Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

BỨC CHÂN DUNG TỰ HỌA CỦA NHÀ NHO THỊ DÂN TÚ XƯƠNG TRONG THƠ (Nguyễn Thị Kim Lý – Lớp Cao học Văn học Việt Nam K18, ĐHQN)



Dân gian ta bao đời thường có câu: “trông mặt mà bắt hình dong..” và thường thì người tự họa hay thêm đường nét cho chân dung của mình cho thêm phần sinh động. Với Tú Xương đó là một cậu bé “trán to, mồm rộng, da trắng, mắt dài” và nổi tiếng thông minh.
Trong bài Phú thầy đồ nhà thơ viết rằng:
Trông thầy:
 Con người phong nhã
 Ở chốn thị thành
 Râu rậm bằng chổi
Đầu to tầy giành.


Có thể thấy hình ảnh cái đầu, cái râu tóc của Tú Xương được ông phác thảo ra rất rõ nét, đây là một cái đầu to thật, một bộ râu rậm rạp. Những hình ảnh ấy gợi lên cho người đọc sự hình dung về một con người phong lưu, có cá tính. Râu có thể được coi là một yếu tố trong mảng nhân tướng học, có thể trông râu mà đoán người, ở đây “râu rậm bằng chổi”, đây là hàm râu của đấng nam tử, của một người đàn ông có sức sống và đầy hoài bão, ham muốn. Tú Xương đã miêu tả mình một cách chân thật nhờ biện pháp nói quá.
Nhưng chỉ có “râu rậm bằng chổi/ đầu to tầy giành” thì chưa đủ, cần phải có thêm: Ở phố hàng Nâu có phỗng sành/ Mặt thì lơ láo, mắt thì lanh, cả chân dung lộ ra cho ta mường tượng ra được một kiểu con người không được chững chạc, khiêm tốn cho lắm, một phong cách ngông nghênh, ương ngạnh ở đời.
Bằng những nét chấm phá ngộ nghĩnh gây cười, Trần Tế Xương khi thì hóm hỉnh, khi lại hiện ra với nhiều dáng vẻ khác nhau, có khi lại lên mặt vểnh râu: Chẳng phải quan chẳng phải dân/ Ngơ ngơ ngẩn ngẩn hóa ra đần  (Tự trào).
Là một ngòi bút trào phúng thực thụ và có bản lĩnh, Tú Xương thường không ngại mang chính mình ra mà chế giễu, một loạt những bài thơ tự trào cộng với những bài thơ trữ tình thuần túy gộp cả lại làm nên một mảng thơ riêng, khá đặc sắc.
Có thể nói rằng, Tú Xương là một người thích ăn chơi, hưởng lạc và có hàng loạt thói xấu, nào là mua nợ, mua chịu, mượn tiền, ăn quỵt, mê rượu, mê gái…Nhưng thường thì người ta hay giấu giếm những cái xấu của mình lại, còn Tú Xương thì ngược lại, ông viết lên thơ một cách trắng trợn về những cái xấu của mình.
Tâm lý thường tình, ít ai phơi bày một cách trần trụi tật xấu của mình, như trong bài Tự vịnh:
Vị Xuyên có Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ lại chơi lường!
Một con người có lối sống vui vẻ, thích hưởng thụ, tính tình lại hòa đồng thì chắc hẳn có rất nhiều bạn để rồi có đôi lần ông lại “ăn quỵt”, lừa họ như trong một bài thơ Tú Xương đã viết:
Sự tắc mày rao đã điếc tai,
Tiền thì không có biết vay ai?
Mày ơi bán chịu tao vài bát,
Sáng mai tao trả một thành hai.
Ông có khá nhiều bài tự nhạo về thói ăn chơi ấy, bao nhiêu thứ như trà, rượu, đàn bà..ông lao vào đến nỗi nghiện ngập, vấn đề này được Tú Xương trình bày trong bài Ba thứ lăng nhăng:
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà!
Như vậy, Tú Xương đã khẳng định có thể bỏ rượu bỏ trà nhưng đàn bà là thứ không thể bỏ được, vì thế mà ta cũng dễ hiểu vì sao Tú Xương mê xem hát ả đào, cũng vì thế mà nhà thơ đã chuyên tâm dành thời gian sáng tác khá nhiều những bài thơ nói về thú chơi cô đầu, đam mê sống trong cảnh gái đẹp, rượu ngon:
Năm canh to nhỏ tình dơi chuột
Sáu khắc mơ màng chuyện nước mây
Êm ái cung đàn chen tiếng hát
La đà kẻ tỉnh dắt người say
Người ta vẫn tiếc rằng, phải gì Tú Xương dứt khoát rời bỏ những thói ăn chơi ấy nhưng Tú Xương vẫn cứ nuôi chí thi cử, vẫn chơi bời đây đó, vẫn dằn vặt trong tâm, vẫn hằn học với những cảnh nhố nhăng mà cái thói ăn chơi của ông đưa đẩy ông vào. Vừa cười vừa tiếc cho ông Tú, nhưng ta lại phải khóc cho bà Tú – một người phụ nữ cả một đời tần tảo, gánh trên vai một đôi gánh “chồng – con” quá lớn.
Chắc hẳn có nhiều độc giả cũng như chúng tôi, luôn có một thắc mắc rằng, tại sao một con người có những tình ý cao đẹp như Tú Xương lại mang bên mình bao nhiêu là thói hư tật xấu, ăn chơi trụy lạc đến như vậy, có phải đây là bản chất của Tú Xương hay đó là phản ứng của một cá nhân đứng trước thất bại, đau đớn ?
Có thể chiêm nghiệm rằng, dường như khi người ta đứng trước một thất bại nào đó của bản thân, họ sẽ phản ứng lại bằng cách này hay cách khác, hoặc là chìm đắm trong đau đớn, gặm nhấm những nỗi thất vọng để rồi đi đến sự lụn bại của tinh thần hoặc ngẩng mặt lên mà đối diện, với Tú Xương ông đã tìm đến thơ văn để giãi bày, mua vui, an ủi mình. Nhưng phải chăng, nỗi thất bại trong thi cử quá lớn, sự tác động của một xã hội nửa Tây nửa ta quá mạnh mẽ lên một con người đầy cảm xúc, đầy hoài bão ấy để rồi ông tự cười, tự trào về mình một cách chân thật. Ở Tú xương có lẽ vẫn còn ham sống và yêu đời lắm, nên đã can đảm bộc bạch tất cả cái gì riêng tư của mình mà không sợ ai chê cười hay mỉa mai, nhà thơ ấy đã khách quan hóa chính mình để mà tự cười mình.
3. …và một Tú Xương dạt dào tình cảm
Bên cạnh một Tú Xương lận đận trong con đường thi cử, thích ăn chơi, hưởng lạc và mang bao nhiêu tật xấu là một Tú Xương dạt dào tình cảm, được mọi người yêu quý,  một con người mang đầy hoài bão, yêu quê hương đất nước, có tình yêu với cách mạng, kính trọng các nhà chiến sĩ cách mạng, đặc biệt với Phan Bội Châu, Tú Xương đã bày tỏ một sự hâm mộ và tôn kính sâu xa. Với Trần Tế Xương, dường như tình người dạt dào ở mọi góc độ, mọi khía cạnh trong thơ văn của ông.
 Tâm sự của Tú Xương là tâm sự của một người yêu nước nhưng bất lực trước thời cuộc đành mượn tiếng thơ để giãi bày. Ông có nhiều bài thơ nói lên tâm trạng luôn day dứt, băn khoăn, đau khổ trước cảnh ngộ của quê hương, chẳng hạn trong bài Đêm hè:
Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng chẳng buồn
Ngao ngán tình chung cơn gió thoảng
Nhạt nhẽo quang cảnh bóng trăng suông
Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện
Bút bút nghiêng nghiêng khéo giở tuồng
Đứng trước cảnh đất nước bị rơi vào tay kẻ thù như vậy, mấy ai không ngậm ngùi đau xót, Tú Xương – một con người có quá nhiều trăn trở mà đến nỗi đêm nào cũng buồn cũng thức chỉ để suy nghĩ, day dứt về những gì đang diễn ra, đang dần mất đi, thói lề quê cũ cũng đang dần thay đổi, vì quá yêu quê hương, yêu những cảnh vật của quê, nên Tú Xương tiếc nuối những gì của quá khứ, điều này thể hiện rõ trong bài thơ  Sông Lấp, nhất là đọng lại khắc khoải ở hai câu thư cuối:
Vằng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
Tú Xương giật mình khi nhớ lại tiếng gọi đò ngày xưa trên dòng sông Lấp này đã bị thực dân Pháp lấp lại thành đồng để làm nhà cửa, trồng ngô khoai, đây là một hiện thực có thật xảy ra ở thành phố Nam Định. Nghe tiếng ếch kêu lại nhớ về tiếng gọi đò ngày xưa ấy không thể không khiến nhà thơ tiếc thương da diết, không ngờ một nhà thơ đã từng bật lên những tiếng cười dữ dội, cay độc trước thói đời đen bạc nay lại ngậm ngùi một nỗi đắng cay, một tâm sự sâu kín thấm vào từng câu thơ, dòng thơ như vậy.
Ngoài tấm lòng yêu quê hương đất nước da diết, Tú Xương còn là một con người sống vô cùng tình cảm với gia đình, bạn bè.
Trước hết là với gia đình, ông vừa là người con hiếu thảo, vừa là người chồng yêu thương vợ sâu sắc, người cha thương con cái hết mực. Có lẽ cho tới lúc này, người ta vẫn chưa tìm thấy bóng dáng thân phụ, thân mẫu của Tú Xương trong thơ ông một cách rõ nét nhất, nhưng hình ảnh người vợ của ông thì lại quá rõ ràng, lấy hình ảnh của chính người vợ của mình để làm đề tài sáng tác hình như chỉ có mình Tú Xương mà thôi. Dưới ngòi bút đầy sự yêu thương của chồng, bà Tú hiện lên như một mẫu hình lý tưởng của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, tất cả những đức tính tốt đẹp của bà Tú được hiện lên qua bài thơ Thương vợ của nhà thơ đất Vị Xuyên này:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc !
Có chồng hờ hững cũng như không.
Đằng sau một người chồng dường như “vô tích sự” là một người vợ hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp. Chúng ta có thể không biết chắc Tú Xương tự viết về bản thân ông với hàng loạt thói hư tật xấu này nọ có chính xác hay không hay ông phóng đại sự việc, nói quá lên, nhưng có một điều chúng ta phải tin chắc rằng Tú Xương nói không sai đó là khi ông viết về người vợ của mình, thương vợ, ngay cả nhan đề bài thơ đã nói lên điều đó. Hay như trong bài Văn tế sống vợ: Con gái nhà dòng lấy chồng kẻ chợ/ Tiếng có miếng không, được chăng hay chớ. Vâng đó là xuất thân của vợ ông, nhưng rồi cuộc sống phải chịu khốn khó trăm bề, vì chồng hết hỏng thi rồi lại tung ra bao nhiêu là tật xấu khác nữa như ăn uống sung sướng, mê gái đẹp, mê món hát ả đào..Bao nhiêu câu chữ ấy, Tú Xương dành riêng cho vợ như một sự biết ơn người vợ của mình và ông đã thực hiện trọn đạo làm chồng, sống có tình, có nghĩa với vợ.
Tú Xương cũng rất nặng tình, nặng nghĩa với anh chị em ruột thịt của mình, trong bài Khóc anh rễ và chị khi nghe tin dữ anh rễ và chị ruột mất, ông đã đau xót vô cùng:
Qủa núi Châu Phong bắc cầu
Thương anh về trước, chị về sau
Tên đề bảng phấn ai không tiếc
Tiếng khóc non xanh vượn cũng sầu..
Anh rễ của Tú Xương là người cùng đỗ với ông một khoa, vừa quen biết từ trước, rồi sau thành người anh rễ nên nhà thơ càng quý mến, càng xót xa cho sự ra đi của họ. Rồi em ruột của nhà thơ mất, ông cũng đau đớn không kém
Mệnh sao bạc thế hỡi em ơi !
Hai bốn hai lăm cũng một đời
Bảng hổ vừa treo, cầu thước bắc
Cành hoa đã rụng, phím đàn rơi…
Có thể thấy rằng, trong gia đình, Tú Xương là một người sống vô cùng tình cảm, biết thương yêu những người trong gia đình, tất cả những điêu này đã thể hiện trên trang thơ của ông một cách nồng đượm.
Không chỉ là một người chan chứa tình cảm với gia đình mà còn là người sống đầy tình cảm với bạn bè. Khi ông Phạm Tuấn Phú mất, một trong những nhà nho tâm huyết, bạn cùng cảnh ngộ với Tú Xương, ông đã làm những câu thơ viếng bạn hết sức lâm ly:
Cửa trời như nước như mây,
Lũ ta như dại, như ngây, như khờ
Đi đâu một bước một chờ
Vắng nhau một khắc một giờ khôn khuây.
Như vậy, có thể thấy ở con người Tú Xương chứa đựng một thứ tình cảm mang đậm tình người, tình người của Tú Xương biểu hiện ở mọi khía cạnh.
Một điều mới lạ trong văn chương Tú Xương là đem tung lên giấy một cái tôi trắng trợn, các nhà thơ đi trước cũng đã dùng văn chương để nói lên cái tôi của họ nhưng có lẽ chưa có ai táo bạo như Tú Xương cả.
Khác với Nguyễn Khuyễn và nhiều nhà thơ khác, ta thấy Trần Tế Xương không có giọng thâm trầm, kín đáo mà ông luôn thẳng thắn. Ông trực tiếp cười một cách hả hê, khi thì phủ định, lúc lại ngông ngạo. Bằng những nét chấm phá ngộ nghĩnh gây cười, Trần Tế Xương khi thì hóm hỉnh, khi lại hiện ra với những: đầu to, râu rậm, mắt tháo láo, mặt thì xanh; có lúc trông ngẩn ngơ, có khi lại vênh râu…Những thói hư tật xấu của mình, Tú Xương đã phơi bày hết mà không cần che đậy, ông đã ngông nghênh, ngang nhiên phơi bày cái xấu, cái thói trác lạc uyên bác của mình cho thiên hạ thấy. Có lẽ cả trước lẫn sau Trần Tế Xương chưa có một nhà thơ nào tự phác họa chân dung của mình một cách có duyên, khách quan và nhiều góc cạnh đến vậy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Đình Chú (1988), Thơ văn Trần Tế Xương, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Thanh Ngọc (2007), Đặc điểm thơ tự trào Tú Xương (Luận văn Thạc sỹ Ngữ văn), Đại học Quy Nhơn.
[3] Đoàn Hồng Nguyên (2010), Tú Xương toàn tập, Nxb Văn học ấn hành.
[4]Lữ Huy Nguyên (1996), Tú Xương – Thơ và đời, Nxb Văn học.
[5] Trần Lê Văn (2000), Tú Xương "khi cười, khi khóc, khi than thở", Nxb Lao động.
[6] Nguyễn Thị Thắm, Bức châ dung tự họa Trần Tế Xương, http://nguyenthitham17081989.blogspot.com/2012/05/buc-chan-dung-tu-hoa-tran-te-xuong.html
[7] Đặc điểm trong các sáng tác của Trần Tế Xương, http://www.elib.vn/dac-diem-trong-cac-sang-tac-cua-tran-te-xuong441444.html



0 nhận xét:

Đăng nhận xét