đơn phương. Hành động này theo nhà văn không thể lý giải là cuồng yêu, bởi lẽ nó có động cơ, có mục đích và có cả suy nghĩ. Và yêu không có khái niệm làm tổn thương người mình yêu như thế, bởi lẽ yêu là dâng hiến, là hy sinh cho người mình yêu, là mong người mình yêu hạnh phúc.Vậy hành động này phải lý giải ra sao? Tạ Duy Anh cho rằng “gốc rễ của vấn đề chính là ở hai chữ suy đồi” hay chính là con người đang đánh mất đi tính người, một con người có lí trí, có suy nghĩ sẽ không hành động như thế, chỉ có con vật hành động theo bản năng mới làm ra hành động dã man đó.  Không riêng gì tình yêu, ở mối quan hệ giữa con người với con người cũng đang vô tình đánh mất đi tính người – thứ làm nên giá trị của một con người.
Một con người đúng nghĩa họ sẽ không có những hành động đối xử tàn bạo với đồng loại của mình. Không chỉ con người, ngay cả động vật chúng còn biết bảo vệ đồng loại kia mà, sao con người có thể làm tổn thương những người chung một bọc với mình kia chứ! Người lớn đối xử với nhau tàn nhẫn có thể lý giải được, những trẻ con, chúng làm gì nên tội mà người lướn đan tâm bạo hành, hành hạ, đánh đạp chúng một cách dã man như thế?“Tại sao càng phát triển về mặt vật chất, thì lại càng có dấu hiệu bệnh hoạn trong thái độ ứng xử? Khi tra tấn, hành hạ một đứa trẻ con, đẩy nó ra đường, biến nó thành phương tiện kiếm tiền, bắt nó phải ăn uống như súc vật, thậm chí giết hại chúng… thì đấy đâu phải là hành vi của con người. Nhưng những kẻ thực hiện điều đó thì rõ ràng cũng không phải là loài vật. Thậm chí đôi ba người trong số đó còn đội trên đầu chiếc mũ trí thức mỹ miều nữa”.(Hội chứng hành hạ trẻ con)[1,tr.258]. Sự biến dạng nhân cách hùa với tội ác đã biến họ thành những con người thú tính, họ có cái lý cho hành động của mình rằng chẳng ai thương họ sao họ phải thương người khác.
Lối sống vô cảm chính là tiền đề của những thói xấu, tội ác, dự suy đồi và cướp đi tính người của người Việt hiện nay. “Từ thói vô cảm tất yếu đẻ ra sự hèn nhát, giả dối, cơ hội, ngụy biện, gian manh, đểu cáng và cuối cùng là tội ác”( Kính thưa các trẻ con), hay “sống trong một xã hội vô cảm nguy hiểm như thế nào? Vì nghĩ rằng không ai xả thân cho mình, bạn cũng sẽ lựa chọn cách hành xử tương tự với người khác, như sự báo thù và sự khôn ngoan […] thì bước ra đường là bạn cũng đồng nghĩa là bạn đang lao vào chốn nguy hiểm, nguy hiểm hơn cả đi một mình trong rừng rậm đối mặt với bóng đêm và thú dữ” ( Kính thưa các trẻ con)[1,tr.223]. Xã hội sẽ trở thành như thế nào khi căn bệnh vô cảm ngày càng ăn sâu vào tiềm thức của người Việt.
Nhưng trong rất nhiều tồn đọng tiêu cực của người Viêt, Tạ Duy Anh đã reo mừng khi ông tìm ra một niềm hy vọng – niềm hy vọng đó được đặt ra bởi trẻ con. Nói theo nhà văn thì “Các trẻ con nhân cách lớn ấy thực sự đã dạy cho lũ người lớn nhân cách bé bài học đơn giản về tinh thần xã thân(Tạ Duy Anh)[1,tr.223]. Ông đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể , đầu tiên là trường hợp Nguyễn Văn Nam (lớp 12T7, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã xã thân lao vào dòng nước lũ để cứu 4 em nhỏ . Nếu lúc đó, em dừng lại và suy nghĩ như người lớn nghĩ rằng em sẽ bị nước cuốn hay không cứu được thì cũng chẳng ai khép em vào tội hèn nhát vì em vẫn là trẻ con.Nhưng em đã không làm như thế. Em đã làm được một việc rất có ý nghĩa và xứng đáng với hai tiếng “anh hùng”. Hay “chắc chắn không người lớn nào trong số chúng ta đủ lòng yêu thương một cách vô tư để có thể ròng rã cõng bạn đến trường suốt 3 năm, 5 năm, 9 năm… như em Nguyễn Thị Định ở thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên; hoặc như em Nguyễn Thị Lân, học sinh lớp 11B8, Trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa và hàng trăm các em khác trên cả nước(Kính thưa các trẻ con)[1,tr.223,224]. Cuộc sống vẫn còn rất nhiều niềm tin được gieo bởi trẻ con, Tạ Duy Anh cảm thấy vui mừng khi ông vào Google gõ cụm từ “cõng bạn đến trường”  đã cho ra 1.400.000 kết quả. Cùng với sự vui mừng ông cảm thấy xấu hổ cho những người lớn.Trong khi bọn trẻ vô tư, sống chân thành thì người lớn lại đối xử tàn nhẫn, cay độc với nhau. Cuối cùng, nhà văn tự khiêm tốn mà nói rằng: “Xin những người lớn đừng sốc nếu đến lúc nào đó, mỗi khi mở miệng trước bọn trẻ, thay vì cao đạo răn dạy, chúng ta phải nói: Kính thưa các trẻ con!”( Kính thưa các trẻ con) [1.tr.225].
Qua Làng quê đang biến mất? Tạ Duy Anh đã một lần nữa cho ta thấy bức tranh hiện thực về con người hiện đại. Con người ấy vẫn còn ẩn chứa quá nhiều điều tiêu cực và đang dần đánh mất đi bản tính người của mình. Nhà văn vẫn thế, vẫn chỉ nêu ra vấn đề còn cái công việc đánh giá ông vẫn nhường lại cho độc giả.Nhưng bất cứ ai cũng nhìn thấy một góc nào đó của chính chúng ta trong đó.Không phải tất cả người Việt ngày nay đều như thế, tất nhiên, chỉ là trên tinh thần ở một số bộ phận người.Nhân đây, Tạ Duy Anh đã đặt ra cho chính chúng ta một dấu hỏi thật lớn rằng “Người Việt phải chăng đang đánh mất đi những đáng quý của mình?”
Làng quê đang biến mất?của Tạ Duy Anh thực sự là một bức tranh thu nhỏ của góc khuất xã hội Việt Nam đương thời. Ở đó ta có thể tìm thấy biết bao loại người, biết bao mảng tối của nhiều ngành nghề.Nhiều ý kiến cho rằng, Tạ Duy Anh có bi quan quá không khi viết toàn những cái xấu của đất nước? Không phải nhà văn bi quan, mà ông chỉ đang cố gắng khơi dậy những thứ mà con người ta đang cố che đậy đi. Phàm khi cái gì càng cố che đậy, không chịu thừa nhận để sửa đổi thì sẽ rất nguy hiểm cho xã hội. Ông chỉ đang làm công việc của một con người có tình yêu với loài người, với cuộc sống, với quê hương đất nước.
Làng quê đang biến mất?còn là một thành công ở phương diện nghệ thuật. Sau cuốn “Ngẫu hứng sáng trưa chiều tối” thì đây là tác phẩm thứ hai Tạ Duy Anh sáng tác ở mảng bình luận xã hội. Ông đã chứng minh cho ta thấy rằng, văn nghị luận không hề nhàm chán như ta vẫn nghĩ, và không phải cứ có nhân vật thì tác phẩm mới trở nên hấp dẫn. Mà giọng điệu, sự chân thành của chính tác giả cũng chính là một trong những yếu tố kéo người đọc lại gần tác phẩm hơn.
Làng quê đang biến mất?còn là một tác phẩm thể hiện được tài năng của Tạ Duy Anh. Ông không chỉ là một người viết truyện ngắn, tiểu thuyết hay mà còn là một người bàn luận về vấn đề xã hội tuyệt vời.Đồng thời tác phẩm khẳng định tài năng của Tạ Duy Anh trên một bình diện mới – bình luận xã hội.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.             Tạ Duy Anh (2014), Làng quê đang biến mất?, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
2.             Tạ Duy Anh (2002), Đi tìm nhân vật, NXB Dân tộc, Hà Nội.
3.             Tạ Duy Anh (2008), Truyện ngắn chọn lọc, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
4.             Tạ Duy Anh (2007), Người khác, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
5.             Phùng Hoàng Anh (06/2014), Báo Đất Việt, Hà Nội.
6.             Quỳnh Anh (10/07/2014), Làng quê đang biến mất - cái nhìn vào góc khuất xã hội, Vnexpress.net.
7.             Lê Tiến Dũng (2005), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
8.             Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét