Đến với “Tràng Giang” của Huy Cận ta nhận thấy một
không gian thật mênh mông. Nhưng kỳ thực nói mênh mông cũng chưa thể đủ. Sự bao
la rợn ngợp của không gian là thước đo cho nỗi buồn của lòng người và nỗi buồn
của lòng người lại lan tỏa trong không gian. Độ rộng dài, mênh mông như được
kéo ra mãi mãi không biết đâu là điểm dừng với trời cao xanh mênh mông có “chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”; nước
ở dưới với “sóng gợn tràng giang”. Vì
thế ta thấy trong “Tràng giang” bến bờ
không còn là điểm đến, điểm dừng, không còn là nơi con người mưu sinh. Ở đây nó
chỉ là nơi tác giả đứng để cảm nhận không gian rợn ngợp trước mắt.
Không gian đầu
tiên đó là từ nhan đề của tác phẩm, “Tràng
giang” vừa thể hiện là một dòng sông dài, vừa là một dòng sông rộng. Bởi “Tràng giang” cũng có nghĩa là “trường giang”, nhưng “tràng giang” lại có điệp âm “ang” tạo nên sự mênh mang rộng lớn và
dòng sông ấy như cổ thi chảy về từ thời Đường thi vậy. Một không gian bao la rợn
ngợp cổ kính đã bắt đầu ngay từ nhan đề.
Tiếp
theo, đến câu đề từ của tác phẩm. Câu đề từ thường thể hiện chủ đề xuyên suốt
tác phẩm và cảm xúc của chủ thể trữ tình. “Bâng
khuâng trời rộng nhớ sông dài”. “Trời
rộng” là một không gian, “sông dài”
cũng là một không gian. Nhưng không gian chính của những không gian ấy là nỗi
buồn. “Bâng khuâng” và “nhớ” là hai trạng thái thể hiện nỗi buồn
của con người. Lấy hình ảnh “trời rộng nhớ
sông dài” để thấy nỗi buồn của tác giả hòa vào cảnh vật. Nỗi buồn ấy trở
thành một không gian nghệ thuật để bộc lộ cách cảm của thi nhân.
Những
khổ thơ tiếp theo trong tác phẩm như nhấn mạnh hơn nỗi buồn ấy. Mỗi khổ là một
cung bậc và được sắp xếp tăng tiến như mô phỏng nỗi buồn tràn ngập không gian: từ
trời cao xanh bao la đến cánh chim bé nhỏ; từ dòng sông mênh mông đến “con thuyền xuôi mái”, cành củi khô giữa
dòng; từ chỗ tác giả đứng cho đến bờ xanh, bãi vàng…
Ở khổ thơ đầu
tiên, nỗi buồn của người thi sỹ hóa vào từng con sóng vỗ bờ.
Sóng gợn tràng
giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi
mái, nước song song
Thuyền về nước lại,
sầu trăm ngả
Củi một cành khô
lạc mấy dòng.
“Buồn điệp điệp” là sự lặp lại một cách
liên tục. Sóng vỗ bờ là bản tình ca muôn thủa, ở đây nó lại như diễn tả những cơn “sóng lòng” mà chính thức là nỗi buồn cứ trào dâng. Không có một điểm
tựa, điểm dừng nào cho nỗi buồn ấy. Phải chăng đó là con thuyền đang xuôi mái?
Hay là củi một cành khô lạc giữa dòng? Không. Những hình ảnh này lại như trĩu
buồn hơn nữa vậy. Thuyền chỉ “xuôi mái”
mặc nước sông xô đẩy, củi bé nhỏ dập dềnh trong nước biết đi đâu về đâu. Trong
khi đó thuyền và nước luôn là hai hình ảnh song hành trong thi ca, thế mà đến
đây thì “thuyền về” và “nước lại” gợi lên sự chia lìa. Người đọc
lại cảm nhận không chỉ là sự chia lìa của cảnh vật mà còn là sự chia là của
lòng người. Cứa như là:
Anh đi đường anh, tôi đường
tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế
thôi.
(Giây phút chạnh lòng – Thế Lữ)
Dòng sông thì vô
tận. Phải chăng, từ điểm nhìn của tác giả, từ cái nhìn về dòng sông ấy mà thấy
kiếp người bé nhỏ, vô định! Đó chính là cái không gian mà nỗi buồn ngự trị. Để
từ dó nó tiếp tục lan tỏa, đi sâu, tăng tiến ở những khổ sau.
Đến
với khổ thơ thứ hai, người đọc tưởng chừng như nỗi buồn được giảm lại, ấy là
hình ảnh của “cồn nhỏ”, “làng xa”, “chợ chiều”, “bến” xuất hiện:
Lơ thơ cồn nhỏ
gió đìu hiu
Đâu tiếng làng
xa vẫn chợ chiều
Nắng xuống trời
lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng
bến cô liêu.
Với nghệ thuật đòn bẩy, nói có để tả
không, người đọc đã bị “đánh lừa”, bởi
nỗi buồn vẫn là “bà Chúa” ngự trị
trong khổ thơ này. Cồn thì có, là phần bãi cất ở giữa sông, nhưng cồn lại “nhỏ”, trên cồn chỉ có gió “đìu hiu”, và cành lá lơ thơ phất phơ
theo chiều gió. Từ láy “đìu hiu” đã
thể hiện nỗi buồn ấy nơi cồn nhỏ. Đó là nỗi buồn từ lòng người lan tỏa vào cảnh
vật hay là của tự thân cảnh vật? Trong “Truyện
Kiều” Nguyễn Du có viết: “Người buồn
cảnh có vui đâu bao giờ”, câu thơ này đã khẳng định tâm trạng của Huy Cận
khi đứng trước cảnh sông nước mênh mông với hình ảnh “cồn nhỏ”. Còn “làng xa”, “chợ
chiều” thì sao? Đó chỉ là hình ảnh làm chỗ đứng cho từ “tiếng” phía trước câu. Thế mà, đầu câu lại
là một từ để hỏi “đâu”, như thế người
đọc cảm nhận âm thanh của tiếng chợ chiều của làng xa như có đâu đây trong
không gian, hay là “đâu có”? Trong
không gian mênh mông vắng lặng tác giả như cố đi tìm âm thanh dù chỉ là của
làng xa của chợ chiều đã vãn nhưng vẫn vô âm. Lại một lần nữa không gian nghệ
thuật của tâm trạng của lòng người của nỗi buồn được nhấn mạnh và nó lan tỏa khắp
không gian “tràng giang” vậy. Sự lan
tỏa của nó ra sao? Huy Cận mở rộng ở hai câu sau của khổ thơ thứ hai:
Nắng xuống trời
lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng
bến cô liêu.
Nắng
càng chiếu xuống thì bầu trời càng lên cao. Sông dài trời rộng là điều đương
nhiên, là sự tiếp nối của những câu thơ trước. Không gian đến đây được mở rộng
đa chiều, vừa có chiều ngang, vừa có chiều dọc. Nắng càng lên cao, thì mặt sông
trở thành tấm gương phản chiếu, bầu trời được phản chiếu dưới sông trở thành “sâu chót
vót”. Sự cô đơn cô độc của đời người được nhấn mạnh. Giữa cái bao la chỉ có
con người lẻ loi ngắm thiên nhiên, nhìn lại cõi lòng mình, đi tìm nguồn gốc của
nỗi buồn. Không gian ngay chỗ tác
giả đứng giờ trở thành “bến cô liêu”.
Từ nỗi buồn, nỗi sầu ở khổ một, đến khổ hai trở thành “cô liêu”. Không gian càng thấm đẫm nỗi buồn. Càng đi tìm kiếm một
cái gì dù là bé nhỏ cho mình nhưng càng tìm càng không thấy. Trở lại với lòng
mình vẫn mãi là nỗi buồn, nỗi sầu thăm thẳm.
Đến
khổ thơ thứ ba của tác phẩm, dòng chảy của cảm xúc lại tiếp tục, không gian nghệ
thuật mở ra một chiều mới:
Bèo dạt về đâu
hàng nối hàng
Mênh mông không
một chuyến đò ngang
Không cầu gợn
chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh
tiếp bãi vàng.
Trở lại với dòng
sông, vẫn không gian ấy, cảm xúc ấy của tác giả nhưng hình ảnh thơ đã đổi khác.
Trên dòng sông giờ lại là từng hàng bèo nối tiếp nhau. Cũng là sự trôi nổi, ở
khổ một chỉ có “củi một cành khô” gợi
lên một kiếp người vô định, đến đây lại bèo từng hàng nối tiếp gợi lên hình ảnh
của cả một thế hệ đó là tuổi trẻ, là thanh niên trước cách mạng, dường như họ
chưa định hướng được đường đi, tương lai của mình. Sự ảnh hưởng của lịch sử, thời
đại đối với không gian nghệ thuật trong tác phẩm đã được bộc lộ rõ. Vẫn trong nỗi
buồn, trong sự cô đơn vắng lặng, tác giả lại đi tìm kiếm một cái gì dù là nhỏ
nhoi để vơi bớt nỗi buồn nhưng không có. Sử dụng nghệ thuật đối lập nói “không” để tả “có”. Cụ thể đó là “không cầu”,
“không đò” để “nối những bờ vui”; “có”
là có nỗi buồn giăng mắc trong lòng không thể nào gỡ nổi. Trả lại cho không
gian vẫn chỉ là những bờ xanh bãi vàng lặng lẽ. Mô - típ của không gian nghệ
thuật đến khổ thơ này vẫn không có gì thay đổi. Người đọc nhận thấy nỗi buồn của
tác giả lại càng thấm thía, nó như quặn thắt cả nỗi lòng. Một mình tác giả như
chới với giữa không gian ấy, chới với giữa niềm hiu quạnh lê thê của bờ bãi
vùng sông nước sông Hồng. Không gian thực đã trở thành không gian nghệ thuật
trong thơ qua xúc động, qua cảm giác, qua lăng kính của chủ thể trữ tình.
Nỗi buỗn vẫn
chưa dừng lại bởi ta chưa hiểu được nguyên nhân, lí do của nó. Tác giả đã “lí giải” nó qua khổ thơ thứ tư:
Lớp lớp mây cao
đùn núi bạc
Chim nghiêng
cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn
vời con nước
Không khói hoàng
hôn cũng nhớ nhà.
Lại một lần nữa
sự cao rộng, mênh mang của không gian được tác giả miêu tả. Nhưng đến đây là
không gian cao xanh kì vĩ của bầu trời. Từng đám mây trên trời cao đùn lại như
thành từng núi bạc. Chao ôi! Trời đã cao và rộng, trên cái cao rộng ấy lại có
cái cao rộng hơn nữa. Mũi tên của không gian như đi tới vô cùng. Giữa vô cùng ấy
lại xuất hiện cánh chim bé nhỏ trong điệu bay nghiêng. Hình ảnh cánh chim là một
chi tiết nghệ thuật diễn tả được nhiều điều. Thứ nhất, đó là nghệ thuật đối lập
để nhấn mạnh không gian rộng lớn; thứ hai, nó là hình ảnh phản chiếu sự bé nhỏ
của tác giả giữa mênh mông trời nước. Đằng sau sự bé nhỏ là sự cô độc của nỗi
lòng. Khi cánh chim nghiêng, cả trời chiều sa xuống, không gian như ngưng đọng
để chiếu sáng một nỗi lòng ấy là “lòng
quê”. Đó chính là nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương của một đứa con xa xứ. Nếu
ta đem so sánh với Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu ta mới thấy cái điểm sáng trong
lòng Huy Cận.
Nhật mộ hương
quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng
sử nhân sầu
(Quê hương khuất
bóng hoàng hôn
Trên sông khói
sóng cho buồn lòng ai)
Nếu Thôi Hiệu phải
có “chất xúc tác” là khói sóng trên
sông mới “nhớ nhà” thì Huy Cận nỗi nhớ
nhà luôn thường trực. Đây chính là lí do mở ra những không gian nghê thuật
trong “Tràng giang”. Từ nỗi buồn, nỗi
nhớ nhà, người đọc thấy được tình yêu quê hương đất nước ẩn giấu sâu đằng sau
con chữ. Khép lại hai câu thơ cuối là hai chữ “nước”, “nhà”.
Có thể nói điểm
nhìn khác nhau, tâm tư khác nhau tạo nên mỗi tâm trạng khác nhau trong từng tác
giả, tác phẩm. Ở “Tràng giang” điểm
nhìn của nhân vật trữ tình là từ bến Chèm (sông Hồng) nhìn ra sông nước mênh
mông trước mặt có cảm giác bơ vơ, cô đơn, trơ trọi. Tất cả đã trở thành cấu tứ
độc đáo của thi phẩm.
Không gian nghệ
thuật của “Tràng giang” là không gian
của nỗi lòng của tâm trạng của tình yêu quê hương đất nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét